Kinh tế

Cuộc chiến thuế quan toàn cầu: Cơ hội cho ngành công nghiệp cao su Việt Nam

Đình Đại 16/07/2025 03:50

Ngành công nghiệp cao su tại Việt Nam đang được mở ra nhiều cơ hội hơn, phần lớn đến từ sự chuyển dịch của các nhà máy lốp xe nước ngoài từ các cuộc chiến thuế quan trước đó.

Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS), sự kiện Hoa Kỳ áp thuế đối ứng không ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu sản phẩm cao su thiên nhiên của Việt Nam bởi các lý do sau: Thứ nhất, cao su thiên nhiên không phải chịu thuế nhập khẩu và được miễn thuế đối ứng tại Hoa Kỳ.

caosuthiennhien.jpg
Cao su thiên nhiên là nguyên liệu đầu vào thiết yếu trong chuỗi cung ứng của ngành công nghiệp ô tô và có vai trò nhất định đối với năng lực sản xuất quốc phòng của Hoa Kỳ - Ảnh minh họa.

Thứ hai, Hoa Kỳ không phải là thị trường xuất khẩu cao su thiên nhiên chủ lực của Việt Nam. Năm 2024, 72% sản lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam được tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc.

Thứ ba, đối với thị trường Trung Quốc, sản lượng lốp xe xuất khẩu trực tiếp sang Hoa Kỳ với 25 triệu lốp hiện chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ, khoảng 2,1% trong cơ cấu sản xuất lốp xe hàng năm của nước này, hiện đã lên đến 1,1 tỷ lốp xe năm 2024. Nên tiêu thụ cao su thiên nhiên tại Trung Quốc sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể từ sự kiện này.

Theo PHS, năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 28,6 triệu lốp xe (HS4011) đến Hoa Kỳ, tăng 26% so với cùng kỳ và đóng góp góp trên 50% thị phần xuất khẩu của Việt Nam, trong đó: Lốp xe ô tô là 15,5 triệu lốp, tăng 14%; Lốp xe ô tô buýt/tải là 8,8 triệu lốp, tăng 37%; Các loại khác: 4,3 triệu lốp, tăng 63% so với cùng kỳ.

Như vậy 85% sản phẩm Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ sẽ nằm trong danh mục sản phẩm Sắc lệnh thuế mục 232 lĩnh vực ô tô với mức thuế quan áp dụng 25%, còn lại sẽ bị áp thuế đối ứng 10% tạm thời đến ngày 09/07/2025 trước khi có thông báo mới.

“Chúng tôi đánh giá cấu trúc nhập khẩu hàng hóa sẽ chưa thể biến động mạnh ngay lập tức trong bối cảnh nhu cầu lốp xe vẫn ổn định khi: Hoa Kỳ áp dụng mức thuế cố định và có các biện pháp điều chỉnh thuế quan kịp thời mặt hàng này nhằm đảm bảo nguồn cung ứng không bị sốc trong ngắn hạn; Lốp xe thay thế là sản phẩm tiêu dùng thường xuyên và đang phụ thuộc vào bên ngoài”, PHS đánh giá.

Cũng theo PHS, hoạt động xuất khẩu lốp tại Việt Nam sau thuế quan có hiệu lực vẫn diễn ra bình thường và có chiều hướng gia tăng, cụ thể: Casumina đang tăng tốc xuất khẩu lốp xe sang và mở rộng thêm 600.000 sản phẩm xuất sang Hoa Kỳ. Trong khi đó, Sailun, một doanh nghiệp FDI chia sẻ hoạt động xuất khẩu sang Hoa Kỳ hiện đang được thực hiện ổn định tại các nhà máy đặt ở Việt Nam và Campuchia.

caosu.jpg

Tại thị trường Bắc Mỹ (Hoa Kỳ, Mexico, Canada) nhiều nhà sản xuất lốp xe lớn đã thông báo kế hoạch tăng giá bán: Bridgestone tăng từ 6% - 8% giá bán các loại lốp từ tháng 06/2025; Sumitomo Rubber North America tăng giá sản phẩm có thể lên tới 25%; Goodyear tire tăng tới 4% giá bán các loại sản phẩm từ tháng 05/2025; Yokohama Tire tăng tới 10% giá bán các loại sản phẩm từ tháng 05/2025.

Chuyên gia của PHS cho rằng, mặc dù 2021, Hoa Kỳ công bố mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp loại lốp xe ô tô (4011.10) với Việt Nam có tỷ lệ lên tới 22%, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất lốp trọng yếu như Sailun Group, Kenda Rubber Vietnam, Bridgestone Tire Manufacturing, Kumho Tire, Yokohama Rubber Co., chỉ chịu mức thuế chống bán phá giá là 0%.

“Chúng tôi cho rằng việc hưởng được mức thuế nhập khẩu cạnh tranh hơn các đối thủ cũng giúp cho các doanh nghiệp này gia tăng sản lượng xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong giai đoạn 2021- 2024, đây cũng chính là các doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu sang Hoa Kỳ tại Việt Nam”, ông Nguyễn Cửu Minh Danh – Khối phân tích PHS đánh giá.

Đồng thời cho rằng, sự phục hồi hoàn toàn cho nhu cầu đi lại tại châu Âu được dự báo sẽ diễn ra kể từ năm 2026-2027. Điều này cũng cho thấy tiềm năng tăng trưởng tiêu thụ lốp xe (Yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng duy trì và tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ cao su thiên nhiên) vẫn còn hiện hữu ở các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ.

Guotai Junan Research cũng đánh giá, thị trường cao su toàn cầu vẫn đang trong chu kỳ thắt chặt nguồn cung đến 2027-2028. Theo Guotai Junan Research, trong quý I/2025, giá cao su của Việt Nam ghi nhận mức tăng mạnh nhất kế từ năm 2022. Cụ thể, giá xuất khẩu bình quân đạt 1.857 USD/tấn, tăng tới 29% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đà tăng này xuất hiện rõ nét ngay từ đầu năm: tháng 1 và tháng 2, giá xuất khẩu cao su lần lượt tăng 25% và 32% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đến cuối tháng 3, đà tăng này có dấu hiệu chững lại. Nguyên nhân là do Trung Quốc, thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam bắt đầu điều chỉnh chính sách mua vào, khiến nhu cầu giảm nhẹ.

Sang tháng 4, thị trường bất ngờ quay đầu giảm mạnh, sau khi Mỹ công bố các biện pháp thuế mới nhằm vào hàng hóa nhập khẩu từ nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc. Tác động lan rộng sang thị trường nguyên liệu cao su.

Theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC), triển vọng giá cao su trong năm 2025 vẫn tích cực. Mức giá trung bình được dự báo dao động từ 1.750 – 2.000 USD/tấn, tùy thuộc vào cung - cầu và tình hình kinh tế vĩ mô. Nếu Trung Quốc thực hiện các gói kích cầu tiêu dùng ô tô, xe điện và hỗ trợ công nghiệp như kế hoạch, nhu cầu nhập khẩu cao su có thể tăng đột biến vào quý III - IV/2025.

Đình Đại