Ô tô - Xe máy

Xe điện hạng sang, tốn tiền nhưng không tuyệt vời

HẢI LINH 13/07/2025 00:34

Trong khi doanh số xe điện toàn cầu đang tăng vọt, nghịch lý thay, các mẫu xe điện hạng sang lại chật vật để tồn tại. Hàng loạt các thương hiệu cao cấp đều đang gặp khó khăn.

Chật vật xe điện hạng sang

Liên doanh Honda và Sony vừa công bố khoản lỗ lên tới 362 triệu USD cho dự án Afeela, mẫu xe điện cao cấp dự kiến sẽ ra mắt vào cuối năm 2025. Tuy nhiên, khi chiếc xe còn chưa bước vào thị trường, liên doanh Sony Honda Mobility đã ghi nhận khoản lỗ hoạt động lên tới 52 tỷ yên (tương đương 362 triệu USD).

Theo trang Carscoops, đây không chỉ đơn thuần là chi phí phát triển trước khi tung sản phẩm ra thị trường. Các báo cáo tài chính mới công bố cho thấy, khoản lỗ của liên doanh đã tăng gấp hơn 2 lần so với 20,5 tỷ yên của năm trước. Con số này thể hiện tốn kém rất lớn mà liên doanh Sony Honda Mobility phải chấp nhận đánh đổi khi quyết tâm chen chân vào thị trường xe điện hạng sang.

xe1.jpg

Việc một mẫu xe hoàn toàn mới chịu lỗ ở giai đoạn đầu không phải điều lạ trong ngành công nghiệp ô tô nhưng dự án Afeela rõ ràng khó có khả năng khiến liên doanh này gặp rủi ro về tài chính. Afeela 1 là mẫu xe điện mang thiết kế hiện đại với nhiều công nghệ, đi kèm giá khởi điểm 89.900 USD (khoảng 2,33 tỷ đồng). Mức giá này thể hiện rõ tham vọng định vị ở phân khúc cao cấp, đồng thời phản ánh những thách thức trong việc thu hồi số vốn đầu tư khổng lồ.

Các chuyên gia của Bloomberg Intelligence nhận định, mức giá cao của Afeela được kỳ vọng sẽ giúp bù đắp các khoản đầu tư, nhưng việc hoàn vốn thông qua doanh số bán hàng có thể sẽ rất khó khăn.

Một hãng xe tên tuổi khác là Mercedes-Benz, mới đây đã lên tiếng thừa nhận thất bại đối với mẫu xe điện cao cấp EQS do ế ẩm. Nguyên nhân theo Mercedes-Benz là do thiết kế quá tương lai và ra mắt sớm hơn nhu cầu thực tế của người tiêu dùng.

Trong khi đó, một mẫu xe điện cao cấp khác của Mercedes-Benz là G 580 EQ, vốn được xem là cuộc cách mạng đối với hãng xe này khi điện hóa, cũng gặp khó khăn. Ra mắt tại châu Âu từ tháng 4/2024 với giá hơn 142.000 Euro, đến nay, doanh số của mẫu xe thuần điện này chỉ đạt 1.450 chiếc, kém xa con số 9.700 chiếc của phiên bản động cơ đốt trong có giá rẻ hơn.

Những quả "bom xịt" cũng xuất hiện không ít trong phân khúc xe điện hạng sang. Audi đã tuyên bố “khai tử” dòng Q8 e-tron. Hãng cho biết việc dừng sản xuất là do sự sụt giảm toàn cầu đối với phân khúc xe điện hạng sang. Porsche cũng đã công bố cắt giảm kế hoạch xe điện hóa, khi doanh số của các mẫu Macan Electric và Taycan không như kỳ vọng. Các hãng xe khác như Bentley, Ferrari và Lamborghini… đang phải đánh giá lại chiến lược và lùi thời gian ra mắt các mẫu xe điện.

Không như kỳ vọng

Theo báo cáo từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), quý I/2025, doanh số xe điện toàn cầu đã tăng 35% so với cùng kỳ, dự báo doanh số cả năm 2025 sẽ vượt 20 triệu chiếc, chiếm hơn 25% tổng số ô tô bán ra.

Trong khi doanh số xe điện toàn cầu đang tăng vọt, nghịch lý thay, các mẫu xe điện hạng sang lại chật vật để tồn tại. Hàng loạt các thương hiệu cao cấp đều đang gặp khó khăn. Lý do đằng sau sự thất bại này là gì?

xe2.jpg

Giới chuyên môn nhận định, xe điện hạng sang chỉ hấp dẫn với nhóm khách hàng cao cấp. Chính tính chất cao cấp của xe điện hạng sang đã thu hẹp tệp khách hàng. Do đối tượng khách hàng không có nhiều, nên doanh số bán thấp. Hơn nữa xe điện hạng sang cần bộ pin rất lớn để có hiệu suất tương đương xe sử dụng động cơ đốt trong, điều này khiến chi phí tăng cao. Nhiều khách hàng vẫn thích các phiên bản động cơ đốt trong hơn. Thay vì âm thanh giả lập của xe điện, họ có thể sở hữu tiếng "gầm" thật sự của động cơ đốt trong, với chi phí ít hơn cả chục ngàn Euro. Chưa kể bản xăng có phạm vi hoạt động lớn hơn. Chẳng hạn mẫu G 580 EQ chỉ đi được 385 km sau mỗi lần sạc đầy, thấp hơn rất nhiều so với quãng đường 800 km của phiên bản động cơ đốt trong.

Một số chuyên gia ô tô còn cho rằng, xe điện hạng sang của các hãng truyền thống không thực sự tuyệt vời như kỳ vọng. Tất cả các mẫu xe điện từ phổ thông đến hạng sang hiện nay gần như đều sử dụng cùng một công nghệ cơ bản. Vì vậy, không có gì đảm bảo rằng bỏ ra số tiền lớn, sẽ sở hữu một chiếc xe thuần điện tốt hơn.

Việt Nam thị trường tiềm năng?

Tại Việt Nam, một loạt hãng xe sang đã nhập khẩu xe thuần điện về phân phối. Năm 2020, Porsche tiên phong mở bán mẫu Taycan thuần điện. Sau đó, Audi giới thiệu e-tron SUV và e-tron GT vào năm 2022. Cuối năm 2022, Mercedes cũng đưa về mẫu xe EQ – EQS vào Việt Nam, sang năm 2023 đưa về thêm 3 mẫu xe điện nữa gồm: EQB, EQE và EQS SUV. BMW cũng gia nhập cuộc đua bằng mẫu i7, bản thuần điện của chiếc sedan Series 7. Vào đầu tháng 7/2025, Audi lại đưa về chiếc Q6 e-tron…

xe3(1).jpg

Đại diện Audi cho biết, chúng tôi đã nghiên cứu và nhận ra rằng: có sự chuyển biến nhất định với khách hàng mua xe điện hạng sang và cảm nhận được nhu cầu về xe điện cao cấp tại Việt Nam. Chúng tôi lạc quan rằng, thị trường xe điện ở Việt Nam tuy chưa có sự phát triển nhanh chóng nhưng đang ngày càng lớn mạnh và điều này khiến Audi tự tin giới thiệu những mẫu xe điện hạng sang mới cho khách hàng.

Tuy vậy, giới kinh doanh vẫn thừa nhận: xe điện hạng sang chưa thể thay thế hoàn toàn cho một chiếc xe xăng. Những trở ngại về trạm sạc, thời gian sạc, tầm hoạt động... có thể được chấp nhận với những khách hàng giàu có, đang sở hữu từ 1-2 ô tô, mua thêm xe điện để trải nghiệm. Những khách hàng mới tiếp cận xe sang hoặc mua lần đầu còn nhiều do dự.

Các hãng xe cũng không công bố doanh số bán xe điện hạng sang tại Việt Nam và từ chối đưa ra dự báo tăng trưởng trong tương lai. Chỉ nhận định chung chung là khoảng 2-3 năm nữa, khi những hạn chế của xe điện dần được khắc phục, chính sách hỗ trợ của nhà nước tốt hơn, xe điện phổ biến hơn, giá dễ tiếp cận hơn thì doanh số sẽ tăng.

HẢI LINH