Doanh nghiệp

DIỄN ĐÀN NÔNG NGHIỆP 2025: Kinh tế tuần hoàn - hướng đi tất yếu cho nông nghiệp bền vững

Bài: Thanh Trà - Ảnh: Tuấn Ngọc 16/07/2025 15:14

Kinh tế tuần hoàn là hướng đi tất yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh nông nghiệp, cần chính sách đồng bộ và liên kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp, nông dân, nhà khoa học và nhà đầu tư.

Đây là chia sẻ của ông Hà Văn Thắng - Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam (VCAC), Chủ tịch HĐQT Công ty CP T&T 159 tại Diễn đàn Nông nghiệp 2025 với chủ đề thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ đạo, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 16/7/2025.

ongthang (2)
Ông Hà Văn Thắng - Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam (VCAC), Chủ tịch HĐQT Công ty CP T&T 159 nhấn mạnh mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đã trở thành xu thế tất yếu trong bối cảnh hiện nay.

Theo ông Thắng, trong bối cảnh nền nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước yêu cầu phát triển bền vững, thân thiện với môi trường và hội nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, mô hình kinh tế tuần hoàn đã và đang trở thành xu hướng tất yếu. Đây là mô hình sản xuất hướng tới khép kín, tận dụng tối đa tài nguyên và tái chế phụ phẩm, không chỉ giúp tiết giảm chi phí mà còn tăng năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm và bảo vệ môi trường. Việc triển khai kinh tế tuần hoàn sẽ là một trong những động lực giúp ngành nông nghiệp Việt Nam chuyển đổi sang mô hình phát triển hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Việt Nam hiện có hơn 60% dân số sống ở khu vực nông thôn và nông nghiệp vẫn là ngành sản xuất chủ lực. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp còn dựa nhiều vào mô hình truyền thống, khai thác tài nguyên theo chiều rộng, phát thải lớn và dễ bị tổn thương trước tác động môi trường. Trong khi đó, nông nghiệp tuần hoàn vận hành theo chu trình khép kín, giúp tiết kiệm vật tư đầu vào, tái tạo tài nguyên tại chỗ và nâng cao hiệu quả sử dụng đất, nước, giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi...

Ông Thắng dẫn chứng, Quyết định số 540/QĐ-TTg ngày 19/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển và ứng dụng chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030 đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, ít nhất 20% nhiệm vụ khoa học trong nông nghiệp sẽ gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn. Theo ông, đây là một nền tảng quan trọng về chính sách, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư công nghệ, đổi mới mô hình sản xuất phù hợp với định hướng phát triển xanh.

Trong thực tế, theo ông Thắng, thời gian qua, một số doanh nghiệp và nông hộ đã chủ động áp dụng kinh tế tuần hoàn vào sản xuất. Tại nhiều địa phương, rơm rạ và chất thải chăn nuôi đã được tận dụng để sản xuất phân bón hữu cơ thông qua chế phẩm vi sinh, hỗ trợ canh tác lúa và rau màu theo hướng hữu cơ. Các mô hình này giúp tiết giảm chi phí đầu vào, đồng thời nâng cao giá trị đầu ra thông qua việc tạo ra sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường.

Một số mô hình khác sử dụng dịch vụ cơ giới để thu gom rơm rạ làm nguyên liệu sản xuất nấm, thức ăn chăn nuôi và phân hữu cơ đã cho thấy hiệu quả tích cực tại vùng trung du, đồng bằng Bắc Bộ và Tây Nam Bộ. Việc tái sử dụng phụ phẩm đã giúp tăng thu nhập từ sản xuất lúa gạo lên khoảng 15% so với phương thức sản xuất tuyến tính truyền thống.

Bên cạnh đó, các mô hình chăn nuôi tuần hoàn cũng đang được triển khai tại Phú Thọ, Hưng Yên, Tuyên Quang, Lào Cai, Hà Nội…, trong đó phụ phẩm như thân cây ngô, sắn, đậu, lạc được ủ chua làm thức ăn cho gia súc. Phân thải từ chăn nuôi sau đó được xử lý bằng sinh học để tái sử dụng cho trồng trọt. Nhờ vậy, giá thành thức ăn giảm, hiệu quả kinh tế tăng từ 10% đến 15% so với chăn nuôi truyền thống.

Tuy nhiên, ông Thắng cũng chỉ ra nhiều rào cản còn tồn tại trong triển khai kinh tế tuần hoàn ở nông nghiệp. Thứ nhất là thiếu cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích và bảo vệ mô hình kinh tế tuần hoàn. Hiện chưa có các quy định riêng biệt cho lĩnh vực này, trong khi nhiều mô hình sản xuất vẫn bị áp dụng những quy định lỗi thời không còn phù hợp.

Thứ hai là rào cản về vốn và công nghệ. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn chiếm tỷ trọng lớn trong ngành gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận vốn đầu tư vào công nghệ tái chế, xử lý chất thải. Bên cạnh đó, liên kết vùng và chuỗi giá trị chưa chặt chẽ, nhiều doanh nghiệp hoạt động đơn lẻ, thiếu hợp tác với nông dân và các bên liên quan.

Một rào cản nữa là tư duy sản xuất tuyến tính vẫn còn phổ biến. Nhiều nông dân vẫn chạy theo lợi nhuận trước mắt, sử dụng hóa chất, phân bón hóa học, thuốc trừ sâu hay chất tăng trọng mà chưa quan tâm đến hậu quả lâu dài. Trong khi đó, sản xuất tuần hoàn đòi hỏi tư duy hệ thống, đầu tư dài hạn và thay đổi cách tiếp cận trong quản trị sản xuất.

“Để kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp trở thành xu thế chủ đạo, cần sớm hình thành một hệ sinh thái chính sách đồng bộ, bao gồm các cơ chế hỗ trợ tài chính và tín dụng xanh; ưu đãi thuế và đất đai cho doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất sạch, tuần hoàn; phát triển hạ tầng vùng sản xuất tập trung; hoàn thiện tiêu chuẩn, quy trình và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đào tạo nhân lực và thúc đẩy kết nối thị trường” - ông Thắng cho biết.

toancanh (1)
Toàn cảnh Diễn đàn Nông nghiệp 2025 với chủ đề "Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ đạo, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 16/7/2025.

Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết của cơ chế thử nghiệm linh hoạt đối với các mô hình đổi mới sáng tạo ở quy mô nông hộ, trên nguyên tắc “tiền đăng, hậu kiểm”. Theo đó, các sáng kiến sản xuất tuần hoàn được phép triển khai thí điểm trong thời gian nhất định, không bị áp dụng ngay các quy định hành chính cứng nhắc, nhằm khuyến khích các sáng kiến mạnh dạn thử nghiệm những cách làm mới.

Một nội dung khác được ông Thắng đề cập là vai trò của chương trình khuyến nông trong việc chuyển giao công nghệ sản xuất tuần hoàn. Đặc biệt là các giải pháp tái chế phụ phẩm ngành lúa gạo như rơm, rạ, vỏ trấu… để tạo ra phân hữu cơ vi sinh, thức ăn chăn nuôi, giá thể trồng nấm hay đệm lót sinh học. Ông Thắng cho rằng: “Mọi tiêu chuẩn kỹ thuật cần được xây dựng theo hướng dễ hiểu, dễ áp dụng, để người nông dân có thể tham gia một cách chủ động và thực chất”.

Ông Hà Văn Thắng khẳng định kinh tế tuần hoàn không còn là lựa chọn, mà đã là yêu cầu bắt buộc để nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo giá trị gia tăng bền vững cho nông nghiệp Việt Nam. Để hiện thực hóa điều này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp, nông dân, giới khoa học và nhà đầu tư. Trong đó, hành động trực tiếp từ người dân làm nông nghiệp - những người đứng đầu chuỗi sản xuất sẽ có vai trò quyết định trong việc xây dựng một nền nông nghiệp tuần hoàn, xanh và hiện đại.

Bài: Thanh Trà - Ảnh: Tuấn Ngọc