24h

Phơi lộ "tử huyệt" quản lý từ miếng thịt lợn bệnh

Nguyễn Giang 10/07/2025 11:05

Hàng tấn thịt lợn nhiễm bệnh bị tuồn vào chợ suốt 2 năm mới bị triệt phá. Một đường dây phạm pháp và cả một lỗ hổng hậu kiểm đang bị phơi bày.

Không giám sát đầu ra, thịt bệnh lọt qua mọi tầng "lọc"

Cuối tháng 6/2025, Công an TP Hà Nội triệt phá đường dây giết mổ, tiêu thụ thịt lợn nhiễm bệnh hoạt động từ năm 2023. Năm đối tượng bị khởi tố, hơn 7 tấn thịt lợn bệnh bị thu giữ, chưa kể số đã trôi nổi ngoài thị trường. Hành vi phạm tội diễn ra công khai, kéo dài, có tổ chức, nhưng phải đến hai năm sau mới bị phát hiện.

Điều đó khiến dư luận đặt ra một câu hỏi lớn: quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm ở đâu trong suốt quãng thời gian đó?

phoi-lo-tu-huyet-quan-ly-tu-mieng-thit-lon-benh-1.jpg
Heo bệnh được thu mua và giết mổ vào ban đêm . Ảnh: Công an cung cấp

Theo điều tra ban đầu, nhóm đối tượng thu mua lợn bệnh từ các địa phương như Ba Vì, Sơn Tây (Hà Nội), Vĩnh Phúc, Phú Thọ… sau đó đưa về giết mổ tại một cơ sở ở ngoại thành. Công đoạn giết mổ được tổ chức vào ban đêm, lặng lẽ chuyển thịt bằng xe tải nhỏ vào chợ đầu mối và nhà hàng.

Đáng lo ngại là thịt lợn nhiễm bệnh đã vượt qua được mọi tầng “lọc” quản lý, từ khâu kiểm dịch, vận chuyển, đến bày bán mà không bị phát hiện. Có dấu hiệu nhóm này đã sử dụng giấy kiểm dịch của lô hàng khác, hoặc hợp thức hóa hồ sơ để đánh lừa lực lượng chức năng.

Nhiều ý kiến cho rằng, với quy mô như vậy, nếu không có sự buông lỏng hoặc tiếp tay từ một số cá nhân ở cơ sở, rất khó để thịt bệnh có thể trôi nổi công khai suốt hai năm.

Vụ việc tại Hà Nội không phải là trường hợp cá biệt. Tình trạng giết mổ, tiêu thụ thịt bẩn, không rõ nguồn gốc vẫn tái diễn ở nhiều địa phương. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ hệ thống giám sát thiếu chặt chẽ, công nghệ lạc hậu và tư duy “tiền kiểm hình thức – hậu kiểm mờ nhạt”.

Giới chuyên gia khuyến nghị cần triển khai truy xuất nguồn gốc bắt buộc bằng công nghệ số. Mỗi lô thịt đưa ra thị trường phải kèm mã QR truy xuất từ nơi chăn nuôi, qua lò mổ, đến điểm bán lẻ. Việc quản lý bằng giấy tờ thủ công, thiếu liên thông giữa cơ quan thú y, quản lý thị trường, công an là nguyên nhân khiến thịt bẩn có đất sống.

Cần phải nói thêm rằng, TPHCM từng thí điểm mô hình “chợ 3 không”: không lò mổ chui, không thực phẩm không rõ nguồn gốc, không kiểm dịch giả, và thực tế cho thấy khá hiệu quả. Singapore và nhiều nước phát triển đã coi an toàn thực phẩm là một phần của an ninh quốc gia, xử lý nghiêm không chỉ thương nhân vi phạm mà cả cán bộ công vụ buông lỏng trách nhiệm.

Muốn chặn thịt bẩn, phải kiểm từ gốc đến bàn ăn

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La nhận định: “Vụ án giết mổ và tiêu thụ thịt lợn bệnh không chỉ là vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Với quy mô lớn, kéo dài và có dấu hiệu tổ chức, che giấu tinh vi, đây rõ ràng là một chuỗi hành vi phạm tội có tổ chức và cần được điều tra mở rộng”.

phoi-lo-tu-huyet-quan-ly-tu-mieng-thit-lon-benh-2.jpg
Lực lượng chức năng kiểm tra tại một chợ. Ảnh: Công an cung cấp

Luật sư Biên phân tích: các đối tượng bị khởi tố theo Điều 317 Bộ luật Hình sự là phù hợp, nhưng khung hình phạt tối đa 5 năm tù là chưa đủ sức răn đe nếu không làm rõ thiệt hại cụ thể về sức khỏe, kinh tế cho người tiêu dùng.

Theo luật sư Biên, cơ quan tố tụng hoàn toàn có thể xem xét khởi tố thêm các tội danh khác, nếu phát hiện hành vi hợp thức hóa kiểm dịch, sử dụng hồ sơ giả, hoặc bán thực phẩm bằng thủ đoạn gian dối: “Đây có thể là Tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, hoặc Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nếu xác định có yếu tố gian dối cấu thành”, vị luật sư nói.

Đặc biệt, ông nhấn mạnh cần mở rộng điều tra trách nhiệm cán bộ tiếp tay. “Nếu có cán bộ thú y hoặc quản lý thị trường cố tình làm ngơ, hoặc xác nhận kiểm dịch sai quy trình, cần xem xét khởi tố về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 360) hoặc lợi dụng chức vụ quyền hạn gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 356)”.

Luật sư Biên cũng đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi Điều 317 BLHS, bổ sung tình tiết định khung tăng nặng như: hành vi có tổ chức, kéo dài, diễn ra liên tỉnh, gây thiệt hại nghiêm trọng về sức khỏe cộng đồng.

“Pháp luật không thể mềm yếu trước những hành vi kiếm tiền trên sự suy kiệt của người tiêu dùng. Đây không đơn thuần là vấn đề đạo đức thương nhân, mà là bài toán thể chế giám sát, hiệu lực trừng phạt và truy cứu trách nhiệm công vụ”, ông Biên nhấn mạnh.

Suy cho cùng, vụ án vừa qua đã khép lại một đường dây tội phạm, nhưng lại phơi bày một tử huyệt thể chế đầy nhức nhối. Hàng tấn thịt bệnh đã “lọt lưới” cơ quan chức năng, và không ai dám chắc bao nhiêu mâm cơm đã bị đầu độc thầm lặng.

Nếu chỉ dừng ở xử lý các cá nhân trực tiếp phạm tội, mà không sửa đổi cách quản lý, không đặt lại vai trò hậu kiểm, thì chuyện thịt bẩn tràn lan sẽ tiếp tục lặp lại. Chỉ khi hậu kiểm có thực quyền, thịt bẩn mới không còn cửa lọt vào mâm cơm người Việt.

Nguyễn Giang