Kinh tế

Kiến nghị hỗ trợ đầu tư xây dựng khu bến cảng để đón tàu 200.000 tấn

Minh Huệ 13/07/2025 00:30

UBND tỉnh Hưng Yên vừa kiến nghị hỗ trợ đầu tư xây dựng khu bến cảng Diêm Điền, để có thể tiếp nhận tàu trọng tải đến 200.000 tấn.

Đề xuất phương án tối ưu

UBND tỉnh Hưng Yên vừa có cuộc họp với Bộ Xây dựng về xem xét kiến nghị hỗ trợ đầu tư xây dựng khu bến Cảng biển Diêm Điền để có thể tiếp nhận tàu trọng tải đến 200.000 tấn.

Theo Thông báo số 243/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ: Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Bình (cũ) ngày 12 tháng 5 năm 2025 về kết quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị từ đầu nhiệm kỳ Đại hội, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương và các bộ, cơ quan liên quan, nghiên cứu kiến nghị hỗ trợ đầu tư xây dựng khu bến Cảng biển Diêm Điền để có thể tiếp nhận tàu trọng tải đến 200.000 tấn, đề xuất phương án đầu tư tối ưu, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả.

9.jpg
Cảng Diêm Điền

Ngày 22/5/2025, Bộ Xây dựng ban hành Quyết định số 655/QĐ-BXD phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch, cảng biển Thái Bình gồm các khu bến Diêm Điền, Trà Lý, Ba Lạt, các bến phao, khu chuyển tải và các khu neo chờ, tránh, trú bão.

Mục tiêu đến năm 2030, cảng biển Thái Bình đáp ứng cho lượng hàng hóa thông qua từ 6,8 triệu tấn đến gần 8 triệu tấn. Khu vực có từ 10 - 11 bến cảng, gồm từ 12 - 13 cầu cảng. Tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển Thái Bình sẽ đáp ứng cho lượng hàng hóa thông qua với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 5 - 5,3%/năm. Giai đoạn này, phát triển hệ thống cảng biển Thái Bình và các dịch vụ hỗ trợ phù hợp với tiến trình hình thành Khu Kinh tế Thái Bình, các khu công nghiệp và vùng phụ cận.

Ông Nguyễn Khắc Thận - Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên nhấn mạnh, trong giai đoạn tới, tỉnh Hưng Yên sẽ mở rộng không gian kinh tế hướng biển, trọng tâm là xây dựng Khu Kinh tế Thái Bình trở thành cụm phát triển kinh tế đa ngành, tạo động lực tăng trưởng cho tỉnh Hưng Yên nói riêng và cả nước nói chung. Để thực hiện mục tiêu này đòi hỏi có cơ chế chính sách nổi trội, hạ tầng giao thông thông minh, kết nối đồng bộ và tạo điểm nhấn để phát triển các ngành trọng điểm.

Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên mong muốn, trên cơ sở quy hoạch đã được phê duyệt, Bộ Xây dựng tiếp tục quan tâm ủng hộ, tạo điều kiện để tỉnh hiện thực hóa các mục tiêu trên.

Hưng Yên sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan nghiên cứu, cụ thể hóa các nội dung của quy hoạch; đồng thời tăng cường kêu gọi nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm để triển khai các dự án liên quan.

2.jpg
Quy hoạch bến cảng khu vực Diêm Điền, Ba Lạt

Theo ông Nguyễn Xuân Sang - Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Bộ Xây dựng ủng hộ kiến nghị của tỉnh Hưng Yên về hỗ trợ đầu tư xây dựng khu bến Cảng biển Diêm Điền để có thể tiếp nhận tàu trọng tải đến 200.000 tấn, cũng như quy hoạch phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Thái Bình trong tương lai.

Thứ trưởng Sang đánh giá cao tầm nhìn, định hướng của tỉnh Hưng Yên trong phát triển Khu Kinh tế Thái Bình trở thành trọng điểm kinh tế của vùng, đồng thời giao các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất phương án khả thi báo cáo lãnh đạo Bộ Xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ

Mục tiêu hình thành khu kinh tế Thái Bình

Trước đó, Bộ Xây dựng đã phê duyệt Quy hoạch Chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Thái Bình (cũ) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch, cảng biển Thái Bình gồm các khu bến Diêm Điền, Trà Lý, Ba Lạt, các bến phao, khu chuyển tải và các khu neo chờ, tránh, trú bão.

Tổng nhu cầu sử dụng đất theo quy hoạch đến năm 2030 hơn 75ha (chưa bao gồm các khu vực phát triển các khu công nghiệp, logistics... gắn liền với cảng).

Tổng nhu cầu sử dụng mặt nước là hơn 24.000ha, đã bao gồm diện tích vùng nước khác trong phạm vi quản lý không bố trí công trình hàng hải.

Mục tiêu đến năm 2030, cảng biển Thái Bình (cũ) có từ 10 - 11 bến cảng, gồm từ 12 - 13 cầu cảng với tổng chiều dài từ 1.909 - 2.459m (chưa bao gồm các bến cảng khác); đáp ứng lượng hàng hóa thông qua từ 6,8 triệu tấn đến gần 8 triệu tấn (trong đó hàng container 0,02 triệu Teu).

Đến năm 2050, phát triển hệ thống cảng biển các dịch vụ hỗ trợ để hình thành khu kinh tế Thái Bình (cũ), các khu công nghiệp và vùng phụ cận với lượng hàng hóa thông qua cảng đạt tốc độ tăng trưởng bình quân từ 5 - 5,3%/năm. Tuyến luồng hàng hải Diêm Điền được ưu tiên nâng cấp đón tàu trọng tải 3.000 - 5.000 tấn hoặc lớn hơn cùng với nghiên cứu đầu tư bến cảng tại khu bến Diêm Điền khu vực cửa sông phục vụ khu kinh tế Thái Bình (cũ); tuyến luồng hàng hải Ba Lạt phát triển theo hướng chuyên dùng cho trọng tải đến 3.000 tấn.

Ngoài ra, tại khu bến Trà Lý được quy hoạch ưu tiên đầu tư bến cảng hàng lỏng/khí phục vụ nhà máy điện khí LNG Thái Bình phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

Song song với phát triển hệ thống cảng biển, hạ tầng giao thông kết nối cũng được định hướng sẽ triển khai kết nối đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và ven biển.

Được biết, nhu cầu vốn đầu tư cho hệ thống cảng biển Thái Bình (cũ) đến 2030 cần hơn 11.200 tỷ đồng, gồm nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng hàng hải công cộng khoảng 7.890 tỷ đồng và nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng khoảng 3.350 tỷ đồng…

Theo một số chuyên gia về cảng biển: Dự án đầu tư xây dựng khu bến cảng Diêm Điền với khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 200.000 tấn được đề xuất với tầm nhìn chiến lược biến Diêm Điền thành một trung tâm logistics, giao thương quốc tế quan trọng của miền Bắc Việt Nam. Với quy hoạch nói trên, nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn đến 2030 cần hơn 11.200 tỷ đồng, gồm nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng hảng hải công cộng khoảng 7.890 tỷ đồng và nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng khoảng 3.350 tỷ đồng (chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa). Quy hoạch xác định trường hợp huy động nguồn xã hội hóa cho phép đầu tư luồng hàng hải với quy mô lớn hơn phù hợp với quy hoạch bến cảng.

8.png
Diêm Điền đã chuyển mình trở thành "trái tim" của khu kinh tế biển Thái Bình (cũ), truyền cảm hứng cho sự ra đời của những khu đô thị toàn cầu đa sắc. ( Ảnh Thắng Nguyễn)

Quy hoạch cũng khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển, khai thác cảng biển, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển.

Các doanh nghiệp được khuyến khích tham gia chia sẻ trách nhiệm đầu tư, bảo trì kết cấu hạ tầng công cộng tại cảng biển như một phần trong dự án đầu tư khai thác cảng biển của doanh nghiệp.

Các nhà đầu tư được khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật hiện đại, công nghệ số và chuyển đổi số trong xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống cảng biển; có các biện pháp tương đương tại các cảng đầu tư mới, đầu tư bổ sung và cảng hiện hữu đáp ứng các tiêu chí cảng xanh, cảng biển thông minh.

Ông Nguyễn Hồng Đại – TGĐ VSIP chia sẻ: Dự án đầu tư xây dựng khu bến cảng Diêm Điền tiếp nhận tàu trọng tải đến 200.000 tấn là một dự án mang tính đột phá, có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển kinh tế biển của Việt Nam. Để dự án thành công, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, chính quyền địa phương, và các nhà đầu tư trong nước, quốc tế. Việc triển khai dự án một cách khoa học, hiệu quả, bền vững sẽ đưa Diêm Điền trở thành một điểm sáng trên bản đồ logistics quốc tế, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế biển bền vững của đất nước.

Minh Huệ