Việt Nam cần "cú hích" mới để hút “đại bàng” công nghệ
Việt Nam cần giải pháp đột phá, cạnh tranh và khác biệt hơn để thu hút FDI chất lượng cao, nhất là khi nhiều quốc gia đang đẩy mạnh cải cách, ưu đãi nhằm đón dòng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bức tranh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam trong nửa đầu năm 2025 tiếp tục cho thấy nhiều gam màu sáng, với những con số tăng trưởng ấn tượng cả về số lượng dự án lẫn giá trị vốn đăng ký và giải ngân. Tuy nhiên, đằng sau sự lạc quan ấy vẫn còn những khoảng trống đáng lo ngại - đó là sự thiếu vắng các nhà đầu tư chiến lược, các dự án lớn mang tính dẫn dắt chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao.

Vốn FDI tăng mạnh nhưng thiếu chiều sâu chiến lược
Theo số liệu mới nhất của Bộ Tài chính, tổng vốn FDI đăng ký trong 6 tháng đầu năm đạt trên 21,5 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất kể từ năm 2009 đến nay. Vốn FDI thực hiện cũng tăng trưởng khả quan, đạt hơn 11,7 tỷ USD, tăng 8,1%. Những con số này phần nào cho thấy sức hút của môi trường đầu tư Việt Nam đang được cải thiện và sự kỳ vọng của nhà đầu tư quốc tế vào tiềm năng thị trường.
FDI hiện đã chảy vào 18/21 ngành kinh tế quốc dân, trong đó nổi bật nhất vẫn là công nghiệp chế biến, chế tạo. Các lĩnh vực như bất động sản, khoa học công nghệ, cấp nước và xử lý chất thải… cũng ghi nhận mức đầu tư ổn định. Tuy nhiên, các dòng vốn này chủ yếu đến từ những quốc gia quen thuộc như Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Malaysia, chiếm tới 62,8% số dự án đầu tư mới và 65% tổng vốn đăng ký.
Tuy nhiên, theo nhìn nhận từ Bộ Tài chính, việc tăng trưởng về số lượng và giá trị FDI không đồng nghĩa với chất lượng và chiều sâu. Việt Nam vẫn đang gặp khó trong việc tiếp cận, thu hút các tập đoàn đa quốc gia có khả năng dẫn dắt công nghệ, mở rộng chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều “ông lớn” trong ngành công nghệ cao, bán dẫn, năng lượng xanh vẫn đang do dự, hoặc chỉ dừng lại ở bước nghiên cứu thị trường, mở văn phòng đại diện mà chưa thật sự cam kết đầu tư lớn.
Ngành công nghiệp bán dẫn, lĩnh vực chiến lược đang được nhiều quốc gia săn đón, đến nay ở Việt Nam mới chỉ có một số tên tuổi như Qualcomm, Intel, Amkor, SK Hynix và NXP Semiconductors hiện diện. Những tập đoàn này chủ yếu xây dựng trung tâm nghiên cứu, chưa phải là những tổ hợp sản xuất quy mô lớn có thể làm thay đổi cấu trúc ngành. Trong khi đó, những “siêu dự án” như nhà máy chip, trung tâm công nghệ lõi vẫn đang nằm ngoài tầm với.
Tương tự, lĩnh vực công nghệ hydrogen, một trong những mũi nhọn tương lai cho năng lượng sạch cũng mới ghi nhận vài tập đoàn như SK (Hàn Quốc), John Cockerill (Bỉ) thể hiện quan tâm. Song, các cuộc tiếp cận mới dừng lại ở mức thảo luận, chưa chuyển thành hành động cụ thể.
Thực tế này cho thấy, Việt Nam cần có những giải pháp đột phá hơn, mang tính cạnh tranh và khác biệt để vượt lên trong cuộc đua thu hút FDI chất lượng cao, nhất là trong bối cảnh nhiều quốc gia đang nỗ lực cải tổ chính sách, mở rộng ưu đãi để đón làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu hậu đại dịch và căng thẳng địa chính trị.
Cần cơ chế đặc thù và chủ động tiếp cận nhà đầu tư lớn
Trước yêu cầu này, Bộ Tài chính đang chủ động vào cuộc với hàng loạt chính sách và sáng kiến. Một trong những định hướng đáng chú ý là nghiên cứu xây dựng cơ chế đặc thù cho các khu kinh tế có tiềm năng như Vân Đồn, Vân Phong, cùng với việc phát triển các khu thương mại tự do và khu kinh tế biên giới. Đây là mô hình đã thành công ở nhiều quốc gia, tạo ra "hệ sinh thái ưu đãi" đủ hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư tầm cỡ.
Cùng với đó, việc xây dựng “Cổng một cửa đầu tư quốc gia” và “Cổng một cửa đầu tư cấp tỉnh” được kỳ vọng sẽ rút ngắn thời gian xử lý thủ tục, minh bạch hóa quy trình, giảm thiểu phiền hà – một trong những rào cản lớn nhất khiến nhiều tập đoàn nước ngoài e ngại khi tiếp cận thị trường Việt Nam.
Đặc biệt, việc thành lập các Tổ công tác chuyên biệt để tiếp cận và đàm phán với từng tập đoàn công nghệ lớn như Nvidia, SK Group… là một hướng đi đúng đắn, thể hiện tinh thần “chủ động chào mời” thay vì thụ động “ngồi chờ” vốn ngoại. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng về hạ tầng, nhân lực, chính sách… trong từng cuộc đàm phán sẽ nâng cao cơ hội thành công khi cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Một yêu cầu quan trọng khác là phải hình thành được hệ thống chính sách ưu đãi mang tính chiến lược, đủ mạnh để tạo động lực đầu tư. Không chỉ đơn thuần là giảm thuế, hỗ trợ đất đai, mà còn cần các ưu đãi về nhân lực, bảo hộ sở hữu trí tuệ, hỗ trợ nghiên cứu phát triển (R&D), logistics và kết nối toàn cầu. Điều này đặc biệt cần thiết trong các lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, chuỗi cung ứng thông minh, năng lượng tái tạo, công nghệ xanh…
Cuộc đua thu hút các “đại bàng” công nghệ không còn là câu chuyện của riêng một ngành, một địa phương, mà cần sự phối hợp liên ngành, liên vùng và mang tính quốc gia. Sự cải cách phải đồng bộ, từ thể chế đến thực thi. Chỉ khi đó, Việt Nam mới có thể trở thành điểm đến chiến lược cho các tập đoàn công nghệ toàn cầu, tiến tới xây dựng một nền kinh tế số, xanh và bền vững.
Chặng đường phía trước tuy còn nhiều thách thức, nhưng với quyết tâm cải cách mạnh mẽ, sự chủ động và linh hoạt trong chính sách, Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để vươn lên trở thành điểm đến FDI chiến lược trong khu vực, thu hút những nhà đầu tư đẳng cấp có khả năng định hình tương lai kinh tế toàn cầu.