Phân tích - Bình luận

Doanh nghiệp Âu - Mỹ “bới rác” tìm tài nguyên chiến lược

Trương Khắc Trà 15/07/2025 04:11

Theo IBISWorld, ngành công nghiệp tái chế rác thải điện tử đã tạo ra doanh thu 28,1 tỷ đô la Mỹ vào năm 2024, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm dự kiến là 8%.

Cuộc chạy đua trong lĩnh vực khoáng sản ngày càng quyết liệt
Cuộc chạy đua trong lĩnh vực khoáng sản ngày càng quyết liệt

Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu rất dễ bị tổn thương, chính sách thuế quan không còn thuận lợi cho việc lưu chuyển hàng hóa, tái chế đang trở thành ngành công nghiệp hấp dẫn, thu hút đầu tư hàng chục tỷ đô la Mỹ mỗi năm.

Đất hiếm, kim loại nói chung và đồng nói riêng đã trở thành chủ điểm quan tâm của mọi ngành công nghiệp khi Tổng thống Trump tuyên bố sẽ đánh thuế nhập khẩu 50%, Trung Quốc không ngừng thu mua nhằm điều tiết thị trường này.

Đối mặt với nguy cơ bị Trung Quốc ngắt kết nối với chuỗi cung ứng đất hiếm bất cứ lúc nào, các công ty ở châu Âu và Hoa Kỳ đang đẩy nhanh kế hoạch tái chế thiết bị điện tử gồm máy tính, điện thoại thông minh, máy chủ, TV, thiết bị gia dụng, thiết bị y tế và các thiết bị điện tử và công nghệ thông tin khác đã hết hạn sử dụng.

Sự gia tăng rác thải điện tử có thể bắt đầu từ những năm 1990, khi internet khai sinh nền kinh tế số, tạo ra sự tăng trưởng theo cấp số nhân của các thiết bị điện tử. Xu hướng này trở nên mạnh mẽ bởi sự xuất hiện của năng lượng tái tạo, giao thông xanh, trí tuệ nhân tạo và việc xây dựng các trung tâm dữ liệu, tạo ra lượng rác thải điện tử khổng lồ.

Theo báo cáo của Liên minh Viễn thông Quốc tế và tổ chức nghiên cứu UNITAR, năm 2022, toàn cầu đã tạo ra một lượng rác thải điện tử kỷ lục 62 triệu tấn, tăng 82% so với năm 2010. Con số này dự kiến sẽ đạt 82 triệu tấn vào năm 2030.

Riêng Hoa Kỳ đã tạo ra gần 8 triệu tấn rác thải điện tử vào năm 2022. Tuy nhiên, chỉ khoảng 15-20% trong số đó được tái chế đúng cách, một con số minh họa cho thị trường tiềm năng chưa được khai thác đối với các sản phẩm điện tử hết hạn sử dụng.

Lượng rác thải điện tử trên toàn cầu đạt con số kỷ lục
Lượng rác thải điện tử trên toàn cầu đạt con số kỷ lục

Tái chế rác thải điện tử không chỉ thu hồi các nguyên tố đất hiếm neodymium, praseodymium, terbi và dysprosium mà còn tận dụng mọi thứ để tách vàng, bạc, đồng, niken, thép, nhôm, lithium, coban và các kim loại khác hiện rất quan trọng đối với các nhà sản xuất trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau.

Ông John Mitchell, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Điện tử Toàn cầu, cho biết: “Hoa Kỳ nhập khẩu rất nhiều thiết bị điện tử, và tất cả những thứ đó đều đi kèm với vàng, nhôm và thép. Vì vậy, có một cơ hội tuyệt vời để biến thuế quan thành động lực thúc đẩy việc tái chế nhiều hơn đối với những hàng hóa mà chúng ta phải mua từ quốc gia khác.”

Gần đây, đất hiếm đã thu hút sự chú ý lớn, không chỉ vì chúng có nhu cầu cao từ các nhà sản xuất thiết bị điện tử Hoa Kỳ mà còn nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc, quốc gia thống trị về khai thác, chế biến và tinh chế vật liệu quan trọng này.

Theo ước tính của công ty dữ liệu năng lượng Wood Mackenzie, phải mất khoảng ba thập kỷ để một mỏ đồng mới ở Hoa Kỳ chuyển từ giai đoạn phát hiện sang sản xuất, điều này khiến đồng tái chế trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Theo dự báo của nhiều chuyên gia, khoảng 45% nhu cầu sẽ được đáp ứng bằng đồng tái chế vào năm 2050.

Nhiều công ty tái chế đã đầu tư lớn tại Hoa Kỳ. Năm 2022, Wieland của Đức đã khởi công xây dựng một nhà máy tái chế đồng và hợp kim đồng trị giá 100 triệu USD tại Shelbyville, Kentucky. Năm ngoái, một công ty khác của Đức, Aurubis, đã bắt đầu xây dựng một cơ sở tái chế đa kim loại trị giá 800 triệu USD tại Augusta, Georgia.

Trương Khắc Trà