Kinh tế thế giới

Tham vọng AI của Trung Quốc

Cẩm Anh 11/07/2025 11:07

Dù vẫn đang bị cản trở bởi các lệnh cấm của Mỹ, nhưng lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) của Trung Quốc vẫn đang phát triển mạnh mẽ.

Ảnh màn hình 2025-07-10 lúc 20.38.58
Các công ty khởi nghiệp như DeepSeek và Manus đang thúc đẩy lĩnh vực AI của Trung Quốc. Ảnh: Nikkei Asia

Kể từ khi DeepSeek trở thành niềm tự hào của Trung Quốc bằng cách tiếp cận AI chi phí thấp, giới đầu tư đã có cái nhìn mới mẻ về cổ phiếu công nghệ Trung Quốc.

Làn sóng hứng khởi đó đã dẫn đến cuộc săn tìm "DeepSeek tiếp theo", cũng như nỗ lực tìm hiểu các yếu tố thúc đẩy sự phát triển AI của Trung Quốc.

Giới quan sát nhận định, một thế hệ doanh nhân công nghệ Trung Quốc trẻ tuổi đang vươn lên trong môi trường rất khác với lớp đi trước.

Nếu như các doanh nhân thời Jack Ma thường học theo giới công nghệ Mỹ để tạo ra các bản sao Trung Quốc của sản phẩm phương Tây, thì thế hệ doanh nhân trẻ Trung Quốc đang hướng đến đổi mới, chứ không chỉ "sao chép".

Tuổi trẻ và nền học thuật ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc đang tạo lực đẩy cho xu thế này. Cụ thể, đội ngũ DeepSeek bao gồm nhiều sinh viên tốt nghiệp và thực tập sinh trẻ từ các đại học hàng đầu Trung Quốc như Thanh Hoa và Bắc Kinh.

Theo báo cáo năm 2023 của MacroPolo, viện nghiên cứu thuộc Viện Paulson, hơn một nửa số nhà nghiên cứu AI có bằng cử nhân tại Trung Quốc tiếp tục học cao học trong nước, và phần lớn làm việc tại Trung Quốc sau khi tốt nghiệp. Khoảng một phần ba học cao học tại Mỹ, nhưng chỉ có một số trở về Trung Quốc làm việc.

“Thế hệ doanh nhân trẻ Trung Quốc này lớn lên trong thời kỳ bùng nổ kinh tế của đất nước, có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin hơn. Trường hợp của DeepSeek là ví dụ điển hình, thành công của họ đến từ tinh thần học thuật cởi mở – vì rất nhiều bài báo AI không có biên giới,” Tony Wang, đồng sáng lập Agora.io, nhà cung cấp giải pháp AI và thoại thời gian thực có trụ sở tại Mỹ và Trung Quốc nhận định.

Ông Wang cho biết ông rất ngạc nhiên khi DeepSeek đến từ thành phố Hàng Châu. “Các tinh hoa ở Silicon Valley thực sự thông minh và đầy nhiệt huyết. Nhưng thành công của họ phần lớn đến từ môi trường ưu việt, từ vốn đầu tư mạo hiểm, cơ chế thoái vốn mạnh, đến sự tập trung của nhân tài toàn cầu. Nhưng với sự trỗi dậy của DeepSeek, có thể thấy rằng đổi mới hoàn toàn có thể xuất hiện ở những nơi khác,” ông nói.

Bằng cách cung cấp một mô hình mã nguồn mở mạnh mẽ và chi phí thấp, DeepSeek đang giúp nhiều cá nhân và doanh nghiệp tiếp cận AI tiên tiến. Điều này tạo hiệu ứng lan tỏa, buộc các công ty AI Trung Quốc khác phải cải tiến mô hình, giảm giá và cân nhắc mở mã nguồn công nghệ của mình.

Song Yefei, Giám đốc giải pháp tại Ant Digital Technologies, cho biết kể từ “khoảnh khắc DeepSeek,” công ty đã viết lại rất nhiều phần mềm và sản phẩm cung cấp ra thị trường, và nhiều công ty tại Trung Quốc đang theo đuổi chuyển đổi AI thay vì chuyển đổi số chung chung như trước.

Ông cũng cho biết thêm, dù Trung Quốc có nhiều “siêu ứng dụng” cho hầu hết các dịch vụ hàng ngày, các công ty hiện đang hướng đến việc sử dụng AI để cá nhân hóa trải nghiệm người dùng. Điều này đòi hỏi đầu tư vào máy chủ GPU, trung tâm dữ liệu, xây dựng mô hình và tác nhân AI riêng để tích hợp vào sản phẩm.

Ảnh màn hình 2025-07-10 lúc 20.44.09
DeepSeek đã làm thay đổi tư duy đầu tư đổi mới ở Trung Quốc.

Các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây hàng đầu Trung Quốc như Baidu, Alibaba và Tencent đã ghi nhận mức tăng chi tiêu vốn trong quý 1 lên tới 100% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu quý thứ sáu liên tiếp có tổng đầu tư vượt các đối thủ lớn tại Mỹ.

Chính phủ Trung Quốc cũng đang tích cực hỗ trợ làn sóng AI. Ngày 30/5, Quốc vụ viện Trung Quốc công bố “Kế hoạch hành động kết nối năng lực tính toán,” kêu gọi tiêu chuẩn hóa ngành để các trung tâm dữ liệu AI có thể liên kết với nhau, đồng thời xây dựng cơ chế giao dịch năng lực tính toán nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, tránh cả tình trạng thiếu hụt lẫn lãng phí.

Theo James Ong, Giám đốc Viện Trí tuệ Nhân tạo Quốc tế tại Singapore, DeepSeek đã làm thay đổi tư duy đầu tư đổi mới ở Trung Quốc. “Tôi nghĩ ngày càng nhiều nhà khoa học và giáo sư bắt đầu chú trọng vào công nghệ nền tảng, thay vì chỉ tập trung vào ứng dụng. Sắp tới sẽ có nhiều điều mới xuất hiện, không chỉ là ứng dụng”, ông nói

Dù Washington cấm xuất khẩu chip H20 của Nvidia, theo nghiên cứu từ Jefferies, nhu cầu chi tiêu cho AI ở Trung Quốc vẫn rất mạnh. Ngân hàng đầu tư này trích dẫn một cuộc gọi với nhà cung cấp trung tâm dữ liệu VNET, cho biết Trung Quốc đã tích lũy đủ lượng chip để đảm bảo tăng trưởng trung tâm dữ liệu ít nhất đến nửa đầu năm 2026.

“Chúng tôi vẫn tin rằng Trung Quốc có thể tăng công suất sản xuất chip 7 nanomet từ nửa cuối 2025 và tiếp tục trong năm 2026, dù có thể gặp vài trở ngại tạm thời do phải dùng thiết bị nội địa,” Jefferies viết trong báo cáo.

Ông Wang từ Agora cũng lạc quan không kém về triển vọng của Trung Quốc. “AI cuối cùng sẽ là thứ mở, và toàn nhân loại sẽ được hưởng lợi; bạn không thể ngăn cản nó. Ngay cả khi Mỹ cấm bán chip Nvidia đối với Trung Quốc, các công ty như Huawei sẽ vươn lên, dù hiệu năng kém hơn 30%,” ông Wang nhấn mạnh.

Năm 2025 được xem là năm của các tác nhân AI. Nhiều startup đã bắt đầu chuyển hướng sang phát triển loại công nghệ này từ năm ngoái, và một số công ty thậm chí đã nhận được các đơn hàng trị giá hàng triệu nhân dân tệ từ khách hàng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hiện chưa có tác nhân AI nào thực sự khuấy động thị trường tiêu dùng Trung Quốc. Ông Shi Jialong, Trưởng bộ phận nghiên cứu cổ phiếu internet Trung Quốc tại Nomura, cho rằng điều đáng chú ý tiếp theo sẽ là sự ra mắt của một tác nhân AI mạnh mẽ hơn.

“Mọi người đều đang chờ xem bao giờ sẽ xuất hiện một tác nhân AI thực sự đột phá đến từ các công ty AI hàng đầu Trung Quốc,” ông nói; đồng thời cho biết nhiều công ty, bao gồm Tencent và ByteDance, đang âm thầm phát triển tác nhân AI của riêng mình.

Cẩm Anh