Bất chấp thuế quan, Mỹ vẫn phải gia công ở Trung Quốc
Bất chấp các mức thuế quan cao của chính quyền Trump, nhưng nhiều công ty của Mỹ vẫn tiếp tục làm việc với các nhà cung cấp Trung Quốc.
Câu chuyện của Pashion
Tháng 5/2025, khi phải nộp tiền thuế nhập khẩu lên đến 80.000 USD, Haley Pavone - nhà sáng lập công ty giày Pashion Footwear trụ sở tại California - đã chọn cách dừng tuyển dụng và áp thêm phụ phí cho khách hàng để bù đắp thêm chi phí.
Cô không chọn con đường ngừng nhập khẩu giày từ Trung Quốc, mặc dù đây chính là lý do khiến số tiền thuế lớn như vậy. Không phải vì cô không muốn, mà là cô đã thử nhưng chưa có phương án thay thế phù hợp.

Kể từ khi Tổng thống Donald Trump tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, Pavone từng khảo sát các dây chuyền sản xuất tại một số nước khác như Brazil, Ấn Độ hay Việt Nam. Thế nhưng, cô nhanh chóng gặp nhiều vấn đề. Chẳng hạn, các nhà cung cấp yêu cầu số lượng đặt hàng tối thiểu cao hơn, hoặc đội ngũ nhân công thiếu tay nghề, đặc biệt để làm ra loại giày độc đáo mà công ty cô đang muốn. Thậm chí ngay cả khi tìm được nhà máy có lao động tay nghề cao, thì nhà máy này cũng nhập các linh phụ kiện quan trọng từ Trung Quốc.
Chính vì những lý do này, nên khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung lên đến đỉnh điểm hồi tháng 4 với mức thuế 190%, Pavone vẫn tiếp tục làm việc với các nhà cung cấp Trung Quốc. Cô nhận định rằng kỹ năng và kiến thức chuyên môn của lực lượng lao động tại Trung Quốc “vượt xa” những dây chuyền tại các quốc gia khác.
Tình trạng chung của thế giới
Câu chuyện của Pavone là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp Mỹ. Theo Rhodium Group, bất chấp xu hướng tìm nguồn cung cấp hàng hóa khác ngoài Trung Quốc đã bắt đầu từ năm 2017, diễn ra mạnh mẽ ở các ngành như dệt may, điện tử, xe hơi và lắp ráp, thì phần lớn các doanh nghiệp vẫn phải nhập linh kiện đầu vào từ Trung Quốc.
Giới phân tích nhận định rằng hiện nay trên thế giới không quốc gia nào có thể sao chép hệ sinh thái đến mức tối ưu và quy mô lớn như Trung Quốc. Vậy nên các doanh nghiệp vẫn chần chừ trong việc tìm nguồn cung cấp hàng hóa từ các quốc gia khác.
Các số liệu thương mại gần đây cho thấy mặc dù xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ sụt giảm, nhưng lượng hàng từ Đông Nam Á vào Mỹ lại tăng vọt, trong khi Trung Quốc là nhà xuất khẩu lớn nhất sang khu vực này. Điều này phản ánh thực tế rằng hàng hóa Trung Quốc vẫn đang tiếp tục chảy vào Mỹ thông qua các điểm trung chuyển khác.
Trung Quốc - mắt xích khó thay thế

Pavone đặt nhà máy sản xuất giày dép tại Đông Quản (Trung Quốc) trong suốt gần một thập kỷ. Tại đây, mọi thứ đều đã vào guồng, từ nhựa, kim loại cho đến vải đều được cung cấp thông qua chuỗi cung ứng tối ưu hóa. Nơi này cũng cho phép cô đặt hàng với số lượng nhỏ để thử nghiệm các mẫu thiết kế mới. Đây chính là một trong những ưu điểm nổi bật của nơi này mà các nơi khác không hề có.
Pavone ước tính nếu chuyển đơn hàng sang Việt Nam, cô sẽ phải đầu tư ban đầu ít nhất 50.000 USD, chưa kể sự bất định về mức thuế tại các thị trường khác.
Tương lai vẫn bất định
Giày Pashion Footwear hiện có giá khoảng 200 USD/đôi. Mức thuế cao khiến lợi nhuận sụt giảm rõ rệt, nhưng công ty vẫn tạm thời duy trì được hiệu quả kinh doanh. Cuộc chiến thuế quan Mỹ - Trung đang dần lắng xuống với thỏa thuận thương mại song phương. Tuy nhiên vẫn chưa thể khẳng định mức thuế sẽ dừng lại tại mốc nào. Do đó, Pavone thừa nhận rằng mình vẫn chưa tìm được hướng đi rõ ràng.
Câu chuyện của Pashion là minh chứng cho một nghịch lý lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu: dù các chính sách thương mại ngày càng cứng rắn và lời kêu gọi “thoát Trung” ngày càng mạnh mẽ, thì sự phụ thuộc vào năng lực sản xuất của Trung Quốc vẫn là điều khó tránh với các doanh nghiệp, ít nhất là trong tương lai gần.