Không để thách thức trở thành điểm nghẽn
Những thách thức trong chuyển đổi số liên thông cần được nhận diện đúng và xử lý kịp thời, tránh để trở thành điểm nghẽn.
Dữ liệu thu thập từ 3.321 xã, phường thuộc 34 tỉnh, thành phố cùng dữ liệu hiển thị bản đồ số của Cục Đo đạc, bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cho thấy, việc thực hiện Kế hoạch 02 của Ban Chỉ đạo TƯ về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã thúc đẩy chuyển đổi số liên thông, đồng bộ, hiệu quả đáp ứng yêu cầu sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Tại cấp xã - nơi tiếp xúc trực tiếp với người dân và doanh nghiệp đã ghi nhận chuyển động trong ý thức của đội ngũ cán bộ. Tinh thần “làm ngay, làm kịp thời, làm có chất lượng” trở thành chuẩn mực chung.
Việc cán bộ chủ động làm ngoài giờ, tiếp nhận nhiệm vụ mới sau sáp nhập địa giới hành chính trong thời gian ngắn cho thấy sự thích nghi nhanh với mô hình vận hành mới. Đây là tiền đề quan trọng cho thành công lâu dài của quá trình số hóa; đồng thời góp phần xác lập phương thức mới trong quản trị cải cách.
Đó là không thể chuyển đổi số một cách thực chất nếu thiếu chuyển đổi nhận thức từ người lãnh đạo đến người vận hành. Đồng thời, không thể kỳ vọng vào nền hành chính điện tử hiệu quả nếu thiếu sự đồng bộ từ hạ tầng phần cứng đến nền tảng phần mềm và kỹ năng con người.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, thực tế triển khai cho thấy còn nhiều bất cập có thể làm chậm tiến độ hoặc bó hẹp kết quả chuyển đổi số nếu không được kịp thời tháo gỡ.
Nổi cộm là sự thiếu ổn định, đồng bộ trong hệ thống phần mềm và nền tảng dịch vụ công trực tuyến. Không ít địa phương phản ánh tình trạng lỗi phần mềm, không liên thông hoặc cập nhật chậm khiến quy trình xử lý hồ sơ bị ngắt quãng, ảnh hưởng trực tiếp đến mức độ hài lòng của người dân. Đáng lo hơn khi điều này xảy ra ở những nơi điều kiện tiếp cận công nghệ vốn đã hạn chế.

Một vấn đề khác là sự thiếu hụt về hạ tầng kỹ thuật như máy tính, máy scan, máy in, các thiết bị chuyên dụng. Một số xã, phường đang “chạy” phần mềm hiện đại trên hạ tầng cũ, không đủ cấu hình không chỉ làm chậm tốc độ xử lý mà còn làm tăng nguy cơ rủi ro hệ thống...
Bên cạnh đó, những quy trình thủ tục hành chính chưa được số hóa hoàn toàn, vẫn giữ tính thủ công, phụ thuộc vào hồ sơ giấy hoặc chưa cập nhật kịp trên Cổng Dịch vụ công. Trong khi đó, kết nối hạ tầng mạng chưa ổn định; thiếu nhân lực công nghệ; chưa liên thông giữa các phòng ban, đơn vị chuyên môn… sẽ dẫn đến một bộ phận xã, phường có hệ thống nhưng chưa vận hành được.
Thực trạng trên đòi hỏi phải tái cấu trúc cách tiếp cận. Trước hết, rà soát và chuẩn hóa toàn bộ quy trình phát triển phần mềm, đảm bảo đồng bộ giữa hệ thống các cấp; tăng cường phối hợp giữa đơn vị phát triển phần mềm và các địa phương để khắc phục lỗi theo phản hồi thực tế. Đặc biệt, cần cơ chế linh hoạt, lồng ghép các chương trình chuyển đổi số quốc gia để hỗ trợ địa phương.
Mặt khác, tăng cường tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng phần mềm mới cho cán bộ các cấp và sớm xây dựng hạ tầng dùng chung giữa các hệ thống phần mềm để tăng tính liên thông, tiết kiệm tài nguyên. Với các thủ tục hành chính, cần tiếp tục thực hiện cải cách, chuyển từ tư duy “đưa hồ sơ lên mạng” sang thiết kế lại quy trình với các tiêu chí: gọn, tinh, dễ hiểu, dễ sử dụng. Việc đánh giá hiệu quả cần chuyển từ số lượng hồ sơ tiếp nhận sang mức độ hài lòng và hiệu quả thực chất của người dân khi sử dụng dịch vụ công.
Kế hoạch 02-KH/BCĐTW là bước đi lớn, thể hiện tầm nhìn chiến lược trong xây dựng chính quyền điện tử và cải cách hành chính quốc gia. Thành công bước đầu là rất đáng ghi nhận nhưng cần tiếp tục hành động quyết liệt, có trọng tâm và sát thực tiễn để không bỏ lỡ thời điểm “vàng” tái thiết bộ máy nhà nước theo hướng hiện đại, hiệu quả, phục vụ nhân dân.