Doanh nghiệp

Tiềm năng nông sản Việt trên sàn thương mại điện tử

Quân Bảo 14/07/2025 15:59

Việt Nam hiện có 11 loại trái cây được phép xuất khẩu chính ngạch sang Mỹ, cùng với các chế phẩm từ dừa, đều có nhu cầu tốt trên Amazon.

Thị trường Mỹ, với quy mô dân số hơn 338 triệu người và thói quen tiêu dùng năng động, đang mở ra những cơ hội tiềm năng cho các doanh nghiệp nông sản Việt Nam, đặc biệt thông qua nền tảng thương mại điện tử khổng lồ Amazon.

Theo bà Phạm Ngọc Anh - Senior Account Manager của Amazon Global Selling - người Mỹ hiện nay đặc biệt quan tâm đến sức khỏe khi lựa chọn thực phẩm. Họ ưu tiên những sản phẩm tươi ngon, giàu protein, ít đường, và bổ sung dưỡng chất như vitamin E, vitamin D. Xu hướng mua sắm trực tuyến, đặc biệt là thực phẩm, đang ngày càng tăng, và thông tin trên mạng xã hội có ảnh hưởng lớn đến quyết định mua hàng của họ, và phụ nữ là đối tượng mua sắm chính cho ngành hàng thực phẩm trong gia đình.

Một điểm thú vị khác là thói quen ăn vặt: 74% người Mỹ ăn vặt mỗi ngày, và 47% trong số đó ưu tiên trái cây cho các lần ăn này, cho thấy một thị trường tiềm năng rất lớn.

Screenshot 2025-07-13 230730
Mỹ có nhiều nhu cầu về trà, một trong những sản phẩm tiềm năng của Việt Nam.

Bà Ngọc Anh khẳng định nông sản Việt Nam là "vàng xanh" với tiềm năng xuất khẩu lớn sang thị trường Mỹ. Các nhóm sản phẩm cụ thể được bà Ngọc Anh gợi ý bao gồm trái cây rau củ khô và trà. Đặc biệt, bà nhấn mạnh tiềm năng của đồ ăn vặt trái cây đóng gói với mức tăng trưởng hơn 550%, cùng với xoài sấy (nguyên miếng hoặc sấy thăng hoa), bột thanh long, và nhãn sấy khô. Việt Nam hiện có 11 loại trái cây được phép xuất khẩu chính ngạch sang Mỹ, cùng với các chế phẩm từ dừa, đều có nhu cầu tốt trên Amazon. Trong ngành trà, trà thảo mộc đang có mức tăng trưởng ấn tượng 202%, và bộ sưu tập trà cũng tăng trưởng 23%, thể hiện sự quan tâm của người Mỹ đến sức khỏe và sự tiện lợi.

Mặc dù tiềm năng lớn, nhưng các nhà bán hàng Việt Nam cũng đối mặt với không ít thách thức. Từ kinh nghiệm thực tế, bà Phạm Phương Thảo - Senior Account Manager, Aglobal - kể ra năm vấn đề chính là: thiếu nghiên cứu thị trường bài bản, đi vào việc cạnh tranh về giá mà bỏ qua xây dựng thương hiệu, thiếu đa dạng sản phẩm, thiếu am hiểu đội ngũ và khách hàng quốc tế, và thiếu chiến lược tiếp thị bài bản.

Để vượt qua các thách thức, bà Thảo khẳng định rằng nghiên cứu thị trường không bao giờ là đủ và là yếu tố sống còn cho doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ. Nghiên cứu giúp doanh nghiệp đọc hiểu các con số, phân tích đối thủ cạnh tranh và nhận diện những điểm cần cải thiện để rút ngắn giai đoạn thử nghiệm hoặc thậm chí bỏ qua, đi thẳng vào giai đoạn tăng trưởng.

Theo bà Thảo, việc cạnh tranh về giá trên Amazon là không hiệu quả. Thay vào đó, các doanh nghiệp cần tập trung vào việc xây dựng thương hiệu và tệp khách hàng trung thành. Bà lấy ví dụ về Vinut, họ đã thành công trong việc xây dựng câu chuyện "Farm to Cup" (Từ nông trại đến tách trà) để truyền tải thông điệp về nguồn gốc sản phẩm, chất lượng và sự khác biệt, thu hút khách hàng Mỹ – những người chủ động tìm hiểu kỹ về sản phẩm và thương hiệu trước khi mua hàng.

Tính linh hoạt trong việc điều chỉnh sản phẩm theo phản hồi của khách hàng cũng là yếu tố quan trọng. Công ty Vinut, khi nhận được phản hồi về lượng đường quá ngọt và chất bảo quản trong sản phẩm, họ đã ngay lập tức hủy lô hàng đó và thay thế bằng lô mới với công thức điều chỉnh phù hợp với thị hiếu của người Mỹ. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc lắng nghe và hành động nhanh chóng để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ngoài ra, việc tối ưu bao bì cũng rất cần thiết. Ví dụ, trường hợp của Đà Lạt Farm với gói sản phẩm nhỏ 40g đã dẫn đến chi phí FBA (Fulfillment by Amazon) cao so với giá bán, bởi phí FBA phụ thuộc vào kích thước và cân nặng sản phẩm, không phụ thuộc vào giá bán. Vì vậy, việc điều chỉnh bao bì (ví dụ bán theo gói lớn hơn như pack 6 thay vì gói lẻ) có thể giúp giảm tỷ lệ chi phí FBA trên giá bán, tăng lợi nhuận.

Bên cạnh đó, bà Thảo cũng khuyên các nhà bán hàng nên đa dạng hóa sản phẩm, ít nhất từ 5 đến 7 mã hàng khi lên Amazon. Việc này giúp giảm thiểu rủi ro nếu một hoặc hai sản phẩm không thành công, và đảm bảo luôn có những mã hàng bán chạy để duy trì sự ổn định.

Để tối ưu doanh thu và xây dựng mối quan hệ bền vững với khách hàng, các nhà bán hàng cần tận dụng các tính năng đặc biệt của Amazon. Đặc biệt, bà nhấn mạnh về tiềm năng của tính năng “thuê bao sản phẩm” (Subscribe) trên Amazon. Đây là một mô hình cho phép khách hàng đăng ký mua sản phẩm định kỳ (ví dụ: mỗi tháng một lần) và nhận được ưu đãi. “Tính năng này giúp tạo ra doanh thu định kỳ từ khách hàng trung thành và giảm sự phụ thuộc vào quảng cáo, phù hợp với thói quen tiêu dùng của người Mỹ thường mua sắm bằng thẻ tín dụng và có thẻ thành viên Prime”, bà Thảo cho biết.

Quân Bảo