Gỡ nút thắt cho hộ kinh doanh: Ưu đãi thuế là đủ?
Miễn thuế TNDN 2 năm cho doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh là cú hích đúng hướng, nhưng liệu đã đủ tạo động lực cho bước nhảy vọt lên chính quy?
Hơn 5 triệu hộ kinh doanh hiện nay đang góp phần quan trọng vào cấu trúc nền kinh tế, nhưng phần lớn vẫn hoạt động ngoài vùng phủ của hệ thống pháp lý doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, tỷ lệ hộ tự phát, không đăng ký ngành nghề rõ ràng, không sử dụng hóa đơn điện tử hay không kê khai thuế đầy đủ vẫn còn rất lớn. Một trong những nguyên nhân sâu xa khiến họ ngại “lên doanh nghiệp” chính là gánh nặng về chi phí và nghĩa vụ thuế khi chuyển đổi.
Cú hích cần thiết để hộ “lên đời” doanh nghiệp
Trước thực tế đó, Bộ Tài chính đang đề xuất miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trong 2 năm đầu cho doanh nghiệp thành lập mới từ hộ hoặc cá nhân kinh doanh, có doanh thu không quá 50 tỷ đồng/năm, và chưa từng đăng ký kinh doanh trước đó. Sau thời gian miễn thuế, các doanh nghiệp nhỏ này sẽ được hưởng thuế suất 15–17%, tùy theo mức doanh thu.
Chính sách này không chỉ nhằm hỗ trợ từng hộ cá thể, mà còn là một mắt xích quan trọng trong nỗ lực thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển chính quy, góp phần cơ cấu lại nền kinh tế.
Chính sách được thiết kế khá linh hoạt: nếu doanh nghiệp chưa có thu nhập trong 3 năm đầu, thời gian miễn thuế sẽ được lùi đến khi bắt đầu phát sinh thu nhập; hoặc nếu năm đầu tiên hoạt động chưa đủ 12 tháng, doanh nghiệp có thể chọn tính ưu đãi từ năm đó hoặc chuyển sang kỳ sau. Đây là một bước cải tiến về kỹ thuật tài khóa, giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp non trẻ và tạo vùng đệm thích nghi khi chuyển đổi mô hình.
Với cách thiết kế mở và thực tiễn như vậy, đề xuất được kỳ vọng sẽ tạo nên làn sóng dịch chuyển hộ kinh doanh lên doanh nghiệp, một quá trình mang ý nghĩa không chỉ về pháp lý mà còn về nâng chuẩn quản trị, tiếp cận thị trường, tín dụng và chuỗi cung ứng chính quy.
Tuy nhiên, để chính sách phát huy trọn vẹn tác dụng, nhiều quan điểm cho rằng, điều cần thiết không chỉ là miễn thuế, mà còn là niềm tin của người chuyển đổi và hệ sinh thái hỗ trợ thực chất.
Không chỉ miễn thuế, mà cần hỗ trợ vượt nỗi sợ minh bạch
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Duy Phương – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vina Heaway (Hà Nội) nhận định, chính sách miễn thuế 2 năm là bước đi hợp lý, nhưng chưa đủ để tạo hiệu ứng lan tỏa nếu không giải tỏa được tâm lý lo ngại của người kinh doanh nhỏ lẻ.

Theo ông Phương, phần lớn hộ kinh doanh hiện nay không ngại đóng thuế, mà ngại minh bạch.
“Họ sợ phải ghi sổ sách, sợ phần mềm, sợ hóa đơn, và đặc biệt là sợ bị cơ quan thuế soi quá kỹ. Tức là họ không sợ nghĩa vụ, mà sợ sự giám sát kéo theo. Trong bối cảnh đó, miễn thuế chỉ là điều kiện cần – điều kiện đủ là môi trường pháp lý và hỗ trợ thực chất để người kinh doanh an tâm bước lên sân chơi mới.
Chúng ta cần cả một gói hỗ trợ về đào tạo, hướng dẫn, hệ thống kế toán tối giản dành cho doanh nghiệp siêu nhỏ và một cam kết từ ngành thuế rằng sẽ đồng hành chứ không trừng phạt trong giai đoạn chuyển đổi”, ông Phương đề xuất.
Từ góc nhìn pháp lý, Luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Việt đồng tình rằng việc miễn thuế trong 2 năm là chính sách khích lệ hợp lý, nhưng luật sư Luân lưu ý một số vấn đề kỹ thuật pháp lý cần làm rõ để tránh bị lạm dụng.
“Điều kiện “lần đầu đăng ký kinh doanh” cần được định nghĩa chặt chẽ. Nếu không, rất dễ xảy ra tình trạng một cá nhân giải thể doanh nghiệp cũ rồi mở mới để hưởng ưu đãi”, ông Luân cảnh báo, đồng thời đề xuất bổ sung quy định về khoảng thời gian tối thiểu không hoạt động kinh doanh trước khi được tính là “chuyển đổi”, đồng thời cơ quan thuế cần liên thông dữ liệu để phát hiện các trường hợp giả mạo hồ sơ.
Ngoài ra, ông Luân cũng cho rằng cần ban hành hướng dẫn chi tiết cách theo dõi doanh thu thực tế sau khi hết thời gian miễn thuế, đặc biệt với những doanh nghiệp có đặc thù dòng tiền chậm hoặc biến động lớn.
“Ưu đãi thuế nên đi kèm với cơ chế hậu kiểm linh hoạt và nhân văn, để thúc đẩy sự tuân thủ chủ động, thay vì sợ hãi bị xử phạt”, luật sư nhấn mạnh.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, một số ý kiến chuyên gia cũng đồng quan điểm rằng, miễn thuế TNDN trong 2 năm đầu là một chính sách tốt, nhưng nó chỉ là cái “gật đầu” ban đầu. Để hộ kinh doanh thật sự chuyển đổi, Nhà nước không thể chỉ dừng lại ở ưu đãi, mà phải dẫn dắt họ bước vào một môi trường minh bạch, đơn giản, dễ thực thi và ít rủi ro pháp lý.
Điều quan trọng không phải chỉ là số lượng doanh nghiệp được thành lập sau chính sách, mà là tỷ lệ họ tồn tại và phát triển được bao nhiêu sau 3 năm, 5 năm. Bởi nếu hàng loạt doanh nghiệp lên đời rồi lại “đứt gánh” vì bị bó bởi các thủ tục, quy định, thanh tra, thì mục tiêu chính sách sẽ đổ vỡ từ bên trong.
Nhiều qun điểm cho rằng, muốn vậy, cần đồng bộ giữa ưu đãi thuế – đơn giản hóa kế toán – hỗ trợ công nghệ và cơ chế hậu kiểm công bằng. Có như vậy, hộ kinh doanh mới dám “lên doanh nghiệp” không chỉ vì được miễn thuế, mà vì họ thấy được tương lai ở phía trước.