Kiến nghị

Gỡ rào cản thủ tục cho doanh nghiệp mỹ phẩm

Yến Nhung 11/07/2025 04:15

VCCI đề xuất cần rà soát, loại bỏ các thủ tục không cần thiết về quản lý mỹ phẩm để phù hợp thông lệ quốc tế và tinh thần cải cách theo Nghị quyết 68-NQ/TW.

Trả lời công văn của Bộ Y tế về việc đề nghị góp ý đối với Dự thảo Nghị định quy định về quản lý mỹ phẩm (Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản góp ý với nhiều đề xuất sửa đổi quan trọng, nhằm đảm bảo tính minh bạch, đồng bộ và phù hợp với tinh thần cải cách thủ tục hành chính của Đảng, Nhà nước.

day-chuyen-san-xuat-my-pham-5.jpg
VCCI góp ý đối với Dự thảo Nghị định quy định về quản lý mỹ phẩm - Ảnh: ITN

Cụ thể, VCCI nhấn mạnh, trong bối cảnh Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân đã đặt mục tiêu cắt giảm tối thiểu 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, 30% chi phí tuân thủ pháp luật và 30% điều kiện kinh doanh, việc sửa đổi toàn diện quy định lần này là cơ hội phù hợp để cải cách thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực mỹ phẩm. Tuy nhiên, Dự thảo vẫn tồn tại nhiều quy định gây gánh nặng không cần thiết và chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, cần được rà soát và điều chỉnh.

Một trong những điểm đáng lưu ý trong Dự thảo là quy định tại khoản 9 Điều 63, yêu cầu doanh nghiệp phải định kỳ kiểm nghiệm sản phẩm mỹ phẩm tối thiểu 6 tháng/lần tại hệ thống kiểm nghiệm nhà nước. Theo VCCI, quy định này vừa không cần thiết, vừa tạo ra nhiều hệ lụy bất cập cho doanh nghiệp.

Xét về tính cần thiết, quy định này là thừa thãi vì mục tiêu bảo đảm chất lượng sản phẩm đã được đáp ứng hiệu quả thông qua công cụ chính sách khác là Giấy chứng nhận Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm (CGMP-ASEAN). Toàn bộ sản phẩm mỹ phẩm phải được sản xuất theo tiêu chuẩn CGMP-ASEAN và có đánh giá độ ổn định nhằm đảm bảo sản phẩm đồng đều về chất lượng và an toàn trong suốt thời hạn sử dụng. Đồng thời, cơ chế xử lý vi phạm cũng đã đủ nghiêm khắc để bảo đảm tính tuân thủ. Cụ thể, theo khoản 11 Điều 52 Dự thảo, các sản phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn CGMP-ASEAN sẽ bị thu hồi Phiếu công bố. Như vậy, bổ sung yêu cầu kiểm nghiệm sau lưu thông là không cần thiết.

Về tính hiệu quả, quy định này không mang lại nhiều giá trị thực tiễn vì việc kiểm nghiệm thực hiện trên mẫu do doanh nghiệp tự gửi. Do đó, mẫu kiểm nghiệm có thể không phản ánh đúng chất lượng của sản phẩm lưu hành thực tế trên thị trường. Cách tiếp cận này đi ngược với xu hướng quản lý hiện đại, khi các quốc gia tại EU và ASEAN đều chuyển sang hậu kiểm khách quan để nâng cao hiệu quả giám sát thực chất. Cách quản lý này tập trung vào lấy mẫu thực tế trên thị trường và “khoanh vùng” các sản phẩm có rủi ro cao dựa trên hệ thống tiêu chí rủi ro. So với việc yêu cầu kiểm nghiệm sau lưu thông, đây là hướng tiếp cận nâng cao hiệu quả hậu kiểm hơn, cần được cân nhắc áp dụng.

Về tính thống nhất với chủ trương của Đảng và Nhà nước, quy định này tạo ra sự phân biệt đối xử giữa khu vực tư nhân và khu vực nhà nước khi chỉ công nhận kết quả từ hệ thống kiểm nghiệm nhà nước. Điều này không phù hợp với tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân nhấn mạnh nguyên tắc đối xử bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Đồng thời, quy định này cũng khó khả thi do dồn toàn bộ trách nhiệm lên hệ thống kiểm nghiệm nhà nước, trong khi mỗi năm có thể phát sinh hàng triệu mẫu, tiềm ẩn nguy cơ quá tải nghiêm trọng.

imc-s-n-xu-t-m-ph-m-t-chu-n-gmp2-e1653119014941.jpg
VCCI đề xuất cơ quan soạn thảo bỏ quy định bắt buộc kiểm nghiệm sản phẩm sau lưu thông tại hệ thống kiểm nghiệm nhà nước - Ảnh: ITN

Từ những bất cập nêu trên, VCCI đề xuất cơ quan soạn thảo bỏ quy định bắt buộc kiểm nghiệm sản phẩm sau lưu thông tại hệ thống kiểm nghiệm nhà nước để tránh tạo thêm gánh nặng chi phí và thủ tục không cần thiết cho doanh nghiệp, đồng thời phù hợp với thông lệ quốc tế về hậu kiểm hiện đại.

Một điểm bất cập khác được VCCI nêu rõ là theo Dự thảo, hiệu lực của Phiếu công bố mỹ phẩm được rút ngắn từ 5 năm còn 3 năm, tuy nhiên điều này sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp phải làm lại thủ tục nhiều lần, trong khi hiện đã có quy định cập nhật thông tin khi có thay đổi. Do đó, đề xuất giữ nguyên thời hạn 5 năm như hiện hành.

Tương tự, Dự thảo vẫn yêu cầu doanh nghiệp phải làm thủ tục gia hạn công bố mỹ phẩm với thủ tục tương tự như thủ tục công bố mới. Theo VCCI, yêu cầu này là không hợp lý, làm gia tăng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, đặc biệt với trường hợp sản phẩm mỹ phẩm không có thay đổi quan trọng nào, đồng thời tạo ra tình trạng ùn ứ hồ sơ cho cơ quan quản lý như đã phản ánh tại Tờ trình, dẫn đến làm gián đoạn nguồn cung sản phẩm trên thị trường. Từ đó, VCCI kiến nghị nên áp dụng cơ chế tự động gia hạn phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.

Ngoài ra, VCCI cũng lưu ý cần rà soát, sửa đổi một số nội dung chưa rõ ràng, thiếu thống nhất như yêu cầu về giấy CFS tại nước sản xuất/lưu hành đối với mỹ phẩm nhập khẩu nhưng chưa phân biệt rõ theo từng trường hợp cụ thể, dễ gây lúng túng khi áp dụng; quy định trường hợp thay đổi, bổ sung thông tin trên Phiếu công bố, không phải công bố mới thì phải thực hiện trong vòng 01 tháng; yêu cầu thành phần công thức ghi theo danh pháp quốc tế quy định trong các ấn phẩm mới nhất; quy định việc triển khai thu hồi mỹ phẩm phải trả về cơ sở cung cấp sản phẩm; quy định chuyển tiếp cho phép các sản phẩm đã công bố nếu đáp ứng an toàn, chất lượng thì được tiếp tục sản xuất, lưu thông…

Yến Nhung