Giảm thu bổ sung tiền sử dụng đất
Bộ Tài chính vừa đề xuất thêm phương án giảm mức truy thu tiền sử dụng đất xuống 3,6% mỗi năm thay vì 5,4% hoặc bỏ hoàn toàn quy định truy thu bổ sung.
Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 103/2024 và Nghị định 104/2024 nhằm giảm thu bổ sung tiền sử dụng đất.

Theo dự thảo lần này, ngoài phương án giữ nguyên khoản thu bổ sung 5,4% trên số tiền sử dụng đất phải nộp (như dự thảo lần trước và quy định hiện hành), Bộ đã thêm hai phương án khác.
Phương án thứ nhất là bỏ hoàn toàn quy định về khoản thu bổ sung tiền sử dụng đất, giao Chính phủ xem xét tại quá trình sửa đổi Luật Đất đai 2024, do đây là nội dung phức tạp, nhạy cảm và có tác động lớn đến ngân sách cũng như doanh nghiệp. Phương án hai là giữ quy định thu bổ sung nhưng điều chỉnh giảm mức thu xuống còn 3,6% mỗi năm, được tính toán dựa trên trung bình cộng của ba chỉ số: lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-6 tháng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và tỷ lệ lạm phát trung bình trong giai đoạn 2014-2024.
Bộ Tài chính đánh giá việc điều chỉnh theo hai phương án xử lý khoản thu bổ sung tiền sử dụng đất, nội dung từng gây tranh cãi thời gian qua, giúp hài hòa lợi ích giữa Nhà nước và người sử dụng đất.
Trước đó, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 103/2024/NĐ-CP vẫn giữ nguyên quy định buộc người dân, doanh nghiệp nộp bổ sung tiền sử dụng đất cho giai đoạn chờ xác định giá đất là không phù hợp.
Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam (VYEA) cho biết, khoản thu bổ sung 5,4%/năm này là một khoản "tiền lãi" hoặc "tiền phạt chậm nộp" áp dụng cho khoảng thời gian mà doanh nghiệp chưa thể hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai. Lý do không phải từ doanh nghiệp chây ỳ, mà từ cơ quan chức năng chưa hoàn tất công tác định giá và tính tiền sử dụng đất. Đồng thời, với quy định mới của Luật Đất đai năm 2024, các dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai sẽ không đủ điều kiện để thực hiện các thủ tục pháp lý tiếp theo, trong đó có việc mở bán sản phẩm cho khách hàng. Điều này khiến doanh nghiệp bị kẹt vốn, không thể huy động tài chính từ thị trường hay từ chính khách hàng, gây ra thiệt hại vô cùng to lớn và đẩy nhiều dự án vào tình trạng bế tắc.

Việc chậm nộp tiền sử dụng đất không xuất phát từ ý chí chủ quan hay năng lực tài chính của doanh nghiệp, mà do sự chậm trễ trong quy trình hành chính của cơ quan chức năng. Điều này đi ngược lại nguyên tắc công bằng và minh bạch trong quản lý.
Trước thực trạng này, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam đề xuất hủy bỏ việc tính bổ sung 5,4%/năm. Đối với các trường hợp doanh nghiệp bị ảnh hưởng do việc chậm trễ trong công tác định giá và tính tiền sử dụng đất của cơ quan chức năng, khoản thu bổ sung này cần được hủy bỏ hoàn toàn. Trách nhiệm hành chính cần được quy rõ cho cơ quan “có lỗi”.
Các chuyên gia cũng bày tỏ, việc xây dựng chính sách cần đảm bảo tính phân loại và công bằng. Nếu vì một vài doanh nghiệp mà truy thu cả những đơn vị làm đúng sẽ chẳng khác nào "vơ đũa cả nắm". Mục tiêu chính sách phải đặt lợi ích của đại đa số người dân và doanh nghiệp tuân thủ pháp luật lên hàng đầu.
Trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn, việc điều chỉnh chính sách theo hướng công bằng, hợp lý là điều cần được thực hiện ngay, để duy trì niềm tin của người dân, doanh nghiệp vào pháp luật; đồng thời tránh tạo thêm rào cản cho phục hồi kinh tế.