Doanh nghiệp

DIỄN ĐÀN NÔNG NGHIỆP 2025: Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp

Hạnh Hằng - Anh Trà - Tuấn Ngọc - Phương Hiền 16/07/2025 14:29

Diễn đàn Nông nghiệp 2025: Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp tổ chức do VCCI chỉ đạo, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 16/7 tại Hà Nội.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế toàn cầu, tăng trưởng xanh nói chung, nông nghiệp xanh nói riêng đã dần trở thành xu hướng phát triển chủ đạo. Trong bối cảnh đó, nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện phát triển nông nghiệp xanh, tuần hoàn đã được ban hành.

Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm BCH Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khẳng định, vai trò của nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, gắn với nhu cầu thị trường. Các định hướng quan trọng này cũng được khẳng định trong Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu, phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững.

Tại nhiều địa phương, nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đã được áp dụng trên các quy mô và lĩnh vực khác nhau, đã và đang phát huy hiệu quả, thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, an toàn, bền vững...

Nhằm tạo cơ hội kết nối, trao đổi và đưa ra các giải pháp nhằm đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, tiếp tục tái cơ cấu nền nông nghiệp bền vững, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ đạo Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức:

Diễn đàn Nông nghiệp 2025:
Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp

Thời gian: 13h30 -17h00, Thứ Tư, ngày 16/07/2025
Địa điểm: Hội trường 201, Trung tâm Hội nghị 37 Hùng Vương (cổng số 35 Hùng Vương, quận Ba Đình, Hà Nội)

toancanh (17)
Toàn cảnh Diễn đàn Nông nghiệp 2025: Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp do VCCI chỉ đạo, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 16/7/2025 tại Hà Nội.

Tham dự Diễn đàn có: Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); Ông Lê Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường; Ông Nguyễn Trí Ngọc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam; Ông Bùi Hải Nam - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp; PGS TS Đào Thế Anh, nguyên Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam; AHLĐ Trần Mạnh Báo - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Giống cây trồng Việt Nam; Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân CCB Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn ThaiBinh Seed; Ông Hà Văn Thắng - Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, Chủ tịch HĐQT công ty CP T&T 159; TS Vũ Duy Hoàng - Phó Giám đốc phụ trách, Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Doanh nghiệp xã hội GreenU, Giảng viên quốc tế CIRCO Hub Việt Nam; Nhà báo Nguyễn Linh Anh, Tổng biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp.

Ban tổ chức đặc biệt cảm ơn các chuyên gia từ các Viện, trường, cơ quan nghiên cứu, Lãnh đạo các Hiệp hội doanh nghiệp các địa phương, lãnh đạo các doanh nghiệp đã đến tham dự chương trình. Xin được cảm ơn các nhà báo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí đã tham dự và đưa tin về sự kiện.

Để tổ chức chương trình thành công, Ban Tổ chức xin được gửi lời cảm ơn trân trọng đến sự đồng hành thiết thực của: Tổng Công ty Phân bón và Hoá chất dầu khí - CTCP (PVFCCO – Phú Mỹ); Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank); Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền.

Cơ hội phát triển nền kinh tế xanh

Phát biểu khai mạc Diễn đàn ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, Việt Nam là nước có truyền thống nông nghiệp và hiện nay cũng là nước có thế mạnh về nông nghiệp.

Theo Phó Chủ tịch VCCI, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và thường xuyên có các chủ trương, đường lối, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Cùng với đó, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với nhiều quốc gia và khu vực kinh tế, trong đó có những cam kết về tiêu chuẩn an toàn môi trường sinh thái. Trong bối cảnh tác động ngày càng mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cơ hội và sức ép về việc ưu tiên ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp thông minh càng cấp thiết. Do đó, phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là bước đi tất yếu của Việt Nam.

Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng khẳng định, nông nghiệp tuần hoàn vừa là yêu cầu bắt buộc, vừa là động lực tiến tới nền nông nghiệp xanh, chi phí thấp, gia tăng chuỗi giá trị, thay đổi thói quen canh tác lạc hậu, hạn chế sử dụng tài nguyên, giảm phát thải nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường...

ongphong (12)
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, Việt Nam là nước có truyền thống nông nghiệp và hiện nay cũng là nước có thế mạnh về nông nghiệp.

Triển khai các chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, ngành nông nghiệp hiện đang áp dụng các giải pháp chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, chuyển từ tư duy kinh tế tuyến tính sang tư duy kinh tế tuần hoàn với mục tiêu nông nghiệp xanh, môi trường xanh trong nền kinh tế xanh.

Trong đó, tư duy kinh tế tuyến tính theo mô hình “Khai thác - Sản xuất - Tiêu dùng - Thải bỏ”, dẫn đến hậu quả là tài nguyên thiên nhiên bị khai thác quá mức, rác thải gia tăng, môi trường ô nhiễm. Tư duy kinh tế tuần hoàn theo mô hình “Giảm thiểu - Tái sử dụng - Tái chế”, hay “Phụ phẩm của quy trình sản xuất này có thể trở thành nguyên liệu chính của quy trình sản xuất tiếp theo”, giúp giảm khai thác tài nguyên, giảm rác thải, tiết kiệm chi phí sản xuất, thúc đẩy sáng tạo, tối ưu hóa lợi nhuận ngắn hạn và lợi ích dài hạn.

Theo đó, tư duy kinh tế tuần hoàn không chỉ là một chiến lược sản xuất nông nghiệp, mà còn là một triết lý quản lý tối ưu hóa tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Với mục tiêu giảm thiểu lãng phí và tối đa hóa giá trị các nguồn lực đa dạng, tư duy tuần hoàn không chỉ mang đến lợi ích kinh tế, đem lại thu nhập tăng thêm cho người nông dân, mà còn góp phần bảo vệ hệ sinh thái và xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại.

Lợi ích là vậy, tuy nhiên theo ông Hoàng Quang Phòng, việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp vẫn gặp những rào cản về đất đai, vốn cần sớm được tháo gỡ. Cụ thể, việc tiếp cận đất đai và quy hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã gặp nhiều hạn chế, yêu cầu tài sản thế chấp và thủ tục tiếp cận tín dụng còn phức tạp; tín dụng theo chuỗi nông nghiệp chưa được áp dụng phổ biến; khả năng xử lý rủi ro tín dụng thấp, chưa gắn với bảo hiểm nông nghiệp.

toancanh2 (23)
Lãnh đạo VCCI nhận định việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp vẫn gặp những rào cản về đất đai, vốn cần sớm được tháo gỡ.

Bên cạnh đó, quy mô sản xuất nhỏ lẻ đang là “rào cản” cho việc áp dụng hình thức sản xuất khép kín, tập trung với diện tích canh tác lớn; người tiêu dùng chưa thực sự tin tưởng sản phẩm sản xuất hữu cơ; trình độ, năng lực tiếp cận khoa học và công nghệ còn nhiều hạn chế…

“Nếu nông dân sẵn sàng, doanh nghiệp vào cuộc thì cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền các địa phương phải là người dẫn dắt, định hướng, xây dựng chính sách, hỗ trợ nguồn lực, tạo động lực để thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn”, Phó Chủ tịch VCCI nhận định.

Trong đó, nền tảng hỗ trợ đầu tiên cần có là khung pháp lý hoàn thiện hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân tiếp cận đất đai, vốn thuận lợi hơn, khuyến khích nông hộ chuyển đổi theo mô hình bền vững này.

toancanh1 (30)
Nhà nước, chính quyền các địa phương phải là người dẫn dắt, định hướng, xây dựng chính sách, hỗ trợ nguồn lực, tạo động lực để thu hút đầu tư.

Đồng thời, nghiên cứu triển khai thí điểm mô hình cho vay thế chấp bằng hợp đồng liên kết sản xuất và thu mua nông sản giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, đây là mô hình cho vay liên kết theo hợp đồng 3 bên giữa: Ngân hàng - doanh nghiệp đầu chuỗi liên kết thu mua nông sản – hợp tác xã, nông dân.

Đặc biệt, Nhà nước cần có cơ chế chính sách ưu đãi cao hơn những chính sách hiện nay để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn.

Và quan trọng hơn hết, cần có giải pháp dài hạn là đưa doanh nghiệp đến với nông dân cùng xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị. Để hiện thực hóa được khát vọng nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp bền vững, nông nghiệp sinh thái, cần nhìn nhận đúng, nâng cao và phát huy được vai trò, sứ mệnh của doanh nghiệp, doanh nhân đối với ngành nông nghiệp.

“Chuyển từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp trở thành xu thế phát triển tất yếu, là cơ hội để Việt Nam từng bước xây dựng và phát triển nền kinh tế tăng trưởng xanh, mang lại lợi ích bền vững cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp, thể hiện cam kết của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế”, Phó Chủ tịch VCCI khẳng định.

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc dẫn dắt tái cơ cấu ngành nông nghiệp là kiên trì khơi gợi, tạo cảm hứng, đồng hành với bà con nông dân, phải tạo ra được hệ sinh thái, tạo ra giá trị để giúp người nông dân cùng đi với mình xa hơn, khăng khít hơn, bền vững hơn và hiệu quả hơn.

Đánh giá cao đề xuất của Tạp chí diễn đàn doanh nghiệp trong việc tổ chức Diễn đàn Nông nghiệp 2025 với chủ đề “Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp”, thay mặt VCCI và đơn vị tổ chức, ông Hoàng Quang Phòng đề nghị các vị Lãnh đạo, đại diện các Bộ ngành, các Hiệp hội Doanh nghiệp, các chuyên gia cũng như doanh nghiệp sẽ thẳng thắn trao đổi, thảo luận đề xuất giải pháp hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, hợp tác giữa doanh nghiệp – Hợp tác xã – nông dân trong phát triển kinh tế tuần hoàn ngành nông nghiệp. Các ý kiến của các quý vị sẽ được VCCI tổng hợp báo cáo Chính phủ cùng các cơ quan liên quan để hoàn thiện hơn nữa khung pháp lý cho phát triển nông nghiệp bền vững, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nông dân tận hưởng được thành quả.

khachmoi (1)

Cần chiến lược riêng để thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã nhấn mạnh vai trò then chốt của nông nghiệp trong đảm bảo an ninh lương thực và phát triển bền vững khu vực nông thôn Việt Nam.

Theo ông Thịnh, ngành nông nghiệp Việt Nam không chỉ là trụ đỡ quan trọng bảo đảm an ninh lương thực và thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, mà còn nổi tiếng với các mô hình sản xuất tuần hoàn đặc trưng như vườn - ao - chuồng, vườn - ao - rừng,...

Ông Thịnh cho biết, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là mô hình tổ chức sản xuất theo hướng khép kín, tái sử dụng tối đa tài nguyên, giảm phát thải và tổn thất, đồng thời gia tăng giá trị từ phụ phẩm, chất thải và năng lượng tái tạo trong toàn bộ chuỗi giá trị nông sản với các đặc trưng, bao gồm: Tối ưu hóa tài nguyên; Tái chế – tái sử dụng phụ phẩm, chất thải; Liên ngành và khép kín các quy trình sản xuất (Trồng trọt chăn nuôi chế biến du lịch…); Giảm phát thải – tăng giá trị sinh; Đổi mới sáng tạo và công nghệ làm nền tảng; Chuỗi giá trị nông sản bền vững – xanh hóa và gắn với phát triển vùng, cộng đồng và thích ứng với biến đổi khí hậu...

ongthinh.jpg
Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường phát biểu tại Diễn đàn.

Hiện nay Việt Nam đang là quốc gia có lợi thế về nguồn phụ phẩm nông nghiệp lớn. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp, có hơn 156 triệu tấn phụ phẩm/năm (rơm rạ, vỏ trấu, bã mía, vỏ cà phê, chất thải chăn nuôi…); bên cạnh đó có nhiều mô hình tuần hoàn truyền thống như VAC, OCOP, HTX…

Nhu cầu quốc tế và trong nước ngày càng tăng với nông sản xanh – tuần hoàn – carbon thấp; cùng với đó là sự vào cuộc của doanh nghiệp, hợp tác xã tiên phong bước đầu tích cực, ông Thịnh cho rằng, tiềm năng thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn tại Việt Nam đang trờ nên vô cùng to lớn.

Mặc dù vậy, ông Thịnh cũng chỉ ra, tỷ lệ tái chế, tái sử dụng thấp, mới đạt dưới 35% và ở chủ yếu quy mô nhỏ, phân tán gây ra phát thải, ô nhiễm. Thiếu hệ thống quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia như nhãn mác, nhãn chứng nhận cho sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn và chứng nhận còn hạn chế, làm tăng rủi ro, giảm hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp, HTX.

Ngoài ra còn thiếu chính sách tín dụng xanh, bảo hiểm rủi ro, khuyến khích đầu tư công nghệ xử lý phụ phẩm; Thiếu dữ liệu, bản đồ phụ phẩm - chuỗi - phát thải, cũng như chưa có nền tảng số hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

Ông Thịnh cho biết, mục tiêu chính trong định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, tổng thể đến 2030 – tầm nhìn 2050 phải tối ưu hóa sử dụng tài nguyên đầu vào, tuần hoàn phụ phẩm, chất thải,giảm phát thải khí nhà kín, tăng tỷ lệ tái chế, tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp (lên >70% - gấp đôi) trong các lĩnh vực có thế mạnh sản xuất như lúa gạo, cà phê, chăn nuôi...; Xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn cấp vùng, ngành và địa phương. Hiện nay kinh tế tuần hoàn vẫn ở các mô hình nhỏ lẻ, manh mún, không hình thành thị trường lớn, chuỗi ngành hàng.

Về định hướng, theo ông Thịnh, phát triển mô hình nông nghiệp tích hợp mô hình nông nghiệp đa giá trị như trồng trọt - chăn nuôi - thủy sản - chế biến - năng lượng tái tạo - du lịch sinh thái.

Ngoài ra, mô hình nông nghiệp tuần hoàn phải định dạng trên KH&CN thông qua chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; xử lý phụ phẩm, sản xuất phân hữu cơ, năng lượng sinh học, công nghệ sinh học - số hóa (chuyển đối xanh và chuyển đổi số); Hình thành chuỗi giá trị khép kín theo ngành hàng và theo vùng sinh thái.

Chutoa (12)
Từ trái qua phải: Nhà báo Nguyễn Linh Anh, Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp; Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI; Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Ông Thịnh cũng dẫn chứng hệ thống chính sách, đề án đã và đang tạo nền tảng pháp lý cho nông nghiệp tuần hoàn, như: Chính sách cấp quốc gia: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh 2021–2030 (Quyết định 1658/QĐ-TTg); Nghị quyết 57-NQ/TW (2024), trong đó xác định kinh tế tuần hoàn là một trong các hướng đổi mới sáng tạo trọng tâm và Quyết định số 150/QĐ-TTg của Thủ tướng năm 2022 tại Việt Nam về Chiến lược phát triển bền vững ngành nông nghiệp (Nông nghiệp sinh thái, hữu cơ và tuần hoàn).

Trong ngành nông nghiệp cũng đã có một số dự án, đề án lớn đáng chú ý như: Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL (QĐ 1490/QĐ-TTg) trong đó có hợp phần về thúc đẩy tuần hoàn phụ phẩm rơm rạ, phân hữu cơ, tiết kiệm nước – năng lượng; Đề án giảm phát thải trong chăn nuôi (2023) chủ yếu là tập trung vào vấn đề xử lý chất thải làm biogas, phân sinh học hoặc Chương trình OCOP – Làng nghề nông thôn bền vững: thúc đẩy mô hình làng nghề tuần hoàn – sinh thái, cùng nhiều chương trình khuyến nông hỗ trợ mô hình VAC, sản xuất phân hữu cơ, xử lý phụ phẩm quy mô HTX (thí điểm tại Đắk Lắk, Bắc Giang, Long An...) hoặc các chuơng trình khuyến nông của Bộ Nông nghiệp và Môi trường đều hướng theo tư duy nông nghiệp sinh thái và nông nghiệp tuần hoàn.

Để phát triển hơn nữa các mô hình kinh tế tuần hoàn, ông Thịnh khuyến nghị cần ban hành Chiến lược riêng về nông nghiệp tuần hoàn, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và đầu tư xanh, lồng ghép vào các chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực và gắn với mục tiêu Net-zero.

Cùng với đó, ông Thịnh cho rằng cần quan tâm đến xây dựng các quy trình, tiêu chuẩn, sự công nhận, xác nhận nông nghiệp tuần hoàn sản phẩm trong nông nghiệp tuần hoàn.

"Các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn chịu rủi ro rất cao, nhất là về thị trường. Do đó cần có nhãn mác riêng để tạo cơ sở cho người tiêu dùng phân biệt được các sản phẩm có đóng góp bảo vệ tài nguyên môi trường, từ đó làm tăng giá trị, tạo động lực cho doanh nghiệp, hợp tác xã.. đầu tư vào kinh tế tuần hoàn", ông Thịnh gợi ý.

Cuối cùng, ông đề xuất cần hỗ trợ từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy phát triển thị trường nông sản tuần hoàn, hướng đến một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững và có khả năng cạnh tranh trong xu thế kinh tế xanh toàn cầu.

Kinh tế tuần hoàn - hướng đi tất yếu cho nông nghiệp bền vững

Ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam (VCAC), Chủ tịch HĐQT Công ty CP T&T 159 cho biết, trong bối cảnh nền nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước yêu cầu phát triển bền vững, thân thiện với môi trường và hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, mô hình kinh tế tuần hoàn đã và đang trở thành xu hướng tất yếu. Đây là mô hình sản xuất hướng tới khép kín, tận dụng tối đa tài nguyên và tái chế phụ phẩm, không chỉ giúp tiết giảm chi phí mà còn tăng năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường. Việc triển khai kinh tế tuần hoàn sẽ là một trong những động lực giúp ngành nông nghiệp Việt Nam chuyển đổi sang mô hình phát triển hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu.

ongthang (2)
Ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam (VCAC), Chủ tịch HĐQT Công ty CP T&T 159 nhấn mạnh mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đã trở thành xu thế tất yếu trong bối cảnh hiện nay.

Việt Nam hiện có hơn 60% dân số sống ở khu vực nông thôn và nông nghiệp vẫn là ngành sản xuất chủ lực. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp còn dựa nhiều vào mô hình truyền thống, khai thác tài nguyên theo chiều rộng, phát thải lớn và dễ bị tổn thương trước tác động môi trường. Trong khi đó, nông nghiệp tuần hoàn vận hành theo chu trình khép kín, giúp tiết kiệm vật tư đầu vào, tái tạo tài nguyên tại chỗ và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nước, giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi...

Ông Thắng dẫn chứng, Quyết định số 540/QĐ-TTg ngày 19/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển và ứng dụng chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030 đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, ít nhất 20% nhiệm vụ khoa học trong nông nghiệp sẽ gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn. Theo ông, đây là một nền tảng quan trọng về chính sách, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư công nghệ, đổi mới mô hình sản xuất phù hợp với định hướng phát triển xanh.

Trong thực tế, theo ông Thắng, thời gian qua, một số doanh nghiệp và nông hộ đã chủ động áp dụng kinh tế tuần hoàn vào sản xuất. Tại nhiều địa phương, rơm rạ và chất thải chăn nuôi đã được tận dụng để sản xuất phân bón hữu cơ thông qua chế phẩm vi sinh, hỗ trợ canh tác lúa và rau màu theo hướng hữu cơ. Các mô hình này giúp tiết giảm chi phí đầu vào, đồng thời nâng cao giá trị đầu ra thông qua việc tạo ra sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường.

khachmoi1 (1)

Một số mô hình khác sử dụng dịch vụ cơ giới để thu gom rơm rạ làm nguyên liệu sản xuất nấm, thức ăn chăn nuôi và phân hữu cơ đã cho thấy hiệu quả tích cực tại vùng trung du, đồng bằng Bắc Bộ và Tây Nam Bộ. Việc tái sử dụng phụ phẩm đã giúp tăng thu nhập từ sản xuất lúa gạo lên khoảng 15% so với phương thức sản xuất tuyến tính truyền thống.

Bên cạnh đó, các mô hình chăn nuôi tuần hoàn cũng đang được triển khai tại Phú Thọ, Hưng Yên, Tuyên Quang, Lào Cai, Hà Nội…, trong đó phụ phẩm như thân cây ngô, sắn, đậu, lạc được ủ chua làm thức ăn cho gia súc. Phân thải từ chăn nuôi sau đó được xử lý bằng sinh học để tái sử dụng cho trồng trọt. Nhờ vậy, giá thành thức ăn giảm, hiệu quả kinh tế tăng từ 10% đến 15% so với chăn nuôi truyền thống.

Tuy nhiên, ông Thắng cũng chỉ ra nhiều rào cản còn tồn tại trong triển khai kinh tế tuần hoàn ở nông nghiệp.

Thứ nhất là thiếu cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích và bảo vệ mô hình kinh tế tuần hoàn. Hiện chưa có các quy định riêng biệt cho lĩnh vực này, trong khi nhiều mô hình sản xuất vẫn bị áp dụng những quy định lỗi thời không còn phù hợp.

onglinhanh (9)
Nhà báo Nguyễn Linh Anh, Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp điều phối phiên thảo luận.

Thứ hai là rào cản về vốn và công nghệ. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn chiếm tỷ trọng lớn trong ngành gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận vốn đầu tư vào công nghệ tái chế, xử lý chất thải. Bên cạnh đó, liên kết vùng và chuỗi giá trị chưa chặt chẽ, nhiều doanh nghiệp hoạt động đơn lẻ, thiếu hợp tác với nông dân và các bên liên quan.

Một rào cản nữa là tư duy sản xuất tuyến tính vẫn còn phổ biến. Nhiều nông dân vẫn chạy theo lợi nhuận trước mắt, sử dụng hóa chất, phân bón hóa học, thuốc trừ sâu hay chất tăng trọng mà chưa quan tâm đến hậu quả lâu dài. Trong khi đó, sản xuất tuần hoàn đòi hỏi tư duy hệ thống, đầu tư dài hạn và thay đổi cách tiếp cận trong quản trị sản xuất.

“Để kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp trở thành xu thế chủ đạo, cần sớm hình thành một hệ sinh thái chính sách đồng bộ, bao gồm các cơ chế hỗ trợ tài chính và tín dụng xanh; ưu đãi thuế và đất đai cho doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất sạch, tuần hoàn; phát triển hạ tầng vùng sản xuất tập trung; hoàn thiện tiêu chuẩn, quy trình và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đào tạo nhân lực và thúc đẩy kết nối thị trường” - ông Thắng cho biết.

Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết của cơ chế thử nghiệm linh hoạt đối với các mô hình đổi mới sáng tạo ở quy mô nông hộ, trên nguyên tắc “tiền đăng, hậu kiểm”. Theo đó, các sáng kiến sản xuất tuần hoàn được phép triển khai thí điểm trong thời gian nhất định, không bị áp dụng ngay các quy định hành chính cứng nhắc, nhằm khuyến khích các sáng kiến mạnh dạn thử nghiệm những cách làm mới.

Một nội dung khác được ông Thắng đề cập là vai trò của chương trình khuyến nông trong việc chuyển giao công nghệ sản xuất tuần hoàn. Đặc biệt là các giải pháp tái chế phụ phẩm ngành lúa gạo như rơm, rạ, vỏ trấu… để tạo ra phân hữu cơ vi sinh, thức ăn chăn nuôi, giá thể trồng nấm hay đệm lót sinh học. Ông Thắng cho rằng: “Mọi tiêu chuẩn kỹ thuật cần được xây dựng theo hướng dễ hiểu, dễ áp dụng, để người nông dân có thể tham gia một cách chủ động và thực chất”.

Ông Hà Văn Thắng khẳng định kinh tế tuần hoàn không còn là lựa chọn, mà đã là yêu cầu bắt buộc để nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo giá trị gia tăng bền vững cho nông nghiệp Việt Nam. Để hiện thực hóa điều này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp, nông dân, giới khoa học và nhà đầu tư. Trong đó, hành động trực tiếp từ người dân làm nông nghiệp - những người đứng đầu chuỗi sản xuất sẽ có vai trò quyết định trong việc xây dựng một nền nông nghiệp tuần hoàn, xanh và hiện đại.

Kinh tế tuần hoàn cho nông nghiệp bền vững

Phát biểu tại Diễn đàn, PGS TS Đào Thế Anh, nguyên Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp nhấn mạnh: về bản chất, nông nghiệp bền vững phải tuần hoàn. Trong những giai đoạn trước, nông nghiệp Việt Nam đã nổi tiếng với mô hình VAC.

ongtheanh.jpg
PGS TS Đào Thế Anh, nguyên Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp.

Khác với mô hình tuyến tính hiện nay, sử dụng các đầu vào hoá học, đơn giá trị, tập trung năng suất, giá thành thì kinh tế tuần hoàn mang lại đa giá trị, cho phép đa dạng hoá các giá trị khác ngoài sản phẩm chính như lúa gạo, cà phê…

Theo PGS TS Đào Thế Anh, kinh tế tuần hoàn mang lại nhiều lợi ích, ngoài lợi ích kinh tế là lợi ích về môi trường như giảm nguyên liệu và năng lượng đầu vào hoá học, giảm chất thải và khí nhà kính, các tài nguyên trong hệ thống được sử dụng nhiều lần… Bên cạnh đó là lợi ích về xã hội, tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới, góp phần nâng cao ý thức cộng đồng, tăng cường sự hợp tác và tham gia của các bên thông qua kinh tế chia sẻ.

Trong Chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững đến năm 2030 với cách tiếp cận phát triển sinh thái trên13 nguyên tắc, trong đó ưu tiên hàng đầu là kinh tế tuần hoàn. “Đây là một trong giải pháp tối quan trọng để đạt mục tiêu nông nghiệp bền vững. Hiện nay Viện Khoa học nông nghiệp đang hỗ trợ xây dựng mạng lưới trao đổi kinh nghiệm, công nghệ, quản trị liên quan đến kinh tế tuần hoàn” - PGS TS Đào Thế Anh cho biết thêm.

Đi vào một số lĩnh vực cụ thể trong nông nghiệp, theo PGS TS Đào Thế Anh, lúa gạo chiếm diện tích lớn nhất với mức độ thâm canh cao, phát thải khí nhà kính tương đối cao, khoảng 25%. Từ cam kết của Chính phủ thực hiện Netzero vào năm 2050, sản xuất lúa được Bộ Nông nghiệp và Môi trường ưu tiên đi đầu giảm phát thải thông qua việc thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Bên cạnh đó, theo thống kê phụ phẩm nông nghiệp hàng năm lên đến 156,8 triệu tấn – một khối lượng lớn nhưng mới được tái sử dụng khoảng 30%. Tuy nhiên, theo quan điểm của nhà khoa học, trong kinh tế tuần hoàn, không nên gọi là phụ phẩm nông nghiệp mà gọi là tài nguyên để được khai thác hiệu quả hơn, tránh lãng phí, gây ô nhiễm môi trường.

Từ góc độ khoa học công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành Đề án phát triển khoa học công nghệ và ứng dụng với kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030. Đề án tập trung hơn vào nghiên cứu chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp với nhiều mục tiêu cao.

Cụ thể, trong trồng trọt, 50% phụ phẩm được xử lý và tái chế, tái sử dụng, trong đó 80% rơm rạ được thu gom và tái sử dụng; 60% hộ gia đình và 100% trang trại áp dụng các công nghệ và kỹ thuật xử lý chất thải chăn nuôi và được tái sử dụng… Việc ứng dụng kinh tế tuần hoàn được kỳ vọng giúp tăng ít nhất 20% giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị nông sản.

Theo PGS TS Đào Thế Anh, hiện Viện và các nhà khoa học đang tập trung vào các giải pháp tuần hoàn như các loại vi sinh vật mới, các chế phẩm mới với giá thành hợp lý để có thể ứng dụng rộng rãi, phổ biến trên diện rộng, nhất là hợp tác xã, hộ nông dân.

Không chỉ ở những lĩnh vực trên, thực tế cho thấy, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp còn nhiều tiềm năng khác. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp và hợp tác xã đã áp dụng thành công, mang lại hiệu quả nhất định như sử dụng năng lượng mặt trời trong sản xuất nông nghiệp (phục vụ chế biến nông sản, sử dụng pin mặt trời để phục vụ tưới tiêu và cung ứng năng lượng để tái sản xuất). Một số quốc gia trên thế giới đã khuyến khích trang trại sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng xanh.

Ngoài ra, sử dụng nước tiết kiệm trong sản xuất và tuần hoàn trong chế biến, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; tái sử dụng bao bì nhựa, bao bì có khả năng phân huỷ.

Đề cập tới Nghị quyết 57 phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số vừa được Bộ Chính trị ban hành, PGS TS Đào Thế Anh nhấn mạnh: các giải pháp kinh tế tuần hoàn và sinh thái cần đa dạng hoá, phù hợp với các chuỗi giá trị, hệ sinh thái khác nhau.

Cùng với đó, theo Luật Khoa học công nghệ mới, có 2 mảng chính là nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Với doanh nghiệp, đây là hoạt động mới, nhiều sản phẩm chưa có tiêu chuẩn trong khi việc xây dựng tiêu chuẩn này cần thời gian. Do đó, hoạt động đổi mới sáng tạo ở địa phương cần được thực hiện trong phạm vi cấp địa phương để thử nghiệm thúc đẩy các sản phẩm tuần hoàn.

Cần xây dựng khung pháp lý thống nhất cho nông nghiệp sinh thái

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Bùi Hải Nam, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp cho biết, hiện nay Việt Nam đứng trước các thách thức lớn về phát triển nông nghiệp như suy thoái tài nguyên: 11.8 triệu ha đất thoái hóa, ô nhiễm nguồn nước ngầm; Tác động nặng nề của biến đổi khí hậu: hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn; Áp lực an ninh lương thực đa chiều như Việt Nam xếp hạng 54/113 toàn cầu (EIU Food Security Index 2022).

Trong khi đó, Việt Nam đã đưa ra nhiều cam kết chiến lược như hướng tới mục tiêu Net-Zero vào năm 2050 (COP26); Kế hoạch hành động Chuyển đổi Hệ thống Lương thực (FSTP, QĐ 300/QĐ-TTg); Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Bền vững 2021–2030 (QĐ 150/QĐ-TTg); Kế hoạch Thích ứng Quốc gia (NAP 2021–2030)...

Điều này dẫn đến nhu cầu cấp thiết cần phải tái cấu trúc hệ thống lương thực theo hướng phát thải thấp, thông minh với khí hậu (CSA). Đồng thời tích hợp các giải pháp dựa vào thiên nhiên (NbS) và ông nghiệp Sinh thái vào chính sách phát triển.

onghainam.jpg
Ông Bùi Hải Nam, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp phát biểu tại Diễn đàn.

Ông Nam cho biết, khi tiến hành kiểm kê 186 dự án nông nghiệp sinh thái và giải pháp dự vào thiên nhiên tại Việt Nam, có 79% là dự án có hoạt động can thiệp, trọng tâm triển khai và hỗ trợ thực hiện các mô hình nhằm thay đổi cách canh tác, quản lý tài nguyên thiên nhiên, cải thiện sinh kế cho nông dân theo hướng bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời tăng cường vai trò của cộng đồng nhằm cải thiện hệ thống nông nghiệp.

21% là dự án nghiên cứu nhằm đánh giá tác động hoặc xây dựng chính sách liên quan đến nông nghiệp sinh thái và các giải pháp dựa vào thiên nhiên.

Ông Nam cho biết thêm, hiện nay bức tranh chuyển đổi nông nghiệp sinh thái của Việt Nam đang nghiêng mạnh về hai giải pháp: Nông nghiệp thông minh với khí hậu và thuận thiên/Dựa vào tự nhiên/Bảo tồn sử dụng đa dạng sinh học, trong khi các loại hình can thiệp khác vẫn còn bị bỏ ngỏ.

Với giải pháp nông nghiệp thông minh với khí hậu (CSA)/Phát thải thấp chiếm 41 dự án (27,7 %) phản ánh tác động trực tiếp của cam kết Net‑Zero 2050 và các yêu cầu cắt giảm CH₄, N₂O trong Quyết định 150 và 300.

Trong khi đó, giải pháp thuận thiên/NbS chiếm 19 dự án (12,8 %) với động lực chính đến từ nhu cầu thích ứng biến đổi khí hậu ở ĐBSCL (mô hình lúa–tôm sinh thái, rừng ngập mặn) và các gói tài chính khí hậu ưu tiên “nature‑positive”. Xu thế này dự kiến còn tăng khi thị trường carbon nội địa đi vào vận hành, vì NbS vừa giảm phát thải vừa tạo tín chỉ hấp thụ.

Tuy nhiên, ông Nam chỉ ra, các giải pháp quan trọng khác như ESG, nông nghiệp bảo tồn/luân canh, nông nghiệp đảm bảo dinh dưỡng, nông nghiệp sinh thái đô thị … hoàn toàn vắng bóng, dù đây là chủ đề được FAO/UNEP đánh giá quan trọng cho “chế độ ăn lành mạnh” và “tăng trưởng xanh bao trùm” ở giai đoạn hậu 2030.

Mặt khác, phân bố nông nghiệp sinh thái/NbS theo tám vùng sinh thái cho thấy một bức tranh “lệch tâm” rõ: hơn một phần ba dự án can thiệp (85/234, tương đương 36,3 %) tập trung ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Không chỉ là “vựa lúa – thủy sản” quốc gia, ĐBSCL cũng là vùng chịu rủi ro khí hậu cao nhất; bởi vậy các nhà tài trợ quốc tế và Chương trình mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu đã dồn nguồn lực lớn cho các mô hình lúa‑tôm sinh thái, lúa giảm phát thải và phục hồi rừng ngập mặn.

Tây Nguyên đứng thứ hai với 36 dự án can thiệp (15,4 %), chủ yếu xoay quanh các dự án về cà phê carbon thấp, nông lâm kết hợp và quản lý nước tưới tiết kiệm. Trong khi đó, các vùng Đông Bắc, Đông Nam Bộ, và Duyên hải Nam Trung Bộ hiện nổi bật như những “vùng trũng” của chuyển đổi sinh thái khi chỉ chiếm từ 4-7%.

Với định hướng và khung chính sách ngày càng hoàn thiện, hướng tới bền vững, ông Nam cho biết, nông nghiệp sinh thái được xác định là xu hướng phát triển nông nghiệp bền vững, gắn với tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn trong các văn bản cấp cao như Nghị quyết 19-NQ/TW, Chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững (QĐ 150), Kế hoạch hành động chuyển đổi hệ thống lương thực (QĐ 300).

Các nghị quyết của Đảng và Chính phủ cũng đã nhấn mạnh vai trò của nông nghiệp, thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ. Nhiều chính sách cụ thể đã được ban hành. Mặc dù chưa có luật riêng cho nông nghiệp sinh thái, nhiều chính sách hỗ trợ các hợp phần đã tồn tại và được củng cố, bao gồm: Quản lý cây trồng/dịch hại tổng hợp (ICM/IPM), VietGAP, Nông nghiệp hữu cơ (TCVN 11014, NĐ 109/2018), Nông lâm kết hợp, Hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI).

Đồng thời sự tham gia của nhiều bên liên quan như các Bộ ngành, các viện nghiên cứu, khu vực tư nhân (đặc biệt trong ngành hữu cơ) và các tổ chức phi chính phủ, cùng chính sách hướng tới hỗ trợ nông hộ nhỏ và các nhóm yếu thế, trao quyền cho phụ nữ nông thôn, thể hiện sự quan tâm đến công bằng xã hội đã tạo điều kiện tích cực cho việc phát triển nông nghiệp tuần hoàn tại Việt Nam.

toancanh4.jpg
Toàn cảnh “Diễn đàn nông nghiệp 2025: Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp”.

Tuy nhiên, ông Nam chỉ ra, hiện nay thiếu một khung pháp lý và định nghĩa tổng thể, thống nhất cho nông nghiệp sinh thái. Trên thực tế, khái niệm về "nông nghiệp sinh thái" còn mới, chưa được định nghĩa và đề cập trực tiếp trong các văn bản pháp quy, dẫn đến sự nhầm lẫn với "nông nghiệp hữu cơ", "nông nghiệp an toàn".

Bên cạnh đó, nhiều quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, gây khó khăn trong thực thi. Các chính sách hiện hành chỉ gián tiếp tác động đến nông nghiệp sinh thái thay vì tạo ra một khung khổ toàn diện. Nhiều chính sách vẫn tập trung chủ yếu vào mục tiêu tăng sản lượng, đôi khi mâu thuẫn với mục tiêu bảo vệ môi trường và bền vững.

Ngoài ra, hạn chế trong năng lực thực thi và giám sát vẫn còn tồn tại. Hiệu quả thực thi chính sách chưa cao, việc phân cấp giữa trung ương và địa phương còn mang tính hình thức, chưa tạo được sự chủ động thực chất; Các tiêu chí, mục tiêu và khả năng giám sát, đo đếm kết quả của nông nghiệp sinh thái còn thiếu, đặc biệt ở cấp địa phương.

Đáng chú ý, ông Nam cho rằng, người nông dân thiếu kiến thức, kỹ năng và công cụ để áp dụng các kỹ thuật nông nghiệp sinh thái phức tạp. Năng lực của cán bộ khuyến nông còn hạn chế. Chi phí đầu tư ban đầu và rủi ro thất bại mùa vụ cao khiến nông dân, đặc biệt là hộ nhỏ, ngần ngại chuyển đổi.

Liên kết chuỗi giá trị và thị trường chưa bền vững. Thị trường chưa phát triển: Thị trường cho sản phẩm nông nghiệp sinh thái và chuỗi giá trị liên quan chưa được phát triển đầy đủ, thiếu các kênh phân phối hiệu quả. Mối quan hệ giữa sản xuất và tiêu dùng, giữa doanh nghiệp và nông dân còn yếu, chưa chặt chẽ.

Cơ hội đang ủng hộ chuyển đổi sang nông nghiệp sinh thái như xu thế toàn cầu và cam kết quốc tế đang dịch chuyển dịch sang kinh tế xanh. Các quốc gia đang ưu tiên các mô hình sản xuất thân thiện môi trường, giảm phát thải, tạo cơ hội cho nông sản sinh thái Việt Nam cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

khachmoi4 (1)

Với các cơ hội như nhu cầu thị trường và tiềm năng trong nước; Nhu cầu tiêu dùng xanh tăng mạnh; Lợi thế hệ sinh thái; Tiềm năng du lịch nông nghiệp; Đổi mới sáng tạo và công nghệ; Ứng dụng công nghệ mới cũng như có cơ hội lớn để kết hợp tri thức khoa học hiện đại với tri thức bản địa và kinh nghiệm của nông dân để tạo ra các giải pháp phù hợp, việc chuyển đổi sang nông nghiệp sinh thái vẫn đang phải đối mặt với những thách thức lớn như rào cản về thể chế và chính sách; Mâu thuẫn trong định hướng; Thiếu khung pháp lý riêng cho nông nghiệp sinh thái...

Ngoài ra, những hạn chế về năng lực và liên kết cũng là những rào cản lớn. Phân cấp chưa đi kèm với nâng cao năng lực thực thi, nhiều địa phương chưa có chiến lược nông nghiệp sinh thái riêng, dẫn đến triển khai thiếu nhất quán.

Ông Nam cũng nhấn mạnh, hệ thống dữ liệu về đa dạng sinh học, chất lượng đất, nước, khí hậu chưa đầy đủ để hỗ trợ ra quyết định. Mối quan hệ giữa nông dân - doanh nghiệp - nhà nước - viện nghiên cứu chưa chặt chẽ, thiếu các mô hình hợp tác công tư hiệu quả.

Đổi mới sáng tạo là chìa khóa xanh hóa nông nghiệp

Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đã chia sẻ quan điểm về vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong quá trình chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng sang phát triển chiều sâu, bền vững hơn.

ongchingoc (1)
Ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam khẳng định kinh tế tuần hoàn hiện nay đang là xu thế tất yếu.

Theo ông Ngọc, khái niệm kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp không còn mới mẻ mà đã được đề cập và thực hiện từ hơn một thập kỷ qua. Tuy nhiên, sự chuyển biến về nhận thức và hành động mới thực sự rõ nét trong những năm gần đây. “Đến giờ, nói đến kinh tế tuần hoàn thì ai cũng khẳng định một điều: đây là xu thế tất yếu. Và chính sự tất yếu đó đòi hỏi một nền sản xuất phải chuyển đổi mạnh”, ông Ngọc nhấn mạnh.

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét và yêu cầu phát triển bền vững đặt ra cao hơn, việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn vào nông nghiệp không chỉ là một lựa chọn mà đã trở thành nhu cầu thiết yếu. Tuy nhiên, để mô hình này thực sự phát huy hiệu quả và lan tỏa rộng, ông Ngọc cho rằng cần đặt khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào vị trí trung tâm. “Chuyển đổi tích cực phải là chuyển đổi mô hình kinh tế nông nghiệp. Mà muốn làm được điều đó thì vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là rất quan trọng”, ông nói.

Một tín hiệu tích cực được ông nhắc đến là Quyết định số 540/QĐ-TTg ngày 19/6/2024 do Thủ tướng Chính phủ ban hành, phê duyệt Đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030. Theo ông, đây là một chính sách kịp thời, phản ánh đúng yêu cầu của thực tiễn. “Chúng tôi kỳ vọng rất nhiều vào lợi ích to lớn mà quá trình chuyển đổi này có thể mang lại”, ông chia sẻ.

Tuy vậy, ông Ngọc cũng cho rằng vẫn còn một số khó khăn nhất định trong việc thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, đặc biệt là ở khía cạnh chính sách. Một số quy định pháp luật liên quan hiện vẫn mang tính khái quát, cần được rà soát và điều chỉnh để phù hợp hơn với đặc thù của mô hình sản xuất tuần hoàn. Ngoài ra, cách tiếp cận trong quản lý vẫn chủ yếu dựa trên tư duy sản xuất tuyến tính, trong khi các mô hình mới lại đòi hỏi sự linh hoạt và tính mở cao hơn. Những khoảng trống này phần nào ảnh hưởng đến khả năng thử nghiệm, triển khai các giải pháp đổi mới sáng tạo trong thực tiễn.

Ông cho rằng để xây dựng được hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật cho kinh tế tuần hoàn, trước hết phải xuất phát từ thực tiễn sản xuất. “Muốn ra được tiêu chí, tiêu chuẩn hay quy chuẩn thì phải có mô hình thực tế. Nhưng hiện nay nhiều mô hình mới chỉ đang làm dở dang, chưa đủ điều kiện để xây dựng tiêu chuẩn”, ông nói.

Trên cơ sở đó, ông đề xuất cho phép địa phương được tiếp cận khoa học công nghệ theo hướng linh hoạt, tạo điều kiện xây dựng mô hình thử nghiệm. Thông qua các mô hình này, địa phương có thể đề xuất và hoàn thiện bộ tiêu chí kỹ thuật, từ đó làm cơ sở cho việc nhân rộng và chuẩn hóa sau này.

toancanh4 (1)
Diễn đàn Nông nghiệp 2025 với chủ đề “Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp” là nhịp cầu lan tỏa kinh tế tuần hoàn đến gần hơn với người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh vấn đề về chính sách và thể chế, ông Ngọc cũng đặc biệt nhấn mạnh khó khăn về tài chính. Phần lớn doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ nông dân. Việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là tài chính xanh, là thách thức rất lớn. Trong khi đó, đầu tư cho sản xuất tuần hoàn bao gồm cả xử lý phụ phẩm, tái chế, phát triển sản phẩm sinh học lại đòi hỏi nguồn lực đáng kể và dài hạn. Vì vậy, theo ông, rất cần có các chính sách tín dụng đặc thù để hỗ trợ nhóm doanh nghiệp này nếu muốn thúc đẩy kinh tế tuần hoàn một cách thực chất..

Theo ông Ngọc, để kinh tế tuần hoàn thực sự phát huy hiệu quả, điều quan trọng là làm sao để những nội dung trao đổi tại diễn đàn không chỉ dừng lại ở lý thuyết hay khuyến nghị, mà có thể tiếp tục lan tỏa thông qua nhiều kênh truyền thông, tiếp cận được tới người dân và doanh nghiệp một cách thực chất. Việc thúc đẩy mô hình tuần hoàn cần được xem là một quá trình chuyển đổi tư duy lâu dài, trong đó chính sách, công nghệ và đổi mới sáng tạo chỉ có thể phát huy nếu gắn chặt với thực tiễn đời sống sản xuất. Từ đó, từng bước hình thành một nền nông nghiệp xanh, bền vững và có năng lực cạnh tranh cao hơn trên thị trường trong nước và quốc tế.

Cần sự phối hợp nhà nước - doanh nghiệp - nông dân - thị trường

Phát biểu tại Diễn đàn, Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo, Chủ tịch VSTA, Chủ tịch ThaiBinh Seed nhận định, ngành lúa gạo là một trong những trụ cột quan trọng của nền nông nghiệp Việt Nam.

ongbao.jpg
Anh hùng Lao động Trần Mạnh Báo, Chủ tịch VSTA, Chủ tịch ThaiBinh Seed nhận định, ngành lúa gạo là một trong những trụ cột quan trọng của nền nông nghiệp Việt Nam.

Theo đó, không chỉ góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, ngành lúa gạo còn đóng vai trò to lớn trong phát triển kinh tế và khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS vừa qua tại Cộng hòa liên bang Brazil, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp gỡ và làm việc với lãnh đạo nhiều quốc gia. Trong đó, lãnh đạo các nước như Brazil, Indonesia, Malaysia,... đều bày tỏ mong muốn Việt Nam duy trì ổn định xuất khẩu lúa gạo cho họ.

Điều này khẳng định rằng, lúa gạo Việt Nam không chỉ đóng vai trò then chốt trong việc bảo đảm an ninh lương thực trong nước, mà còn là công cụ ngoại giao và là thành tố quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là một niềm tự hào cho Việt Nam và ngành lúa gạo nước nhà. Tuy nhiên, để ngành lúa gạo thực sự trở thành một ngành kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm.

Đặc biệt theo ông Trần Mạnh Báo, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên, chi phí đầu vào tăng cao và yêu cầu ngày càng khắt khe từ thị trường quốc tế, phát triển ngành lúa gạo theo hướng tuần hoàn – bền vững – xanh là con đường tất yếu. Mô hình này không chỉ giúp giảm chi phí sản xuất, tận dụng phụ phẩm, mà còn gia tăng giá trị, giảm phát thải, bảo vệ môi trường và nâng cao thu nhập cho người trồng lúa.

khachmoi5 (1)

“Không thể nói là phụ phẩm mà phải nói là tài nguyên”, ông Báo nhấn mạnh. Đồng thời chia sẻ thực tế, tại Việt Nam hiện nay đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp mang lại hiệu quả tích cực.

Trong ngành lúa gạo, có thể kể đến một số mô hình tiêu biểu như: Mô hình sản xuất lúa - cá - vịt ở ĐBSCL, giúp tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi và kiểm soát sâu bệnh sinh học; Mô hình thu gom rơm rạ để trồng nấm, sản xuất phân hữu cơ, làm chất đốt thay thế nhiên liệu hóa thạch tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung.

Bên cạnh đó, một số hợp tác xã ở Thái Bình, An Giang, Đồng Tháp đã ứng dụng canh tác hữu cơ, sử dụng chế phẩm vi sinh và tái tạo phụ phẩm sau thu hoạch, hướng đến tiêu chuẩn gạo sạch, gạo hữu cơ.

Tuy nhiên, Chủ tịch ThaiBinh Seed cũng thẳng thắn, phần lớn các mô hình này còn mang tính tự phát, thiếu liên kết vùng, thiếu cơ chế hỗ trợ đồng bộ về vốn, kỹ thuật và đầu ra thị trường. Việc phát triển tuần hoàn vẫn còn rời rạc, chưa hình thành chuỗi khép kín từ giống, canh tác, thu hoạch, chế biến đến tiêu thụ và tái tạo tài nguyên .

Ví dụ về các mô hình thực tiễn trong chuỗi ngành lúa gạo theo mô hình kinh tế tuần hoàn để nâng cao chuỗi giá trị, ông Trần Mạnh Báo cho biết, tái sử dụng phụ phẩm sau thu hoạch như: Rơm rạ làm thức ăn cho gia súc, phân compost hoặc viên nén sinh khối; Trấu để sản xuất than hoạt tính, vật liệu cách nhiệt, hoặc phân viên; Nước gạo, nước thải trong chế biến có thể xử lý thành nguồn dinh dưỡng cho nuôi cá hoặc làm men vi sinh phục vụ nông nghiệp sạch.

Hay việc xây dựng mối liên kết chặt chẽ trong chuỗi sản xuất – chế biến – tiêu thụ. “Từ các doanh nghiệp sản xuất giống, sản xuất gạo, đến chế biến và tiêu thụ, cần hình thành chuỗi giá trị liên kết khép kín. Phụ phẩm như cám gạo có thể được chế biến thành mỹ phẩm – mở rộng biên độ giá trị. Việc liên kết này giúp giảm chi phí, kiểm soát chất lượng, minh bạch truy xuất nguồn gốc vì những yếu tố này ngày càng quan trọng trong thương mại quốc tế”, ông Trần Mạnh Báo nhấn mạnh.

Đặc biệt nhấn mạnh tới ứng dụng công nghệ vào toàn bộ quy trình sản xuất, Chủ tịch ThaiBinh Seed nhận định, công nghệ bảo quản, sấy lúa hiện đại giúp giảm tổn thất sau thu hoạch. Công nghệ số hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, quản lý dữ liệu nông trại – nâng cao uy tín sản phẩm trên thị trường quốc tế. Các giải pháp công nghệ không chỉ tối ưu chi phí mà còn giảm phát thải khí nhà kính.

Đặc biệt, đầu tư vào chế biến sâu và công nghệ bảo quản hiện đại. Theo đó, thay vì chỉ xuất khẩu gạo thô, cần tập trung phát triển các dòng sản phẩm cao cấp từ gạo như: gạo dinh dưỡng, gạo hữu cơ, bánh, sữa gạo, mỹ phẩm,...

Từ thực tiễn của doanh nghiệp ThaiBinh Seed, ông Trần Mạnh Báo khẳng định: “Phát triển ngành lúa gạo theo mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ là hướng đi tất yếu để nâng cao giá trị chuỗi ngành hàng mà còn là giải pháp cốt lõi để xây dựng một nền nông nghiệp bền vững thân thiện với môi trường, đảm bảo sinh kế cho nông dân và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về lương thực trong tương lai. Để làm được điều đó cần có sự phối hợp đồng bộ giữa nhà nước – doanh nghiệp – nông dân – thị trường”.

Ông Trần Mạnh Báo đề xuất, thứ nhất, xây dựng một chương trình quốc gia phát triển ngành hàng lúa gạo theo mô hình kinh tế tuần hoàn, với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, HTX, nhà khoa học và nông dân.

Thứ hai, ưu tiên nghiên cứu và phát triển giống lúa phù hợp với sản xuất tuần hoàn: giống ngắn ngày, chống chịu tốt, giảm phát thải, sử dụng ít tài nguyên và có khả năng tạo giá trị từ phụ phẩm.

Thứ ba, hỗ trợ tín dụng, hạ tầng, chuyển giao kỹ thuật cho các doanh nghiệp và HTX trong thu gom, xử lý, tái tạo phụ phẩm từ sản xuất lúa.

Thứ tư, xây dựng các mô hình chuỗi khép kín từ giống - sản xuất - chế biến - phụ phẩm - tiêu thụ - tái tạo tài nguyên, có thể áp dụng rộng rãi và hiệu quả.

Thứ năm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào quy hoạch vùng nguyên liệu, mã số vùng trồng, và các chương trình xúc tiến thương mại gạo chất lượng cao.

Ông Nguyễn Hồng Phong, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc công ty CP công nông nghiệp Tiến Nông cho biết, ngay từ khi thành lập, Tiến Nông đã xác định chuyển đổi xanh không chỉ là xu hướng mà là sứ mệnh phát triển trong bối cảnh biến đổi khí hậu, khủng hoảng tài nguyên và yêu cầu ngày càng cao về thực phẩm sạch, nước sạch và môi trường sống lành mạnh.

khachmoi3 (1)
Ông Nguyễn Hồng Phong, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Tổng Giám đốc công ty CP công nông nghiệp Tiến Nông

Với tầm nhìn đó, Tiến Nông xác lập giá trị cốt lõi là “nông nghiệp bền vững - nông thôn văn minh - nông dân hiện đại” và không ngừng cải tiến, sáng tạo, dấn thân vào các mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, thân thiện với môi trường.

Từ những kinh nghiệm thực tiễn trong hành trình chuyển đổi xanh của Tiến Nông, ông Phong cho rằng, về nhận thức, kinh tế tuần hoàn là tất yếu để phát triển bền vững, tiết kiệm tài nguyên cho tương lai. Tiếp đó, là doanh nghiệp hoạt động trong ngành phân bón - công nghiệp đầu cuối tận dụng phế phụ phẩm với mục tiêu đến năm 2030 tận dụng được 45% phế phụ phẩm trong phân bón vô cơ và 90% trong phân bón hữu cơ.

Hiện nay, Tiến Nông đã thực hiện kiểm kê khí nhà kính và hiện đang trong quá trình trung hoà phát thải. Năm 2025 phấn đấu có nhà máy đầu tiên đạt trung hoà phát thải. "Tiến Nông phấn đấu xây dựng nhà máy mẫu về kinh tế tuần hoàn với nhận thức rác thải là tài nguyên" - ông Phong nói.

Chia sẻ tại phiên thảo luận, bà Bùi Thị Hạnh Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh Chế biến Nông sản Bảo Minh cho biết, để doanh nghiệp nông nghiệp không một mình trong quá trình chuyển đổi nông nghiệp bền vững và hướng đến mục tiêu gạo Việt Nam không chỉ ngon nhất mà cần sạch nhất thế giới.

bathanhhieu.jpg
Bà Bùi Thị Hạnh Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh Chế biến Nông sản Bảo Minh

Bà Hiếu cho rằng từ thực tiễn vùng nguyên liệu và thương mại, chúng tôi đề xuất cần hình thành rõ ràng mô hình liên kết 7 nhà, bao gồm: Nhà nước - quy hoạch vùng, đầu tư hạ tầng sản xuất & chế biến; Nhà khoa học chuyển giao kỹ thuật hữu cơ – truy xuất – đánh giá đất; Nhà tổ chức sản xuất là doanh nghiệp, đầu mối đơn hàng - phân phối; Nhà nông: sản xuất theo quy trình - minh bạch đầu ra; Nhà tiêu dùng – bán lẻ để tiêu thụ có trách nhiệm qua “Sổ Gạo”; Ngân hàng: tín dụng xanh, dài hạn cho vùng chuyển đổi; Truyền thông – giáo dục để kiến tạo tạo hành vi tiêu dùng minh bạch Mô hình này đã và đang được áp dụng thực tiễn, giúp chuỗi tuần hoàn không bị đứt gãy, đảm bảo lợi ích công bằng iữa nông dân – doanh nghiệp – người tiêu dùng.

Về kiến nghị chính sách giai đoạn 2025–2030, bà Hiếu đề xuất, cần có quy hoạch vùng nguyên liệu hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế, có đầu tư đồng bộ. Bên cạnh đó, xây dựng chương trình tập huấn và đào tạo nhân lực hiểu biết về nông nghiệp hữu cơ chuyên sâu, ngăn “chảy máu chất xám” và hỗ trợ vùng nguyên liệu có người giám sát đạt chuẩn lâu dài.

Bà Hiếu nhấn mạnh, cần có một chính sách mạnh mẽ, dài hạn, ổn định, để những người làm nông nghiệp có thể sống được - lớn được - lan tỏa được. Nền nông nghiệp Việt Nam cần được nuôi dưỡng bằng chính sách biết trân trọng người giữ đất.

Chia sẻ tại phiên thảo luận, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Doanh nghiệp xã hội GreenU, giảng viên quốc tế của CIRCO Hub Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng tư duy thiết kế và mô hình kinh doanh tuần hoàn ngay từ đầu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo bà Trang, CIRCO Hub Việt Nam được thành lập trong khuôn khổ dự án toàn cầu Go Circular, với sự hỗ trợ từ tổ chức GIZ (Đức), đại diện Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức (BMZ). Đây là nền tảng thúc đẩy và hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam tiếp cận phương pháp thiết kế kinh doanh tuần hoàn đến từ Hà Lan - một quốc gia đi đầu trong phát triển kinh tế tuần hoàn. Mục tiêu là xây dựng các mô hình kinh doanh sáng tạo, bền vững và có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước lẫn quốc tế.

bathutrang.jpg
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Doanh nghiệp xã hội GreenU, giảng viên quốc tế của CIRCO Hub Việt Nam

Bà Trang cho rằng, lý do cần thiết kế mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn ngay từ đầu là bởi nó giúp doanh nghiệp xác định được các cơ hội kinh doanh mới dựa trên nguyên tắc tái tạo và tối ưu hóa tài nguyên. Tư duy này không chỉ dừng ở việc tái sử dụng nguyên liệu hay kéo dài vòng đời sản phẩm, mà còn mở rộng sang toàn bộ hệ sinh thái sản xuất, từ thiết kế bao bì đến tổ chức chuỗi cung ứng. Việc tích hợp tư duy thiết kế tuần hoàn không chỉ giúp doanh nghiệp đáp ứng xu hướng tiêu dùng bền vững, mà còn tạo ra nền tảng cho sự phát triển lâu dài trong điều kiện thị trường thay đổi nhanh chóng và các tiêu chuẩn môi trường ngày càng khắt khe. Theo bà Trang, đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp nhỏ và vừa vừa tối ưu chi phí, vừa tạo ra sản phẩm có giá trị cao, lại vừa tiếp cận các thị trường như EU hay Hoa Kỳ - những nơi đặt yêu cầu rất cao về trách nhiệm môi trường.

Minh họa cho hiệu quả của mô hình này, bà Trang chia sẻ hai trường hợp doanh nghiệp điển hình. Lemit Foods đã áp dụng chiến lược tuần hoàn để tái sử dụng phụ phẩm từ nông nghiệp như vỏ mít, phát triển các sản phẩm thay thế như bột hạt mít, đồng thời cải tiến thiết kế bao bì thân thiện môi trường. Trong khi đó, Real Bean Coffee triển khai việc tái sử dụng bao bì, tái chế bã cà phê và thiết lập điểm thu gom tại các vùng nguyên liệu. Dù còn gặp nhiều khó khăn về logistics và nguồn lực, cả hai đều cho thấy kinh tế tuần hoàn có thể mang lại hiệu quả rõ rệt về kinh tế, môi trường và hình ảnh thương hiệu. Từ những kết quả thực tiễn đó, bà Trang nhấn mạnh rằng kinh tế tuần hoàn không chỉ dừng ở những cải tiến kỹ thuật, mà còn là nền tảng giúp doanh nghiệp chuyển đổi toàn diện mô hình kinh doanh. Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đây là chìa khóa để tăng cường khả năng thích ứng, nâng cao năng lực cạnh tranh và từng bước bước vào các chuỗi cung ứng toàn cầu một cách bền vững.

Chia sẻ thảo luận với chủ đề về đào tạo nhân lực thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp, TS Vũ Duy Hoàng - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, ở cấp độ đào tạo chuyên sâu dài hạn cần xây dựng được đội ngũ chuyên gia, vận dụng được công nghệ, có kiến thức, đam mê sáng tạo, đặc biệt cần nuôi dưỡng đam mê cho các sinh viên, các nhân lực cho tương lai bền vững ngành lúa gạo.

ongduyhoang.jpg
TS Vũ Duy Hoàng - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam

“Tại Học viện nông nghiệp Việt Nam, chúng tôi có quy trình cải tiến nâng cao, xây dựng nhóm môn học cho các sinh viên, trong đó có nông nghiệp hiện đại, gồm nông nghiệp tuần hoàn. Để các sinh viên thấy rõ được vai trò, đam mê trong phát triển ngành nông nghiệp nói riêng và nông nghiệp tuần hoàn nói riêng”, ông Vũ Duy Hoàng chia sẻ. Đồng thời ông cho rằng cần thúc đẩy nữa là xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn đơn giản, dễ hiểu, dễ áp dụng để nông dân.

Phát biểu kết luận Diễn đàn, Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh, Diễn đàn nông nghiệp 2025 đã thu hút nhiều ý kiến trao đổi thảo luận thẳng thắn, trách nhiệm của đại diện cơ quan quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức nghiên cứu… và thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, xanh sạch và hiệu quả trong nông nghiệp, góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, các ý kiến trao đổi kiến nghị các cơ quan quản lý cần hoàn thiện cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý đảm bảo thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.

"Tất cả các ý kiến trao đổi tại diễn đàn ngày hôm nay sẽ được Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổng hợp để VCCI báo cáo các cấp có thẩm quyền" - Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.

Hạnh Hằng - Anh Trà - Tuấn Ngọc - Phương Hiền