Logistics xanh - sức bật trong biến động: Lợi thế cạnh tranh dài hạn
FIATA World Congress 2025 với chủ đề "Logistics xanh, thích ứng nhanh" kỳ vọng là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự chủ động của Việt Nam trong việc chuyển đổi sang một ngành logistics bền vững.
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) khẳng định, logistics xanh ngày càng trở thành yêu cầu tất yếu và là lợi thế cạnh tranh dài hạn cho doanh nghiệp trong cuộc đua toàn cầu.

Việt Nam là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng logistics nhanh nhất khu vực, tuy nhiên, sự phát triển này cũng kéo theo thách thức lớn về môi trường. Theo Ngân hàng Thế giới, trung bình mỗi năm hoạt động vận tải ở Việt Nam phát thải hơn 50 triệu tấn CO2, với vận tải đường bộ chiếm tỷ trọng 85%.
- Ông đánh giá như thế nào về mức độ sẵn sàng của ngành logistics Việt Nam và doanh nghiệp trong việc chuyển đổi sang mô hình xanh?
Tình trạng ô nhiễm không khí, chi phí năng lượng leo thang và các cam kết quốc tế của Việt Nam tại COP26 trong việc đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 đã tạo áp lực ngày càng lớn cho ngành logistics phải chuyển đổi sang mô hình phát triển bền vững, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, nhìn vào thực trạng hiện nay, chúng ta thấy rằng mức độ sẵn sàng còn khá phân tán.
Cụ thể, các doanh nghiệp lớn, có vốn đầu tư nước ngoài đã bắt đầu triển khai các sáng kiến logistics xanh, như sử dụng xe điện, cải thiện hiệu quả chuỗi cung ứng thông qua số hóa, hoặc xây dựng trung tâm logistics tiết kiệm năng lượng.
Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ – vốn chiếm khoảng 90% số lượng doanh nghiệp logistics – vẫn gặp nhiều rào cản như chi phí đầu tư cao, thiếu thông tin, và thiếu chính sách hỗ trợ cụ thể.
Mặt khác, hành lang pháp lý hỗ trợ logistics xanh vẫn còn thiếu đồng bộ. Dù Chính phủ đã có Chiến lược phát triển kinh tế tuần hoàn, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, hay Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi có đề cập đến hạ tầng hỗ trợ phương tiện xanh, nhưng việc triển khai còn chậm và thiếu liên kết.
Trong bối cảnh đó, những sáng kiến và sự kiện quy mô quốc tế như FIATA World Congress (FWC) 2025 trở nên vô cùng cần thiết. Sự kiện này không chỉ là cơ hội để Việt Nam giới thiệu tiềm năng logistics xanh với thế giới, mà còn giúp thúc đẩy đối thoại chính sách, chuyển giao công nghệ, kết nối đầu tư và chia sẻ mô hình thành công từ các quốc gia đã đi trước.

- Là nước chủ nhà của FIATA World Congress 2025 với chủ đề "Logistics xanh, thích ứng nhanh”, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội gì cho quá trình chuyển đổi sang logistics xanh, thưa ông?
Việc Việt Nam lần đầu tiên đăng cai tổ chức FWC 2025 không chỉ là một vinh dự lớn mà còn là một cơ hội chiến lược.
Đại hội với chủ đề logistics xanh, thích ứng nhanh hoàn toàn phù hợp với nỗ lực thực hiện các cam kết khí hậu theo COP26 và đẩy mạnh kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn của Việt Nam.
Sự kiện sẽ giúp mở ra cánh cửa chuyển giao tri thức, công nghệ và kinh nghiệm quốc tế, từ đó giúp doanh nghiệp Việt Nam học hỏi, thích nghi và tiến nhanh hơn trên hành trình xanh hóa.
Quan trọng hơn, tạo điều kiện để Việt Nam nêu bật các sáng kiến và mô hình logistics xanh, kêu gọi đầu tư quốc tế vào hạ tầng bền vững, từ đó lan tỏa tinh thần trách nhiệm môi trường tới cộng đồng doanh nghiệp trong nước.
Chúng tôi kỳ vọng FWC 2025 sẽ tạo ra một “cú hích chính sách”, góp phần hoàn thiện thể chế về logistics xanh, như quy hoạch trung tâm logistics theo hướng bền vững, ưu đãi đầu tư cho phương tiện vận tải sử dụng năng lượng xanh, phát thải thấp… không chỉ là cơ hội quảng bá, đại hội còn là đòn bẩy để định hình chiến lược phát triển bền vững của ngành logistics, lấy đổi mới sáng tạo và tăng trưởng xanh làm nền tảng.
- Để logistics xanh thực sự đi vào thực tiễn, các doanh nghiệp cần có lộ trình và sự hỗ trợ từ nhiều phía, VLA đã có những sáng kiến nào nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình chuyển đổi này?
FWC 2025 không chỉ là nơi gặp gỡ của cộng đồng logistics toàn cầu, mà còn là nơi VLA thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam trên hành trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và hội nhập bền vững. Với vai trò là đơn vị đăng cai tổ chức, VLA đã chủ động thiết kế chuỗi các phiên thảo luận chuyên sâu với nội dung bám sát thực tiễn và nhu cầu phát triển của ngành logistics Việt Nam.
Một số chủ đề tiêu biểu tại các phiên thảo luận bao gồm: Logistics cho thương mại điện tử xuyên biên giới: Xu hướng và giải pháp tối ưu; Chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo – đột phá phát triển logistics xanh và bền vững; Phát triển chuỗi cung ứng linh hoạt, bền vững và hiện đại hoá chuỗi lạnh; Tái cấu trúc thương mại toàn cầu; Hành lang kinh tế và hành lang vận tải thế hệ mới; Thúc đẩy vận tải thuỷ và đường sắt cho phát triển chuỗi cung ứng bền vững…
- Với tầm nhìn dài hạn, FIATA World Congress 2025 tác động thế nào tới sự phát triển bền vững của ngành logistics Việt Nam cũng như vị thế trên bản đồ logistics toàn cầu, thưa ông?
Chúng tôi tin rằng FWC 2025 sẽ tạo ra ba tác động lớn, mang tính nền tảng cho ngành logistics Việt Nam trong thập kỷ tới:
Thứ nhất, thúc đẩy thay đổi tư duy và chuẩn hóa mục tiêu phát triển xanh. Đây là cơ hội để Việt Nam khẳng định cam kết mạnh mẽ trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và giảm phát thải theo cam kết COP26.
Thứ hai, tạo bệ phóng cho đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ và thu hút đầu tư quốc tế. Đây cũng là cơ hội để các trung tâm logistics của Việt Nam như Hải Phòng, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Lạng Sơn… có cơ hội hút dòng đầu tư từ những doanh nghiệp đầu ngành.
Thứ ba, nâng tầm vị thế Việt Nam trên bản đồ logistics toàn cầu. Tổ chức thành công FWC 2025 là lời khẳng định với cộng đồng quốc tế rằng Việt Nam không chỉ là điểm đến sản xuất hấp dẫn mà còn là trung tâm logistics chiến lược của châu Á – Thái Bình Dương, là logistics hub kết nối ASEAN – Đông Bắc Á – Trung Đông – Ấn Độ Dương.
- Trân trọng cảm ơn ông!