An Giang vận hành nền hành chính công thông suốt và hiệu quả sau nhập tỉnh
Giám đốc Sở Koa học & Công nghệ tỉnh An Giang (mới), ông Võ Minh Trung cho biết, hiện nay toàn tỉnh đã tích hợp 100% dịch vụ công trực tuyến và kết nối với bộ ngành trung ương thông suốt hiệu quả.

Theo ông đánh giá thế nào về thể chế vận hành cũng như hạ tầng kỹ thuật chuyển đổi số hiện nay của tỉnh An Giang mới, thưa ông ?
Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành danh mục mã định danh điện tử các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã phường theo phương án tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Theo đó tỉnh An Giang đã tích hợp 100% dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình của tỉnh (1.935 dịch vụ) trên Cổng dịch vụ công quốc gia (theo Quyết định 1688/QĐ-UBND, Quyết định 705/QĐ-UBND).
Riêng về nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh (LGSP) thực hiện kết nối liên thông, khai thác, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống, phần mềm trong nội bộ tỉnh với bộ, ngành Trung ương thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP), đảm bảo tuân thủ Khung kiến trúc Chính phủ số Việt Nam, Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh An Giang…. Theo đó hướng tới Chính quyền số hiện hành và đáp ứng yêu cầu đồng bộ cơ sở dữ liệu tại địa phương về cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia khi có yêu cầu.
Trước hết có thể nói hạ tầng mạng nội bộ tại UBND các xã, phường, đặc khu được nâng cấp, mở rộng, đảm bảo hoạt động thông suốt, ổn định, phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh khi thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp trong những ngày qua. Trong đó vai trò quan trọng của Trung tâm giám sát, điều hành thông minh (IOC) của tỉnh An Giang đã được đi vào vận hành. Đây là danh mục nhiệm vụ, dự án trong Đề án “Chuyển đổi số tỉnh An Giang năm 2025” được UBND tỉnh phê duyệt. Trung tâm IOC tỉnh đã được lựa chọn thống nhất để triển khai trên địa bàn tỉnh An Giang (mới), nhằm đảm bảo hoạt động, kế thừa dữ liệu các lĩnh vực đã triển khai trước đó của 2 tỉnh Kiên Giang và An Giang (cũ).

Ông có thể cho biết kết quả cụ thể về công tác chuyển đổi số sau khi nhập tỉnh và thực hiện Chính quyền địa phương 2 cấp ?
Nhằm đảm bảo việc cấp phát và thay đổi thông tin kịp thời để các tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh sử dụng sau khi thực hiện sáp nhập, Sở Khoa học & Công nghệ đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các xã, phường, đặc khu đầy mạnh việc sử dụng Cổng dịch vụ công trực tuyến của Cục Chứng thực số và Bảo mật thông – Ban Cơ yếu Chính phủ. Đồng thời phối hợp Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin thành lập nhóm ZALO để hỗ trợ các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các xã, phường, đặc khu trong quá trình thực hiện thay đổi thông tin, cấp mới chữ ký số được kịp thời.
Tính đến nay đã cấp chữ ký số cho 708 tổ chức trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ 100%; Số lượng công chức, viên chức cơ quan nhà nước được cấp chữ ký số chuyên dùng công vụ là 17.675 người, đạt tỷ lệ trên 96%. Hiện nay, các tổ chức, cá nhân đang thực hiện rà soát thu hồi những chứng thư số không còn nhu cầu sử dụng. Sở Khoa học & Công nghệ đã phối hợp Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin thành lập nhóm ZALO để hỗ trợ các cơ quan, địa phương trong quá trình thực hiện thay đổi thông tin, cấp mới chứng thư số được kịp thời.
Qua tổ chức thực hiện đến nay có 102/102 đơn vị cấp xã phường đã thực hiện việc thay đổi thông tin cho tổ chức và cá nhân với 2.036 chữ ký số, trong đó 181 tổ chức và 1.855 cá nhân. Riêng các sở ban ngành tỉnh đã thực hiện việc thay đổi thông tin cho tổ chức và cá nhân với 741 chữ ký số, trong đó 08 chữ ký số tổ chức và 733 chữ ký số cá nhân. Số lượng Sim PKI được thay đổi thông tin 118 (cấp tỉnh 79, cấp xã 39).
Tỉnh An Giang (mới) đã hoàn thành công bố 2.175 thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, bao gồm ngành dọc, các TTHC thực hiện cả 2 cấp. Trong đó tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh là 1.854 TTHC, cấp xã là 400 TTHC; hoàn thành kiểm thử, tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia 767 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 1.166 dịch vụ công trực tuyến một phần…tất cả nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến.
Tuy mới đi vào vận hành theo mô hình mới, nhưng tỷ lệ giải quyết hồ sơ trước hạn và đúng hạn đạt 96,96%. Đã thực hiện tích hợp, cung cấp 89,29% dịch vụ công trực tuyến một phần và toàn trình của tỉnh đạt 1.935 dịch vụ trên Cổng dịch vụ công quốc gia; Tỷ lệ số hóa của tỉnh An Giang (mới) trên Cổng dịch vụ công quốc gia ghi nhận như sau: Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đạt 87,74%; Tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả bản điện tử đạt 88,15%.
Để tránh quá tải tại các Trung tâm dịch vụ hành chính công ở các xả phường cũng như đạt kết quả chuyển đổi số như kỳ vọng, theo ông các đơn vị chính quyền trong tỉnh cần làm những gì trong thời gian tới ?
Các Sở, ban, ngành tỉnh và UBND xã phường cần đẩy mạnh tiếp nhận, xử lý hồ sơ trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh. Trong quá trình thao tác trên hệ thống gặp sự cố thì cán bộ, công chức chủ động liên hệ trao đổi với đầu mối hỗ trợ thông qua nhóm ZALO để được kịp thời hỗ trợ. Đồng thời khẩn trương cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng và mẫu biên lai điện tử để tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia phục vụ thanh toán trực tuyến các hồ sơ thủ tục hành chính theo Công văn số 14/SKHCN-CĐS ngày 02/7/2025 của Sở Khoa học và Công nghệ.
Bên cạnh đó các cấp chính quyền cần rà soát, triển khai việc cấp mới, gia hạn, thay đổi thông tin, khôi phục thiết bị chứng thư chữ ký số chuyên dùng công vụ theo hướng dẫn của Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin tại Công văn số 496/CTSBMTT-CTS ngày 04/7/2025. Đảm bảo 100% lãnh đạo, cán bộ, công chức cấp xã phải xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng và sử dụng chữ ký số để giải quyết công việc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Phân công, phân nhiệm bố trí nhân lực có trình độ chuyên môn về công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số tại các cơ quan, địa phương. Đặc biệt là tại cấp cơ sở đáp ứng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Theo đó là thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả của các “Tổ công nghệ số cộng đồng”, “Đội hỗ trợ phản ứng nhanh” để thực hiện “cầm tay chỉ việc”, hỗ trợ, giải đáp vướng mắc kịp thời cho cán bộ và người dân tại cơ sở.
Chủ tịch UBND cấp xã phường tham mưu, thực hiện chế độ báo cáo ngày vể tình hình triển khai Kế hoạch số 02-KH/BCĐTW trên hệ thống giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 57 theo Công văn số 01-CV/VPTU ngày 01/7/2025. Triển khai phương án đảm bảo hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin, hệ thống thông tin phục vụ công tác chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu Nghị định số 118/2025/NĐ-CP bảo đảm giải quyết TTHC. Tiếp tục đẩy mạnh số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định, phục vụ tái sử dụng thông tin, dữ liệu, thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính.
Cảm ơn ông đã thông tin chia sẻ !