Kinh tế địa phương

Tỉnh Hưng Yên: Hội nhập – Vươn mình trong kỷ nguyên dân tộc

Kim Dung 13/07/2025 09:09

Sau quá trình sáp nhập, tỉnh Hưng Yên đang từng bước khẳng định vị thế mới – một địa phương năng động, đổi mới và hội nhập sâu rộng vươn mình trong kỷ nguyên dân tộc.

Tỉnh Hưng Yên mới nổi bật như một điểm sáng năng động của vùng Đồng bằng sông Hồng. Trở thành trung tâm thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp – dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao và năng lượng tái tạo. Với hệ thống chính quyền tinh gọn, hiệu quả sau sáp nhập, Hưng Yên đang có điều kiện thuận lợi để tối ưu hóa nguồn lực, đẩy mạnh cải cách hành chính và thu hút đầu tư.

z6795388134479_2cebdefa858c1143d95c514c6e6f5573.jpg
Ngày 10/7, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa tiếp và làm việc với đoàn công tác Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) chủ đầu tư KCN Thăng Long II. ảnh Báo HY

Bản hòa ca hội nhập trong kỷ nguyên mới

Khi hai dòng chảy hội tụ thành sức mạnh mới. Hưng Yên với vị trí gần Thủ đô Hà Nội, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, giáp các trung tâm công nghiệp lớn như Hải Phòng, là điểm sáng về công nghiệp hóa, phát triển đô thị và thu hút FDI. Hưng Yên có hệ thống giao thông đường bộ phát triển mạnh, nổi bật là: đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình; ĐT.382B nối vành đai 3,5; tuyến đường Tân Phúc - Võng Phan (giao ĐT.378), QL 5, QL 39; sân bay (Nội Bài), ga đường sắt và các cửa khẩu lớn trong khu vực. Cùng hệ thống đường tỉnh đồng bộ kết nối với các khu công nghiệp và trung tâm đô thị.

ghep(1).jpg
Giao thông kết nối vùng tạo động lực thu hút đầu tư

Trong khi đó, Thái Bình lại có lợi thế về cảng biển, đường thủy và kết nối với các tỉnh ven biển, hệ thống sông ngòi dày đặc, tạo điều kiện tạo điều kiện lý tưởng cho việc phát triển logistics, công nghiệp hỗ trợ; phát triển kinh tế thủy nội địa, dịch vụ cảng biển và nuôi trồng thủy sản công nghệ cao và liên kết vùng. 5 năm qua, Thái Bình đã huy động hơn 21 nghìn tỷ đồng triển khai hàng loạt công trình trọng điểm như: Tuyến đường bộ ven biển, tuyến TP. Thái Bình - Cồn Vành, TP. Thái Bình - cầu Nghìn, đường trục Khu kinh tế, vành đai phía Nam TP Thái Bình…

Sau hợp nhất, tỉnh Hưng Yên mới sẽ sở hữu một hệ thống hạ tầng đa phương thức và liên hoàn – từ đường bộ, đường sắt, đường thủy, khả năng tiếp cận đường biển. Không gian phát triển có thể tổ chức theo hướng chuỗi, kết nối xuyên suốt từ trung tâm tới ven biển, từ khu công nghiệp tới vùng nông nghiệp – dịch vụ – đô thị. Đây là điều kiện thuận lợi để xây dựng tỉnh mới có khả năng tích hợp nhiều chức năng phát triển: công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ logistics, đô thị thông minh và nông nghiệp hiện đại, nhất là trong quá trình liên kết vùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Vị trí tiếp giáp cả Thủ đô và cửa biển là lợi thế để tỉnh Hưng Yên mới trở thành điểm trung chuyển, kết nối hàng hóa và dịch vụ từ nội địa ra cảng biển quốc tế.

Sự kết nối này còn tạo điều kiện thuận lợi để quy hoạch đồng bộ các khu công nghiệp, khu đô thị và cụm dân cư mới. Các khu công nghiệp tại phía Bắc (thuộc Hưng Yên cũ) có thể mở rộng chuỗi cung ứng tới các vùng ven biển phía Nam (Thái Bình cũ), nơi đang có dư địa lớn về đất đai và nguồn lao động.

Tầm nhìn tương lai, tỉnh Hưng Yên tiếp tục phát triển công nghiệp - đô thị hóa, vốn thế mạnh của Hưng Yên (cũ); đồng thời phát huy thành tựu nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển, năng lượng tái tạo và du lịch sinh thái, là lợi thế của Thái Bình (cũ). Hai khu vực này sẽ trở thành một chỉnh thể phát triển, có khả năng bổ sung, điều phối và cộng hưởng nguồn lực.

Trước hợp nhất, cả Hưng Yên và Thái Bình đều sở hữu những thế mạnh riêng về hạ tầng. Đối với Hưng Yên, địa phương có tốc độ công nghiệp hóa mạnh mẽ, với 35 KCN được quy hoạch phát triển. Hiện nay Hưng Yên có 17 khu công nghiệp, trong đó nhiều khu công nghiệp đã được lấp đầy; Tỉnh Thái Bình hiện có tổng 10 khu công nghiệp, trong đó có 4 khu công nghiệp trong Khu Kinh tế Thái Bình. Thái Bình có tiềm năng phát triển các khu công nghiệp ven biển. Việc hợp nhất sẽ giúp quy hoạch và phát triển đô thị, khu công nghiệp một cách đồng bộ, tránh chồng chéo, tối ưu hóa không gian và nguồn lực.

z6795455069309_403907f62913636a2b1d04c7d46604c8.jpg
KCN Liên Hà Thái với hạ tầng đồng bộ và hiện đại sẵn sàng đáp ứng đầy đủ nhu cầu của các nhà đầu tư

Hiện tại, Hưng Yên có 24 cụm công nghiệp, trong đó 11 cụm đang trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng. 6 cụm công nghiệp đã hoàn thành việc xây dựng hạ tầng và bắt đầu tiếp nhận các dự án đầu tư thứ cấp.

Thái Bình hiện có 49 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 3.000 ha. Trong đó, có 41 cụm công nghiệp đã được quy hoạch chi tiết và phê duyệt quy hoạch phân khu với tổng diện tích 1.729,1 ha. Tuy nhiên, vẫn còn một số cụm công nghiệp chưa có nhà đầu tư hạ tầng, hoặc đã thành lập nhưng chưa có hoặc có ít dự án thứ cấp đầu tư.

Sau sáp nhập, tỉnh Hưng Yên mới sẽ mở rộng không gian rộng hơn, tạo động lực thu hút đầu tư, thu hút nhiều đại bàng về làm tổ, các đối tác quốc tế, các nhà đầu tư chiến lược. Đây là điều kiện tiên quyết để đưa tỉnh phát triển lên một tầm cao mới, bắt kịp với yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, bền vững và số hóa.

Với vị trí địa lý thuận lợi, hệ thống hạ tầng giao thông ngày càng được hoàn thiện, Đến nay Hưng Yên đã khai thác hiệu quả lợi thế “cận đô thị” để thu hút hàng trăm dự án FDI chất lượng. KCN số 05; KCN Thăng Long II, KCN Yên Mỹ, KCN VTK, KCN Số 3; KCN Phố Nối A, B; KCN Liên Hà Thái, KCN Tiền Hải; KCN Visip Thái Bình; … đang trở thành động lực phát triển kinh tế mới cho toàn tỉnh.

z6795455609134_3eea6631e1945c298efde9eb848ecd0e.jpg
Tỉnh Hưng Yên luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để KCN Thăng Long II đi vào hoạt động hiệu quả trong những năm qua và tiếp tục được đầu tư mở rộng giai đoạn 4

6 tháng đầu năm 2025, tỉnh Hưng Yên sau sáp nhập đã thu hút thêm 205 dự án đầu tư, với tổng vốn trên 5,9 tỷ USD, con số thể hiện rõ sức hút và tiềm năng của địa phương trong mắt các nhà đầu tư quốc tế.

Chuyển mình cùng kỷ nguyên số – Khơi dậy khát vọng dân tộc

Trong chiến lược phát triển dài hạn, đặc biệt trong thời đại chuyển đổi số và toàn cầu hóa, Hưng Yên sau sáp nhập, xác định chuyển đổi số là những trụ cột quan trọng, tỉnh đang tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý, cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh, dịch vụ công trực tuyến đồng bộ. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong điều hành, quản lý. Hệ thống dữ liệu dân cư, quản lý đất đai, dịch vụ công trực tuyến… đang được tích hợp, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Chuyển đổi số – Cánh cửa dẫn vào tương lai. Các trung tâm đổi mới sáng tạo, khu công nghệ cao, trường đại học và khu đô thị kiểu mẫu đang được quy hoạch trên diện tích rộng, gắn với chiến lược đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp hóa.

Sự hiện diện ngày càng lớn của các tập đoàn trong và ngoài nước là minh chứng cho niềm tin vào tiềm năng phát triển của tỉnh Hưng Yên và đang từng bước trở thành “cửa ngõ kinh tế mới” kết nối đồng bằng Bắc Bộ với các khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và quốc tế.

Hưng Yên ngày nay sẽ vươn lên khẳng định vị thế là tỉnh năng động, đổi mới, vững vàng trong dòng chảy phát triển quốc gia. Hội nhập không chỉ là tiếp nhận, mà còn là quá trình khẳng định bản lĩnh và giá trị riêng. Và Hưng Yên – bằng nội lực và tầm nhìn – đang từng bước viết tiếp câu chuyện hội nhập bằng chính những thành quả cụ thể, bền vững.

Sau sáp nhập, Hưng Yên không chỉ đơn thuần là một bản đồ hành chính mới, mà còn là biểu tượng cho một giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ, sự thành công nằm ở cách tổ chức thực hiện, ở tầm nhìn và khát vọng của toàn dân, toàn hệ thống chính trị. Đó là tinh thần vươn lên, hội nhập không ngừng nghỉ – hội nhập về kinh tế, văn hóa, công nghệ, nhân lực. Đó là khát vọng xây dựng một Hưng Yên phát triển toàn diện, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong kỷ nguyên dân tộc.

Kim Dung