Sở Tài chính tỉnh Hưng Yên: Đổi mới tư duy thu hút đầu tư
Sở Tài chính tỉnh Hưng Yên đang từng bước chuyển mình, chủ động đổi mới tư duy và phương thức quản lý tài chính công, nhằm tạo nền tảng vững chắc cho môi trường đầu tư hấp dẫn và minh bạch.
Từ “quản lý” sang “đồng hành”
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Tải – Giám đốc Sở Tài chính Hưng Yên chia sẻ, " Hiện nay Sở đã thay đổi mạnh mẽ trong tư duy điều hành, chúng tôi không chỉ là cơ quan quản lý tài chính mà còn là người đồng hành cùng nhà đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp (HTDN) tháo gỡ khó khăn, minh bạch trong phân bổ nguồn lực và tạo điều kiện tối đa cho sự phát triển bền vững."

Sở đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, số hóa quy trình thẩm định dự án đầu tư công, chủ động phối hợp với các sở ngành để rút ngắn thời gian phê duyệt ngân sách, cấp vốn cho các dự án trọng điểm. Những cải tiến này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách mà còn tạo lòng tin đối với nhà đầu tư.
Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đầu tư từ lúc nghiên cứu, làm thủ tục đầu tư; cấp phép dự án; Cải cách TTHC, rút ngắn thời gian trong lĩnh vực cấp đăng ký kinh doanh; cấp chủ trương đầu tư; HTDN gia nhập thị trường, từ đó không ngừng nâng cao chỉ số Chính sách HTDN, tạo cạnh tranh bình đẳng không phân biệt doanh nghiệp lớn nhỏ trong thu hút đầu tư.
Qua đó, năm 2024 chỉ số Gia nhập thị trường đạt 7,48 điểm, tăng 0,58 điểm; Cạnh tranh bình đẳng đạt 6,24 điểm, tăng 0,36 điểm. Sở Tài chính đã xây dựng kế hoạch tham mưu cho tỉnh các giải pháp để tiếp tục nâng cao điểm 2 chỉ số trên, góp phần nâng cao chỉ số PCI cấp tỉnh các năm tiếp theo.
Song song, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài. Phối hợp sở ngành, địa phương tổng hợp vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, báo cáo UBND tỉnh để có giải pháp tháo gỡ thúc đẩy hoạt động kinh doanh đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Ngày 16/7, Hưng Yên tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp "Kết nối Thái Lan tại Hưng Yên năm 2025, khẳng định cam kết mạnh mẽ của tỉnh Hưng Yên trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt từ Thái Lan.

Tiến độ xây dựng dự án siêu thị Go! Hưng Yên đã nhanh hơn 5 tháng so với kế hoạch đề ra. Tỉnh Hưng Yên sẽ tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư phát triển tại Hưng Yên.
Động lực tăng trưởng từ các khu công nghiệp
Ông Tải cho biết, trong những năm qua, cùng với sự hỗ trợ từ Trung ương, 2 tỉnh Hưng Yên và Thái Bình cũ đã chủ động huy động nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp – dịch vụ. Sau khi hợp nhất, tỉnh Hưng Yên mới được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát huy lợi thế của cả hai vùng, đẩy mạnh thu hút đầu tư thông qua các dự án trọng điểm với các nhà máy tỷ USD tại Hưng Yên.

Nổi bật trong số đó là KCN VSIP Thái Bình cũ, đang được triển khai xây dựng với quy mô 333 ha, tổng vốn đầu tư hơn 4.900 tỉ đồng. Dự án do CTCP Phát triển đô thị và KCN Việt Nam – Singapore (VSIP) làm chủ đầu tư. Khởi công vào cuối tháng 3/2025, KCN này hứa hẹn trở thành đầu mối quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm nguồn thu ngân sách và việc làm cho địa phương.
Tại địa bàn Hưng Yên, KCN Dược – Sinh học với diện tích hơn 290 ha cũng đang được xúc tiến. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 3.800 tỉ đồng, kỳ vọng sẽ thu hút 80–90 doanh nghiệp trong lĩnh vực dược phẩm và sinh học ứng dụng, không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu. Khi đi vào hoạt động, KCN này sẽ tạo việc làm cho khoảng 18.000 lao động.
Đặc biệt, tỉnh Hưng Yên mới còn là nơi triển khai Dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG công suất 1.500 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỉ USD. Dự án do liên danh nhà đầu tư gồm: Công ty TNHH Tokyo Gas, Tập đoàn quốc tế Kyuden và CTCP Công nghiệp Trường Thành Việt Nam thực hiện. Dự kiến trong quý III năm 2025, nhà đầu tư sẽ nhận bàn giao đất và khởi công xây dựng các hạng mục chính như trung tâm điều hành, hạ tầng giao thông…
Dự án này không chỉ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia mà còn được kỳ vọng là "đòn bẩy" quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – công nghiệp của tỉnh, góp phần vào tăng trưởng GRDP, tạo việc làm và thu hút thêm nhiều nhà đầu tư mới.
Theo ông Tải, việc đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số trong 6 tháng cuối năm 2025 là hoàn toàn có cơ sở và có khả năng hoàn thành. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, quyết tâm cao, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và chính quyền các cấp trong tỉnh.
Cùng với giải pháp tổng thể ngành Tài chính đã đề xuất, cần có các giải pháp cụ thể trong thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng ở từng ngành, từng lĩnh vực, đặc biệt là tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, giải phóng mặt bằng (GPMB) để triển khai các dự án trọng điểm, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thu hút đầu tư ngoài ngân sách.
Đổi mới để kiến tạo niềm tin
Hưng Yên đang đặt mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp – dịch vụ của vùng Đồng bằng sông Hồng. Để đạt được mục tiêu đó, Sở Tài chính đóng vai trò then chốt trong việc phân bổ và huy động các nguồn lực cho hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, khu đô thị sinh thái.
Chúng tôi hiểu rằng: thu hút đầu tư không chỉ là cuộc đua về ưu đãi, mà còn là cuộc đua về thể chế và tư duy phục vụ.
Với định hướng “lấy nhà đầu tư làm trung tâm, lấy hiệu quả làm thước đo”, Sở Tài chính tỉnh Hưng Yên đang khẳng định vai trò không chỉ là người quản lý ngân sách mà còn là “kiến trúc sư tài chính” cho một môi trường đầu tư năng động và bền vững.
Định hướng tương lai - tầm nhìn chiến lược và quyết tâm bứt phá, Hưng Yên đang dốc toàn lực đẩy nhanh tiến độ triển khai 18 công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn, tạo cú hích mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Sự chuyển đổi sang mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đã và đang phát huy hiệu quả vượt trội, tạo ra cơ chế linh hoạt, chủ động trong việc rà soát, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thi công các công trình.
Trong số các dự án trọng điểm, 5 dự án giao thông nổi bật với vai trò then chốt trong việc định hình lại mạng lưới kết nối của tỉnh. Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn qua Hưng Yên, đang ghi nhận những bước tiến ấn tượng trong công tác GPMB. Hiện tại, 93,24% diện tích cần thu hồi đã được bàn giao cho chủ đầu tư với đất nông nghiệp và đất nghĩa trang cơ bản hoàn thành GPMB.
Song song đó, Dự án đường Tân Phúc – Võng Phan (giao ĐT.378) và Dự án xây dựng tuyến đường kết nối di sản văn hoá du lịch và phát triển kinh tế dọc sông Hồng cũng đang được đẩy mạnh, hứa hẹn mở ra những hành lang kinh tế, du lịch mới, giảm tải áp lực giao thông và thúc đẩy lưu thông hàng hóa, dịch vụ trong tỉnh.
Đặc biệt, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng (CT.08), đến nay, các địa phương đã phê duyệt và bồi thường hỗ trợ đất nông nghiệp đạt gần 97%, với gần 2.600 hộ gia đình đã nhận hỗ trợ, minh chứng cho nỗ lực không ngừng nghỉ của tỉnh.
Để giải quyết các vướng mắc trong công tác GPMB, Hưng Yên đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả, không ngừng rà soát, kiểm tra và kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện GPMB. Các địa phương đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư một cách minh bạch, đồng thời chi trả tiền bồi thường kịp thời, tạo niềm tin cho người dân.
Thể hiện sự quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị. Sau khi vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã liên tục tổ chức các phiên họp chuyên đề nhằm tháo gỡ những "nút thắt" cụ thể của từng dự án.
Ông Nguyễn Đức Tải Giám đốc Sở Tài chính Hưng Yên khẳng định, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong triển khai các thủ tục liên quan đến đầu tư, đất đai, GPMB.
Với sự chỉ đạo quyết liệt và những giải pháp đồng bộ, hiệu quả trong nhiều lĩnh vực công tác, cùng với tinh thần quyết tâm và sự đồng lòng của toàn thể Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, chính là động lực lớn nhất để tỉnh Hưng Yên mới hiện thực hóa khát vọng trở thành một tỉnh công nghiệp hiện đại, vươn mình trong kỷ nguyên dân tộc.