Ngân hàng tăng cường ứng dụng chuyển đổi số cho doanh nghiệp
Ninh Bình đang trong quá trình chuyển mình mạnh mẽ, và chuyển đổi số là một trong những động lực chính thúc đẩy sự phát triển kinh tế của tỉnh.
Tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp
Đối với lĩnh vực ngân hàng, việc tăng cường ứng dụng chuyển đổi số không chỉ giúp các tổ chức tín dụng (TCTD) nâng cao hiệu quả hoạt động mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp, đặc biệt là tại Ninh Bình. Từ đó, góp phần cải thiện khả năng tiếp cận vốn, tối ưu hóa quy trình tài chính và tạo đà cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp địa phương.
.jpg)
Năm 2025, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số tiếp tục phát triển mạnh và đây là cơ hội để ngành ngân hàng tăng cường ứng dụng công nghệ số trong phát triển sản phẩm, dịch vụ, thực hiện các quy trình cho vay, thúc đẩy hoạt động tín dụng đối với doanh nghiệp. Hiện toàn tỉnh Ninh Bình có hơn hơn 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa - đây là thị trường khách hàng tiềm năng lớn của các ngân hàng.
Ông Nguyễn Văn Nam – Công ty Phát triển Thương mại Nam Việt cho biết: Việc ứng dụng công nghệ vào quy trình cho vay sẽ giúp rút ngắn đáng kể thời gian xử lý hồ sơ, từ khâu nộp đơn đến giải ngân. Các ngân hàng địa phương có thể triển khai hệ thống đăng ký vay vốn trực tuyến, cho phép doanh nghiệp nộp hồ sơ mọi lúc mọi nơi mà không cần đến quầy giao dịch.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc ứng dụng số hóa vào quy trình cho vay đang được các ngân hàng thương mại tích cực triển khai đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Công thương Việt Nam (VietinBank) là ngân hàng tiên phong trong hoạt động chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp. Năm 2024, VietinBank đã triển khai nhiều sản phẩm số mới giúp khách hàng, nhất là khách hàng doanh nghiệp, dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn.
Trong đó phải kể đến tính năng giải ngân online vay sản xuất, kinh doanh cho phép khách hàng vay trực tuyến trên VietinBank iPay Mobile với hạn mức lên đến 500 triệu đồng/ngày mà không cần đến tận ngân hàng, ký số đơn giản không cần hoàn chứng từ bản cứng và nhận tiền giải ngân ngay.
Theo đại diện Công ty Cổ phần MISA: Công ty đã phối hợp với ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) Chi nhánh Nam Định (cũ), ra mắt luồng số hóa cho vay trên nền tảng kết nối vay vốn MISA Lending nhằm rút gọn thủ tục, tối ưu thời gian vay vốn cho doanh nghiệp từ các khâu tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, phê duyệt đến giải ngân, mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp cũng như ngân hàng.
.jpg)
Cụ thể, về phía Techcombank, luồng số hóa cho vay giúp tối ưu chi phí vận hành, tăng tính chính xác khi thẩm định và cho vay đối với khách hàng, góp phần gia tăng ưu thế vượt trội của ngân hàng trong hành trình số hóa. Nhờ quy trình đánh giá phê duyệt tự động đã giúp doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ vay vốn hoàn toàn trực tuyến, với thời gian sơ duyệt khoản vay được rút ngắn chỉ trong vòng 5 phút. Kể từ khi ra mắt đến nay, đã có hàng trăm doanh nghiệp đã nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn vay từ Techcombank.
Ứng dụng công nghệ số
Theo một số chuyên gia tài chính, phát triển các nền tảng ngân hàng số toàn diện cho doanh nghiệp thay vì chỉ cung cấp các dịch vụ cơ bản, các ngân hàng cần phát triển các nền tảng ngân hàng số (digital banking) toàn diện, tích hợp nhiều tiện ích dành riêng cho doanh nghiệp.
Điều này có thể bao gồm: Quản lý tài khoản và giao dịch trực tuyến: Cho phép doanh nghiệp theo dõi số dư, lịch sử giao dịch, chuyển tiền nội bộ và quốc tế một cách dễ dàng. Thanh toán điện tử: Cung cấp các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt đa dạng như QR code, ví điện tử, cổng thanh toán trực tuyến, giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình thu chi.
Quản lý dòng tiền và dự báo: Các công cụ phân tích tài chính tự động giúp doanh nghiệp nắm bắt tình hình dòng tiền, lập kế hoạch tài chính hiệu quả hơn. Dịch vụ tư vấn tài chính tự động (robo-advisors): Cung cấp lời khuyên tài chính cá nhân hóa dựa trên dữ liệu và thuật toán, giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định đầu tư và quản lý tài sản thông minh hơn.
Mới đây, với sản phẩm cho vay tín chấp online SME của ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) Chi nhánh Nam Định (cũ) dành cho doanh nghiệp đã rút ngắn quy trình phê duyệt và cấp tín dụng đáng kể, từ 1-2 tuần xuống còn 1-2 ngày, điều này giúp doanh nghiệp có ngay nguồn vốn để chớp các cơ hội kinh doanh sinh lời, nhất là giai đoạn giữa, cuối năm... Không những thế, doanh nghiệp không cần cử riêng nhân sự để nộp/bổ sung hồ sơ (có thể mất tới vài lần di chuyển qua, lại) như trước, mọi hồ sơ thủ tục đều có thể nộp và giải quyết trực tuyến 100% giúp giảm đáng kể chi phí thời gian, nguồn lực cho doanh nghiệp.
.jpg)
Bên cạnh đó, hệ thống tín chấp online còn minh bạch mọi khâu phê duyệt, khách hàng có thể chủ động theo dõi tình trạng xử lý hồ sơ của mình. Hiện tại, hạn mức cấp vốn tín chấp online của VPBank là 500 triệu đồng, đây cũng là hạn mức dễ dàng tiếp cận, nhất là với các doanh nghiệp không có/không còn tài sản đảm bảo hoặc doanh nghiệp đang cần nguồn vốn cấp tốc cho các đơn hàng thời vụ nhưng không đủ thời gian để thực hiện các thủ tục vay vốn thông thường.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước khu vực 7 - Nam Định (cũ), 4 tháng đầu năm 2025, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã giải ngân cho vay được 26.373 tỷ đồng, trong đó cho vay lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đạt 732,6 tỷ đồng; cho vay lĩnh vực công nghiệp và xây dựng đạt 11.070 tỷ đồng; cho vay lĩnh vực thương mại và dịch vụ đạt 10.507 tỷ đồng; các ngành kinh tế khác đạt 4.062 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay doanh nghiệp 4 tháng đầu năm 2025 đạt 43.356 tỷ đồng với 1.892 khách hàng.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước Khu vực 7 - Nam Định (cũ) cũng chủ động triển khai có hiệu quả, thiết thực Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp bằng các hình thức hoạt động phù hợp như tổ chức hội nghị/buổi làm việc kết nối, đối thoại, chia sẻ (thay thế cho các hội nghị khách hàng chỉ có tính chất tri ân, giao lưu gặp gỡ) để tháo gỡ khó khăn về vốn, lãi suất và có giải pháp cụ thể, kịp thời, linh hoạt nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Để tăng cường ứng dụng chuyển đổi số cho doanh nghiệp thời gian tới, các TCTD trên địa bàn tiếp tục nghiên cứu và phát triển các sản phẩm tín dụng dành riêng cho các mũi nhọn kinh tế - tiêu dùng của tỉnh. Đẩy mạnh triển khai cho vay qua các hình thức điện tử, trực tuyến. Tích cực, chủ động tiếp cận, hướng dẫn, giải quyết các đề nghị vay vốn, hỗ trợ lãi suất của doanh nghiệp và người dân đối với chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, đơn giản hóa danh mục hồ sơ vay vốn nhằm đẩy nhanh tốc độ, thời gian xử lý hồ sơ khách hàng. Trong đó, tăng cường chuyển đổi số để nâng cao khả năng tiếp cận sản phẩm, dịch vụ ngân hàng của doanh nghiệp và người dân.
Thêm nữa, việc ứng dụng chuyển đổi số trong ngân hàng sẽ không thể phát huy hiệu quả tối đa nếu các doanh nghiệp chưa sẵn sàng. Do đó, các ngân hàng, cùng với chính quyền địa phương và các hiệp hội doanh nghiệp, cần tăng cường tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn về kỹ năng số, lợi ích của ngân hàng số và cách thức sử dụng các dịch vụ tài chính kỹ thuật số. Việc này giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về tiềm năng của chuyển đổi số, từ đó chủ động hơn trong việc tiếp cận và ứng dụng các dịch nghệ mới vào hoạt động kinh doanh của mình.