Chứng khoán

Nhóm cổ phiếu nào sẽ “nổi sóng” cuối năm?

TS Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích VPS 13/07/2025 02:37

Hiện nay, có một số nhóm ngành có nhiều tiềm năng tăng trưởng, nhưng không phải cổ phiếu nào trong ngành cũng sẽ bứt phá. Do đó, các nhà đầu tư cần sàng lọc kỳ để giảm thiểu rủi ro.

chung-khoan-21042025-01.jpg
Các nhà đầu tư cần theo dõi sát sao tình hình kinh tế vĩ mô, cập nhật các chính sách mới để đánh giá tiềm năng tăng trưởng, hiệu quả kinh doanh và rủi ro một cách chính xác với nhóm cổ phiếu dự định đầu tư.

Kinh tế vĩ mô đã đạt những kết quả khả quan. Theo Cục Thống kê - Bộ Tài chính, trong quý II/2025, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 7,96% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 8,56% của quý II/2022 trong giai đoạn 2020 - 2025. GDP 6 tháng đầu năm 2025 tăng 7,52% so với cùng kỳ năm trước, là mức cao nhất của 6 tháng đầu năm trong giai đoạn 2011 - 2025. Nhờ vậy, thị trường chứng khoán đã liên tiếp tăng điểm, có thời điểm VN-Index lên tới mốc 1.380 điểm với nhiều cơ hội hướng lên 1.400 – 1.450 điểm trong thời gian tới. Với đà này, câu hỏi mà các nhà đầu tư quan tâm, đó là những nhóm ngành nào hấp dẫn để đầu tư giai đoạn 6 tháng cuối năm 2025.

Ngân hàng là tâm điểm

Ngành ngân hàng được đánh giá là “xương sống” của nền kinh tế Việt Nam, với triển vọng tăng trưởng tín dụng tốt và khả năng hưởng lợi từ các chính sách điều hành linh hoạt và hiệu quả của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, kết quả kinh doanh nhóm ngành ngân hàng vẫn khá khả quan với lợi nhuận trung bình ngành 2 quý đầu năm nay và cả năm 2025 ước đạt lần lượt là 16% và 15%/năm.
Các nhà đầu tư nên ưu tiên lựa chọn cổ phiếu của các ngân hàng có biên lãi ròng (NIM) cao, tăng trưởng tín dụng ổn định và có liên kết với các dự án đầu tư công, bất động sản. Các cổ phiếu điển hình mà các nhà đầu tư có thể xem xét, như TCB, MBB, STB, BID, CTG...

Bất động sản trong tầm ngắm

Nhóm ngành quan trọng và có nhiều cơ hội bứt phá trong giai đoạn tới chính là bất động sản với một số doanh nghiệp điển hình như NLG, KDH, VHM... Ngành bất động sản, đặc biệt là bất động sản dân cư và hạ tầng, được kỳ vọng sẽ có những chuyển biến tích cực trong nửa cuối năm 2025 nhờ việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và các chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường.

Các doanh nghiệp trong nhóm đầu tư công (vật liệu xây dựng, xây lắp hạ tầng) sẽ hưởng lợi trực tiếp từ việc Chính phủ tăng cường chi tiêu cho cơ sở hạ tầng. Một số doanh nghiệp có thể hưởng lợi, như VCG, CTI, CII, LCG, HHV....

Đòn bẩy cho nhóm công nghệ

Công nghệ cũng là nhóm cổ phiếu có nhiều cơ hội đầu tư. Bởi vì, ngành công nghệ tiếp tục phát triển mạnh mẽ với các lĩnh vực mới nổi như trung tâm dữ liệu, bán dẫn, AI và 5G. Đặc biệt, Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển kinh tế số, tạo ra nhiều dư địa hấp dẫn cho các doanh nghiệp công nghệ.

Các công ty hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, phần mềm, dịch vụ công nghệ thông tin được đánh giá cao, như FPT, CMG, ITD...

Cơ hội từ năng lượng tái tạo

Xu hướng năng lượng xanh và sạch đang được đẩy mạnh trên toàn cầu và tại Việt Nam. Chính sách ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án điện mặt trời, điện gió và công nghệ lưu trữ năng lượng.

Việc ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo sẽ thu hút thêm vốn đầu tư vào ngành này. Do đó, các nhà đầu tư có thể xem xét cơ hội đầu tư vào nhóm ngành này.

Tiềm năng ngành bán lẻ

Sự gia tăng thu nhập của người dân, tầng lớp trung lưu mở rộng và các chính sách kích cầu tiêu dùng, như giảm thuế VAT… sẽ thúc đẩy sức mua trong nước. Nhờ vậy, các doanh nghiệp trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), chuỗi bán lẻ hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nhà thuốc) và trang sức được kỳ vọng sẽ tăng trưởng tốt.
Đặc biệt, xu hướng đa dạng hóa sản phẩm và ứng dụng công nghệ trong quản lý, phân phối cũng là động lực tăng trưởng cho ngành này. Các nhà đầu tư có thể xem xét cơ hội từ các cổ phiếu như MSN, MWG, PET, DGW, PNJ...

Ngành y tế - dược phẩm “nổi sóng

Ngành y tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục bùng nổ trong năm 2025 với sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe và sự gia tăng nhu cầu về các sản phẩm dược phẩm chuyên biệt.

Trong khi đó, các chính sách bảo hiểm y tế toàn dân và quy chế đấu thầu thuốc thông thoáng hơn cũng góp phần thúc đẩy ngành dược phẩm phát triển. Do đó, các nhà đầu tư có thể xem xét cơ hội từ các cổ phiếu đáng chú ý, như DBD, IMP, DHT, DMC…

Ngoài ra, còn một số nhóm ngành ưu tiên năm nay với triển vọng ngành khả quan như nhóm ngành bảo hiểm (BVH, PVI, BMI... ), nhóm cảng biển (GMD, HAH, PHP, VSC).

Lưu ý với nhà đầu tư

Trên đây là những nhóm ngành có triển vọng tích cực dựa trên các thông tin hiện có. Tuy nhiên, đầu tư luôn đi kèm rủi ro. Do đó, các nhà đầu tư cần lưu ý một số điểm sau đây:

Thứ nhất, nên ưu tiên các nhóm ngành có định giá hợp lý và hưởng lợi rõ rệt từ các chính sách điều hành.

Thứ hai, trong mỗi nhóm ngành, cần nghiên cứu kỹ lưỡng từng doanh nghiệp cụ thể để đánh giá tiềm năng tăng trưởng, hiệu quả kinh doanh và rủi ro.

Thứ ba, tình hình kinh tế vĩ mô, các chính sách mới và diễn biến thị trường toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến các nhóm ngành. Do đó, cần theo dõi sát sao để đưa ra quyết định đầu tư phù hợp.

TS Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích VPS