Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (Kỳ 2): Giải pháp nâng cao hiệu quả tại Việt Nam
Nghị quyết 68/NQ-TW đã khẳng định tầm quan trọng của nghiên cứu và phát triển (R&D), và bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) trong chiến lược phát triển kinh tế tư nhân và chuyển đổi số quốc gia.

Sau khi Nghị quyết 68/NQ-TW được ban hành, đến nay, số lượt cấp chứng nhận SHTT (sáng chế, nhãn hiệu) tăng 18% so với cùng kỳ năm 2024; đơn nộp trong nước tăng 12%, đơn quốc tế (PCT) tăng 9%. Tuy nhiên, năng lực thẩm định còn hạn chế: đội ngũ chuyên gia SHTT chỉ đạt 300 người toàn quốc, so với nhu cầu 500–700 người. Thời gian giải quyết đơn vẫn khoảng 18–24 tháng (sáng chế) và 8–10 tháng (nhãn hiệu), chưa đạt mục tiêu rút ngắn 20% theo Nghị quyết 68/NQ-TW. Trong khi đó, nhận thức của doanh nghiệp còn thấp, chỉ 23% doa nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đăng ký quyền SHTT; phần lớn doanh nghiệp coi SHTT là “chi phí phát sinh”, chứ không phải tài sản chiến lược.
Bài học cho Việt Nam
Việt Nam đã áp dụng mô hình thử nghiệm tương tự Anh và Singapore về miễn trừ quy định, nhưng chưa có khung tổng thể (chẳng hạn một nghị định về cơ chế thử nghiệm chung cho nhiều ngành). Thời gian phê duyệt và tiêu chí an toàn ở Việt Nam chưa rõ ràng so với FCA (60 ngày) và MAS (45 ngày).
Trước thực trạng trên, cần cơ chế liên ngành để đánh giá toàn diện dự án; xác định rõ trách nhiệm pháp lý khi thử nghiệm vượt “ngưỡng an toàn” (ví dụ bảo hiểm rủi ro cho khách hàng); đồng thời đưa ra hướng dẫn khung về phương pháp đánh giá rủi ro và tiêu chí hậu kiểm, tránh để doanh nghiệp tự mò mẫm.
Nhật Bản và Canada có hướng dẫn chi tiết hơn về các hạng mục R&D đủ điều kiện, theo chuẩn Frascati Manual (OECD, 2023). Việt Nam hiện chỉ xác định chung “chi phí nghiên cứu, thí nghiệm” mà chưa phân loại rõ “chi phí nhân công” hay “khấu hao tài sản cố định”. Do đó, các doanh nghiệp thiếu năng lực kế toán để phân tách chi phí R&D. Đặc biệt, thiếu đơn vị hỗ trợ kỹ thuật, doanh nghiệp không biết hỏi ai khi lập hồ sơ. Còn cơ quan thuế phải kiểm toán thủ công, gây tốn kém chi phí và thời gian.
Về khung pháp lý bảo hộ, thời gian giải quyết của Việt Nam chưa tương xứng với Nhật Bản (6–9 tháng) hay Hàn Quốc (9–12 tháng). Việt Nam có thể áp dụng cơ chế fast track cho đơn ưu tiên (AI, sinh học, công nghệ xanh).
Về hộp sáng chế, Việt Nam chưa triển khai, trong khi Israel và một số nước châu Âu cho phép thuế suất ưu đãi 6–12% trên thu nhập từ SHTT, giúp khuyến khích doanh nghiệp đặt bằng sáng chế tại nước sở tại.
Về Tòa án SHTT, Việt Nam chỉ có Tòa Kinh tế TP HCM và Tòa án Nhân dân cấp tỉnh xử lý tranh chấp SHTT; chưa có tòa chuyên trách hay đội ngũ thẩm phán chuyên sâu về SHTT, dẫn đến chất lượng phán quyết chưa đồng đều.
Đề xuất chính sách
Để góp phần nâng cao hiệu quả bảo hộ SHTT và nâng cao năng lực sáng tạo, cần có các giải pháp sau đây:
Thứ nhất, cần sớm hoàn thiện Cơ chế thử nghiệm quốc gia, cụ thể xây dựng khung pháp lý chung cho cơ chế thử nghiệm đa ngành (Fintech, AI, y tế, IoT…), quy định rõ điều kiện tham gia, thời hạn miễn trừ, tiêu chí an toàn và trách nhiệm sau thử nghiệm; thành lập cơ quan xét duyệt và giám sát cơ chế thử nghiệm (gồm Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, NHNN, Bộ Y tế, Bộ KHCN) với quy trình rõ ràng trong 60 ngày; doanh nghiệp cam kết báo cáo định kỳ (hàng quý) về kết quả thử nghiệm và rủi ro; cơ quan quản lý có quyền yêu cầu dừng thử nghiệm nếu phát sinh nguy cơ.
Thứ hai, nâng cao hiệu quả ưu đãi R&D. Theo đó, ban hành hành Sổ tay hướng dẫn R&D dựa trên Frascati Manual, phân loại 8 hạng mục chi phí (nhân công, nguyên vật liệu, khấu hao tài sản cố định,…) và phương pháp tính chi phí. Bên cạnh đó, thiết lập bộ phận tư vấn tại Bộ KHCN và VCCI để giúp doanh nghiệp lập hồ sơ, tư vấn kỹ thuật về kế toán R&D, giảm thiểu tranh chấp với cơ quan thuế. Ngoài ra, Cơ quan thuế áp dụng phân tích dữ liệu để phát hiện doanh nghiệp khai khống chi phí, tập trung kiểm tra các doanh nghiệp có biến động bất thường.
Thứ ba, hoàn thiện khung pháp luật bảo hộ SHTT. Theo đó, cần có cơ chế rút ngắn thời gian thẩm định đơn sáng chế xuống 6–9 tháng cho các lĩnh vực AI, y sinh, công nghệ xanh (Luật SHTT sửa đổi); ban hành quy định cho phép thu nhập từ SHTT được áp dụng thuế suất ưu đãi 5%–10% (như Ireland, Israel); thiết lập Tòa SHTT Trung ương hoặc chuyên đề tại Tòa Kinh tế TPHCM với thẩm phán được đào tạo chuyên sâu, nâng cao chất lượng giải quyết tranh chấp.
Thứ tư, tăng cường nhân lực và kết nối khoa học và công nghệ – doanh nghiệp. Theo đó, hợp tác với trường đại học, viện nghiên cứu để đào tạo chuyên viên SHTT, tư vấn quản trị R&D cho doanh nghiệp; khuyến khích thành lập văn phòng chuyển giao công nghệ tại các viện, trường và khu công nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận kết quả nghiên cứu, thúc đẩy thương mại hóa sáng chế; tài trợ một phần chi phí tham gia hội thảo quốc tế về SHTT, kết nối với mạng lưới chuyên gia quốc tế để chia sẻ kinh nghiệm và cập nhật thông tin.