Cà phê doanh nhân

Năm lý do lớn quyết định sự đổi mới của các doanh nghiệp SMEs

Đình Đại ghi 16/07/2025 02:22

Khi đã biết được tại sao phải thay đổi, thì các doanh nghiệp cần nhận biết được các dấu hiệu cho thấy tính cấp thiết cần phải thay đổi trong doanh nghiệp.

Bà Trương Lý Hoàng Phi - Chủ tịch & CEO Investment & Business Partners (IBP).

Thứ nhất, hành vi khách hàng thay đổi. Nếu như trước đây chúng ta đi các hội thảo offline cũng có thể gặp nhiều khách hàng, đi các triển lãm cũng gặp khách hàng. Hiện nay, kênh này vẫn hiệu quả, nhưng chưa đủ, khách hàng của chúng ta đi đến đâu, chúng ta cũng phải đi đến đó, nên hành vi của khách hàng bây giờ thay đổi rất nhiều, nếu như mình không thay đổi thì chắc chắn là sẽ có vấn đề.

_dsc0904.jpg
Bà Trương Lý Hoàng Phi - Chủ tịch & CEO IBP - Ảnh: Đình Đại.

Thứ hai, áp lực cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực truyền thống cho biết, doanh số của họ vẫn không thay đổi, mỗi năm tăng đến 10%, nhưng nhìn lại biên lợi nhuận thì có nhiều ngành biên lợi nhuận rất mỏng chỉ khoảng 1%. Do đó, đòi hỏi các doanh nghiệp phải tối ưu hóa chi phí và nâng cao hiệu suất nhằm tăng biên lợi nhuận của doanh nghiệp.

Thứ ba, hạn chế về nguồn lực. Các SMEs thường đối mặt với khó khăn về tài chính, nguồn nhân lực chất lượng cao và công nghệ, nên cần phải có những giải pháp sáng tạo hơn để chúng ta có thể vẫn duy trì được nội lực của mình.

Thứ tư, lối mòn tư duy. Như chúng ta đã biết, một thương hiệu điện tử lớn là TOSHIBA đã phải “bán mình” và rút khỏi sàn niêm yết sau 75 năm có mặt trên thị trường. Điều đó cho thấy rằng, ngay cả đối với các tập đoàn lớn cũng có thể biến mất nếu như không đổi mới. Lối mòn tư duy khiến chúng ta khi đang ở trên đỉnh cao sẽ chỉ nhìn thấy những cái tốt, nên không đủ can đảm để thay đổi. Do đó, lối mòn tư duy là một điều rất nguy hiểm.

Thứ năm, áp lực từ những công nghệ mới. Chúng ta đang nói rất nhiều đến AI, Chat GPT, IoT, tất cả mọi thứ đều được tích hợp, và thậm chí một ngành rất truyền thống như ngành bán nệm, nếu như chỉ dừng lại ở cái nệm thôi thì chưa đủ. Thế giới đang có một ngành đó là ngành công nghiệp giấc ngủ, trong đó, nó được tích hợp rất nhiều kiến thức của nhiều ngành khác nhau như điện tử, khoa học đời sống... để nghiên cứu làm sao cho sức khỏe của con người tốt hơn.

Điều này cho thấy rằng, nếu chúng ta chỉ nhìn doanh nghiệp theo một ngành truyền thống thôi thì sẽ giới hạn sự đổi mới và rõ ràng là hiện nay, biên giới giữa các ngành rất gần. Một chiếc đồng hồ đeo tay không chỉ đơn thuần là để xem giờ, mà còn là một thiết bị sức khỏe. Đó là những áp lực mà buộc các CEO phải đặt lại câu hỏi là chúng ta đã kịp thay đổi tư duy hay chưa, và ngành nào sẽ thay thế chúng ta?

Khi đã biết được tại sao phải thay đổi, thì các doanh nghiệp cần nhận biết được các dấu hiệu cho thấy tính cấp thiết cần phải thay đổi trong doanh nghiệp, cụ thể: Khi doanh số chững lại mà thị trường vẫn đang phát triển, thị phần sụt giảm; Khách hàng cũ rời đi, khó tìm khách hàng mới; Đối thủ mới xuất hiện với mô hình kinh doanh khác biệt và hiệu quả hơn; Nhân viên thiếu động lực, ngại đưa ra ý tưởng mới; Các quy trình vận hành ngày càng cồng kềnh, kém hiệu quả; Sản phẩm/dịch vụ đã lỗi thời, không còn đáp ứng nhu cầu của thị trường; Các xu hướng như AI, tính bền vững, thương mại điện tử, mạng xã hội đang làm thay đổi ngành của doanh nghiệp.

Những sai lầm cần tránh khi thực hiện đổi mới: Đốt tiền cho công nghệ mà không hiểu vấn đề; thiếu chiến lược rõ ràng; ngại thay đổi và thiếu cam kết; thiếu nguồn nhân lực phù hợp; chỉ tập trung vào sản phẩm mới; và sợ thất bại.

Doanh nghiệp cần chọn những hệ sinh thái để có thể hỗ trợ cho sự đổi mới của mình. Chọn những người đồng hành hiểu mình và chọn những hệ sinh thái có tính đa dạng. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần mở rộng tầm nhìn của mình ra, nếu chỉ với tư duy 50 tỷ thì không thể tạo ra một công ty 500 tỷ. Tầm nhìn như thế nào thì sẽ quyết định đến việc xây dựng một doanh nghiệp ra sao. Do đó, cần phải nâng cấp tầm nhìn của chính mình, cũng chính là cho doanh nghiệp mình một cơ hội để nâng cấp.

Đình Đại ghi