Chứng khoán

Cổ phiếu ngành thép bứt tốc khi dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam chuẩn bị khởi động

Hà Phương 11/07/2025 04:03

Cổ phiếu nhóm ngành thép trên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tiếp tục tăng điểm nhờ thị trường nội địa, bất chấp nhu cầu thép thế giới sụt giảm.

huy3765-scaled.jpg
Chính phủ thúc đẩy khu vực tư nhân cung cấp thép chuyên dụng cho các dự án hạ tầng trọng điểm theo tinh thần Nghị quyết 68, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp đầu ngành thép. Đứng đầu ngành hiện nay là HPG, HSG, NKG... vẫn sống khoẻ nhờ bám chặt thị trường nội địa

Cổ phiếu nhóm ngành thép như HPG, HSG, NKG vẫn tiếp tục tăng điểm và hút dòng tiền nội, ngoại. Cụ thể phiên giao dịch ngày 10/9, cổ phiếu HPG cán mốc 25.000 đồng/cp với tổng khối lượng khớp lệnh lên tới gần 85 triệu đơn vị. Trong các phiên giao dịch gần đây khối ngoại liên tiếp mua ròng HPG: Cổ phiếu HSG cán mốc 17.600 đồng/cp khớp lệnh 7,6 triệu vị; Cổ phiếu NKG cán mốc mốc 14.000 đồng/cp. với tổng khớp lệnh lên tới 13 triệu đơn vị, NKG cũng tiếp tục hút dòng tiền ngoại liên tục mua vào trong các phiên giao dịch gần đây...

Lý giải dòng tiền nhà đầu tư đổ vào ngành thép, các chuyên gia tài chính của Công ty Chứng khoán MBS cho rằng mặc dù nhu cầu thép trên toàn cầu sụt giảm, nhu cầu thép nội địa vẫn tăng mạnh 11% trong 5 tháng đầu năm 2025 , được hỗ trợ từ sự phục hồi của thị trường bất động sản và đẩy mạnh đầu tư công.

Báo cáo về ngành thép mới đây của Công ty Chứng khoán SSI Research phân tích, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng ở cả thị trường quốc tế và trong nước, dẫn đến vai trò ngày càng quan trọng của thị trường thép nội địa so với xuất khẩu.

Theo SSI, trong 6 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã công bố thuế sơ bộ cho hai biện pháp chống bán phá giá quan trọng đối với HRC từ Trung Quốc (tháng 3/2025) và tôn mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc (tháng 4/2025), từ đó tạo lợi thế cạnh tranh lớn cho các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước. Mảng HRC của thép HPG và Formosa, mảng tôn mạ của thép HSG, NKG, GDA…

Tuy nhiên, trên thị trường quốc tế, thép Việt Nam cũng phải đối mặt với các biện pháp bảo hộ mạnh hơn từ các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ (tăng thuế thép từ 25% lên 50% từ tháng 6/2025) và châu Âu (áp thuế nhập khẩu cũng như hạn ngạch đối với thép cán nóng (HRC), CRC và các loại thép khác. Do vậy, xuất khẩu thép giảm mạnh 30% so với cùng kỳ trong 5 tháng đầu năm 2025; HRC giảm 62,9%; tôn mạ giảm 38,6% và thép cây giảm 7,4%. Trước bối cảnh biến động mạnh của thị trường, các doanh nghiệp sản xuất trong nước đã tăng cường tập trung vào thị trường nội địa.

Bên cạnh đó, Chính phủ thúc đẩy khu vực tư nhân cung cấp thép chuyên dụng cho các dự án hạ tầng trọng điểm theo tinh thần Nghị quyết 68, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp đầu ngành thép nâng mức độ sản xuất lên các sản phẩm kỹ thuật cao hơn trong chuỗi giá trị. Đứng đầu ngành hiện nay là HPG, HSG, NKG... vẫn "sống khoẻ" nhờ bám chặt thị trường nội địa.

Hiện nay ngoài HPG tham gia sản xuất thép chất lượng cao trong nước sẽ có cơ hội tham gia và cung cấp thép cho dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam của Việt Nam (tổng vốn đầu tư dự án này ước tính 67 tỷ USD.

HPG đã bắt đầu xây dựng nhà máy thép hình chất lượng cao, dự kiến hoàn thành vào năm 2027, nhằm sản xuất các sản phẩm thép chuyên dụng cho đường sắt. HPG luôn chủ trương tập trung vào thị trường nội địa và giữ tỷ trọng xuất khẩu dưới 20%. SSI dự báo kênh tiêu thụ nội địa có thể duy trì tăng trưởng tích cực nhờ thị trường bất động sản phục hồi và đẩy mạnh đầu tư công.

Có thể nói các chính sách can thiệp kịp thời của Chính phủ đã đã giúp lĩnh vực bất động sản phục hồi trong năm 2025, tạo đà cho ngành thép hồi phục. Báo cáo tài chính quý 2/2025 của HPG, cho thấy Tập đoàn sản xuất 2,5 triệu tấn thép thô, tương đương quý 1 và tăng 10% so với cùng kỳ 2024. Sản lượng bán hàng thép cuộn cán nóng (HRC), thép xây dựng, thép chất lượng cao và phôi thép đạt 2,6 triệu tấn, tăng 9% so với quý trước và 18% so với cùng kỳ năm 2024.

Thép HRC lần đầu tiên ghi nhận sản lượng bán hàng vượt 1,1 triệu tấn trong một quý , tăng 18% so với quý 1. Với 1,3 triệu tấn, sản lượng thép xây dựng, thép chất lượng cao của HPG trong quý vừa qua tăng 7% so với quý 1/2025. Lũy kế 6 tháng đầu năm, HPG sản xuất 5,1 triệu tấn thép thô, tăng 17% so với 6 tháng đầu năm 2024. Bán hàng HRC, thép xây dựng, thép chất lượng cao và phôi thép đạt 5 triệu tấn, tăng 23% so với nửa đầu năm ngoái.

Đối với cổ phiếu các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ như HSG, NKG cho thấy, thị trường nội địa ngày càng cạnh tranh, và biên lợi nhuận của các doanh nghiệp có khả năng bị ảnh hưởng bởi chi phí đầu vào tăng cao. Được biết, 02 doanh nghiệp đang có kế hoạch mở rộng công suất của các doanh nghiệp lớn như NKG và GDA. Các kế hoạch mở rộng này dự kiến sẽ bổ sung thêm 1,5 triệu tấn mỗi năm, nâng tổng công suất nội địa lên 8,7 triệu tấn – tăng 20% so với công suất hiện nay. Với sản lượng tiêu thụ nội địa năm 2024 của tôn mạ và ống thép chỉ đạt khoảng 8 triệu tấn, mảng thép này sẽ dư thừa công suất \từ đó gây áp lực lên biên lợi nhuận của doanh nghiệp.

Mới đây ngày 4/7/2025, thuế chống bán phá giá chính thức đối với thép cuộn cán nóng (HRC) đã được Việt Nam công bố. Mức thuế này sẽ có hiệu lực trong tối đa 5 năm, mang lại sự hỗ trợ ổn định cho các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước. Các biện pháp chống bán phá giá tương tự đối với tôn mạ dự kiến sẽ được hoàn tất trong nửa cuối năm 2025, sau giai đoạn rà soát sơ bộ.

Có thể nói, các biện pháp này sẽ củng cố hàng rào bảo hộ đã góp phần mở rộng biên lợi nhuận cho các doanh nghiệp nói chung và tạo ra môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất thép nội địa nói riêng, giúp cải thiện thị phần và lợi nhuận.

Với các biện pháp bảo hộ thương mại đang được áp dụng, SSI dự báo nhóm đầu ngành thép như HPG, HSG, NKG doanh thu và lợi nhuận sau thuế của nhóm ngành này sẽ tăng mạnh vào 06 tháng cuối năm 2025, qua đó giá cổ phiếu doanh nghiệp cũng tăng theo tỷ lệ thuận nhờ kết qủa kinh doanh…

Hà Phương