Triển vọng thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung (Kỳ 2): Kỳ vọng kết quả khả quan
Dù Mỹ và Trung Quốc còn nhiều bất đồng, nhưng nhiều chuyên gia kỳ vọng hai bên có thể sẽ nhượng bộ nhau để sớm đạt được thỏa thuận thương mại toàn diện.

Trung Quốc vừa đồng ý nối lại xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ để đổi lại Mỹ gỡ bỏ một số biện pháp hạn chế đối với Trung Quốc. Điều này cho thấy đất hiếm có vai trò quan trọng trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung.
Mỹ “xuống thang” thuế quan
Trước đây, trong đối sách với Trung Quốc, chính quyền Biden chỉ siết chặt những dòng chảy có tầm quan trọng về lâu dài, đó là chip cao cấp, các giao lưu khoa học cơ bản, ô tô điện… trong khi vẫn để các chuỗi cung ứng khác hoạt động bình thường nhằm tránh gây sốc cho nền kinh tế.
Trái lại, khi phát động cuộc chiến thuế quan với Trung Quốc, chính quyền Trump dường như chưa nhận thấy “tử huyệt” này của nền kinh tế Mỹ. Việc công bố mức thuế sốc lên tới 54%, rồi 145%, sau đó cấm sinh viên Trung Quốc học tập tại Mỹ, đã đẩy tình hình đi qua xa. Ngay lập tức, Trung Quốc ra lệnh hạn chế xuất khẩu 7 loại đất hiếm. Theo đó, mỗi đơn xuất khẩu đất hiếm phải có giấy phép của chính phủ.
Gần như tức thì, ông Trump nhận được đơn thỉnh cầu từ các CEO trong các lĩnh vực quan trọng như xe hơi, các nhà cung ứng quốc phòng, các đối tác từ EU và đồng minh rằng họ sẽ cạn kiệt đất hiếm để duy trì sản xuất kể từ tháng 7/2025. Thậm chí, họ sẽ phải cắt giảm sản lượng và sa thải công nhận. Điều này rất nguy hiểm với nền kinh tế Mỹ. Quan trọng, nó đánh thẳng vào uy tín của ông Trump khi ông từng tuyên bố chính sách thuế quan của chính quyền ông sẽ khiến nền công nghiệp Mỹ bùng nổ.
Ông Trump phải “xuống thang” bằng việc hoãn thuế quan 90 ngày để đàm phán. Vào ngày 11/5, tức chỉ hơn một tháng sau ngày khởi xướng cuộc chiến thuế quan, không phải phía Trung Quốc đến xin đàm phán với Mỹ, mà phía Mỹ đã chủ động đến Jeneava để đàm phán với Trung Quốc để hạ nhiệt căng thẳng. Theo thỏa thuận tại Jeneva, Mỹ giảm thuế xuống 30% đối với hàng hóa Trung Quốc.
Ngược lại, Trung Quốc áp mức thuế quan 10% vào hàng nhập từ Mỹ. Nhưng quan trọng hơn, Trung Quốc “cam kết” nới lỏng hạn chế xuất khẩu đất hiếm.
Sau đó, ông Trump công bố lệnh cấm sinh viên Trung Quốc học tập ở Mỹ khi tố Trung Quốc vi phạm thỏa thuận Jeneva mà lý do chính là các hạn chế đất hiếm không có tiến bộ gì. Đến ngày 10/6 và 11/6, Mỹ lại phải đàm phán với Trung Quốc ở London. Sau đó, ông Trump tuyên bố đã đạt được thỏa thuận thương mại khung với Trung Quốc. Thực chất, hai bên lại quay về thỏa thuận trước đó tại Jeneva: thuế đánh vào hàng hóa từ Mỹ là 10%, còn thuế Mỹ áp cho hàng hóa Trung Quốc là 30%.
Triển vọng thỏa thuận Mỹ - Trung
Dù Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận thương mại khung, nhưng việc đàm phán chi tiết để tiến tới thỏa thuận thương mại toàn diện vẫn còn rất nhiều thách thức. Tình hình như đề cập ở trên cho thấy Trung Quốc đang nắm ưu thế trong đàm phán thương mại với Mỹ, chứ không phải ngược lại như ông Trump thường nghĩ.
Mặt khác, Trung Quốc còn dùng đất hiếm gây sức ép với các đối tác của Mỹ, đặc biệt là EU, Nhật, Hàn Quốc… không được gây tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc khi cố gắng đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ. Điều này khiến các đồng minh của Mỹ lại gây sức ép với Mỹ không được buộc họ phải đối đầu với Trung Quốc, yêu cầu Mỹ giải quyết tốt vấn đề đất hiếm; nếu không, họ cũng sẽ bị “vạ lây”.
Trung Quốc đã yêu cầu các đối tác như Hàn Quốc, Nhật Bản không được bán lại đất hiếm cho Mỹ và cũng không được bán những sản phẩm công nghệ cao sản xuất từ đất hiếm của Trung Quốc sang Mỹ. Trong khi đó, các đối tác như Hàn Quốc, Nhật, EU không có đất hiếm thì cũng không thể hoàn thành sản phẩm để bán cho thị trường Mỹ.
Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục dùng đất hiếm để mặc cả với Mỹ trong các vấn đề thuế quan. Nói cách khác, đất hiếm đã trở thành “quân bài” lớn không chỉ mang tính chất quan hệ thương mại và kinh tế mà còn cả tính chất địa chính trị đi kèm. Để đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, chính quyền Trump chắc sẽ phải nhượng bộ nhiều thứ, điều sẽ khiến ông Trump phải chịu sức ép chính trị trong nước.
Trong buổi họp báo sau hội nghị NATO ngày 25/6, nhiều người khó hiểu tại sao ông Trump lại nói Trung Quốc có thể tiếp tục mua dầu của Iran như bình thường. Thực ra, Trung Quốc vẫn đang là người mua dầu của Iran mà không cần quan tâm đến Mỹ nghĩ gì, bởi vì Trung Quốc là nước phản đối lệnh cấm bán dầu của Iran. Có thể đây là thông điệp mà ông Trump tranh thủ gửi đi để lấy lòng Trung Quốc cho mục đich đàm phán thương mại.
Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc cũng đang đối mặt nhiều thách thức, nhu cầu tiêu dùng trong nước suy giảm mạnh, buộc quốc gia này phải đẩy mạnh xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trước thực trạng trên, Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ phải nhượng bộ nhau để sớm đạt được thỏa thuận thương mại toàn diện, dù rằng quá trình đàm phán chi tiết sẽ còn rất nhiều khó khăn, thách thức.