Công nghệ

Ninh Bình: Bứt phá kinh tế số sau sáp nhập

Lan Vũ 11/07/2025 09:28

Với quy mô thị trường nội vùng đủ lớn và sự bổ trợ lẫn nhau về thế mạnh, Ninh Bình (mới) đang đứng trước cơ hội vàng để trở thành điểm sáng về kinh tế số.

Việc sáp nhập ba tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình không chỉ là hợp nhất về mặt hành chính mà còn mở ra một chương mới đầy hứa hẹn cho sự phát triển kinh tế số.

Tận dụng lợi thế từng vùng

Mỗi địa phương trước khi sáp nhập đều có lợi thế riêng, trong khi Hà Nam (cũ) là trung tâm công nghiệp số và logistics với các khu công nghiệp hiện đại, kết nối hạ tầng đồng bộ thì Nam Định (cũ) là trung tâm đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực số và có tiềm năng lớn để phát triển phần mềm, trí tuệ nhân tạo. Còn Ninh Bình, với lợi thế về du lịch - di sản và dịch vụ, có thể trở thành trung tâm du lịch thông minh và dịch vụ số của vùng. Từ những yếu tố này có thể thấy sau hợp nhất, tỉnh Ninh Bình (mới) có thể phát triển theo mô hình kinh tế số phân cực chức năng, kết nối bằng hạ tầng dữ liệu liên thông, giúp giảm chi phí, tăng tốc độ xử lý công việc và thu hút đầu tư.

1(4).jpg
Ông Phạm Quang Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình: tập trung bắt tay ngay vào rà soát, xây dựng kịch bản tăng trưởng cụ thể từ nay đến cuối năm đảm bảo hoàn thành tốc độ tăng trưởng 2 con số

Theo GS, TS Trần Thọ Đạt - Đại học Kinh tế Quốc dân, lợi thế lớn nhất của tỉnh Ninh Bình (mới) chính là quy mô thị trường nội vùng đủ lớn, tạo hấp lực đối với các doanh nghiệp công nghệ, nhà đầu tư vào thương mại điện tử, logistics thông minh và dịch vụ số. Trên thực tế, sự tích hợp này đang làm thay đổi cấu trúc phát triển của toàn tỉnh. Trong cơ cấu kinh tế, tỷ trọng của dịch vụ số, công nghiệp công nghệ cao và thương mại điện tử đã tăng nhanh, từng bước thay thế cho các ngành truyền thống.

"Theo số liệu từ cơ quan thống kê, giai đoạn 2020-2024, Hà Nam (cũ) duy trì mức tăng trưởng GRDP trên 10% mỗi năm, tỷ trọng kinh tế số đạt 13,68% – cao hơn trung bình cả nước. Ninh Bình (cũ) tuy có bước phục hồi ấn tượng sau đại dịch với GRDP tăng lên 8,56% vào năm 2024, nhưng tỷ trọng kinh tế số lại giảm nhẹ xuống 9,09%, cho thấy cần có chiến lược đồng bộ hơn trong thực thi chuyển đổi số. Nam Định (cũ), dù ổn định, nhưng mới đạt 6,37% tỷ trọng kinh tế số, vẫn thấp so với mặt bằng vùng" - GS, TS Trần Thọ Đạt phân tích.

Những con số ấy phản ánh bức tranh toàn diện, hợp nhất không chỉ làm tăng quy mô mà còn đặt ra yêu cầu tái cấu trúc lại toàn bộ không gian phát triển, đồng thời tạo tiền đề cho một bước nhảy vọt về chuyển đổi số nếu có quyết sách và điều phối hợp lý. Các mô hình “đa trung tâm - một nền tảng”, “chính quyền số cấp tỉnh” và “dịch vụ công không giấy tờ, không tiếp xúc, không trễ hẹn” cũng được định hình rõ hơn trong quy hoạch phát triển của Ninh Bình. Nếu triển khai đồng bộ, đây sẽ là “xương sống” cho kinh tế số của Ninh Bình phát triển bền vững.

Bài học từ thực tiễn

Từ thực tiễn trên, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Ninh Bình (cũ), Hà Nam (cũ) đã từng bước áp dụng phần mềm kế toán điện tử, thương mại điện tử, QR code truy xuất nguồn gốc trong sản phẩm OCOP, đặc sản nông nghiệp…, tạo bước chuyển dịch tích cực trong tư duy sản xuất, kinh doanh.

2(3).jpg
Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã từng bước áp dụng phần mềm kế toán điện tử, thương mại điện tử, QR code truy xuất nguồn gốc trong sản phẩm OCOP, đặc sản nông nghiệp

Tuy nhiên, hành trình xây dựng kinh tế số không phải không có những thách thức. Báo cáo của Cục Thống kê năm 2025 chỉ rõ, mặc dù vùng Đồng bằng sông Hồng chiếm gần 27% tỷ trọng kinh tế số toàn quốc, song sự phân hóa giữa các địa phương là khá rõ rệt. Ngay trong ba tỉnh hợp nhất, khoảng cách về năng lực số, hạ tầng công nghệ, mức độ ứng dụng và nhận thức về chuyển đổi số vẫn còn lớn. Nếu như Hà Nam (cũ) đi đầu trong công nghiệp số, thì Nam Định (cũ) lại chưa có sự bứt phá rõ ràng, còn Ninh Bình (cũ) dù có tiềm năng du lịch số nhưng thiếu cơ chế hỗ trợ đủ mạnh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thêm vào đó là thách thức về hạ tầng, một số vùng sâu, vùng xa chưa được phủ sóng 5G, gây cản trở quá trình phổ cập công nghệ tới mọi người dân.

Ông Nguyễn Văn Lam – Giám đốc Công ty Hải Nam (chuyên về sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và đặc sản địa phương) cho biết, ban đầu việc áp dụng công nghệ số vào sản xuất kinh doanh không phải là điều dễ dàng, đặc biệt đối với một doanh nghiệp vừa và nhỏ như chúng tôi. Thách thức lớn nhất mà chúng tôi gặp phải là thay đổi tư duy của đội ngũ nhân viên. Nhiều người quen với quy trình thủ công, ngại tiếp cận cái mới. Chúng tôi đã phải tổ chức rất nhiều buổi đào tạo, thuyết phục để họ hiểu được lợi ích của công nghệ số mang lại.

Cũng theo ông Lam, trước đây, mọi khâu từ quản lý kho, đặt hàng, đến marketing đều thực hiện bằng tay. Điều này dẫn đến nhiều sai sót, lãng phí thời gian và khó khăn trong việc mở rộng thị trường. Để áp dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tiên chúng tôi đã áp dụng phần mềm quản lý bán hàng và kho tự động. Thay vì ghi chép sổ sách, giờ đây mọi dữ liệu được nhập vào hệ thống, giúp chúng tôi nắm bắt tồn kho chính xác, theo dõi doanh thu và lợi nhuận theo thời gian thực. Tiếp đến, chúng tôi xây dựng website riêng, đồng thời đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử lớn. Nhờ đó, sản phẩm của chúng tôi không chỉ được biết đến ở Ninh Bình mà còn vươn ra toàn quốc, thậm chí có những đơn hàng từ nước ngoài. Đến nay, doanh thu từ kênh online đã tăng trưởng đáng kể, chiếm hơn 30% tổng doanh thu của công ty.

"Chúng tôi đang nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào phân tích dữ liệu khách hàng để cá nhân hóa trải nghiệm mua sắm, đồng thời tối ưu hóa chuỗi cung ứng. Kinh tế số không chỉ là xu hướng, mà đã trở thành con đường sống còn của doanh nghiệp trong thời đại này" – ông Lam nhấn mạnh.

Ông Phạm Quang Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, ngay trong những thời gian đầu vận hành hệ thống bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp đã đi vào hoạt động liên tục, thông suốt. Trong thời gian tới, đề nghị các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục ổn định tổ chức bộ máy, hoàn thành tất cả các quy định liên quan... tập trung bắt tay ngay vào rà soát, xây dựng kịch bản tăng trưởng cụ thể từ nay đến cuối năm đảm bảo hoàn thành tốc độ tăng trưởng 2 con số theo chỉ đạo của Chính phủ.

Trong hành trình sáp nhập để phát triển bền vững, việc tối ưu hóa thế mạnh của từng địa phương, rút ngắn khoảng cách số, đầu tư bài bản cho hạ tầng - dữ liệu - nhân lực sẽ là chìa khóa để Ninh Bình bứt phá, trở thành điểm sáng về kinh tế số vùng Đồng bằng Sông Hồng.

Lan Vũ