Khơi thông tối đa nguồn lực cho doanh nghiệp nhà nước
Doanh nghiệp nhà nước được trao quyền nhiều hơn, khơi thông tối đa các nguồn lực cho mục tiêu tăng trưởng 8% của năm.
Bộ Tài chính đang xây dựng 3 dự thảo Nghị định của Chính phủ về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; về cơ chế giám sát kiểm tra và về cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Đây là các dự thảo Nghị định nhằm thực thi Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Luật số 68/2025/QH15) vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9.
Theo dự kiến ban đầu, Luật số 68 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026. Tuy nhiên, với tinh thần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông tối đa các nguồn lực hiện có của doanh nghiệp nhà nước phục vụ mục tiêu phát triển 8% trong năm 2025, tạo đà tăng trưởng hai con số trong các năm tiếp theo, Chính phủ đã thống nhất và chỉ đạo Bộ Tài chính trình Quốc hội đẩy sớm hiệu lực thi hành của Luật từ ngày 01/8/2025.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn, các chính sách của Luật được xây dựng trên tinh thần, cách thức tiếp cận mới, rõ ràng và trao quyền nhiều hơn cho doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, phân công rõ, phân cấp mạnh trong việc quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; đồng thời, tăng tính chủ động trong các quyết định đầu tư của doanh nghiệp; tách bạch, phân định chức năng quản lý nhà nước với chức năng của chủ sở hữu vốn và doanh nghiệp, giảm bớt sự can thiệp trực tiếp của cơ quan đại diện chủ sở hữu.
Đi liền với đó là tăng cường phân công, phân cấp gắn với kiểm tra giám sát nhằm nâng cao tính tự chủ tự, tự chịu trách nhiệm. Đặc biệt, xác định rõ Nhà nước với vai trò là một nhà đầu tư để thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ đối với phần vốn góp trong doanh nghiệp bình đẳng với các nhà đầu tư khác. Việc quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thực hiện thông qua người đại diện chủ sở hữu trực tiếp hoặc người đại diện phần vốn nhà nước.
Tại dự thảo Nghị định về cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, những tồn tại, hạn chế, điểm nghẽn thời gian vừa qua được xem xét khắc phục. Cụ thể, sửa đổi, bổ sung một số nội dung về phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa; yêu cầu các doanh nghiệp cổ phần hóa phải thực hiện đăng ký giao dịch trên sở giao dịch chứng khoán để phù hợp với quy định về quản lý, sử dụng tài sản công, quy định của Luật chứng khoán…
Ngoài ra, dự thảo Nghị định cơ bản kế thừa các quy định hiện hành về một số vấn đề liên quan đến chuyển đổi doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty TNHH hai thành viên trở lên, về chuyển nhượng vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty TNHH hai thành viên trở lên… Đồng thời, bổ sung quy định về chuyển giao dự án đầu tư, vốn, tài sản giữa các doanh nghiệp; chuyển giao quyền mua cổ phần, quyền ưu tiên mua cổ phần, quyền mua phần vốn góp để làm cơ sở thực hiện.
Đối với quy định về giám sát, kiểm tra, đánh giá, xếp loại doanh nghiệp, dự thảo Nghị định có nhiều quy định mới như việc giám sát, kiểm tra được thực hiện theo 3 cấp: Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu và giám sát nội bộ của doanh nghiệp.
Lãnh đạo Bộ Tài chính kỳ vọng những nội dung đổi mới của các quy định pháp luật sẽ góp phần khơi thông các nguồn lực hiện có trong doanh nghiệp có vốn nhà nước, tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ cho hoạt động của doanh nghiệp nhà nước để khu vực này xứng đáng là một lực lượng vật chất quan trọng, tiếp tục dẫn dắt và tạo động lực phát triển.
Năm 2024, tổng tài sản của 671 doanh nghiệp nhà nước đạt trên 5,6 triệu tỷ đồng, tăng 45% so với năm trước. Trong đó có 473 doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% và 198 doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ trên 50%.
Các doanh nghiệp này có tổng doanh thu đạt gần 3,3 triệu tỷ đồng, tăng 24%. Lợi nhuận trước thuế gần 227.500 tỷ đồng, tăng 8%; nộp ngân sách gần 400.000 tỷ đồng, tăng 9%.