Doanh nhân Phan Việt Thắng: Đầu tư “lợi nhuận vô hình” nhưng cho giá trị bền vững
Khởi nghiệp thành công với The Suits House, nhà sáng lập, CEO Phan Việt Thắng, đã rất hào hứng đầu tư vào dự án The TVFace 2025, góp phần khơi mở một ngành công nghiệp sáng tạo mới.
Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc trò chuyện cùng Chủ tịch GMC, chuyên gia đào tạo Phan Việt Thắng.
- Thưa anh, đối với bất kỳ doanh nghiệp nào khi kinh doanh và ra quyết định đầu tư, dù là đối với đầu tư cho các dự án phi lợi nhuận, cũng sẽ phải tính đến… lợi nhuận. Anh có thể cho biết vì sao anh quyết định đầu tư cho một dự án cộng đồng về nghề MC? Phải chăng quyết định này đến từ việc anh từng khởi sự kiếm tiền đầu tiên với nghề MC, hay có lý do khác?

Nghề MC là một nghề vô cùng gần gũi với hầu hết đại chúng, với mọi người dân, xuất hiện trong mọi hoạt động của đời sống chính trị, xã hội, doanh nghiệp, cộng đồng… Chúng ta đã có rất nhiều thế hệ MC và nhiều người cầm micro, dẫn chương trình chuyên nghiệp từ các Đài Truyền hình đến các Công ty truyền thông sản xuất chương trình, tổ chức sự kiện.v.v Nhưng thật ra chúng ta đã đào tạo đầy đủ cho một thế hệ MC sẵn sàng thích ứng và dẫn dắt trong bối cảnh mới, môi trường mới của kỷ nguyên số hóa hay chưa? Có thể nói tôi đầu tư vào dự án này không chỉ với tư cách một doanh nhân, mà còn là một người làm truyền thông hiểu rõ vai trò của “người nói” trong kỷ nguyên số. Tôi cho rằng nghề MC không còn đơn thuần là cầm micro dẫn chương trình, mà là biểu tượng của sự kết nối – giữa khán giả với thông điệp, giữa thương hiệu với thị trường.
Tôi nhận thấy một thực tế: Chúng ta có rất nhiều bạn trẻ có tiềm năng, có cá tính, có giọng nói hay – nhưng không có môi trường đào tạo bài bản để phát triển. Do đó, tham gia đầu tư, đồng sản xuất chương trình The TVFace - Dự án này là lời cam kết của tôi: tạo ra một thế hệ mới biết nói, biết dẫn, và biết lan tỏa giá trị – một cách có chiều sâu và văn minh.
- Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực truyền thông và đào tạo, GMC có đóng góp gì vào dự án The TVFace ngoài nguồn vật chất?
Với GMC, chúng tôi không dừng lại ở vai trò Nhà đầu tư hay Đồng tổ chức. Chúng tôi mang vào dự án một hệ sinh thái hoàn chỉnh gồm giáo trình đào tạo, kết nối doanh nghiệp và chuyên gia, định hướng tương lai cho từng ứng viên.
Từ việc xây dựng chương trình giảng dạy, sản xuất các nội dung số, đến kết nối với các đối tác, GMC tham gia như một “người đồng hành” về nguồn lực chứ không chỉ là người góp tài chính.
Nói vui, nếu chương trình là một ngọn lửa, thì GMC vừa là người phụ giúp kiếm củi đốt lửa, vừa là người giữ lửa – và đôi khi cũng là người... chế thêm một ít “nhiên liệu thị trường” để ngọn lửa ấy cháy rực hơn.

- Anh có nhìn thấy tiềm năng kinh tế từ việc đào tạo và quản lý tài năng nghề dẫn?
Không chỉ nhìn thấy – tôi còn tin chắc đây là một lĩnh vực đầy cơ hội. Khi công nghệ thay đổi cách chúng ta giao tiếp, người có khả năng truyền đạt, dẫn dắt và tạo ảnh hưởng bằng lời nói sẽ ngày càng có giá trị.
Trong kinh doanh, trong giáo dục, trong truyền thông – người biết nói, sẽ là người dẫn đầu. Tôi nhìn nhận MC và các tài năng nói chuyên nghiệp là một phần của ngành công nghiệp sáng tạo mới – nơi kỹ năng giao tiếp không còn là "phụ trợ", mà là "năng lực cốt lõi".
- Về các mô hình đào tạo nghề "nói" hiện nay – anh có góc nhìn như thế nào?
Tôi nghĩ thị trường hiện nay đang bị phân mảnh: có nơi dạy kiểu truyền thống, có nơi thiên về giải trí, có nơi lại thiếu nền tảng lý luận.
Góc nhìn của tôi là: nghề nói cần được đào tạo như một nghệ thuật ứng dụng, nghĩa là phải có nền tảng kỹ thuật (về giọng, ngoại hình, biên tập, kỹ năng giao tiếp,..), có thực hành, và cả kiến thức về tâm lý học, văn hóa, phản biện. Chúng ta không cần thêm những người "nói để nổi", mà cần những người “nói để có sức nặng, có uy tín và có ảnh hưởng lâu dài”.
- Đồng sản xuất một chương trình không đặt nặng yếu tố giải trí, không chạy theo kịch tính; vậy anh dùng thước đo nào để đánh giá thành công của dự án?
Tôi không đo thành công bằng view (lượt xem) hay drama (câu chuyện kịch tính gây chú ý), bởi đó không phải là giá trị cốt lõi của chương trình này. Với tôi, thước đo chính là: bao nhiêu người bước ra từ The TVFACE có thể đứng vững trong nghề, được thị trường công nhận, được khán giả tin tưởng, và trở thành người dẫn chuyện truyền cảm hứng không chỉ trên truyền hình mà còn là các nội dung trên nền tảng số.
Chúng tôi theo đuổi một chương trình đề cao chiều sâu, sự chuyên nghiệp và giá trị cộng đồng. Nếu có thể truyền cảm hứng để xã hội nhìn nhận nghề MC với sự trân trọng mới – đó đã là thành công rất lớn.
- Dù vậy, tôi vẫn muốn quay lại câu hỏi đầu tiên đứng ở góc độ tài chính, việc đầu tư cho chương trình theo mô hình cộng đồng – tức phi lợi nhuận, vậy giá trị mà nhà đầu tư thu về là gì?

Giá trị của một dự án không chỉ nằm ở lợi nhuận. Đôi khi, giá trị lớn nhất là uy tín, ảnh hưởng, và niềm tin xã hội. Với GMC và cá nhân tôi, việc đồng hành cùng The TVFACE là cách chúng tôi thực hiện trách nhiệm xã hội của một doanh nghiệp truyền thông. Qua đó, góp phần cung cấp các kiến thức về an ninh trên không gian mạng cho không chỉ các bạn ứng viên mà còn là xã hội thông qua các hoạt động của chương trình.
Chúng tôi thu về sự ghi nhận, sự tin tưởng của cộng đồng, và xây dựng vị thế là người tiên phong trong đào tạo thế hệ dẫn dắt mới. Đó là “lợi nhuận vô hình” nhưng vô cùng bền vững – và nếu bạn từng làm thương hiệu dài hạn, bạn sẽ hiểu: đó là loại tài sản đắt giá nhất.
- Anh có thể chia sẻ thêm về công việc kinh doanh hiện tại của mình? Trong môi trường biến động với tác động khách quan từ bên ngoài (chính sách thuế quan, lạm phát)… và những tác động nội tại đặc biệt khi tiêu dùng – bán lẻ vẫn cần được thúc đẩy sức mua, có ảnh hưởng gì đến hoạt động kinh doanh của The Suits House, hay gián tiếp là các dự án gắn với thương hiệu doanh nghiệp như đào tạo “nghề nói” The TVFace, thưa anh?
Chúng tôi kinh doanh trong một lĩnh vực mà nghĩa đen hay nghĩa bóng đều là “đo ni đóng giày” cho khách hàng, do đó, khi đã được khách hàng tin tưởng đến từng đường kim mũi chỉ, khi thông điệp “Suit may đo nhanh nhất Việt Nam” đã được lan tỏa, công việc kinh doanh của chúng tôi ít chịu tác động bên ngoài. Bởi thú thực cho dù thị trường biến động ra sao, nhu cầu được sẵn sàng một diện mạo trang trọng, phù hợp, tôn vinh cá tính và vị thế cá nhân, vẫn luôn tồn tại và khách hàng có nhu cầu cũng sẵn sàng chi trả cho điều đó. Đó cũng có thể xem là lựa chọn trong những lựa chọn đầu tư của tôi, đứng ở góc nhìn xác định thị trường và thương hiệu.
Tương tự, The TVFace được minh chứng bởi hành trình nhiều năm thu hút các bạn trẻ, và mang đến nhưng nhân tài thực sự trong nghề MC, lột xác, chủ động qua đào tạo để sẵn sàng trở thành các “đại sứ” thương hiệu như Quản Hân, Trọng Hiền… và vẫn đang tiếp tục thu hút nhiều bạn trẻ ở nhiều lĩnh vực từ công an, phiên dịch viên, sân khấu, truyền thông… tham gia cuộc thi, vào các vòng đào tạo, cho thấy không chỉ thị trường có nhu cầu, còn là “đón” nhu cầu cho tương lai, khi ngành công nghiệp sáng tạo ngày càng được nâng tầm và mở rộng không giới hạn bởi công nghệ kỹ thuật số, ứng dụng AI và các công cụ, kênh hỗ trợ khác. Xã hội và công nghệ càng phát triển thì “chất” của con người, yếu tố dẫn dắt thương hiệu qua hình ảnh các MC càng trở nên giá trị. Đó chính là “lợi nhuận vô hình” nhưng giá trị bền vững như tôi đã chia sẻ.
- Trân trọng cảm ơn!
Doanh nhân, chuyên gia đào tạo Phan Việt Thắng được biết là nhà sáng lập, TGĐ The Suits House. Anh khởi nghiệp cùng vợ từ năm 22 tuổi, đồng thời có những khoản đầu tư từ rất sớm. Ngay từ thời sinh viên anh đã cật lực kiếm tiền bằng nghề MC sau biến cố gia đình phá sản. Sau nhiều năm hoạt động trong nhiều lĩnh vực, anh hiện là Chủ tịch GMC, đầu tư và trở thành nhà đồng sản xuất dự án cộng đồng The TVFace 2025.