Doanh nghiệp bất động sản trở lại "đường đua"
Việc gần 2.800 doanh nghiệp quay lại hoạt động và hơn 2.500 doanh nghiệp mới được thành lập cho thấy niềm tin vào triển vọng thị trường bất động sản đang được khơi dậy trở lại.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, nửa đầu năm 2025 ghi nhận gần 2.800 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản quay lại thị trường, tăng 76% so với cùng kỳ năm trước.
Điểm sáng thị trường
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cũng tăng mạnh, với hơn 2.500 đơn vị, tổng vốn đăng ký trên 184.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 15% và 20% so với cùng kỳ. Trung bình mỗi tháng có khoảng 430 doanh nghiệp địa ốc được thành lập. Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn giảm gần 2%, còn khoảng 3.100 đơn vị.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), nhận định xu hướng quay lại thị trường xuất phát từ nhiều động lực như thông tin quy hoạch, đầu tư hạ tầng được thúc đẩy mạnh mẽ. Năm 2025, Bộ Xây dựng được phân bổ vốn hơn 100.000 tỷ đồng cho các dự án giao thông, mức cao nhất từ trước đến nay, bao gồm các dự án như cao tốc Bắc - Nam, sân bay quốc tế Long Thành, các tuyến vành đai, đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM.
Bên cạnh đó, chính sách cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính và chuyển đổi số hướng đến 100% dịch vụ trực tuyến cũng góp phần giảm chi phí, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.
Nguồn vốn đầu tư nước ngoài cũng là cú hích lớn. Trong 6 tháng đầu năm, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, FDI đăng ký vào lĩnh vực bất động sản đạt hơn 4,8 tỷ USD, gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2024. Ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc bộ phận Tư vấn kinh doanh CBRE, cho biết nhiều nhà đầu tư ngoại đang mở rộng vào các đô thị vệ tinh - nơi hạ tầng đang phát triển và quỹ đất còn lớn.
Thị trường cũng được hỗ trợ bởi mặt bằng lãi suất thấp và sự khởi động lại nhiều dự án, hoạt động mua bán sáp nhập (M&A), tuyển dụng, phân phối sản phẩm. Theo CBRE, 6 tháng đầu năm, Hà Nội có hơn 10.760 căn hộ sơ cấp, cao thứ hai trong vòng 5 năm, trong khi TP.HCM mở bán khoảng 1.400 căn, với tỷ lệ hấp thụ đạt khoảng 60% ở nhiều dự án.
Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), thị trường vẫn phụ thuộc lớn vào tín dụng ngân hàng khi tổng dư nợ tín dụng bất động sản tại TP.HCM đến cuối 2024 đã lên tới 1.085 triệu tỷ đồng, tăng hơn 13% so với năm trước. Đồng thời, tình trạng mất cân đối cung cầu vẫn tiếp diễn khi nhà ở cao cấp chiếm tỷ trọng lớn, trong khi phân khúc bình dân khan hiếm, khiến thanh khoản gặp khó.
Các chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp cần tái cấu trúc, tập trung vào phân khúc phù hợp với nhu cầu ở thực để hướng đến phát triển ổn định và lành mạnh hơn.
Chính sách hỗ trợ cần "đúng và trúng"
Sự phục hồi mạnh mẽ của doanh nghiệp bất động sản trong nửa đầu năm 2025 cho thấy thị trường đang dần thoát khỏi giai đoạn trầm lắng kéo dài trước đó. Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy các chính sách vĩ mô và định hướng đầu tư công vào hạ tầng trọng điểm bước đầu đã phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, sự phục hồi này vẫn chưa thật sự vững chắc khi vẫn còn những yếu tố rủi ro tiềm ẩn. Điểm đáng lưu ý là thị trường vẫn lệ thuộc quá lớn vào dòng vốn tín dụng ngân hàng. Dù mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm, nhưng nếu không có giải pháp phát triển các kênh huy động vốn trung - dài hạn như trái phiếu doanh nghiệp, quỹ đầu tư bất động sản, thị trường có thể tái rơi vào vòng xoáy mất thanh khoản khi tín dụng bị siết chặt.

Bên cạnh đó, thị trường vẫn thiếu sự cân bằng trong cơ cấu sản phẩm. Phân khúc nhà ở bình dân vốn đáp ứng nhu cầu thật gần như vắng bóng trên thị trường. Trong khi đó, phân khúc cao cấp vẫn chiếm ưu thế, tạo ra khoảng cách lớn giữa cung và cầu, làm tăng áp lực thanh khoản cho các chủ đầu tư. Tình trạng lệch pha này nếu kéo dài sẽ kìm hãm sự phục hồi thực chất và có thể khiến thị trường quay lại trạng thái đóng băng cục bộ ở một số phân khúc.
Vì vậy, dù các chỉ số tăng trưởng của doanh nghiệp bất động sản mang lại nhiều lạc quan, nhưng cần nhìn nhận đây là giai đoạn "ấm lên kỹ thuật" hơn là phục hồi toàn diện. Để đảm bảo thị trường phát triển bền vững, cần có sự điều tiết hợp lý về sản phẩm, mở rộng nguồn vốn phi tín dụng và tiếp tục cải cách thủ tục pháp lý - hành chính. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần tập trung đúng nhóm có khả năng phục hồi và đáp ứng nhu cầu thực của xã hội, thay vì dàn trải.