Tiếp tục giảm thuế VAT: Củng cố nội lực dài hạn cho nền kinh tế
Trong bối cảnh nền kinh tế còn đối diện với những diễn biến khó lường, nhiều ý kiến cho rằng, việc giảm 2% thuế VAT đến hết năm 2026 là giải pháp kịp thời, củng cố nội lực dài hạn cho nền kinh tế.
Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) từ ngày 01/07/2025 đến 31/12/2026, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế 10%.

Trong lần giảm thuế VAT này, Chính phủ đề xuất mở rộng thêm đối tượng được giảm thuế so với quy định tại các nghị quyết trước đây và kéo dài thời gian giảm thuế đến hết năm 2026. Trong đó, kinh doanh vận chuyển, logistics, hàng hóa, dịch vụ công nghệ thông tin… thuộc đối tượng được giảm thuế.
Ngoài ra, theo quy định của pháp luật về thuế VAT, hoạt động dạy học, dạy nghề và dịch vụ y tế thuộc đối tượng không chịu thuế nên cũng không cần phải giảm thuế.
Đối với các dịch vụ như hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm thuộc đối tượng không chịu thuế VAT nên không cần phải giảm thuế. Còn dịch vụ viễn thông, bất động sản là những ngành có tăng trưởng trong thời gian qua và cũng không thuộc đối tượng được giảm thuế.

Đáng nói, với việc áp dụng chính sách trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026, dự kiến số giảm thu ngân sách Nhà nước sẽ rơi vào khoảng gần 122,000 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mặc dù việc thực hiện giảm thuế từ năm 2022 tác động làm giảm nguồn thu, nhưng ngân sách Nhà nước thu năm sau tăng hơn năm trước và đều thu vượt dự toán nhờ việc giảm thuế đã hỗ trợ được sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế trong 3 năm qua.
Nhìn nhận về chính sách này, không ít ý kiến cho hay, việc Quốc hội thông qua tiếp tục giảm 2% thuế VAT là một chính sách tài khóa linh động trong bối cảnh nền kinh tế đang cần thêm động lực để phục hồi sau nhiều cú sốc liên tiếp. Đây là bước đi kịp thời để hỗ trợ tiêu dùng, cải thiện dòng tiền cho các doanh nghiệp và kích thích tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh hiệu quả tức thời, việc giảm thuế VAT còn được nhìn nhận như một phần trong chiến lược tài khóa dài hạn, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Cụ thể, trong ngắn hạn, chính sách giảm thuế VAT có thể phát huy tác dụng tích cực rõ rệt. Khi giá hàng hóa và dịch vụ giảm xuống, người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu nhiều hơn, từ đó tạo ra hiệu ứng lan tỏa tích cực lên toàn bộ nền kinh tế.
Những ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề trong thời gian qua như bán lẻ, du lịch, dịch vụ và sản xuất hàng tiêu dùng sẽ được tiếp thêm sức bật, giúp tăng doanh thu, lợi nhuận và tạo thêm việc làm. Các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm vừa và nhỏ cũng được hưởng lợi khi có thể giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh và cải thiện dòng tiền kinh doanh. Từ đó, giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, tránh sa thải lao động và giảm thiểu nguy cơ phá sản.
Theo các chuyên gia, việc giảm thuế giá trị gia tăng là một trong những biện pháp quan trọng giúp cho các doanh nghiệp khắc phục được một phần biến động giá hàng nhập khẩu từ bên ngoài, góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế trong năm 2025.
Nhìn nhận về việc tiếp tục giảm thuế VAT 2% đến hết năm 2026, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn - Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, chính sách tài khóa nếu cứ 6 tháng thay đổi một lần sẽ khiến doanh nghiệp mất phương hướng, rơi vào trạng thái chờ đợi. Quyết định kéo dài đến 2026 là một tín hiệu tích cực, tạo môi trường ổn định để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất.
Còn theo ông Nguyễn Văn Được - Tổng giám đốc Cty TNHH Kế toán và Tư vấn Thuế Trọng Tín, trong bối cảnh nền kinh tế chưa thực sự phục hồi, sản xuất, kinh doanh của doan nghiệp còn hạn chế và đời sống của người dân vẫn còn khó khăn thì việc tiếp tục giảm thuế VAT 2% sẽ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp về tài chính, đồng thời, thể hiện sự chia sẻ và “khoan thư sức dân” của Nhà nước.
Không chỉ các chuyên gia, tại nghị trường Quốc hội, khi chính sách được đưa ra lấy ý kiến, không ít đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, việc giảm thuế VAT sẽ là liều thuốc kích thích hoạt động sản xuất, kinh doanh, là sự động viên của Đảng và Nhà nước với người dân và doanh nghiệp khi bắt tay vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới, tiến tới hoàn thành chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2021 - 2030.
Đặc biệt, việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế VAT đối với một số nhóm hàng hóa sẽ kích thích hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Và khi chính sách này được kéo dài đến 31/12/2026 giúp doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạch định chiến lược sản xuất, kinh doanh rõ ràng, tăng hiệu quả cho chính sách.