Thủy sản Việt Nam “bội thu” từ thị trường Trung Quốc
Trong 6 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc đạt trên 1,1 tỷ USD, tăng gần 45% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc vượt Mỹ để trở thành thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất của Việt Nam.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), sự tăng trưởng mạnh mẽ này một phần đến từ nhu cầu tiêu dùng nội địa tại Trung Quốc đang phục hồi, trong khi chính sách thương mại của nước này tương đối ổn định, giúp doanh nghiệp Việt dễ lập kế hoạch sản xuất và ký kết hợp đồng dài hạn.
Trong khi đó, thị trường Mỹ, vốn là điểm đến truyền thống và có giá trị đơn hàng cao đang có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Sau khi ghi nhận mức tăng đột biến 61% trong tháng 5 (nhằm “né” chính sách thuế mới áp dụng từ 9/7/2025), xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đã giảm gần 18% trong tháng 6. Đáng chú ý, xuất khẩu tôm và cá ngừ giảm lần lượt 36% và 40%.
Tính chung, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ trong nửa đầu năm đạt 905 triệu USD, tăng gần 18% so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ hoạt động dồn đơn trước thời điểm áp thuế. Tuy nhiên, theo VASEP, nhiều nhà nhập khẩu Mỹ đang tỏ ra thận trọng trước các rủi ro chính sách, từ đó hạn chế khối lượng đơn hàng hoặc chỉ ký theo tháng.
Chuyển hướng và tái cấu trúc thị trường
Diễn biến này đặt ra yêu cầu cấp thiết cho doanh nghiệp Việt: đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường và tối ưu chuỗi cung ứng.
Theo bà Lê Hằng - Phó Tổng Thư ký VASEP, trong bối cảnh trật tự thương mại toàn cầu có nhiều thay đổi khó lường, doanh nghiệp cần nhanh chóng tái cấu trúc chiến lược xuất khẩu theo bốn trụ cột:
Thứ nhất, đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc quá lớn vào thị trường Mỹ; mở rộng thị phần ở các thị trường có hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EU, Hàn Quốc...
Thứ hai, tối ưu hóa chuỗi cung ứng để giảm thiểu chi phí phát sinh và rủi ro logistics.
Thứ ba, chú trọng minh bạch truy xuất nguồn gốc và xuất xứ nguyên liệu. Đây là yếu tố then chốt trong bối cảnh các chính sách thuế đối ứng ngày càng gắn chặt với tiêu chí về nguồn gốc hàng hóa. Cần đảm bảo toàn bộ chuỗi cung ứng từ nguyên liệu, chế biến đến xuất khẩu được giám sát chặt chẽ, có hồ sơ đầy đủ để chứng minh xuất xứ hợp pháp, không có yếu tố “lẩn tránh thuế” hoặc “chuyển tải bất hợp pháp”.
Thứ tư, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số từ truy xuất nguồn gốc điện tử đến quản trị đơn hàng thông minh, nhằm tăng khả năng phản ứng nhanh với biến động chính sách và thị trường.
Doanh nghiệp phục hồi tích cực
Một số doanh nghiệp lớn đã ghi nhận kết quả tích cực trong nửa đầu năm. Đơn cử, Công ty cổ phần Nam Việt (ANV) đạt doanh thu hơn 73 tỷ đồng, tăng 96% so với cùng kỳ - mức cao nhất trong 10 năm. Lợi nhuận sau thuế đạt trên 12 tỷ đồng, hoàn thành 92% kế hoạch doanh thu cả năm và 71% mục tiêu lợi nhuận chỉ trong 6 tháng.
Đại diện doanh nghiệp cho biết, sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường Trung Quốc chính là động lực lớn giúp hoàn thành sớm kế hoạch tài chính. Đồng thời, công ty cũng mở rộng thị phần tại các quốc gia châu Á và Mỹ Latinh.
Tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt khoảng 4,4 tỷ USD, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2024. Mặc dù có dấu hiệu phục hồi, nhưng mức tăng này vẫn chưa trở lại đỉnh cao năm 2022, thời điểm ngành thủy sản ghi nhận mức tăng trưởng lịch sử.
Với động lực từ các thị trường như Trung Quốc và khối CPTPP, cùng với việc doanh nghiệp Việt ngày càng chuyên nghiệp hóa, chủ động thích ứng và đầu tư công nghệ, VASEP kỳ vọng ngành thủy sản sẽ giữ đà tăng trưởng trong nửa cuối năm, góp phần tạo đà phát triển bền vững cho năm 2026 trở đi.