Kinh tế địa phương

Kinh tế cửa khẩu - Bệ phóng phát triển của Lạng Sơn

Lê Nam - Nguyệt Hà 10/07/2025 16:25

Sở hữu vị trí chiến lược trên hành lang kinh tế Việt - Trung - ASEAN, Lạng Sơn đang tận dụng tối đa lợi thế cửa khẩu để phát triển mạnh kinh tế biên mậu, logistics và đầu tư hạ tầng hiện đại.

Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới có hệ thống cửa khẩu đa dạng, với nhiều cửa khẩu đường bộ và đường sắt quan trọng kết nối Việt Nam với Trung Quốc. Trong đó, Khu Kinh tế cửa khẩu (KKTCK) Đồng Đăng - Lạng Sơn rộng 394 km² đã được quy hoạch là khu kinh tế động lực, phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại và dịch vụ và hiện đang trở thành trung tâm xuất nhập khẩu và dịch vụ logistics hàng đầu khu vực phía Bắc, tạo xung lực tăng trưởng mới cho cả vùng và quốc gia.

100% phương tiện qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị được kiểm soát bằng nền tảng cửa khẩu số. Ảnh- Phạm Công
Phương tiện qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị được kiểm soát bằng nền tảng cửa khẩu số. (Ảnh: Phạm Công)

Điểm sáng vượt bậc về phát triển kinh tế cửa khẩu

Trong những năm qua, tỉnh Lạng Sơn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thông quan hàng hoá. Nhờ đó, Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng-Lạng Sơn đã thực sự trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Lạng Sơn.

Về các dự án đầu tư, đến nay, trong Khu KTCK có 153 dự án đầu tư ngoài ngân sách, gồm có 12 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đầu tư trên 82,355 triệu USD và 141 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đầu tư trên 26.060 tỷ đồng. Các dự án này đang từng bước thay đổi diện mạo kinh tế khu vực biên giới, thúc đẩy tăng trưởng toàn diện.

Hiện nay, tại các khu vực cửa khẩu trên địa bàn tỉnh có 25 dự án đầu tư kinh doanh bến bãi với số vốn đăng ký trên 7.130 tỷ đồng, trong đó có 09 dự án đầu tư kinh doanh kho, bãi tại các cửa khẩu thuộc Khu KTCK với tổng vốn đăng ký trên 5.715 tỷ đồng. Các dự án đã đầu tư xây dựng và hoạt động ổn định, phát huy được hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hoạt động thương mại, dịch vụ, tạo môi trường đầu tư kinh doanh sôi động trong Khu KTCK.

Về hoạt động xuất, nhập khẩu (XNK), hiện có trên 3.100 doanh nghiệp và tổ chức kinh tế đang hoạt động XNK qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh. Trong giai đoạn 2016-2020, tổng kim ngạch XNK qua các cửa khẩu thuộc khu kinh tế đạt hơn 17,5 tỷ USD, tăng 6 tỷ USD so với giai đoạn 2011-2015. Thu ngân sách từ thuế XNK và phí sử dụng hạ tầng đạt xấp xỉ 19.000 tỷ đồng.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2025, hoạt động XNK qua các cửa khẩu trên địa bàn đạt kết quả tốt, hiệu suất thông quan rất cao, trung bình khoảng 1.550 lượt xe/ngày, cao điểm đạt trên 2.000 lượt xe/ngày. Đến ngày 30/6/2025, tổng kim ngạch XNK các loại hình đạt 42.213,62 triệu USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2024; Kim ngạch hàng hóa XNK qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh mở tờ khai tại Chi cục Hải quan Khu vực VI trong 6 tháng đầu năm đạt 2.947,8 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ. Kim ngạch hàng địa phương xuất khẩu lũy kế 6 tháng ước đạt 74 triệu USD.

Ông Hoàng Khánh Duy, Phó Trưởng Ban Quản lý KKTCK Đồng Đăng - Lạng Sơn cho biết, để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và tối ưu hóa quy trình thông quan, Ban Quản lý thường xuyên phối hợp với Ban Quản lý Khu Bảo thuế tổng hợp Bằng Tường (Quảng Tây, Trung Quốc) để điều phối hoạt động tại các cửa khẩu, đặc biệt vào những dịp cao điểm. Các lực lượng chức năng của hai bên đã cùng nhau điều chỉnh giờ làm việc, quy trình kiểm tra, kiểm dịch và tổ chức phân luồng hợp lý, nhất là đối với hàng nông sản, hoa quả.

Đồng thời Ban phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành triển khai thực hiện tốt các chỉ đạo của tỉnh về phát triển khu kinh tế cửa khẩu; tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý cửa khẩu, đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao trách nhiệm công vụ, tạo môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư và doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Hoàng Văn Nghiệm cùng Đoàn công tác kiểm tra thực tế tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn
Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Hoàng Văn Nghiệm cùng Đoàn công tác kiểm tra thực tế tại Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn (Ảnh: Báo Lạng Sơn)

Hạ tầng thông minh tạo cơ hội bứt phá

Bên cạnh những kết quả nổi bật, Lạng Sơn đang hướng tới mục tiêu phát triển đồng bộ, bền vững thông qua việc đẩy mạnh đầu tư hạ tầng và áp dụng công nghệ vào quản lý cửa khẩu. Một trong những điểm nhấn quan trọng là Đề án thí điểm xây dựng Cửa khẩu thông minh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thanh Sơn cho biết, tỉnh đang tập trung triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tích cực thu hút nhà đầu tư chiến lược và các dự án lớn có tính lan tỏa, bứt phá tạo đà cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Đồng thời, tỉnh cũng xây dựng lộ trình phát triển riêng cho từng cửa khẩu, đảm bảo thông quan thông suốt, ổn định, mở rộng thị trường xuất khẩu và nâng cao năng lực kết nối quốc tế.

Theo Phó Chủ tịch Đoàn Thanh Sơn, hiện, tỉnh đang đẩy nhanh triển khai thực hiện Đề án thí điểm xây dựng Cửa khẩu thông minh đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đã đề ra; tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng cửa khẩu, logistics, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động XNK; đẩy mạnh triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường XK; tăng cường phối hợp với các bộ, ngành trung ương và các địa phương liên quan để tháo gỡ các rào cản, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động XNK.

Được biết, ngày 30/6/2025, tỉnh đã khởi công tỉnh Lạng Sơn đã khởi công 2/3 dự án của Đề án xây dựng thí điểm Cửa khẩu thông minh, gồm: Dự án Đầu tư xây dựng nhà làm việc liên ngành cho các lực lượng chức năng tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa mốc 1088/2-1089 và Dự án Mở rộng đường vận chuyển hàng hóa chuyên dụng khu vực mốc 1119-1120 cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (từ 6 làn lên 14 làn). Đây là các dự án chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Lạng Sơn lần thứ XVIII, Đại hội Đảng bộ UBND tỉnh Lạng Sơn nhiệm kỳ 2025-2030.

Theo Quyết định số 1009/QĐ-TTg do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký ngày 30/6/2025, nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKTCK Đồng Đăng - Lạng Sơn đến năm 2045 đã được phê duyệt với các mục tiêu trọng tâm là xây dựng nơi đây thành khu kinh tế tổng hợp hiện đại, giữ vững vị thế là cửa khẩu thương mại trên bộ lớn nhất cả nước, đóng vai trò trung chuyển quan trọng trong kết nối Việt Nam - Trung Quốc - ASEAN; Khu kinh tế sẽ được phát triển gắn với mục tiêu xây dựng đô thị biên giới xanh, thông minh, hiện đại. Quy hoạch cũng hướng tới phát triển bền vững, thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng an ninh và thúc đẩy hợp tác hữu nghị, ổn định lâu dài trên tuyến biên giới.

Lê Nam - Nguyệt Hà