Định danh hàng Việt: Cần một hành lang pháp lý rõ ràng
Hàng hóa lưu thông nội địa gắn mác "Made in Vietnam" tràn lan, nhưng pháp luật vẫn thiếu tiêu chí rạch ròi để xác định đâu là hàng Việt thực sự…
Hàng ngoại kém chất lượng “đội lốt” Việt Nam
Từ thực phẩm, đồ gia dụng đến điện tử tiêu dùng, nhãn “sản xuất tại Việt Nam” đang xuất hiện ở khắp mọi nơi. Nhưng liệu những sản phẩm đó có thực sự là hàng Việt?
Thực tế cho thấy, không ít doanh nghiệp đã tận dụng kẽ hở pháp lý để gắn mác Việt một cách dễ dãi, bất chấp nguồn gốc thực sự của sản phẩm.

Cuối năm 2019, lực lượng Hải quan Bình Dương phát hiện một công ty nhập khẩu hơn 3.000 chiếc nồi cơm điện Toshiba nguyên chiếc từ Trung Quốc, sau đó dán nhãn “Sản xuất tại Việt Nam” kèm địa chỉ nhà máy tại Bình Dương để tiêu thụ trong nước. Đến tháng 3/2021, tại Vĩnh Long, một doanh nghiệp khác bị phát hiện nhập khẩu phụ kiện đèn LED từ Trung Quốc, thay bao bì, gắn nhãn “Made in Vietnam” rồi bán ra thị trường như một sản phẩm nội địa chất lượng cao.
Những vụ việc này không chỉ bóc trần sự gian dối, mà còn cho thấy lỗ hổng pháp lý đã bị lợi dụng như thế nào. Gian lận này không chỉ đánh tráo nhận thức người tiêu dùng, mà còn làm tổn hại uy tín hàng Việt và gây cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường.
Thế nhưng, nhìn lại hệ thống pháp luật, có thể thấy lỗ hổng vẫn tồn tại suốt nhiều năm. Dù Luật Quản lý ngoại thương 2017 quy định nguyên tắc xuất xứ hàng hóa, nhưng phạm vi chủ yếu áp dụng cho hàng xuất khẩu. Còn với hàng lưu thông trong nước, cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có một bộ tiêu chí chính thức nào để xác định đâu là sản phẩm được quyền mang danh “hàng Việt Nam”.
Kéo dài nhiều năm vẫn chưa ban hành tiêu chí
Thực ra, đề xuất xây dựng tiêu chí xác định xuất xứ Việt Nam không phải mới. Từ năm 2019, dự thảo Thông tư hướng dẫn cách ghi nhãn xuất xứ hàng hóa sản xuất trong nước. Tuy nhiên, văn bản này sau đó bị rút lại để chỉnh sửa và đến nay vẫn chưa được ban hành.
Gần đây, Bộ Công Thương tiếp tục lấy ý kiến xây dựng bộ tiêu chí nhằm xác định xuất xứ Việt Nam cho hàng hóa lưu thông nội địa. Theo thông tin sơ bộ, các tiêu chí này có thể dựa trên tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa, chuyển đổi mã HS hoặc mức độ chế biến công đoạn cuối. Tuy nhiên, tất cả vẫn đang nằm trên giấy và chưa rõ khi nào có hiệu lực thực tế.
Trong lúc hành lang pháp lý vẫn giẫm chân tại chỗ, nhiều doanh nghiệp tiếp tục lúng túng. Họ không biết căn cứ vào đâu để ghi nhãn xuất xứ cho đúng, và cũng chẳng biết cơ quan nào sẽ là nơi hậu kiểm, xử lý nếu có vi phạm.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La nhận định, một sản phẩm gắn nhãn xuất xứ không chỉ mang ý nghĩa thương hiệu mà còn là tuyên bố pháp lý. “Nếu không có tiêu chí xác định rõ ràng và thống nhất trên toàn quốc, việc ghi nhãn sẽ trở nên tùy tiện, dẫn tới gian lận, tranh chấp và làm méo mó thị trường”, luật sư Biên nói.
Cũng theo ông Biên, để tránh tình trạng chồng chéo, cần sớm ban hành quy định dưới luật, ít nhất ở cấp nghị định nhằm thống nhất nguyên tắc xác định xuất xứ giữa hàng nội địa và hàng xuất khẩu, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để xử lý vi phạm.
Thiết lập khuôn pháp lý phải đi kèm kiểm tra – xử lý
Một bộ tiêu chí, dù chặt chẽ đến đâu, cũng sẽ trở nên vô nghĩa nếu thiếu cơ chế hậu kiểm và lực lượng giám sát hiệu quả. Thực tế cho thấy, hiện nay việc ghi nhãn hàng hóa đa phần do doanh nghiệp tự công bố. Cơ quan quản lý thị trường chỉ có thể kiểm tra ngẫu nhiên, và rất ít vụ bị xử lý do gian lận xuất xứ hàng nội địa.
Theo luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty Luật L&A Legal Experts phân tích, việc xác định xuất xứ không đơn thuần là thủ tục kỹ thuật, mà là vấn đề pháp lý then chốt để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và giữ gìn công bằng thương mại.
“Cần tích hợp cơ chế liên ngành giữa Bộ Công Thương, cơ quan thuế, quản lý thị trường và hải quan để giám sát xuất xứ từ nguyên liệu, quá trình gia công đến khâu ghi nhãn”, luật sư Nhung nói.
Theo bà Nhung, các doanh nghiệp cần được yêu cầu lưu trữ hồ sơ chứng minh tỷ lệ nội địa hóa, nguồn gốc nguyên liệu, công đoạn sản xuất chính. Những hồ sơ này phải sẵn sàng cung cấp khi bị kiểm tra. Đồng thời, với các trường hợp cố tình gian lận, cần xử lý như hành vi gian dối thương mại, có thể bị xử phạt nặng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả lớn.
Ở góc độ kỹ thuật, bà Nhung cũng cho rằng có thể áp dụng các giải pháp công nghệ để truy xuất nguồn gốc, từ QR code đến blockchain. Việc truy vết theo chuỗi cung ứng sẽ giúp quản lý nhà nước minh bạch hóa dữ liệu, thay vì chỉ dựa vào việc kiểm tra nhãn sản phẩm một cách hình thức.
“Made in Vietnam” không chỉ là một dòng chữ, mà là danh dự của nền sản xuất trong nước. Nếu không có khuôn khổ pháp lý đủ mạnh và đủ rõ ràng để bảo vệ danh hiệu này, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến tình trạng hàng ngoại gắn mác Việt, hàng Việt thật bị đẩy ra ngoài cuộc chơi, và niềm tin của người tiêu dùng tiếp tục bị bào mòn.
Một hành lang pháp lý tử tế với tiêu chí xác định minh bạch, cơ chế hậu kiểm hiệu quả và chế tài xử lý nghiêm minh chính là điều kiện tiên quyết để thị trường nội địa minh bạch hơn, công bằng hơn và xứng đáng với niềm tin của người Việt dành cho hàng Việt.