Doanh nghiệp

Thị trường trà và cà phê: Sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng

Quân Bảo 10/07/2025 00:34

Thậm chí tại Việt Nam, quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, trà cũng đang chiếm phần thắng.

Dữ liệu bản đồ tiêu thụ đồ uống theo từng quốc gia do The World in Maps công bố cho thấy nhóm nước có mức tiêu thụ trà cao hơn cà phê (tính theo số cốc/năm) đang nhiều hơn. Đặc biệt tại khu vực Châu Á, Châu Phi và một phần Nam Mỹ, trà luôn là đồ uống được yêu thích hơn cà phê.

Tại Việt Nam, bất chấp sản lượng xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới và những món cà phê đặc trưng, trà vẫn là thức uống được tiêu thụ cao hơn. Thực tế này phản ánh một đặc điểm văn hóa tiêu dùng sâu sắc tại Việt Nam: trà không chỉ hiện diện trong các mô hình dịch vụ hiện đại, mà còn đi sâu vào đời sống sinh hoạt thường ngày. Đó có thể là ly trà đá vỉa hè, những ly “trà chờ” trong các quán cà phê, cho đến những món trà, trà sữa trong các tiệm từ bình dân đến cao cấp. Trà trở thành một phần không thể tách rời trong văn hóa tiêu dùng đại chúng.

Xu hướng tiêu thụ trà tại Việt Nam được tiếp thêm sức mạnh từ làn sóng trà đậm vị và trà đặc sản. Rất nhiều thương hiệu Việt đã làm mưa làm gió với thị trường này.

Ví dụ điển hình chính là Phê La. Thương hiệu này xuất hiện lần đầu tiên tại Hà Nội tháng 3/2021. Khởi đầu với hình thức mua mang đi, thế nhưng chuỗi nhanh chóng phát triển và đã có 31 cửa hàng trên nhiều tỉnh thành lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đà Lạt, v.v.. Hiện nay, Phê La đang đi theo phân khúc cao cấp, mỗi ly đồ uống giá từ 45.000đ. Năm 2023, doanh thu thuần của họ đạt 300 tỷ đồng, bỏ xa những tên tuổi quốc tế từng làm mưa làm gió ở Việt Nam như Gong Cha hay Ding Tea.

Phúc Long cũng là một thương hiệu trà sữa Việt Nam nổi tiếng. Thương hiệu Phúc Long ra đời năm 1968 tại Bảo Lộc và cung cấp nhiều sản phẩm trà nguyên liệu nổi tiếng. Năm 2012, Phúc Long mở cửa hàng trà cà phê đầu tiên tại quận 7 (TP.HCM). Tính đến nay, chuỗi Phúc Long có hơn 180 cửa hàng trên toàn quốc, nổi bật là các cửa hàng flagship tại các tỉnh thành lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Một thương hiệu khác cũng khá nổi bật trong thị trường trà đậm vị là LaSiMi. Nếu Phê La đánh vào phân khúc cao cấp, thì LaSiMi chọn phân khúc bình dân hơn, mỗi ly giá từ 35.000đ đến 45.000đ. Hương vị trà của LaSiMi cũng rất được nhiều đối tượng khách hàng ưa chuộng. Đến nay chỉ sau 2 năm ra mắt thị trường, LaSiMi đã sở hữu hàng chục cửa hàng tại 10 tỉnh thành lớn của Việt Nam.

Gần đây hơn thì có La Boong. Ra mắt từ tháng 7/2023, La Boong có tốc độ mở rộng rất mạnh, với hơn 100 cửa hàng tại 10 tỉnh thành trên toàn quốc. Họ đi theo hướng “bình dân hóa dòng trà ô long cao cấp”, nắm bắt xu thế chuộng trà thơm nhẹ, thoảng hương trái cây của giới trẻ. Thực đơn của La Boong dao động từ 20.000đ đến 42.000đ.

Ngoài các thương hiệu Việt Nam, các tay chơi ngoại quốc cũng chiếm được cảm tình của nhiều người dùng Việt Nam, chẳng hạn Ding Tea, Gong Cha, Koi The, v.v.. Và gần đây nhất là tin tức Chagee, thương hiệu lớn đến từ Trung Quốc với hơn 4.500 cửa hàng trên toàn cầu, cũng đang có dấu hiệu gia nhập thị trường Việt Nam. Hoặc Mixue, một thương hiệu trà giá rẻ từ Trung Quốc, cũng đã cán mốc 1.000 cửa hàng tại Việt Nam chỉ sau chưa đầy 5 năm ra mắt.

Làn sóng yêu thích trà cũng là một trong những lý do khiến các chuỗi cà phê buộc phải thay đổi chiến lược, thêm các món trà vào thực đơn của mình.

f.jpg
Trà vẫn là thức uống được tiêu thụ cao hơn

Ở Trung Quốc, Luckin Coffee, chuỗi cà phê lớn nhất nước này, đã phải tung ra các sản phẩm trà như trà hoa nhài, trà sữa để bắt kịp xu hướng. Chiến dịch “Morning Coffee and Afternoon Tea” của họ nhằm vào đúng thói quen tiêu dùng mới: cà phê buổi sáng - trà buổi chiều. Phản ứng tích cực từ khách hàng giúp trà nhanh chóng trở thành nguồn doanh thu đáng kể cho Luckin, với hơn 11 triệu ly được bán ra chỉ trong tuần đầu ra mắt.

Những xu hướng này và sự phát triển của các thương hiệu trà đã chứng minh được rằng trà không chỉ là thức uống truyền thống, mà còn đang vươn lên mạnh mẽ để định hình lại thói quen tiêu dùng hiện đại tại Việt Nam. Từ những ly trà đậm vị mang bản sắc vùng miền, đến sự góp mặt của các thương hiệu quốc tế đầy tham vọng, thị trường trà đang bước vào giai đoạn phát triển sôi động chưa từng có.

Quân Bảo