Du lịch

Du lịch Việt cần “bắt mạch” lại để phát triển đúng hướng

Minh Châu 10/07/2025 15:29

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng du lịch cần bước vào giai đoạn tái thiết, trong đó chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và cải cách thể chế là 3 trụ cột quan trọng để ngành phát triển bền vững.

Ngành Du lịch Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới, với nhiều cơ hội song hành cùng không ít thách thức. Trong bối cảnh đó, phát biểu của ông Vũ Thế Bình – Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Du lịch 6 tháng cuối năm 2025 đã đưa ra nhiều gợi mở, định hướng thiết thực nhằm đảm bảo sự phục hồi hiệu quả và phát triển lâu dài cho toàn ngành.

Trụ cột mới cho du lịch

Theo ông Bình, sau đại dịch COVID-19, cấu trúc và cách vận hành của ngành du lịch đã thay đổi rõ rệt. Những yêu cầu về chất lượng điểm đến, chuẩn mực dịch vụ, an toàn thực phẩm, trải nghiệm bền vững và ứng dụng công nghệ ngày càng trở nên quan trọng. Trong bối cảnh Đảng và Chính phủ xác định chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là hai mục tiêu phát triển xuyên suốt, ngành du lịch cần xem đây là trụ cột để tái cấu trúc toàn diện.

Về chuyển đổi xanh, ông Bình cho rằng đây không đơn thuần là vấn đề môi trường, mà còn là yêu cầu để nâng tầm chất lượng ngành, nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến Việt Nam. Những vấn đề cụ thể như rác thải nhựa, vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý tài nguyên du lịch, vận hành bền vững các khu du lịch, tất cả đều cần được đặt trong tổng thể chiến lược chuyển đổi xanh. Chỉ khi môi trường được đảm bảo, không gian du lịch thân thiện và dịch vụ đạt chuẩn, Việt Nam mới có thể đón được dòng khách quốc tế có yêu cầu cao, chi tiêu lớn và lưu trú dài ngày.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số cũng được ông Bình xác định là yếu tố sống còn trong thời kỳ hiện đại hóa ngành. Theo ông, chuyển đổi số không chỉ là việc cập nhật công nghệ, mà phải gắn với các hệ thống quản lý thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), sử dụng dữ liệu lớn (big data), tối ưu hóa quy trình vận hành và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần nhận thức rõ vai trò then chốt của công nghệ, đầu tư có chiến lược vào nền tảng số để không bị bỏ lại phía sau trong cạnh tranh toàn cầu. Ông nhấn mạnh, chuyển đổi số không phải là xu hướng, mà là điều kiện để tồn tại và phát triển.

Một nội dung quan trọng khác được ông Bình chỉ ra là hiệu quả thực chất của tăng trưởng du lịch. Ông cho rằng cần có một đề án độc lập, rà soát và tính toán lại mức độ đóng góp thực sự của du lịch vào nền kinh tế, từ đó xác định rõ tỷ trọng trong GDP, hiệu quả thu ngân sách, tạo việc làm và tác động lan tỏa. Theo ông, nếu chỉ nhìn vào số lượt khách, mà không đo lường được đóng góp tài chính thực chất, thì ngành sẽ khó thuyết phục được các cơ quan lập chính sách phân bổ nguồn lực và định hướng đầu tư.

0907.so_ket_6t_dau_nam_-2-.jpg
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình.

Ưu tiên tái cấu trúc và sửa luật

Liên quan đến cải cách thể chế, ông Bình cho rằng việc sửa đổi Luật Du lịch là yêu cầu cấp bách. Luật hiện hành đã không còn theo kịp với sự thay đổi của thị trường và nhu cầu thực tiễn. Đặc biệt, trong quản lý doanh nghiệp du lịch, việc thành lập quá dễ dàng dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, thiếu tiêu chuẩn chất lượng, làm ảnh hưởng đến uy tín ngành. Việc sửa luật cần hướng đến siết chặt điều kiện kinh doanh hợp lý, nâng cao năng lực quản lý thị trường, tăng cường kiểm tra giám sát nhưng không gây khó khăn cho doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc. Ngoài ra, cũng cần bổ sung cơ sở pháp lý cho việc xử phạt hành vi vi phạm, đồng thời định mức kỹ thuật cho hoạt động truyền thông du lịch để hỗ trợ xúc tiến hiệu quả và minh bạch.

Đối với bộ máy quản lý ngành, ông Bình đánh giá cao việc tinh gọn xuống còn 34 sở du lịch cấp tỉnh. Tuy nhiên, ông chỉ ra thực tế là nhiều lãnh đạo sở không xuất thân từ ngành du lịch, dẫn đến hạn chế trong chuyên môn, khó nắm bắt xu thế và vận hành chính sách hiệu quả. Ông đề nghị tổ chức các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ này, đồng thời khuyến khích sự tham gia của chuyên gia và doanh nhân có kinh nghiệm để tăng tính thực tiễn trong quản lý điều hành.

1211travinh-vanhoabandia2-1668390358640-16683903588051859269359.jpg
Chuyển đổi xanh để nâng tầm chất lượng ngành, nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến Việt Nam.

Về công tác xúc tiến và quản lý doanh nghiệp, ông Bình đưa ra ba nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên trong 6 tháng cuối năm. Thứ nhất, là tham gia tích cực vào việc cắt giảm thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch và ít rào cản. Thứ hai, là đẩy mạnh xúc tiến quảng bá thị trường một cách chuyên nghiệp, chiến lược và dựa trên dữ liệu phân tích thay vì quảng bá dàn trải. Thứ ba, là tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật du lịch tại các doanh nghiệp. Ông Bình thẳng thắn cho rằng lực lượng thanh tra hiện nay quá mỏng, không đủ năng lực bao quát. Do đó, cần kiến nghị Chính phủ bổ sung biên chế và tăng cường hỗ trợ cho công tác thanh tra du lịch ở cấp địa phương.

Cuối cùng, ông Bình nhấn mạnh sản phẩm du lịch vẫn là yếu tố cốt lõi quyết định sự phát triển dài hạn. Trong đó, du lịch văn hóa với các hoạt động gắn với di sản, lễ hội, nghệ thuật và lối sống bản địa chính là thế mạnh đặc biệt của Việt Nam.

Ông đề nghị đưa yếu tố văn hóa vào trong chuỗi công nghiệp du lịch, đầu tư bài bản cho các sản phẩm văn hóa có khả năng thương mại hóa và trở thành giá trị cạnh tranh quốc gia. Các địa phương cần kiểm kê lại toàn bộ sản phẩm du lịch, tái định vị theo hướng tạo liên kết tổng thể, tích hợp nhiều trải nghiệm, thay vì phát triển rời rạc và lặp lại.

Bên cạnh đó, ông cũng đề xuất lãnh đạo các Sở Du lịch địa phương cần tích cực hỗ trợ hoạt động của các hiệp hội, doanh nghiệp tại địa phương. Việc tập hợp và điều phối tốt các hoạt động giữa các bên liên quan sẽ tạo ra sức mạnh cộng hưởng, giảm trùng lặp và tăng hiệu quả trong triển khai chiến lược ngành.

Những kiến nghị của ông Vũ Thế Bình cho thấy một góc nhìn toàn diện, thực tế và có chiều sâu về những gì ngành Du lịch Việt Nam cần phải làm trong giai đoạn tới. Khi các vấn đề từ thể chế, công nghệ, môi trường cho đến sản phẩm và con người đều được đặt trong tầm nhìn chiến lược, thì ngành du lịch mới thực sự có cơ hội phát triển hiệu quả, bền vững và đóng góp tích cực hơn vào nền kinh tế quốc dân.

Minh Châu