Hà Nội lập Quỹ đầu tư mạo hiểm: giúp doanh nghiệp khởi nghiệp tăng năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững
Quỹ đầu tư mạo hiểm của Hà Nội được kỳ vọng gia tăng cơ hội hiện thực hóa ý tưởng thành sản phẩm thương mại, từ đó, phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Hà Nội hiện có khoảng 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, chiếm khoảng 26-30% tổng số doanh nghiệp khởi nghiệp trên cả nước. Trong giai đoạn từ năm 2016 - 2023, các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Hà Nội đã thu hút khoảng 1 tỷ USD vốn qua các vòng gọi vốn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp khởi nghiệp này vẫn gặp phải nhiều rào cản trong quá trình thu hút vốn đầu tư mạo hiểm.

Việc thành lập Quỹ Đầu tư mạo hiểm không chỉ mang ý nghĩa tài chính, mà còn thể hiện tư duy đổi mới trong điều hành chính sách, chuyển từ “cho - cấp” sang “dẫn dắt - hợp tác công tư”. Đây sẽ là công cụ chính sách quan trọng trong việc phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số mà Hà Nội đang hướng tới.
Nếu được vận hành hiệu quả, quỹ sẽ là mô hình mẫu, góp phần khơi dậy tiềm năng khởi nghiệp sáng tạo, thu hút nguồn lực tài chính xã hội vào các lĩnh vực khoa học công nghệ, tạo bước đột phá cho phát triển kinh tế tri thức và thành phố thông minh trong tương lai gần.
Theo dự thảo Đề án, đối tượng được nhận đầu tư gồm doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học và công nghệ của Thủ đô. Các doanh nghiệp này phải đáp ứng các điều kiện như:
Có hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo có khả năng tạo ra giá trị đột phá, giải quyết các vấn đề của thị trường, giải pháp chuyển đổi số có tiềm năng, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế của thành phố Hà Nội. Ưu tiên các doanh nghiệp khởi nghiệp thuộc hoạt động ươm tạo công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ chiến lược từ vườn ươm, trung tâm đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
Mục tiêu chính của quỹ là tạo ra các tác động xã hội tích cực như cung cấp nguồn vốn chiến lược và hỗ trợ phi tài chính với các hoạt động đào tạo, cố vấn, kết nối quốc tế, giúp doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển sản phẩm khoa học công nghệ, tăng năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững cho Thủ đô.
Điểm khác biệt đáng chú ý của Quỹ Đầu tư mạo hiểm Hà Nội so với các quỹ hiện hành chính là vai trò dẫn dắt của Nhà nước trong khâu định hướng chiến lược, chứ không can thiệp vào hoạt động đầu tư cụ thể. Thành phố sẽ xác định các lĩnh vực ưu tiên, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và đơn vị quản lý quỹ chuyên nghiệp, bảo đảm minh bạch, công khai và linh hoạt theo cơ chế thị trường.
Khi nhận được nguồn vốn hỗ trợ từ đầu tư mạo hiểm từ nguồn ngân sách ý tưởng khởi nghiệp tạo sự uy tín, khả năng tiếp cận thị trường của doanh nghiệp khởi nghiệp. Tăng sức cạnh tranh trên thị trường khoa học, công nghệ. Đặc biệt, hoạt động đầu tư mạo hiểm sẽ giúp cho các ý tưởng khoa học công nghệ, mô hình kinh doanh có thể thương mại hoá để thành công.
Hiện nay, một số quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước như: IDG Ventures Vietnam, ThinkZone hay VinVentures (thuộc Tập đoàn Vingroup) đã góp phần hỗ trợ khởi nghiệp tại Việt Nam; tuy nhiên, đây phần lớn đều là quỹ tư nhân, với mục tiêu lợi nhuận là chính. Mô hình này khó có thể bao phủ những lĩnh vực trọng yếu mà thành phố muốn ưu tiên như: Trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, công nghệ y sinh, giao thông thông minh, môi trường, giáo dục hay đô thị thông minh.
Tại đây, nhiều chuyên gia và nhà đầu tư đánh giá cao sáng kiến này, đồng thời đề xuất các chính sách ưu đãi đi kèm như miễn thuế chuyển nhượng vốn, thuế thu nhập cá nhân cho nhà đầu tư tái đầu tư, cơ chế tái cấp vốn, thanh khoản thứ cấp… Những chính sách này đã được áp dụng thành công ở Israel, Singapore và Hàn Quốc, các quốc gia nổi bật trong hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo bằng quỹ công.