Hưng Yên: Nâng cao PCI cần những bước đi đột phá
Năm 2024, tỉnh Hưng Yên lần đầu tiên vươn lên vị trí thứ 10 trong bảng xếp hạng PCI, cho thấy thành quả từ những nỗ lực cải cách “không điểm dừng” của tỉnh trong những năm qua.
Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, PCI (Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) đã trở thành một trong những chỉ số quan trọng bậc nhất phản ánh chân thật nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc xây dựng môi trường đầu tư – kinh doanh minh bạch, hiệu quả.
Trong cuộc đua PCI vẫn đang nóng lên từng ngày, việc Hưng Yên lần đầu tiên vào Top 10 PCI toàn quốc là dấu mốc đáng tự hào. Tuy nhiên, để duy trì và tiến xa hơn, tỉnh cần những bước đi thực sự đột phá, mà trọng tâm chính là yếu tố con người.

“Thước đo” tinh thần cải cách
Theo đánh giá tổng quan của VCCI, đối với chất lượng điều hành cấp tỉnh năm 2024 của cả nước tiếp tục có xu hướng cải thiện. Việc tỉnh Hưng Yên đạt 70,18 điểm, xếp hạng 10/63 tỉnh, thành phố, đánh dấu bước nhảy vọt vượt bậc so với vị trí 53 vào năm 2020. Các chỉ số như Gia nhập thị trường, Tính minh bạch, Chi phí thời gian, Tiếp cận đất đai đều ghi nhận tăng hạng, thể hiện sự cải thiện đáng kể của các cấp chính quyền.
Theo Sở Nội vụ Hưng Yên, những cải thiện đáng kể về điểm số PCI là kết quả của hàng loạt hành động cải cách cụ thể, bắt đầu từ việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và cải thiện thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức. Trong năm 2023–2024, Hưng Yên đã triển khai mạnh mẽ nhiều giải pháp cải cách hành chính toàn diện. Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) của tỉnh đạt 89,84 điểm, tăng 12 bậc so với năm trước, vươn lên vị trí 14/63.
Đồng thời, chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) đạt 87,7%, xếp thứ 8 toàn quốc – một kết quả phản ánh trực tiếp sự thay đổi trong trải nghiệm thực tế của người dân và doanh nghiệp khi làm việc với cơ quan nhà nước.
Song song với cải cách thủ tục, tỉnh cũng chú trọng sắp xếp lại bộ máy hành chính, tinh gọn cấp xã và tăng hiệu lực kiểm tra, giám sát công vụ, tạo ra môi trường hành chính kỷ cương, minh bạch, lấy phục vụ làm trọng tâm thay vì quản lý theo cách truyền thống.

Ông Nguyễn Đức Kiền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, trong thời gian qua, Sở đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai. Trước hết, Sở đã chủ động tham mưu UBND tỉnh chuẩn hóa danh mục thủ tục hành chính, góp phần đồng bộ hóa quy trình giải quyết công việc, nâng cao tính minh bạch, rõ ràng trong thực thi công vụ.
Đồng thời, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), Sở đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận và xử lý hồ sơ. Hệ thống quản lý hồ sơ đất đai đã được tích hợp với nền tảng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, cho phép tiếp nhận và xử lý thủ tục nhanh chóng, hiệu quả.
Đặc biệt, việc ứng dụng phần mềm Vilis (Vietnam Land Information System) đã hỗ trợ tích cực trong việc số hóa hồ sơ địa chính, giúp thời gian xử lý thủ tục được rút ngắn từ 25% đến 50%, trong khi khối lượng công việc của cán bộ chuyên môn giảm từ 50% đến 70%.
Còn theo Sở Công thương, để đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư, Sở đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp như: tổ chức các phiên chợ, hội chợ tiêu thụ nông sản và sản phẩm OCOP; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; phát triển công nghiệp hỗ trợ và khuyến công; tuyên truyền thực thi các hiệp định thương mại tự do; phối hợp đẩy nhanh giải phóng mặt bằng cụm công nghiệp; tổ chức tập huấn kỹ năng quảng bá, xúc tiến thương mại, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư cho tỉnh.
Ông Vũ Quốc Nghị, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên cho biết, để nâng cao sự hài lòng của doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên nói chung và Lãnh đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp nói riêng đã chủ động, gần gũi và thường xuyên gặp gỡ các doanh nghiệp đã tạo ra một môi trường đầu tư thân thiện, cởi mở.
Bên cạnh đó, Lãnh đạo Ban đã chỉ đạo triển khai hàng loạt các giải pháp nhằm cải cách thủ tục hành chính, rà soát, kiến nghị phương án đơn giản hóa TTHC, giảm tối đa thời gian thực hiện TTHC thuộc lĩnh vực đầu tư, xuất nhập cảnh, quy hoạch và xây dựng. Những nỗ lực cải cách này đã hỗ trợ các dự án triển khai kịp tiến độ, giảm thiểu tối đa chi phí và thời gian chờ đợi của doanh nghiệp, đồng thời tạo nên một môi trường kinh doanh thông thoáng, khuyến khích nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Cải cách từ yếu tố con người
Theo cộng đồng doanh nghiệp, các chỉ số còn thấp điểm trong PCI 2024 như Chi phí không chính thức (7,30), Đào tạo lao động (6,36), Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự (7,65) chính là những điểm nghẽn cần phải được tỉnh cải thiện một cách nghiêm túc.
Do đó, muốn nâng cao chỉ số PCI một cách bền vững, cải cách phải bắt đầu từ yếu tố con người – từ tư duy đổi mới đến hành động quyết liệt của đội ngũ cán bộ, công chức ở mọi cấp.

Theo bà Phạm Thị Phương Hoa, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May Hưng Yên (HUGACO), trước hết, để giảm chi phí không chính thức, cần xây dựng môi trường làm việc “không tiếp xúc” cho cán bộ, công chức trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Quy trình xử lý thủ tục cần được công khai, số hóa và minh bạch đến từng bước. Cần xây dựng các cổng thông tin một cửa điện tử thân thiện, cho phép doanh nghiệp theo dõi trực tuyến tiến độ hồ sơ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tuân, Giám đốc công ty CP đầu tư khu công nghiệp Yên Mỹ (chủ đầu tư khu công nghiệp số 05) cho rằng, đối với chỉ số Đào tạo lao động, giải pháp cần thiết là liên kết giữa nhà nước – doanh nghiệp – nhà trường. Bởi một trong những yếu tố then chốt quyết định sự thành công của môi trường đầu tư là nguồn nhân lực.

Tuy nhiên, tỉnh Hưng Yên hiện đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng khi phải cạnh tranh rất lớn với các địa phương đang có tốc độ phát triển nhanh như Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình,… Đây là một thách thức lớn trong việc thu hút nhà đầu tư.
Do đó, tỉnh cần lập các tổ công tác đặc biệt để ghi nhận tình trạng thiếu hụt lao động trong quá trình tuyển dụng và thường xuyên kết nối với các doanh nghiệp để nắm bắt kịp thời nhu cầu lao động của họ. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần phối hợp với các cơ sở đào tạo để cung cấp nguồn lao động có kỹ năng phù hợp với yêu cầu của các ngành công nghiệp hiện đại.
Tất cả những nỗ lực trên chỉ thực sự đạt được nếu yếu tố con người, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo của tỉnh, các sở, ngành thể hiện quyết tâm cải cách một cách đồng bộ và hành động cụ thể. Khi mỗi sở, ngành đều coi PCI là thước đo chính mình, khi doanh nghiệp được coi là trung tâm của đối tượng phục vụ, khi minh bạch trở thành chuẩn mực, khi đối thoại doanh nghiệp trở thành văn hóa hành động, thì đó chính là những bước đi đột phá cần thiết để Hưng Yên không chỉ giữ vững vị trí trong Top 10, mà tiến vào nhóm dẫn đầu quốc gia về năng lực cạnh tranh.