Kiên quyết giảm thiểu ô nhiễm môi trường ở làng nghề tái chế phế liệu
Làng nghề tái chế phế liệu ở Hưng Yên, dù mang lại sinh kế cho hàng trăm hộ dân, nhưng cũng đang là những "điểm nóng" về ô nhiễm môi trường.
Thực trạng...
Làng nghề Minh Khai, được mệnh danh là "thủ phủ rác thải nhựa", chứng kiến hàng trăm cơ sở tái chế hoạt động mà không có hệ thống xử lý chất thải đúng chuẩn. Hàng trăm nghìn tấn rác thải nhựa chất đống, chôn lấp trong ao hồ, kênh mương, gây ô nhiễm đất, nước và không khí nghiêm trọng. Mùi khét của nhựa cháy, khói đen bao trùm không gian là nỗi ám ảnh hàng ngày của người dân. Tương tự, làng nghề Đông Mai với hoạt động tái chế chì cũng đang thải ra môi trường lượng lớn chất thải độc hại, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.

Thực hiện Kế hoạch số 106 của UBND tỉnh Hưng Yên về kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về môi trường; phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH); quản lý cư trú; hoạt động điện lực và sử dụng điện tại các cụm công nghiệp, làng nghề tái chế phế liệu trên địa bàn tỉnh (Kế hoạch số 106), lực lượng chức năng đã thành lập các đoàn công tác, tiến hành kiểm tra về thực hiện các quy định của pháp luật trong sản xuất và kinh doanh tại 4 làng nghề tái chế phế liệu trong tỉnh. Thời gian kiểm tra chia làm 2 đợt, đợt 1 từ ngày 3/5 - 30/6 và đợt 2 từ ngày 16/7 - 30/9.
Theo cơ quan chức năng tỉnh Hưng Yên: Kết quả kiểm tra đợt 1 cho thấy, nhiều cơ sở sản xuất trong làng nghề đã thay đổi tư duy sản xuất, chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất và kinh doanh hướng đến sản xuất bền vững.
Thôn Bùi, phường Mỹ Hào hiện nay có gần 60 hộ dân làm nghề sản xuất, tái chế phế liệu. Trước đây, đa số các hộ sản xuất trong thôn không xây dựng hệ thống xử lý nước thải mà xả thẳng ra môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Cùng với đó là hàng tấn rác thải mỗi ngày chưa được thu gom xử lý.
Ông Nguyễn Văn Tình, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Bùi cho biết: Trước đây, các hộ làm nghề sản xuất, tái chế phế liệu trong thôn ký hợp đồng với Công ty URENCO 11 để vận chuyển, xử lý rác thải nhưng cũng chỉ duy trì được một thời gian do công ty bị quá tải nên không tiếp tục thu gom rác được nữa. Do đó, tình trạng ô nhiễm môi trường trong thôn ngày càng nghiêm trọng. Sau nhiều đợt kiểm tra, tuyên truyền của lực lượng chức năng, một số hộ dân đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, đầu tư trang thiết bị PCCC để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo đảm an toàn sản xuất.
Tổ dân phố Phan Bôi, phường Đường Hào hiện nay có 137 hộ làm nghề tái chế phế liệu. Những năm qua, thông qua công tác kiểm tra và tuyên truyền, một số hộ làm nghề đã đầu tư trang thiết bị PCCC, khắc phục những vi phạm, tồn tại về ô nhiễm môi trường, an toàn lao động...
Ông Phạm Thái Hưng - Phó Chủ tịch UBND phường Đường Hào thông tin: Bên cạnh tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh tại các sơ cở, thời gian tới, với địa giới hành chính được mở rộng, phường sẽ xây dựng kế hoạch quy hoạch khu vực sản xuất tập trung để các cơ sở tái chế phế liệu có điều kiện xây dựng hạ tầng sản xuất đồng bộ, phát huy hiệu quả hoạt động của ngành nghề.
Cần chung tay để giảm thiểu ô nhiễm
Làng nghề tái chế nhựa thôn Minh Khai, xã Như Quỳnh từ lâu đã nổi tiếng với hoạt động tái chế nhựa sôi động. Tuy nhiên, đi kèm với sự phát triển kinh tế là những hệ lụy nghiêm trọng về môi trường và sức khỏe cộng đồng do tình trạng ô nhiễm. Không khí tại Minh Khai luôn bị bao phủ bởi khói bụi và mùi khét nồng nặc từ quá trình nung chảy, phân loại nhựa thủ công.
Các hóa chất độc hại phát thải trong quá trình này, như dioxin và furan, gây ra các bệnh về hô hấp, tim mạch, thậm chí là ung thư cho người dân địa phương. Nước thải đen kịt, không qua xử lý từ các cơ sở tái chế đổ thẳng ra kênh mương, sông ngòi, làm ô nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hoạt động nông nghiệp và sinh hoạt.
.jpg)
Ngoài ra, một lượng lớn rác thải nhựa không thể tái chế được chất đống bừa bãi, tạo thành những "núi" rác khổng lồ, gây mất mỹ quan và là nơi trú ngụ của côn trùng, dịch bệnh.
Theo lãnh đạo xã Như Quỳnh: Địa phương, hiện nay có 630 hộ dân làm nghề sản xuất, tái chế phế liệu. Tại đây, nước thải, khói bụi xả trực tiếp ra môi trường, không khí luôn trong tình trạng ngột ngạt, khó thở. Khi biết có đoàn kiểm tra theo Kế hoạch số 106, 80% số hộ làm nghề tại đây đã tạm thời đóng cửa, dừng sản xuất. Việc các hộ dân làm nghề tạm dừng sản xuất khi có lực lượng kiểm tra nhằm mục đích đối phó do không đáp ứng các quy định của pháp luật trong sản xuất và kinh doanh và tránh bị xử phạt.
Được biết, các đợt kiểm tra tại làng nghề sản xuất, tái chế phế liệu trong tỉnh đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của các chủ cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, khi vẫn còn những biểu hiện đối phó thì công tác kiểm tra chưa mang lại hiệu quả lâu dài. Các cơ sở sản xuất và người lao động tại các làng nghề tái chế phế liệu trong tỉnh cần thay đổi tư duy tuân thủ từ bị động sang chủ động, từ đối phó sang thực chất để không chỉ phát triển kinh tế gia đình mà còn bảo vệ sức khỏe, tính mạng của bản thân và cộng đồng.
Anh Phạm Văn Toản ở thôn Bùi, phường Mỹ Hào chia sẻ: Trước kia xưởng sản xuất, tái chế phế liệu rộng trên 1 nghìn m2 ở tình trạng nguyên liệu sản xuất chất đống, lối đi nhỏ hẹp, hệ thống điện đấu nối chằng chịt không bảo đảm, thiết bị PCCC tại chỗ cũ hỏng, hết hạn sử dụng đã tồn tại từ lâu. Khi biết có kế hoạch kiểm tra tại làng nghề, tôi tiến hành đầu tư gần 300 triệu đồng xây dựng hệ thống xử lý nước thải, mua máy bơm, lắp đặt téc nước cứu hỏa.
Theo anh Toản, các giải pháp bảo vệ môi trường hiện tại còn nhiều hạn chế, điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, các cơ sở sản xuất và cộng đồng, cùng với các chính sách hỗ trợ và giải pháp đồng bộ. Hướng tới một tương lai mà các làng nghề Hưng Yên không chỉ phát triển kinh tế mà còn đảm bảo môi trường sống trong lành và an toàn cho thế hệ mai sau.