VCCI

Pháp luật kinh doanh còn nhiều chồng chéo, chưa phù hợp

Bài & Ảnh: Gia Nguyễn 14/07/2025 15:46

Đây là chia sẻ của nhiều đại biểu tại Hội thảo “Nhận diện khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và kiến nghị” do VCCI tổ chức sáng nay 14/7.

phap-luat-kinh-doanh-14.7.5.jpg
Sáng 14/7, VCCI phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Nhận diện khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và kiến nghị”

Theo đó, để nhận diện những khó khăn, vướng mắc của quy định pháp luật về kinh doanh và cung cấp các thông tin từ góc nhìn thực tiễn, sáng hôm nay 14/7, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tư pháp – cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về hoàn thiện thể chế, pháp luật tổ chức Hội thảo “Nhận diện khó khăn, vướng mắc do quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và kiến nghị”.

phap-luat-kinh-doanh-14.7.3.jpg
Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI - Đậu Anh Tuấn cho biết: hiện nay, nhiều quy định về pháp luật đang chồng chéo, mâu thuẫn hoặc không còn phù hợp với thực tiễn

Phát biểu khai mạc, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI - Đậu Anh Tuấn bày tỏ, hiện nay, nhiều quy định về pháp luật đang chồng chéo, mâu thuẫn hoặc không còn phù hợp với thực tiễn. Có những quy định đã phát sinh bất cập từ lâu, nhưng vẫn tồn tại suốt hơn một thập kỷ, gây ra hệ lụy lớn cho hoạt động đầu tư và vận hành doanh nghiệp...

Theo Phó Tổng thư ký VCCI, đã có nhiều đợt rà soát nhằm xử lý mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, qua đó giúp giảm quy trình, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và xã hội.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận thẳng thắn rằng: hệ thống pháp luật kinh doanh hiện nay vẫn còn phức tạp, thiếu minh bạch, thiếu đồng bộ và còn nhiều điểm chưa phù hợp thực tế.

phap-luat-kinh-doanh-14.7.4.jpg
Thứ trưởng Bộ Tư pháp - Nguyễn Thanh Tú cho rằng: cần tập trung giải quyết các vướng mắc, khó khăn chung của doanh nghiệp và cần sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, doanh nghiệp để tìm ra giải pháp hiệu quả.

Nhiều vướng mắc doanh nghiệp phản ánh đã được cơ quan quản lý lắng nghe và điều chỉnh. Ví dụ, một số rào cản trong quy định pháp luật liên quan đến đầu tư có sử dụng đất đã được tháo gỡ, giúp đẩy nhanh tiến độ các dự án, nhất là những dự án hạ tầng quan trọng. Nhưng VCCI cũng đã nhận được nhiều phản ánh từ doanh nghiệp về các quy định gây khó khăn, nằm rải rác trong nhiều văn bản và lĩnh vực khác nhau.

“Có những quy định đã tồn tại gần 20 năm nhưng không còn phù hợp. Có những quy định mới ban hành trong năm nay nhưng đã phát sinh bất cập trong quá trình áp dụng”, ông Tuấn chia sẻ.

Đồng thời cho hay, một ví dụ điển hình là thủ tục liên quan đến các dự án sử dụng đất. Sự giao thoa giữa Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng và Luật Nhà ở khiến doanh nghiệp phải thực hiện nhiều bước thẩm định lặp lại nhưng không tạo thêm giá trị pháp lý. Hệ quả là quá trình triển khai dự án kéo dài, tạo chi phí cơ hội lớn và làm giảm sức hút của môi trường đầu tư.

Ngay cả trong những lĩnh vực được khuyến khích như năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường, phát triển khoa học công nghệ… các quy định hiện hành vẫn còn gây khó khăn, khiến nhà đầu tư phải cân nhắc rất kỹ.

phap-luat-kinh-doanh-14.7.1.jpg
phap-luat-kinh-doanh-14.7.2.jpg
Các đại biểu tham gia chia sẻ tại Hội thảo

Chia sẻ tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp - Nguyễn Thanh Tú cũng cho biết, các quy định pháp luật còn chồng chéo, chưa rõ ràng, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình triển khai; thủ tục hành chính, cấp phép còn phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư của doanh nghiệp; nguồn lực, cơ chế tài chính chưa đáp ứng đủ nhu cầu của doanh nghiệp.

Nhiều hiệp hội, ngành hàng, đại diện các doanh nghiệp đã lên tiếng về những khó khăn do vướng mắc thủ tục hành chính bất hợp lý. Trong đó, nổi cộm các vấn đề về cơ chế tiền kiểm và hậu kiểm lĩnh vực an toàn thực phẩm, hoàn thuế nhập khẩu, cơ chế thuê và giao đất…

Vì vậy, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, cần tập trung giải quyết các vướng mắc, khó khăn chung của doanh nghiệp và cần sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, doanh nghiệp để tìm ra giải pháp hiệu quả.

Theo Thứ trưởng cần tập trung vào 4 phương án xử lý, gồm: Thứ nhất, giải thích pháp luật, tập trung tuyên truyền, phổ biến, giải thích các quy định pháp luật liên quan; Thứ hai, hướng dẫn áp dụng pháp luật, xây dựng các cơ chế, hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng pháp luật; Thứ ba, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật để tháo gỡ vướng mắc; Thứ tư, ban hành Nghị quyết xử lý các vấn đề cấp bách.

Cùng với các ý kiến đã nêu, tại Hội thảo, đại diện cộng đồng doanh nghiệp cũng đưa ra nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến pháp luật kinh doanh, đồng thời cho rằng, việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý là nhu cầu cấp thiết nhưng cũng là thách thức lớn. Khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý và phải tìm được điểm cân bằng giữa yêu cầu quản lý chặt chẽ và nhu cầu thông thoáng của doanh nghiệp.

Bài & Ảnh: Gia Nguyễn