EU muốn hợp tác với các nước thiệt hại vì thuế quan Mỹ
EU đang tìm cách tăng cường hợp tác với Canada, Nhật Bản và các nước khác đối phó tác động thuế quan Mỹ, cũng như nghiên cứu các phản ứng nếu đàm phán không có kết quả trước ngày 1/8.

EU tiếp cận Canada, Nhật Bản
Liên minh châu Âu (EU) đang lên kế hoạch mở rộng hợp tác với các quốc gia khác bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các đối tác quốc tế ngày càng leo thang.
Theo các nguồn tin thân cận được Bloomberg trích dẫn, EU đang tích cực liên hệ với các quốc gia như Canada và Nhật Bản, với khả năng phối hợp hành động để đối phó với những đòn thuế mới từ phía Washington.
Kế hoạch này được đưa ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán thương mại giữa EU và Mỹ vẫn đang lâm vào bế tắc. Nhiều vấn đề quan trọng chưa được giải quyết, đặc biệt là liên quan đến ngành ô tô và mức thuế đối với các mặt hàng nông sản.
Vừa qua, các nước thành viên EU đã được thông báo về tiến độ của các cuộc đàm phán. Trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố sẽ gia hạn tạm hoãn các biện pháp đáp trả thương mại đối với Mỹ đến ngày 1 tháng 8 để tạo thêm cơ hội cho đối thoại.
Những biện pháp này ban đầu được áp dụng nhằm đáp trả mức thuế cao mà chính quyền Trump áp đặt lên thép và nhôm, sau đó đã được tạm hoãn và nay sắp có hiệu lực trở lại.
“Chúng tôi vẫn tiếp tục chuẩn bị các biện pháp phản ứng bổ sung để luôn trong tư thế sẵn sàng,” bà von der Leyen khẳng định tại Brussels, đồng thời nhấn mạnh mong muốn của EU là đạt được “một giải pháp thông qua đàm phán.”
Danh sách biện pháp đáp trả hiện tại của EU nhắm tới khoảng 21 tỷ euro (24,5 tỷ USD) hàng hóa từ Mỹ. Ngoài ra, EU cũng đã chuẩn bị thêm một danh sách khác trị giá khoảng 72 tỷ euro, bao gồm cả các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, có thể được trình lên các nước thành viên.
Tuy nhiên, bà von der Leyen cho biết EU hiện chưa có kế hoạch kích hoạt "Cơ chế chống cưỡng ép" (ACI) – công cụ mạnh nhất của khối trong lĩnh vực thương mại – vì chưa đến mức cần thiết. “ACI chỉ được sử dụng trong những tình huống đặc biệt. Chúng tôi chưa ở trong tình huống đó,” bà nói.
Trái lại, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lại kêu gọi EU đẩy nhanh công tác chuẩn bị các biện pháp đáp trả đáng tin cậy, bao gồm cả ACI, nếu đàm phán không đạt kết quả trước ngày 1 tháng 8.
Thủ tướng Đức Friedrich Merz cảnh báo rằng mức thuế 30% sẽ tác động nặng nề đến các nhà xuất khẩu của nền kinh tế lớn nhất châu Âu nếu không có giải pháp thông qua đối thoại. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì đoàn kết trong EU và đối thoại cởi mở với chính quyền Mỹ.
“Chúng ta cần hai điều - sự thống nhất trong nội bộ châu Âu và kênh liên lạc hiệu quả với Tổng thống Mỹ,” ông nói trên truyền hình ARD.
Đàm phán EU - Mỹ có nhiều điểm nghẽn
Các chuyên gia kinh tế của Goldman Sachs nhận định rằng nếu Mỹ thực sự áp dụng mức thuế 30%, cộng với các mức thuế hiện tại và các loại thuế bổ sung dự kiến cho các mặt hàng chiến lược, thuế suất hiệu dụng của Mỹ đối với EU sẽ tăng thêm khoảng 26 điểm phần trăm. Nếu những biện pháp này được thực thi và duy trì, GDP của khu vực đồng euro có thể giảm tích lũy tới 1,2% cho đến cuối năm 2026.

Dù vậy, các nhà phân tích cũng cho rằng đây có thể chỉ là một chiến thuật đàm phán của ông Trump. Goldman Sachs vẫn giữ quan điểm cơ bản rằng Mỹ và EU sẽ đạt được một thỏa thuận, trong đó thuế suất sẽ được giới hạn ở mức 10% cho hầu hết các mặt hàng, và 25% cho thép, nhôm và ô tô.
Tổng thống Trump đã gửi thư đến nhiều đối tác thương mại, điều chỉnh lại mức thuế được đề xuất từ tháng 4 và mời gọi đàm phán tiếp theo. Trong thư gửi EU, ông cảnh báo nếu không đạt được thỏa thuận mới, mức thuế 30% sẽ có hiệu lực từ tháng sau.
EU đã cố gắng đạt được một thỏa thuận tạm thời để tránh bị đánh thuế cao hơn, nhưng thông báo của ông Trump khiến hy vọng vào một “kết thúc đẹp phút chót” ở Brussels bị dội gáo nước lạnh. Một số quốc gia khác như Mexico – cũng đang đàm phán với Mỹ – cũng bất ngờ nhận được thông báo tương tự.
EU đang đề nghị mức thuế tối đa 10% cho các mặt hàng nông sản. Một cơ chế bù trừ – từng được một số hãng sản xuất ô tô đề xuất – nhằm giảm thuế để đổi lại các khoản đầu tư vào Mỹ, hiện không được đưa vào xem xét vì lo ngại sẽ khiến sản xuất chuyển sang bên kia bờ Đại Tây Dương.
Thay vào đó, các nhà đàm phán EU đang tập trung vào việc thương lượng liên quan đến thuế ô tô. Theo Bloomberg, hai bên đang thảo luận một thỏa thuận sơ bộ, trong đó phần lớn hàng hóa xuất khẩu của EU sẽ chịu mức thuế 10%, với một số ngành được miễn trừ như hàng không và thiết bị y tế.
EU cũng đang đề nghị giảm thuế cho các sản phẩm rượu mạnh và rượu vang, cũng như hạn chế tác động của mức thuế 50% mà Mỹ đã áp cho thép và nhôm thông qua hạn ngạch. Mỹ đang đề xuất áp mức thuế 17% với sản phẩm nông nghiệp. Thỏa thuận dự kiến cũng sẽ bao gồm các rào cản phi thuế quan, hợp tác về an ninh kinh tế và mua sắm chiến lược.
Ngoài ra, ông Trump còn áp thuế 25% cho ô tô và linh kiện, gấp đôi mức đó cho kim loại, và đang triển khai thuế theo ngành đối với dược phẩm, chất bán dẫn, cũng như mới đây là thuế 50% đối với đồng.
Ngay cả khi đạt được thỏa thuận ban đầu, EU vẫn không được miễn trừ tự động khỏi các biện pháp thuế ngành này. Tuy nhiên, khối đang nỗ lực đàm phán để được đối xử ưu tiên trong các ngành có thể bị ảnh hưởng.