Chứng khoán

Chiến lược bảo toàn lãi khi VN-Index chuẩn bị phá đỉnh

An Định 15/07/2025 11:00

Áp sát vùng đỉnh sau chuỗi 7 phiên tăng mạnh, VN-Index cũng đang chạm đến những vùng cản mạnh.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang tiệm cận rất sát vùng đỉnh 1.500 – 1.545 điểm, giai đoạn đỉnh của tháng 11 – 12/2021 và đầu tháng 1/2022.

Với đà tăng mạnh mẽ như hiện nay, việc vượt đỉnh lịch sử của năm 2021 – 2022 chỉ là câu chuyện thời gian. Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) kỳ vọng thời điểm vượt qua đỉnh sẽ rơi vào tháng 9 – 10 năm nay. Nếu dòng tiền nước ngoài tiếp tục giải ngân mạnh như hiện nay, chứng khoán có thể vượt đỉnh ngay trong cuối tháng 7, đầu tháng 8.

chng-khoan.jpeg
Theo chuyên gia, trong thị trường tăng nóng, nhà đầu tư không nên đoán đỉnh. Ảnh minh họa

Trong tuần vừa qua, theo chuyên gia thống kê, chứng khoán tăng 5%, mạnh nhất kể từ năm 2022. Diễn biến này làm nhiều nhà đầu tư (NĐT) liên tưởng tới đà tăng của nửa cuối 2021, đầu 2022. Thứ hai, về mặt thanh khoản, khối lượng giao dịch lên mức cao nhất lịch sử, đạt 6,1 tỷ cổ phiếu trong tuần vừa quan.

Với việc chỉ số chuẩn bị vượt đỉnh, thanh khoản củng cố, câu chuyện nới lỏng chính sách, bối cảnh vĩ mô bên ngoài tích cực, thị trường tiếp tục có nhiều câu chuyện để kỳ vọng, chẳng hạn như thay đổi cải cách thể chế, luật mới hỗ trợ tăng trưởng, nâng hạng, nhà đầu tư trở lại mua ròng…, ông Sơn nói.

Tuy nhiên, chuyên gia nhận định, VN-Index cũng đang chạm đến những vùng cản mạnh. Thị trường đã có ba tháng tăng liên tiếp rất mạnh là tháng 5, 6, 7. Hiện nay, chỉ số đang chạm sát vùng Fibonacci 100% và có thể sẽ có những pha nhiễu động trong phiên hoặc biến động một hai tuần từ 2 – 5%. Trong giai đoạn này, NĐT cần tránh mua những cổ phiếu đã tăng nóng, rơi vào nhịp FOMO.

Đồng thời, chỉ số RSI theo đồ thị tuần cũng đang vào ngưỡng quá mua. Nhìn lại lịch sử, khi RSI vào vùng 75 – 80 thì thị trường đều có xác suất rung lắc, điều chỉnh. Nhìn lại giai đoạn tháng 12/2020 và tháng 6/2021 thì RSI vào vùng quá mua, khiến thị trường có pha rung lắc rất mạnh.

Tuy nhiên, thị trường sẽ rung lắc để đi lên, chứ không phải đi xuống. Khi đã trong uptrend, việc phá vỡ xu hướng sẽ rất khó. Ở đồ thị ngày, RSI đang cao nhất kể từ 2019, thị trường có thể đối mặt với rung lắc trong nửa cuối tháng 7, đầu tháng 8.

Nhưng nếu NĐT tìm kiếm đỉnh kỹ thuật thì sẽ rất khó xác định đỉnh nhọn, mà thị trường thiên về xu hướng điều chỉnh, tích lũy, tạo thành “đỉnh tù”: dao động tích lũy, điều chỉnh để đi lên tiếp.

Tôi cho rằng nhà đầu tư không nên đoán đỉnh. Khi thị trường đã vào giai đoạn tăng nóng, có thể tăng rất FOMO và có nhịp tăng quá đà. Trong tất cả những nhịp tăng nóng, NĐT không thể đoán được sẽ lên đến bao nhiêu.

Trên thị trường thường có hai trạng thái là bi quan quá mức (giống đáy tháng 4) và lạc quan quá mức (như hiện tại). Trong trạng thái hiện tại, thị trường đang lạc quan và một số chỉ báo kỹ thuật trở nên khá nóng. Do đó, trong giai đoạn này, NĐT nên để thị trường diễn biến, sau đó, theo dõi những tín hiệu như cây nến, chỉ báo kỹ thuật để đưa ra quyết định.

Do tăng nóng nên thị trường có thể chạm đến bất cứ mốc nào, đặc biệt khi những cổ phiếu dẫn sóng như VIC đang trong nhịp tăng rất nóng. NĐT không nên vội đoán đâu là vùng điều chỉnh ngắn hạn và nên chờ tín hiệu kỹ thuật để xác nhận góc nhìn.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, VPBankS

Ngoài ra, nhìn về VN-Index, có 4 chỉ báo kỹ thuật đi vào vùng quá mua: RSI, Williams percent range, CCI, Bollinger band. Đây là lý do khiến đà tăng của thị trường rất mạnh, nhưng sẽ chứa đựng rung lắc. Độ rộng thị trường cũng đã phát đi tín hiệu cảnh báo, với 83% cổ phiếu nằm trên đường MA50, cho thấy sự đồng thuận cao. Thông thường, khi thị trường đạt sự đồng thuận cao sẽ xuất hiện rung lắc ở đỉnh kỹ thuật nhỏ.

Số cổ phiếu trong rổ VN-Index có RSI lớn hơn 70 cũng đang ở mức tương đối cao so với 4 năm trở lại đây, đạt 22%. Dữ liệu này cho thấy giai đoạn này tiềm ẩn rủi ro rung lắc do xu hướng chốt lời.

Trong xu hướng uptrend, đặc biệt mạnh mẽ như trong năm nay, ông Sơn cho rằng NĐT đang nắm giữ những nhóm ngành lớn như ngân hàng, chứng khoán, BĐS, bán lẻ, hàng tiêu dùng… và mua được ở vùng giá vốn tốt thì tốt nhất nên để cho lãi chạy. Đang có sự đồng thuận rất lớn, từ bơm tiền, NĐT nước ngoài, câu chuyện hỗ trợ như thuế quan, nâng hạng. Do đó, rất khó đoán cổ phiếu đã tăng hết đà hay chưa.

Để tránh việc bán ở lưng sóng, mất lãi của cả giai đoạn lớn sau đó, NĐT nên chịu đựng, bỏ qua những pha “bear trap” (bẫy giảm giá) nhỏ. Trong giai đoạn thị trường vào uptrend, việc khó khăn nhất là gồng lãi, chứ không phải lỗ. Yếu tố gồng lãi trong một xu hướng tăng dài hạn là rất khó. Một số nhà đầu tư mua đỉnh, chịu lỗ 10 – 20% không cắt, nhưng lãi chỉ 5 – 10% đã cắt rồi. Trong năm nay, uptrend khá dài và mạnh. Bởi vậy, câu chuyện khoe lãi rất vui, nhưng gồng được lãi mới quan trọng.

Theo chuyên gia VPBankS, về cuối sóng, khi thông tin tốt nhất đã hết rồi và xuất hiện thêm những tin tương đối tốt, giá cổ phiếu sẽ không phản ứng gì, không tăng. Đồng thời, thị trường xuất hiện những giai đoạn phân phối lớn, với thanh khoản cao. Nhìn về yếu tố kĩ thuật, chỉ số sẽ duy trì ở mức cao nhất trong lịch sử, đồng thời thanh khoản duy trì ở mức cao trong nhiều tháng, tương tự như đỉnh 1.545 điểm cuối năm 2021, đầu 2022. Do đó, NĐT không cần vội vã chốt lời, bởi từ nay đến cuối năm vẫn có rất nhiều câu chuyện hỗ trợ.

Với NĐT chưa tham gia thị trường, cần chờ đợi những nhịp điều chỉnh để có điểm vào tốt. Theo dõi tài khoản cũng là một yếu tố rất quan trọng. Sau giai đoạn tăng nóng, nếu đang lãi 40% và sau đó bị bớt lãi từ 5 – 7% thì NĐT cần đặc biệt chú ý, ông Sơn nhấn mạnh.

An Định