Logistics xanh - Sức bật trong biến động và kết nối cùng FIATA World Congress 2025
Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp VLA tổ chức “Diễn đàn Logistics xanh - Sức bật trong biến động và kết nối cùng FIATA World Congress 2025” tại VCCI Tower, Hà Nội.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang biến động mạnh mẽ kéo theo xu hướng tái cấu trúc và dịch chuyển chuỗi cung ứng, ngành logistics đang chịu áp lực chuyển đổi sâu rộng chưa từng có, các doanh nghiệp phải đứng trước yêu cầu cấp bách là thích ứng để tồn tại trong biến động.
Bên cạnh đó, Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế đưa ra những mục tiêu giảm phát thải đầy tham vọng như cơ chế điều chỉnh biên giới carbon, các sáng kiến từ Gói Fit for 55 của Liên minh Châu Âu đến lộ trình giảm carbon của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO),… buộc doanh nghiệp logistics phải “xanh hóa” quy trình và hướng tới mục tiêu netZero…
Yêu cầu chuyển đổi xanh ngành logistics đã không còn là xu hướng mà trở thành tất yếu, quyết định sức cạnh tranh, thậm chí sự sống còn của doanh nghiệp trong hội nhập toàn cầu.
Đây cũng đồng thời là cơ hội để doanh nghiệp cũng như các quốc gia tận dụng lợi thế để bứt tốc, đi nhanh, tái định vị thế. Trong đó, Việt Nam được nhận định hoàn toàn có thể đi đầu trong xây dựng mô hình logistics xanh và bền vững tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, trở thành điểm sáng tiên phong trên bản đồ xanh ngành logistics thế giới.
Nhằm giúp doanh nghiệp logistics và xuất nhập khẩu cập nhật xu hướng, yêu cầu chuyển đổi xanh, thảo luận những sáng kiến số hoá, xanh hoá và gia tăng cơ hội chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong bối cảnh đầy biến động, Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) phối hợp cùng Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức:
DIỄN ĐÀN LOGISTICS XANH - SỨC BẬT TRONG BIẾN ĐỘNG
VÀ KẾT NỐI CÙNG FIATA WORLD CONGRESS 2025
Thời gian: Từ 14h00 - 17h00, Thứ Sáu, ngày 11/07/2025
Địa điểm: Hội trường 1, Tầng 7, Toà VCCI, số 9 Đào Duy Anh, phường Kim Liên, TP Hà Nội
Diễn đàn cũng là hoạt động quan trọng trong chuỗi các hoạt động hướng tới sự kiện lớn nhất ngành logistics toàn cầu - FIATA World Congress 2025, sẽ lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam vào tháng 10 tới đây mà Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam là đại diện quốc gia đăng cai tổ chức và Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp là đơn vị truyền thông chính.

Tham dự Diễn đàn Logistics xanh, về phía Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có: Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Về phía Lãnh đạo các Bộ, ngành trung ương có: Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương.
Về phía các chuyên gia, diễn giả tham dự chương trình có: Ông Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hải Phòng, Chủ tịch Macstar Group; Ông Đặng Vũ Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần kho vận miền Nam; Ông Nguyễn Duy Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, Công ty Cổ phần Giao Nhận Tiếp Vận Quốc Tế InterLOG; Ông Ken Yokeum, Phó Chủ tịch Châu Á Thái Bình Dương Liên minh Hàng hoá Thế giới (WCAworld); Ông Edwin Law, Giám đốc điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp Úc tại Việt Nam; Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Phó Chủ tịch thường trực Hội Doanh nghiệp Xanh TP Hồ Chí Minh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang; Ông Koen Soenens, Phó Chủ tịch Uỷ ban Vận tải và Logistics, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham); Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội Cảng biển Việt Nam;
Về phía đơn vị Tổ chức và thực hiện Diễn đàn có: Ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam; Nhà báo Nguyễn Linh Anh, Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp.
Ban tổ chức đặc biệt cảm ơn các chuyên gia từ các Viện, trường, cơ quan nghiên cứu, các tổ chức quốc tế, Lãnh đạo tỉnh thành, Lãnh đạo các Hiệp hội doanh nghiệp các địa phương, các Hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng, các Hiệp hội Doanh nghiệp trong và ngoài nước tại Việt Nam: Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam; Hiệp hội Dệt may Việt Nam; Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam; Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam; Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam; Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ hàng hải Việt Nam; Hiệp hội Phát triển Nhân lực logistics Việt Nam; Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam; Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam; Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam; Hiệp hội Doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam; Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam; Hiệp hội Logistics Hải Phòng; Hiệp hội Logistics TP Hồ Chí Minh; Hội Doanh nghiệp xanh TP Hồ Chí Minh.
Diễn đàn xin được hân hạnh chào đón các thành viên Ban tổ chức FIATA World Congress 2025. Đặc biệt chào đón các doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp xuất nhập khẩu quan tâm tham dự chương trình.
Ban tổ chức xin cảm ơn các nhà báo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí đã tham dự và đưa tin về sự kiện.
Lợi thế cạnh tranh để doanh nghiệp Việt tiến bước
Phát biểu chào mừng tại Diễn đàn Logistics xanh - Sức bật trong biến động và kết nối cùng FIATA World Congress 2025, do Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) phối hợp cùng Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 11/7/2025, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho biết, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu, không thể đảo ngược và là xu thế chung toàn cầu trong giai đoạn hiện nay. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 đã đặt mục tiêu “xanh hoá” các ngành kinh tế, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng bền vững về môi trường và công bằng xã hội. “Phát triển logistics xanh" là một trong số các nhiệm vụ được giao cho các Bộ ngành liên quan trong bản chiến lược này.
“Để thực hiện Chiến lược này, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 882/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, trong đó, dịch vụ logistics là 1 trong 18 chủ đề trọng tâm của Kế hoạch”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công chia sẻ.
Đồng thời cho hay, bằng việc đặt ra các mục tiêu rõ ràng về giảm phát thải trong Chương trình hành động về chuyển dịch năng lượng xanh trong lĩnh vực giao thông vận tải, Việt Nam đang xây dựng nền tảng chính sách vững chắc, thúc đẩy vận tải đa phương thức, khuyến khích sử dụng nhiên liệu sạch hơn và công nghệ số.

Khảo sát của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững của VCCI đã cho thấy, chuyển đổi chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị theo hướng bền vững hơn là một trong những xu thế mà cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đang rất quan tâm và dành nhiều ưu tiên. Theo đó, quản lý chuỗi cung ứng xanh gắn liền với quản trị các mắt xích của nó, bao gồm thiết kế xanh, sản xuất xanh, vận hành xanh, thu mua xanh, logistics xanh, quản lý chất thải…
Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, khi các mắt xích đó đều “xanh” thì doanh nghiệp sẽ có thể nâng cao năng lực vận hành, đồng thời hình thành nên hệ sinh thái xanh, bền vững xoay quanh doanh nghiệp, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh và gia tăng khả năng thích ứng, chống chịu, phục hồi của doanh nghiệp trước các cú sốc của thị trường.
Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) của VCCI cũng là một công cụ rất tốt để giúp doanh nghiệp rà soát lại hoạt động phát triển bền vững của mình, tự đánh giá tổng quát “sức khỏe” của mình, cũng như các tác động tạo ra từ hoạt động của doanh nghiệp, qua đó xây dựng kế hoạch hành động phù hợp để cải thiện điểm yếu, phát huy điểm mạnh, đồng thời làm tốt hơn công tác lập và báo cáo thông tin, giúp thu hút đầu tư hiệu quả hơn, bền vững hơn.
Cũng theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, từ những yêu cầu chung của chuỗi cung ứng toàn cầu nói trên, phát triển logistics xanh không còn là xu hướng mà dần trở thành yêu cầu tất yếu với các hoạt động xuyên suốt từ khâu mua nguyên vật liệu, sản xuất, phân phối, giao hàng, xử lý phế thải, với toàn bộ chu kỳ sống của sản phẩm. Nghị quyết số 163/NQ-CP của Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam cũng đã xác định “phát triển logistics gắn với chuỗi cung ứng bền vững”.

Đặc biệt, với sự hội nhập ngày càng sâu rộng của nền kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam đã cập nhật những tiêu chuẩn ngày càng gắt gao của thế giới về phát triển xanh và bền vững. Logistics xanh đã nằm ở trung tâm trong chiến lược phát triển, trách nhiệm với môi trường và các yêu cầu pháp lý, thậm chí lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp.
Chỉ ra những áp lực ngày càng lớn trong việc giảm phát thải carbon và xây dựng các mạng lưới bền vững, có khả năng chống chịu… Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công bày tỏ, trong bối cảnh đầy biến động của kinh tế thế giới, hàng rào thuế đối ứng từ thị trường lớn như Hoa Kỳ, sự dịch chuyển và tái cấu trúc thương mại toàn cầu, tác động từ xung đột địa chính trị giữa các quốc gia, biến động giá nhiên liệu, khủng hoảng container, cùng với đòi hỏi về tiêu chuẩn ESG, Net Zero và thuế biên giới carbon… đang dần trở thành hàng rào kỹ thuật mới, buộc doanh nghiệp logistics phải chuyển đổi để tồn tại và nâng sức cạnh tranh.
“Xanh hoá” trở thành con đường sống còn giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh và tạo sức bật trong chuỗi biến động. Phát triển logistics xanh sẽ là lợi thế cạnh tranh để doanh nghiệp Việt đi nhanh hơn, vượt lên trong chiến lược phát triển bền vững toàn cầu.
Đại hội Thế giới của Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận và Vận tải Quốc tế - FIATA World Congress 2025 được tổ chức tại Hà Nội tháng 10 tới đây sẽ là cơ hội lịch sử cho doanh nghiệp logistics Việt Nam hội nhập quốc tế trên chính “sân nhà”.

“Đề xuất của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp trong tổ chức Diễn đàn Logistics xanh và kết nối FIATA World Congress 2025 hôm nay là tiền đề quan trọng hướng tới sự kiện lớn nhất ngành logistics toàn cầu - FIATA World Congress 2025 với chủ đề “logistics xanh, thích ứng nhanh” tới đây”, Chủ tịch Phạm Tấn Công đánh giá.
Đồng thời mong muốn, các vị Lãnh đạo, đại diện các Bộ ngành, các Hiệp hội Doanh nghiệp, các chuyên gia cũng như doanh nghiệp sẽ thẳng thắn trao đổi, thảo luận đề xuất giải pháp hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, hợp tác giữa các Hiệp hội quốc tế, Hiệp hội ngành hàng cho phát triển logistics xanh, thích ứng nhanh. Đề xuất lộ trình và biện pháp cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh.
Các ý kiến của các quý vị sẽ được VCCI tổng hợp báo cáo Chính phủ cùng các cơ quan liên quan cũng như góp ý hoàn thiện chương trình Đại hội FIATA World Congress 2025 mà Việt Nam là chủ nhà tới.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cũng kỳ vọng sự kiện FIATA WORLD CONGRESS 2025 sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam trao đổi, hợp tác với hàng nghìn doanh nghiệp logistics hàng đầu trên thế giới. Đồng thời, là cơ hội khẳng định vị thế của ngành logistics Việt Nam nói riêng và quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung trên trường quốc tế. Gián tiếp mở ra cơ hội tăng cường xuất nhập khẩu, nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, gia nhập thị trường và các chuỗi giá trị mới, góp phần phát triển kinh tế Việt Nam, đưa đất nước đến năm 2045 trở thành nước phát triển như mục tiêu đã đề ra.

"Chìa khóa" để hội nhập chuỗi giá trị toàn cầu
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang đối mặt với những biến động chưa từng có, từ đứt gãy chuỗi cung ứng, biến động tỷ giá, chi phí vận tải tăng cao, đến các rào cản kỹ thuật như thuế carbon và tiêu chuẩn ESG từ các thị trường lớn như Hoa Kỳ và châu Âu, ngành logistics Việt Nam đang đứng trước một ngã rẽ mang tính lịch sử.
“Chuyển đổi xanh không còn là một lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc để doanh nghiệp logistics Việt Nam hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế”, Chủ tịch Đào Trọng Khoa khẳng định.

Ông Đào Trọng Khoa cho biết, Diễn đàn hôm nay quy tụ những tinh hoa - từ các lãnh đạo Bộ, ngành, các hiệp hội quốc tế, đến các doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực logistics và đầu tư xanh. Đây là cơ hội để để cộng đồng doanh nghiệp chia sẻ tầm nhìn, thảo luận các giải pháp thực tiễn và kết nối để hiện thực hóa mục tiêu xanh hóa chuỗi cung ứng. Từ việc phát triển hạ tầng bền vững, ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, tối ưu hóa đội tàu, đến quản trị phát thải và truy xuất carbon - tất cả đều là những bước đi thiết yếu để ngành logistics Việt Nam không chỉ thích ứng mà còn bứt phá trong giai đoạn đầy thách thức này.
Diễn đàn cũng đánh dấu cột mốc quan trọng trong hành trình chuẩn bị cho FIATA World Congress 2025 (FWC2025) - sự kiện lớn nhất của ngành logistics toàn cầu, sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 10 tới. Với chủ đề “Logistics Xanh, Thích ứng Nhanh”, đại hội sẽ quy tụ hơn 1.200 đại biểu từ hơn 150 quốc gia, mang đến cơ hội vàng để Việt Nam giới thiệu năng lực, tầm nhìn và cam kết của mình trong việc định hình tương lai ngành logistics bền vững.
Chủ tịch VLA bày tỏ tự hào khi sự kiện này nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Chính phủ, đặc biệt là từ Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, cùng sự đồng hành của các Bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp.
Các phiên thảo luận chuyên sâu tại FWC2025 sẽ tập trung vào 7 chủ đề lớn:
1. Trao giải Tài năng trẻ Logistics (Young Logistics Professionals - YLP Award Session): Tôn vinh những tài năng trẻ, những người tiên phong đổi mới sáng tạo trong ngành logistics.
2. Logistics cho Thương mại điện tử xuyên biên giới: Xu hướng và giải pháp tối ưu: Thảo luận về tiềm năng và các giải pháp để phát triển logistics phục vụ thương mại điện tử toàn cầu.
3. Chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo - Đột phá phát triển Logistics xanh và bền vững: Khám phá vai trò của công nghệ và sáng tạo trong việc thúc đẩy logistics xanh.
4. Phát triển chuỗi cung ứng linh hoạt, bền vững và hiện đại hoá chuỗi lạnh: Giải pháp xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt và nâng cấp hệ thống logistics kho lạnh.
5. Tái cấu trúc thương mại toàn cầu: Thách thức và chiến lược thích ứng mới: Phân tích các thay đổi trong thương mại toàn cầu và cách doanh nghiệp logistics thích ứng.
6. Hành lang kinh tế và hành lang vận tải thế hệ mới: Kết nối khu vực cho hội nhập toàn cầu: Thảo luận về các hành lang vận tải hiện đại để tăng cường kết nối khu vực và quốc tế.
7. Thúc đẩy vận tải thuỷ và đường sắt cho phát triển chuỗi cung ứng bền vững: Giải pháp phát triển vận tải thân thiện môi trường để hỗ trợ chuỗi cung ứng xanh.

Theo Chủ tịch VLA, FWC2025 không chỉ là một kỳ đại hội thường niên, mà là kỳ đại hội đặc biệt, được tổ chức vào năm kỷ niệm lần thứ 99 của FIATA - Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế.
Với chủ đề “Logistics Xanh và Thích ứng nhanh” (Green and Resilient Logistics), FWC2025 phản ánh đúng những thách thức mang tính toàn cầu mà ngành logistics đang đối mặt từ đứt gãy chuỗi cung ứng, xung đột địa chính trị, đến sức ép về phát thải và tiêu chuẩn ESG từ các thị trường lớn. Đây cũng là kỳ đại hội bản lề, đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ của FIATA và cộng đồng logistics toàn cầu bước vào kỷ nguyên mới - nơi mà công nghệ, tính bền vững và hợp tác xuyên biên giới trở thành trụ cột.
FWC2025 là nơi hiện thực hoá tầm nhìn chiến lược của FIATA: “Logistics without borders for a digital and sustainable world” - Logistics không biên giới cho một thế giới số hóa và bền vững. Việt Nam - với vị trí địa chiến lược, tốc độ phát triển cao và cam kết xanh mạnh mẽ - tự hào là quốc gia đăng cai sự kiện mang tính bước ngoặt này. Không chỉ là một đại hội, FWC2025 còn là cơ hội để Việt Nam cùng thế giới định hình tương lai logistics toàn cầu.
Chủ tịch Đào Trọng Khoa khẳng định, VLA sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp, hiệp hội và cơ quan quản lý để xây dựng lộ trình chuyển đổi rõ ràng, khả thi, từ việc ứng dụng công nghệ tiên tiến, tối ưu hóa vận hành, đến việc đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về phát triển bền vững.
"Điểm tựa" để doanh nghiệp vượt qua những “cú sốc” của thị trường
Phát biểu tại Diễn đàn ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, theo báo cáo của WB năm 2023, Việt Nam đứng thứ 43 trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics, thuộc top 5 ASEAN. Tốc độ tăng trưởng logistics Việt Nam bình quân hàng năm từ 16% đóng góp quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất nhập của Việt Nam năm 2024 lên hơn 786 tỷ USD.

Những năm gần đây, thị trường thế giới chứng kiến những “cú sốc” lớn không chỉ ảnh hưởng dòng chảy của hàng hoá toàn cầu mà còn đặt ra yêu cầu cấp bách đối với khả năng thích ứng và phục hồi của ngành logistics toàn cầu. Bối cảnh này, theo Cục phó Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải, logistics xanh được xác định là chìa khoá, là điểm tựa để các doanh nghiệp toàn cầu, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam vượt qua những “cú sốc” trên.
Chia sẻ cụ thể về nội hàm của logistics xanh, ông Trần Thanh Hải cho biết: đây là hoạt động logistics hướng đến các mục tiêu bền vững, thân thiện và bảo vệ môi trường, giảm tối đa tác động tiêu cực đến môi trường. Thông qua việc đầu tư vào phương tiện vận tải tiết kiệm nhiên liệu, sử dụng container thông minh, tối ưu lộ trình, số hoá quản lý kho bãi, logistics xanh còn hỗ trợ doanh nghiệp giảm gánh nặng chi phí dài hạn. Khi giá dầu, giá vận chuyển luôn biến động, đây là “lá chắn kinh tế” rất cần thiết.

Trước xu hướng phát triển bền vững của toàn cầu, logistics xanh đang trở thành tiêu chuẩn mới của thị trường xuất khẩu và yêu cầu của khách hàng, trong đó thị trường lớn châu Âu đã triển khai cơ chế CBAM - đánh thuế carbon lên hàng nhập khẩu có phát thải cao. Đặc biệt, sở hữu chứng chỉ xanh, doanh nghiệp đang tạo cho mình lợi thế cạnh tranh vượt trội trong thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Tại Việt Nam, Cục phó Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải nhấn mạnh: ngành logistics đang tạo nhiều điều kiện thuận lợi khi Đảng, Nhà nước rất quan tâm đầu tư và mở rộng hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông với hệ thống đường cao tốc trọng điểm giúp doanh nghiệp vận tải tiết kiệm thời gian, chi phí vận chuyển.
Ngành logistics đang đón nhận cơ hội lớn khi Việt Nam đang trở thành một trong những quốc gia bùng nổ thương mại điện tử. Năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam đạt 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm trước.

Tuy nhiên, khi tham gia quá trình xanh hoá, doanh nghiệp sẽ gặp một số thách thức. Trước hết về nhận thức, thói quen, hạ tầng chưa đáp ứng cho sự phát triển của phương tiện vận chuyển xanh. Chuyển đổi xanh hoá đòi hỏi chi phí đầu tư không nhỏ gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp SME. Ngoài ra, doanh nghiệp gặp thách thức khi lựa chọn công nghệ hay việc thiếu đội ngũ chuyên gia có kiến thức và năng lực triển khai.
Trao đổi về một số định hướng khi thực hiện chuyển đổi, ông Trần Thanh Hải cho biết, trước hết chuyển đổi năng lượng, các phương tiện vận chuyển sử dụng năng lượng điện tái tạo, hydrogen, LNG…; khuyến khích chuyển đổi phương tiện sang đường thuỷ, đường sắt có năng lượng vận tải lớn. Bên cạnh đó, cần tối ưu hoá quy trình thông qua việc vận tải quy mô lớn hơn, giảm chạy rỗng, xây dựng kho, cảng thông minh. Thực hiện bù trù phát thải bằng cách tham gia trồng rừng cũng là một định hướng.

Với doanh nghiệp, Cục phó Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, cần xây dựng chiến lược phù hợp với định hướng phát triển xanh; nâng cấp và mở rộng hệ thống kho bãi, đầu tư các tranh thiết bị hiện đại; ưu tiên sử dụng các phương tiện vận tải thân thiện với môi trường. Doanh nghiệp cần chia sẻ và nỗ lực hợp tác; áp dụng công nghệ mới và ứng dụng AI để tối ưu hoá hoạt động; xây dựng mô hình logistics xanh tích hợp.
Để thúc đẩy nhanh logistics xanh, ông Trần Thanh Hải cho biết, Nhà nước đang thực hiện vai trò kiến tạo với những định hướng, chỉ đạo quan trọng. Cụ thể, Quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan cho ngành giao thông vận tải. Mục tiêu tổng quát được đặt ra là phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về 0 vào năm 2050.

Cùng với đó, Chiến lược phát triển dịch vụ logistics thời kỳ 2025-2035, tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra mục tiêu phát triển ngành logistics Việt Nam bền vững, hiệu quả, chất lượng và có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh trong khu vực cũng như trên thế giới, phát huy lợi thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
FWC 2025 - lan tỏa những giá trị chuyển đổi bền vững, sáng tạo và tối ưu
Thông tin tại Diễn đàn, ông Nguyễn Duy Minh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động và khó lường, chuỗi cung ứng thế giới đang đối mặt với những thách thức chưa từng có: đứt gãy chuỗi cung ứng, xung đột khu vực, chi phí logistics leo thang, rào cản thuế carbon, cùng các yêu cầu ESG ngày càng khắt khe từ các thị trường xuất nhập khẩu.

Trước những thay đổi sâu rộng đó, xu hướng tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu đã không còn là một viễn cảnh xa xôi, mà đang tác động trực tiếp tới mọi doanh nghiệp logistics, đặc biệt tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi xanh không chỉ là một xu thế, mà là lựa chọn tất yếu để tồn tại và phát triển. Đây chính là chiến lược then chốt giúp doanh nghiệp gia tăng năng lực chống chịu, thích ứng linh hoạt, và nâng tầm vị thế trong chuỗi cung ứng quốc tế.

Theo ông Nguyễn Duy Minh, FIATA World Congress 2025 (FWC 2025) – Đại hội thế giới về logistics do Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế FIATA tổ chức, dự kiến diễn ra từ ngày 6 đến 10/10/2025 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội. Đây là lần đầu tiên sự kiện danh giá này được tổ chức tại Việt Nam.
Với chủ đề “Green and Resilient Logistics” (Logistics xanh - Thích ứng Nhanh), FWC 2025 sẽ không chỉ là diễn đàn của những chuyên gia logistics hàng đầu thế giới, mà còn là nơi lan tỏa những giá trị chuyển đổi bền vững, sáng tạo và tối ưu. Đặc biệt, chương trình nghị sự của FWC 2025 với 7 phiên thảo luận chuyên đề bao quát các khía cạnh thiết yếu nhất của ngành logistics trong thời kỳ chuyển đổi xanh và hội nhập quốc tế:

Panel 1: Vinh danh tài năng trẻ logistics, thúc đẩy đổi mới sáng tạo từ thế hệ kế cận; Panel 2: Tối ưu hóa logistics cho thương mại điện tử xuyên biên giới – động lực tăng trưởng bền vững; Panel 3: Chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo – chất xúc tác cho logistics xanh và phát triển bền vững. Panel 4: Phát triển chuỗi cung ứng linh hoạt và hiện đại hóa chuỗi lạnh – nâng cao khả năng ứng phó biến động; Panel 5: Thích ứng với tái cấu trúc thương mại toàn cầu – chiến lược mới cho doanh nghiệp logistics; Panel 6: Hành lang kinh tế và vận tải thế hệ mới – động lực kết nối khu vực và toàn cầu; Panel 7: Thúc đẩy vận tải thủy và đường sắt – giải pháp giảm phát thải và nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng.

“Những phiên thảo luận này không chỉ mang đến góc nhìn chuyên sâu từ các chuyên gia quốc tế mà còn tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam: tiếp cận tri thức mới, công nghệ tiên tiến mà còn Kết nối đầu tư, chuyển giao công nghệ và tiếp cận các mô hình logistics bền vững”, ông Nguyễn Duy Minh nhấn mạnh.
Đồng thời ông cho hay, với hoạt động triển lãm quốc tế cùng các hoạt động xúc tiến, doanh nghiệp có cơ hội mở rộng mạng lưới đối tác toàn cầu. Đây là cơ hội thực sự lớn, hiếm có đối với các doanh nghiệp đặc biệt trong bối cảnh biến động khó lường của nền kinh tế, chính trị toàn cầu như hiện nay đa dạng thị trường, mở rộng mạng lưới là một trong yếu tố then chốt để nâng cao khả năng thích ứng và phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp nói riêng và chuỗi cung ứng, nền kinh tế nói chung.

Tác động tích cực của FWC 2025 không chỉ dừng lại ở việc kết nối hơn 1.200 đại biểu từ hơn 150 quốc gia, mà còn tạo sức lan tỏa sâu rộng đến cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu, sản xuất, phân phối tại Việt Nam – những chủ thể có vai trò then chốt trong việc kiến tạo chuỗi cung ứng xanh trong tương lai.
Ông Nguyễn Duy Minh bày tỏ, từ vai trò là đơn vị đăng cai, chúng tôi không ngừng nỗ lực để FWC 2025 thực sự trở thành cầu nối toàn cầu, nâng cao năng lực hội nhập, và tạo đà bứt phá cho doanh nghiệp logistics Việt Nam vượt qua những giới hạn cũ, vươn lên mạnh mẽ trong kỷ nguyên xanh.
"Hãy cùng nhau để FWC 2025 không chỉ là một sự kiện quốc tế lớn, mà còn là bước ngoặt phát triển cho ngành logistics Việt Nam trên hành trình chuyển đổi xanh và thích ứng" - ông kêu gọi.
Được biết, FIATA thành lập năm 1926, trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ gồm hơn 40.000 doanh nghiệp hội viên tại 150 quốc gia và vùng lãnh thổ - Là tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận đại diện cho ngành logistics và giao nhận vận tải toàn cầu với mục tiêu: Kết nối cộng đồng logistics toàn cầu; Thúc đẩy tiêu chuẩn hóa, số hóa và phát triển bền vững ngành; Là cầu nối giữa doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế như WTO, UNCTAD, ICAO, WCO...

FIATA World Congress 2025 diễn ra nhân kỷ niệm 99 năm thành lập - Là sự kiện thường niên lớn nhất của FIATA – tổ chức từ năm 1950, quy tụ hơn 1.000 đại biểu quốc tế: doanh nghiệp, chuyên gia, tổ chức chính phủ và hiệp hội logistics từ hơn 150 quốc gia.
Chủ đề của FIATA World Congress 2025 - “GREEN AND RESILIENT LOGISTICS” - thể hiện kỳ vọng xây dựng một ngành logistics có khả năng thích ứng trước biến động, kết nối sâu rộng và đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển xanh toàn cầu.
DOANH NGHIỆP LOGISTICS VÀ HÀNH TRÌNH XANH
Điều phối phiên thảo luận với chủ đề: Doanh nghiệp logistics và hành trình xanh, ông Đặng Vũ Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, trong bối cảnh toàn cầu đang nỗ lực chuyển mình theo hướng phát triển bền vững thì xanh hóa đã trở thành xu thế tất yếu. Với vai trò là “mạch máu” của nền kinh tế, ngành logistics đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình chuyển đổi này. Tuy nhiên, để chuyển đổi xanh thực sự đi vào thực tiễn, rất cần sự hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia, giữa các cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là với những thị trường có tiêu chuẩn khắt khe như Liên minh châu Âu (EU).

Đặt câu hỏi với ông Koen Soenens, Phó Chủ tịch Uỷ ban Vận tải và Logistics, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), ông Đặng Vũ Thành nói: “Theo ông, hiện nay đâu là những trở ngại lớn nhất mà các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải trong quá trình xanh hóa logistics nhằm tiếp cận thị trường châu Âu? Đồng thời, ông có thể chia sẻ thêm về những kinh nghiệm, bài học thực tiễn mà các doanh nghiệp châu Âu đã triển khai hiệu quả tại Việt Nam? Và cuối cùng, EuroCham có những đề xuất hay khuyến nghị cụ thể nào để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực xanh hóa, cải thiện khả năng tiếp cận thị trường EU?”.
Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Koen Soenens, Phó Chủ tịch Uỷ ban Vận tải và Logistics, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho rằng, quá trình xanh hóa logistics tại Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức, nhất là khi các doanh nghiệp muốn tiếp cận sâu hơn vào thị trường EU. Là đại diện từ Khu công nghiệp DEEP C và đồng thời là tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu hoạt động lâu năm tại Việt Nam, chúng tôi nhận định, logistics chính là “trái tim” của nền kinh tế - nơi kết nối sản xuất, lưu thông và phân phối. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới chuyển động mạnh mẽ theo hướng phát triển bền vững, ngành này buộc phải thay đổi để thích ứng và tồn tại.

Theo ông Koen Soenens, các doanh nghiệp châu Âu hiện nay chịu áp lực lớn từ những tiêu chuẩn xanh nghiêm ngặt ở thị trường nội địa. Để thích ứng, họ đã chủ động triển khai nhiều giải pháp cụ thể tại Việt Nam như sử dụng năng lượng mặt trời tại kho vận, văn phòng; triển khai đội xe giao nhận xanh; tích hợp công cụ số để tối ưu lộ trình, tiết kiệm nhiên liệu và giảm phát thải. Đây không phải là xu hướng nhất thời, mà là những lựa chọn thông minh mang lại hiệu quả dài hạn. Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam cho thấy nhiều rào cản vẫn đang tồn tại như hạ tầng logistics tại Việt Nam chưa đồng bộ, chính sách còn thiếu nhất quán, nhiều quy định chưa rõ ràng, gây khó khăn trong triển khai thực tế.

“Những thách thức này không của riêng ai. Do đó, cần sự phối hợp để cùng nhau tạo ra một hệ sinh thái logistics bền vững” - ông Koen Soenens chia sẻ. Đại diện EuroCham khẳng định, phát triển xanh là quá trình không thể “thuê ngoài” mà cần sự chung tay giữa doanh nghiệp, Chính phủ và các bên liên quan. Mặc dù nhận thức tại Việt Nam đang được cải thiện, nhưng nguồn lực tài chính, kỹ năng và kinh nghiệm vẫn còn hạn chế. Điều quan trọng nhất là sự đồng bộ chính sách và thống nhất quan điểm. Một khi điều đó được thiết lập, Việt Nam hoàn toàn có thể tiến rất nhanh.
Đại diện này cũng cho rằng, đây là thời điểm vàng để Việt Nam xây dựng một hệ thống logistics hiện đại, hiệu quả và bền vững, đồng thời trao quyền cho thế hệ tiếp theo bằng một bộ công cụ đầy đủ để phát triển nền kinh tế xanh. “Chúng ta cần tiếp tục tập trung, phối hợp chặt chẽ để biến chuyển đổi xanh từ một ý tưởng thành lợi thế cạnh tranh thực sự cho doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế,” đại diện EuroCham nhấn mạnh.
Trao đổi tại phiên thảo luận, ông Trần Tiến Dũng - Phó Chủ tịch VLA, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hải Phòng, Chủ tịch Macstar Group cho biết, trong thời gian qua, Hải Phòng với vai trò là cửa ngõ thông quan ở khu vực phía Bắc đã thực hiện tốt nhiệm vụ của mình và một trong số ít cảng đã duy trì được hàng hoá thông quan tăng trưởng trên 10%. Trong thời gian tới, với việc đầu tư hạ tầng cảng biển, Hải Phòng có cơ hội lớn đón nhận những tuyến tàu chạy trực tiếp đi đến các thị trường Bắc Âu, thị trường Địa Trung Hải.

Đặc biệt, Nghị quyết số 226/2025/QH15 của Quốc hội thông qua với nhiều cơ chế, chính sách cho Hải Phòng thí điểm, trong đó có một phần khu thương mại tự do tại khu kinh tế ven biển Nam Hải Phòng, khu công nghiệp Nam Đình Vũ, khu Lạch Huyện, Hải Phòng và khu vực phía Bắc dự báo đón nhận làn sóng đầu tư nước ngoài mạnh mẽ. Doanh nghiệp logistics bên cạnh cơ hội có thêm nhiều việc làm còn đối mặt với một số thách thức như vận tải đường bộ chiếm tỷ trọng lớn 98-99%, trong khi vận tải đường biển ở khu vực phía Bắc có nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác hiệu quả. Ngoài ra, cần bổ sung vận tải đường sắt.
Nhận thức được vấn đề này, tại Macstar Group, từ năm 2023 đã lập nhóm vận tải đường thuỷ nội địa, vận tải ven biển và chạy thử nghiệm kết nối Hải Phòng - Ninh Bình bằng tàu thuỷ nội địa. Sau đó, đã đầu tư lắp đặt tàu thuỷ có trọng lượng lớn tiên phong qua “kênh đào Panama Việt Nam” tiết kiệm được một nửa thời gian, sức chở lớn hơn. “Chúng tôi đang tiếp tục phối hợp các đối tác trong và ngoài nước nghiên cứu đầu tư tàu lớn hơn có sức chở tốt hơn, tiết giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp và giảm phát thải carbon. Bên cạnh đó, nghiên cứu sử dụng nhiên liệu mới thân thiện với môi trường hơn như pin sạc từ năng lượng mặt trời, hydogen xanh... Tuy nhiên, để việc nghiên cứu này đạt hiệu quả ứng dụng cao, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật cho các loại nhiên liệu mới, hướng dẫn cho phép các doanh nghiệp tiên phong áp dụng công nghệ, máy móc phù hợp với các loại nhiên liệu mới, thân thiện với môi trường” – ông Trần Tiến Dũng thông tin.

Trả lời câu hỏi về mô hình hợp tác mạng lưới giữa các doanh nghiệp logistics, ông Ken Yokeum, Phó Chủ tịch khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Liên minh Hàng hóa Thế giới (WCAworld), nhấn mạnh rằng kết nối và liên kết giữa các doanh nghiệp trên toàn cầu chính là nền tảng thiết yếu để hướng tới một ngành logistics phát triển bền vững trong tương lai. WCAworld hiện có hơn 12.800 văn phòng tại 195 quốc gia, phục vụ trên 11.100 cảng biển thông qua mạng lưới các doanh nghiệp giao nhận độc lập. Với vai trò là nhà tài trợ kim cương của FWC 2025, WCA đã gửi thư mời đến toàn bộ thành viên trong mạng lưới để cùng tham dự sự kiện, thể hiện cam kết đồng hành trong quá trình chuyển đổi của ngành.
“Chúng tôi không cạnh tranh, chúng tôi kết nối và thúc đẩy hợp tác”, ông Ken nhấn mạnh. Ông cho biết WCA hoạt động như một nền tảng hỗ trợ thương mại, trong khi FIATA đóng vai trò định hướng chính sách và giáo dục ngành. Hai tổ chức này có thể bổ trợ cho nhau trong mục tiêu phát triển bền vững logistics toàn cầu.
Trong bối cảnh giảm phát thải trở thành yêu cầu cấp thiết, WCAworld đã triển khai chương trình ECO, cung cấp công cụ giúp doanh nghiệp thành viên tính toán phát thải carbon, đề xuất phương án giảm thiểu và thực hiện báo cáo theo quy chuẩn. Công cụ này phát triển với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại, không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ quy định của chính phủ và yêu cầu từ khách hàng, mà còn tạo điều kiện để họ tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. “Những doanh nghiệp không chuyển đổi xanh sẽ sớm bị loại khỏi cuộc chơi”, ông Ken cảnh báo, đồng thời khẳng định các sáng kiến tại WCA đều xuất phát từ nhu cầu thực tế của hội viên. Chương trình ECO hiện đã có 96 doanh nghiệp tham gia và những đơn vị đạt chuẩn sẽ được cấp chứng nhận và gắn logo trên hệ thống WCA, như một tín hiệu đáng tin cậy về năng lực môi trường trong quan hệ đối tác.

Đáng chú ý, các hoạt động kết nối trong mạng lưới WCA cũng đang được tổ chức theo hướng giảm phát thải. Sự kiện thường niên dự kiến diễn ra tại Singapore vào tháng 2/2026 sẽ quy tụ khoảng 5.000 doanh nghiệp logistics từ khắp thế giới. “Thay vì phải bay đến 15 quốc gia để gặp đối tác, giờ đây họ có thể gặp nhau tại một điểm duy nhất”, ông Ken chia sẻ, coi đây là một ví dụ cụ thể về tính bền vững trong tổ chức mạng lưới.
WCA hiện tổ chức trung bình 13 hội nghị thường niên, với quy mô khác nhau, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gặp gỡ, cập nhật xu hướng, và cùng tìm kiếm giải pháp. Theo ông Ken, chính sự hợp tác xuyên biên giới sẽ là chìa khóa để toàn ngành chuyển đổi thành công. “Người ta chỉ bắt đầu hành động khi được tiếp cận với kiến thức và công cụ phù hợp. Và sau đó, chính việc chia sẻ, hợp tác, học hỏi lẫn nhau sẽ tạo ra thay đổi”, ông kết luận.
Trả lời câu hỏi về rào cản, thách thức lớn nhất hiện nay trong việc chuyển đổi xanh, bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Phó Chủ tịch thường trực, Hội Doanh nghiệp Xanh TP Hồ Chí Minh, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang cho biết, trong bối cảnh Việt Nam cam kết mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và ngày càng hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam - đặc biệt là khối vừa và nhỏ - đang đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong quá trình chuyển đổi xanh và phát triển chuỗi cung ứng bền vững.

Theo bà Lưu Thị Thanh Mẫu, hạn chế đầu tiên là nguồn lực, và khi nhắc tới nguồn lực là nhắc tới tài lực và nhân lực.
Thứ nhất, với tài lực có phần hạn chế rất lớn khi hiện Việt Nam có 90% doanh nghiệp logistics là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Và nguồn lực để chuyển đổi xanh là thách thức rất lớn, chi phí để chuyển xanh cũng còn khó khăn.
Bà Lưu Thị Thanh Mẫu đặt câu hỏi: Vậy làm sao để các doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, cải tiến quy trình sản xuất và làm sao để giúp họ có nguồn lực chuyển đổi xanh dễ hơn? Theo bà Mẫu, các cơ quan quản lý cần có sự lưu ý để đưa ra các cơ chế, chính sách phù hợp… Đơn cử như tại Singapore cách đây hơn chục năm, họ cũng đã có những cơ chế, nguồn lực để chuyển đổi xanh cho tới hiện nay.
Thứ hai là hướng tới sản phẩm xanh, vậy để có sản phẩm thì con người phải xanh, tuy nhiên, hiện nay nguồn nhân lực về chuyển đổi xanh gần như khủng hoảng, bởi nếu đào tạo ra được nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu về chuyển đổi xanh, chúng ta sẽ phải mất 20 năm. Do đó, chúng ta phải đầu tư con người một cách linh hoạt để hình thành văn hóa, bởi có những con người xanh mới có những chuyển đổi xanh và một đất nước xanh.
“Con người sẽ đóng vai trò trong dẫn dắt chuyển đổi xanh, do vậy, rất cần các tổ chức, các cơ quan quản lý hướng tới đào tạo con người về kỹ năng chuyên môn về chuyển đổi xanh” – bà Lưu Thị Thanh Mẫu nói.
Trao đổi tại phiên thảo luận, ông Edwin Law, Giám đốc điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp Úc tại Việt Nam (AusCham) gửi lời cảm ơn chân thành tới VCCI và FIATA vì đã tổ chức một sự kiện thiết thực và kịp thời trong bối cảnh thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ vì mục tiêu phát triển bền vững. Theo ông Edwin Law, các cam kết toàn cầu về biến đổi khí hậu đang ngày càng siết chặt, cùng với sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng và tiêu chuẩn thị trường, đang đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với các nền kinh tế, đó là phải phát triển theo hướng xanh, bền vững và có trách nhiệm.

Chia sẻ kinh nghiệm từ Úc, đại diện AusCham cho biết, tại quốc gia này, “logistics xanh” không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc. Rất nhiều doanh nghiệp đã cam kết giảm phát thải khí nhà kính và tích hợp các mục tiêu bền vững ngay từ đầu vào chiến lược kinh doanh từ đầu tư vận tải xanh, sử dụng năng lượng tái tạo đến xây dựng chuỗi cung ứng thân thiện với môi trường. Trong đó, công nghệ là yếu tố then chốt trong quá trình này. Nhiều công ty đã tiên phong phát triển và ứng dụng nhiều mô hình công nghệ thông minh, không chỉ giúp tiết kiệm năng lượng mà còn gia tăng lợi nhuận một cách rõ rệt. Thực tế, một số doanh nghiệp Úc đã và đang chuyển giao mô hình này cho các đối tác tại Việt Nam thông qua hình thức liên doanh và mang lại những kết quả tích cực.
Bên cạnh đó, việc các nhà máy tại Việt Nam bắt đầu sử dụng năng lượng tiết kiệm, tích hợp tiêu chuẩn môi trường vào sản xuất là tín hiệu tích cực, thể hiện nỗ lực rõ ràng của Việt Nam trong hành trình hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (net zero). Đại diện AusCham bày tỏ vui mừng được hợp tác với các đối tác Việt Nam và VCCI trong lĩnh vực này. Bởi chuyển đổi xanh không thể là nỗ lực của riêng một bên mà cần sự chung tay của cả hệ sinh thái. Ông Edwin Law kỳ vọng, trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với VCCI để chia sẻ kinh nghiệm, cùng đưa ra các giải pháp về logistics bền vững, đồng thời kết nối sâu rộng hơn nữa giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Úc trong lĩnh vực này.
“Tôi tin rằng sự phối hợp giữa ba bên FIATA - VCCI - AusCham sẽ góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trong logistics, đưa Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Logistics xanh giờ đây không chỉ là trách nhiệm môi trường, mà còn là yêu cầu sống còn để gia tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong môi trường kinh tế quốc tế đầy biến động” ông Edwin Law khẳng định.
Để sự kiện quốc tế hàng đầu ngành logistics thế giới FIATA World Congress 2025 được tổ chức thành công, không thể không nhắc đến sự đồng hành quý báu của các đơn vị tài trợ, những doanh nghiệp đã và đang thể hiện cam kết mạnh mẽ quá trình xanh hoá của ngành logistics Việt Nam và thực hiện sứ mệnh tiên phong dẫn dắt quá trình phát triển logistics bền vững toàn cầu.
Trả lời câu hỏi về thực tiễn triển khai chuyển đổi xanh và những đề xuất hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng, ông Yap Kwong Weng, CEO Việt Nam SuperPort™, cho rằng điều cốt lõi hiện nay là cần thúc đẩy mô hình logistics tích hợp đa phương thức, song song với việc xây dựng hành lang chính sách và tài chính bền vững để hỗ trợ doanh nghiệp thực thi chuyển đổi một cách thực chất.

Việt Nam SuperPort™ đang triển khai một mô hình mới tại Việt Nam, tích hợp nhà ga hàng hóa hàng không, kho ngoại quan, kho thường và các giải pháp giao thông kết nối xuyên biên giới. Theo ông Yap, đây là mô hình chưa phổ biến trong khu vực nhưng có tiềm năng tạo ra “lợi thế cơ cấu” cho Việt Nam trong chuỗi cung ứng quốc tế. “Chúng tôi không đi theo hướng khu công nghiệp đại trà, mà tập trung vào tối ưu hóa tài sản hiện hữu để tăng hiệu suất vận hành. Ví dụ, nếu khách hàng cần vận chuyển hàng bằng đường hàng không, hàng hóa có thể được đưa trực tiếp từ kho đến máy bay nếu quy định cho phép”, ông nói.
Ngoài ra, hệ thống cũng hướng tới kết nối xuyên quốc gia, với các tuyến vận tải chạy từ Trung Quốc qua cảng Hải Phòng, tạo ra lợi thế chiến lược trong mạng lưới khu vực. Trước xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu do tác động của chính sách thuế và địa chính trị, ông Yap cho rằng Việt Nam đang đứng trước cơ hội trở thành điểm đến hàng đầu trong các chiến lược đa dạng hóa chuỗi. Và trong bối cảnh đó, yếu tố bền vững không chỉ là ưu thế cạnh tranh, mà là đòn bẩy để tái định hình chiến lược vận hành của doanh nghiệp.
Vietnam SuperPort đã đặt mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 (net zero) vào năm 2040, với lộ trình cụ thể bao gồm sử dụng năng lượng tái tạo, triển khai kho tự động hóa cao, tích hợp vật liệu không phát thải carbon và áp dụng các phương thức vận hành trung hòa khí thải. “Chúng tôi không chỉ áp dụng công nghệ hiện đại từ Singapore, mà còn phát triển đội ngũ kỹ thuật trong nước để vận hành và làm chủ công nghệ”, ông cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Yap, các nỗ lực chuyển đổi xanh của doanh nghiệp chỉ thực sự hiệu quả khi có sự đồng hành từ chính sách và tài chính. Ông đề xuất cần khuyến khích tài chính xanh và các cơ chế blended finance (kết hợp công-tư), không chỉ từ ngân hàng thương mại mà cả từ các tổ chức quốc tế như IFC, Ngân hàng Thế giới. Chính Vietnam SuperPort cũng đang hợp tác với IFC cho các dự án cơ sở hạ tầng xanh tại Việt Nam, bao gồm cả thông qua các ngân hàng nội địa. Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của ưu đãi thuế và miễn trừ pháp lý, đặc biệt trong lĩnh vực xe điện (EV).
“Nếu Việt Nam muốn khuyến khích sử dụng EV, thì cần có chính sách hỗ trợ rõ ràng như miễn thuế đăng ký, nới lỏng thủ tục cho cả xe sản xuất trong nước lẫn nhập khẩu. Điều này vừa thúc đẩy cung ứng, vừa tạo động lực cho thị trường”, ông phân tích. Trong định hướng dài hạn, Vietnam SuperPort cũng đầu tư vào chuyển giao công nghệ và đào tạo kỹ năng, hợp tác với các doanh nghiệp quốc tế trong đào tạo kỹ sư EV, kỹ thuật cơ điện và triển khai AI trong vận hành logistics. Dự án hiện đang sử dụng nền tảng AI nội bộ do chính công ty phát triển cùng Google và các viện nghiên cứu Singapore, với kỳ vọng chuyển giao và nhân rộng mô hình tại Việt Nam trong tương lai gần. Chuyển đổi xanh không chỉ nằm ở công nghệ mà ở tư duy và sự phối hợp”, ông Yap kết luận.
Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Ban chấp hành Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cho biết: Amazon và tổ chức Global Optimism đã sáng lập chương trình “The Climate Pledge” (Cam kết thân thiện với khí hậu) với mục tiêu đạt được tình trạng không phát thải carbon vào năm 2040, trước 10 năm so với Hiệp định Paris. Mục tiêu này cũng đang tác động đến hoạt động của các hãng tàu. Các hãng tàu lớn trên thế giới cũng cam kết hành động hướng tới Net zero và quá trình xanh hoá đang diễn ra rất nhanh.

Hiệp hội Cảng biển Việt Nam có 2 cụm cảng nước sâu. Các thành viên sáng lập của Hiệp hội đã đầu tư hơn 10 năm nay. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay các cụm cảng cần tiếp tục đầu tư để duy trì lợi thế cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu giảm phát thải của các hãng tàu trong phạm vi 3 như đã cam kết. Trong 4 loại nguyên liệu chuyển đổi để xanh hoá, cảng cần lựa chọn loại nguyên liệu để tập trung đầu tư. Trong hơn 150 tàu biển đóng trong 5 tháng vừa qua thì hơn 100 tàu dùng LNG.
Ở góc độ khác, Chính phủ cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Ngành vận tải biển hàng hải cần có những hành động cụ thể để hiện thực hoá cam kết trên. Việt Nam cần tính toán để tham gia hàng lang vận tải xanh, nếu không chúng ta sẽ bị loại khỏi cuộc chơi trong từ 5-10 năm tới. Điều này đang tạo sức ép lớn cho ngành và thúc đẩy hợp tác, nghiên cứu để cùng vượt qua thách thức này.
Ông Nguyễn Xuân Kỳ cũng thông tin, Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cũng thường xuyên tổ chức sự kiện, nâng cao nhận thức của các cụm cảng; mời chuyên gia tư vấn để các cụm cảng đáp ứng tiêu chí đạt chứng nhận xanh, kiểm kê khí nhà kính… Đồng thời có ý kiến để xây dựng chính sách cho cảng xanh, xây dựng giá bốc xếp cho các cụm cảng.



Trong hành trình thúc đẩy chuyển đổi xanh, đổi mới mô hình phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp logistics Việt Nam, sự liên kết giữa các tổ chức, hiệp hội giữ vai trò hết sức quan trọng. Đó không chỉ là sự kết nối nguồn lực, mà còn là sự cộng hưởng về tầm nhìn và chiến lược hành động.



Việc ký kết MOU giữa hai hiệp hội ngày hôm nay sẽ mở ra nhiều chương trình phối hợp thiết thực, lan tỏa mạnh mẽ tinh thần phát triển bền vững và thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam đồng thời hướng tới FIATA World Congress 2025.
