APEC là "đòn bẩy" thúc đẩy tăng trưởng và hội nhập, kết nối và thịnh vượng
Tại phiên khai mạc ABAC III, Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh vai trò không thể phủ nhận của cộng đồng doanh nghiệp trong việc kiến tạo sự phát triển bền vững và bao trùm cho khu vực.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động và những thách thức địa chính trị sâu sắc, Diễn đàn Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) lần thứ III khai mạc tại Hải Phòng đã khẳng định vai trò cầu nối then chốt giữa khu vực tư nhân và các nhà lãnh đạo kinh tế APEC.
Cầu nối chiến lược của cộng đồng doanh nghiệp
Tại Diễn đàn, Chủ tịch nước Lương Cường đã nhìn lại chặng đường 36 năm hình thành và phát triển của APEC và khẳng định đây là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực. APEC đã và đang là "đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng và hội nhập, bảo đảm hòa bình, ổn định, kết nối và thịnh vượng".

Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra những rủi ro và thách thức hiện hữu, như: chuyển biến địa chính trị sâu sắc, sự phục hồi kinh tế hậu đại dịch với nhiều rủi ro, tiềm ẩn. Các thách thức mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, hiện tượng thời tiết cực đoan, sự thay đổi về chính sách thương mại và gián đoạn chuỗi cung ứng. Trong bối cảnh đó, Chủ tịch nước khẳng định, hợp tác đa phương và đối thoại công - tư càng trở nên quan trọng và cần phải được đẩy lên một tầm cao mới.
Với vai trò là cơ chế đại diện chính thức của cộng đồng doanh nghiệp trong APEC, ABAC được ví như cầu nối then chốt giữa các khu vực tư nhân và các nhà lãnh đạo kinh tế APEC. Chủ Tịch nước Lương Cường đánh giá cao ABAC không chỉ ở việc đề xuất chính sách thuận lợi cho kinh tế mà còn trực tiếp tham gia kiến tạo các giải pháp thiết thực để củng cố chuỗi giá trị, thúc đẩy đầu tư, khơi thông dòng chảy thương mại và khuyến khích đổi mới sáng tạo. Ông tin tưởng rằng những sáng kiến từ ABAC sẽ tiếp tục là động lực cho sự phát triển bền vững của khu vực.
Chủ tịch nước Lương Cường cũng khẳng định vai trò của doanh nghiệp. “Trong một thế giới đầy bất định, doanh nghiệp chính là một lực lượng tiên phong, là đối tác then chốt của Nhà nước và Chính phủ trong thực hiện các mục tiêu phát triển. Chính vì vậy, tôi hoan nghênh việc ABAC lựa chọn các chủ đề thảo luận xoay quanh những lĩnh vực cốt lõi như thương mại tự do và đầu tư bền vững, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo, tài chính xanh và phát triển bền vững, an ninh y tế và đổi mới trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Đây đều là những ưu tiên lớn của Việt Nam trong Chiến lược phát triển quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. – Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Việt Nam - Điểm đến hấp dẫn và đối tác tích cực của APEC
Chủ tịch nước Lương Cường đã giới thiệu về những nỗ lực của Việt Nam trong việc cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật, và xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, cạnh tranh và ổn định. Ông nhấn mạnh Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư quốc tế, không chỉ nhờ quy mô thị trường hơn một trăm triệu dân mà còn nhờ khả năng tiếp cận thị trường rộng lớn thông qua mạng lưới các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP.

"Việt Nam luôn coi trọng hợp tác APEC và tích cực đóng góp vào nỗ lực chung nhằm hiện thực hóa tầm nhìn APEC đến năm 2040 vì một Cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường và hòa bình, thịnh vượng và tất cả người dân và thế hệ tương lai. Sự tham gia tích cực của Việt Nam từ năm 1998, cùng với việc tổ chức thành công Năm APEC 2006 và 2017 là minh chứng rõ ràng” - Chủ tịch nước khẳng định.
Với vai trò trung tâm trong mạng lưới liên kết khu vực, Việt Nam mang đến cho các nhà đầu tư lợi thế tiếp cận đa dạng thị trường và chuỗi cung ứng toàn khu vực. Đầu tư vào Việt Nam không chỉ là đầu tư vào một nền kinh tế năng động, ổn định và đang phát triển nhanh chóng mà còn là bước đi chiến lược để kết nối với các đối tác lớn và tiềm năng trên thế giới cũng như các khu vực tự do thương mại khác – Chủ tịch nước nêu rõ.
Nói thêm về triển vọng kinh tế, Chủ tịch nước Lương Cường tự hào chia sẻ, năm 2024, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,8% thuộc nhóm các quốc gia có tốc độ phục hồi cao nhất của khu vực, FDI tiếp tục tăng, đạt gần 39 tỷ USD, vốn đăng ký mới và bổ sung, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa lần đầu tiên vượt ngưỡng 390 tỷ USD. Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng từ 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số cho những năm tiếp theo, bắt đầu từ năm 2026.
Việt Nam đang hướng tới một tương lai phát triển toàn diện với một số mục tiêu quan trọng, tạo nền tảng cho các doanh nghiệp tăng tốc phát triển. Cụ thể như trong lĩnh vực hạ tầng, mục tiêu đến năm 2030 sẽ hoàn thiện 5.000 km đường cao tốc và khởi công xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trục Bắc Nam. Về năng lượng phát triển mạnh năng lượng tái tạo và Việt Nam đặt mục tiêu 15 - 20 % năng lượng sơ cấp từ tái phạm vào năm 2030 và từ 65 đến 70 % vào năm 2045.
Trong chuyển đổi số và công nghệ đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn, thúc đẩy các trung tâm R&D tại các vùng kinh tế trọng điểm. Về kinh tế xanh và tuần hoàn, hướng đến việc giảm cường độ phát thải và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên. Việt Nam quyết tâm thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng không vào năm 2050. Về tổng thể, mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Chủ tịch nước cũng khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc thúc đẩy tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm phát triển cân đối hài hòa giữa kinh tế với xã hội và bảo vệ môi trường, đồng thời thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển hệ sinh thái công nghệ, thúc đẩy các trung tâm nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và kinh tế số.
Cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp
Chủ tịch nước nhấn mạnh, Việt Nam xác định doanh nghiệp có vai trò là một lực lượng tiên phong trong quá trình hiện đại hóa quốc gia. Việt Nam đã ban hành các quyết sách quan trọng nhằm hỗ trợ phát triển khu vực doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các cơ chế hỗ trợ toàn diện từ tiếp cận vốn, đào tạo nhân lực, chuyển đổi số đến hỗ trợ đổi mới công nghệ, khuyến khích đầu tư vào các ngành nghề ưu tiên.
Đây là bước đi cụ thể, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc kiến tạo môi trường thuận lợi và đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững.

Chia sẻ thêm, Chủ tịch nước cho biết, hiện nay, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đang triển khai đồng bộ các cơ chế hỗ trợ, như cơ chế thử nghiệm chính sách (sandbox), các gói ưu đãi thuế cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, cải cách thủ tục hành chính, phát triển hạ tầng số và dữ liệu mở phục vụ doanh nghiệp. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược như năng lượng tái tạo, kinh tế xanh, đô thị thông minh, nông nghiệp công nghệ cao. Chính phủ cũng chủ động thúc đẩy các đối thoại chính sách giữa Chính phủ và khu vực tư nhân để kịp thời điều chỉnh các quy định phù hợp với thực tiễn.
Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy các sáng kiến hợp tác APEC theo hướng lấy con người làm trung tâm, lấy doanh nghiệp làm động lực và lấy phát triển bền vững là mục tiêu. Việt Nam sẽ đồng hành cùng ABAC trong việc xây dựng và kiến nghị các chính sách thiết thực, phản ánh đúng kỳ vọng và nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp.
Chủ tịch nước Lương Cường kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp APEC tăng cường hợp tác. "Một khu vực APEC phát triển bền vững không thể thiếu sự gắn kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp. Tôi kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp APEC hãy cùng nhau tăng cường hợp tác, liên kết chuỗi sản xuất, chia sẻ công nghệ, nâng cao khả năng thích ứng với các cú sốc toàn cầu. Cạnh tranh là cần thiết nhưng hợp tác chính là điều kiện để mọi nền kinh tế cùng chiến thắng".
Chủ tịch nước cũng khuyến khích các tổ chức ABAC và các doanh nghiệp lớn trong khu vực tích cực hỗ trợ DNNVV thông qua đào tạo, chuyển giao công nghệ, hợp tác thị trường, tạo điều kiện để các DNNVV tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp vào sự phát triển bao trùm và bền vững của khu vực.
Chủ tịch nước Lương Cường bày tỏ niềm tin rằng kỳ họp ABAC tại Hải Phòng sẽ là "Diễn đàn kết nối trí tuệ, chia sẻ tầm nhìn và khơi thông những ý tưởng mới" và những khuyến nghị, sáng kiến được thai nghén tại ABAC III sẽ có giá trị quan trọng trong quá trình chuẩn bị cho Đối thoại ABAC và các nhà lãnh đạo APEC vào tháng 10/2025 tại Hàn Quốc.