Lâm Đồng: Huy động tổng lực để phát triển du lịch
Phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, phát triển công nghiệp văn hóa… để xây dựng thương hiệu du lịch Lâm Đồng ngàn hoa, biển xanh, đại ngàn.
Đó là nội dung được Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Hồ Văn Mười, nhấn mạnh tại buổi làm việc với ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch sau sáp nhập 3 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Thuận, mới đây.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào du lịch
Cụ thể, theo báo cáo của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lâm Đồng (mới), trong 6 tháng đầu năm, khi 3 tỉnh chưa hợp nhất Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Thuận, thì Lâm Đồng đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, gia đình, báo chí xuất bản, thể thao, du lịch, cải cách hành chính. Trong đó, nổi bật là các hoạt động chào mừng thành lập tỉnh Lâm Đồng mới; tổ chức thành công chuỗi các hoạt động giải thưởng, hội thảo, gặp mặt Kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam...
Trong đó, công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh đạt được nhiều kết quả tích cực. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều mô hình hay, điển hình tiên tiến; thực hiện tốt công tác quản lý về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước…
Bên cạnh đó, hoạt động thể dục thể thao được tổ chức được tổ chức với nhiều nội dung và đạt được nhiều thành tích. Trong đó, những môn thể thao đạt thành tích cao tham gia với 17 bộ môn với 588 lượt vận động viên và giành được 286 huy chương. Hiện sở đang đào tạo 740 vận động viên năng khiếu ở các bộ môn đáp ứng tăng cường cho tuyển quốc gia, tham gia các giải đấu quốc gia, khu vực và quốc tế.
Đặc biệt, về thu hút phát triển du lịch, trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng khách du lịch đến Lâm Đồng ước đạt hơn 12,1 triệu lượt, đạt 54,21% kế hoạch, tăng 20,26% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế ước đạt 798.310 lượt; khách nội địa ước đạt hơn 11,3 triệu lượt.
Kế hoạch năm 2025, phấn đấu đạt 22,4 triệu lượt khách; trong đó khách quốc tế: 1,28 triệu lượt, khách nội địa 21,1 triệu lượt. Khách qua lưu trú: 19,9 triệu lượt.
Về cơ sở lưu trú, hiện Lâm Đồng có 4.203 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 66.023 phòng; trong đó, có 110 khách sạn từ 3-5 sao với 11.266 phòng; 126 đơn vị kinh doanh lữ hành; 1.059 hướng dẫn viên; 99 khu, điểm tham quan; trong đó, có 30 khu, điểm du lịch đã được UBND tỉnh công nhận, gồm: 2 khu du lịch quốc gia, 4 khu du lịch cấp tỉnh và 24 điểm du lịch.
Liên quan tới kế hoạch ứng dụng công nghệ số, đại diện lãnh đạo Văn hóa Thể thao và Du lịch Lâm Đồng cho biết: hiện nay Sở tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào văn hóa, du lịch; tăng cường thu hút đầu tư, khai thác mọi tiềm năng, lợi thế, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đưa Lâm Đồng thành điểm đến hấp dẫn của rừng, của biển và hoa; tháo gỡ các khó khăn về du lịch canh nông, du lịch trên mặt nước hồ thủy lợi…

Huy động tổng lực để phát triển du lịch
Đáng chú ý, nhấn mạnh về các giải pháp phát triển du lịch, ông Hồ Văn Mười – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho rằng để phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển văn hóa, thể thao, du lịch của tỉnh Lâm Đồng. Ngành văn hoá, thể thao và du lịch cần tìm ra con đường đi đúng, bảo tồn văn hóa truyền thống, phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thương hiệu du lịch Lâm Đồng ngàn hoa, Lâm Đồng biển xanh, Lâm Đồng đại ngàn.
“Cần xây dựng mỗi tuần một sự kiện văn hóa, tổ chức những show diễn mang tầm, diễn xướng cồng chiêng của đồng bào các dân tộc bản địa tạo không gian nghệ thuật đường phố, biểu diễn các vũ điệu Apsara của người Chăm; phát huy giá trị văn hóa ẩm thực… tạo sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách. Giữ nguyên hoạt động của các bảo tàng, bảo tồn và phát huy giá trị các hiện vật của vùng đất, con người tất cả các dân tộc anh em. Quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, bắt đầu việc phát triển kinh tế gia đình”, ông Mười nhấn mạnh.
Cũng theo ông Mười, bên cạnh đó, thực hiện xã hội hóa thể thao thành tích cao, đẩy mạnh phong trào thể thao quần chúng, lan tỏa trong toàn dân với những môn thể thao phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, môi trường của từng tiểu vùng khí hậu.

Theo ông Mười, với những lợi thế về du lịch, cần sắp xếp lại các tour du lịch, tạo thành tour khép kín trong tỉnh, đưa du khách tham quan từ biển, đến hoa, đến đại ngàn và đặc biệt trải nghiệm đường biên giới trải dài 141 km với rừng, thác, suối. Bên cạnh đó, ngoài việc kết nối một cung đường tour trong tỉnh cũng cần kết nối các tour du lịch trong và ngoài nước qua các đường bay quốc tế.
“Không gói gọn, bó hẹp ở khu vực trung tâm, cần mở rộng không gian, phát triển du lịch tạo thế kiềng ba chân vững chắc, mạnh mẽ. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trên các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch”, ông Mười lưu ý.
Đặc biệt, trong 6 tháng tới, cần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách; hướng tới du lịch thân thiện, ứng xử hòa nhã, mỗi người dân là một hướng dẫn viên; xây dựng môi trường du lịch không còi xe, không khói thuốc nơi công cộng; tôn tạo cảnh quan sạch, xanh, đẹp.
“Với lực lượng đông, mạnh sau sáp nhập, ngành cần phát huy tổng lực để phát triển kinh tế - du lịch, kinh tế - văn hóa, kinh tế - thể thao với tinh thần quyết tâm, quyết liệt”, ông Mười nhấn mạnh.