Doanh nhân

Chiến lược “xanh hóa” toàn diện của Macstar

Thu Duyên thực hiện 18/07/2025 00:02

Macstar Group nổi lên như một hình mẫu về chuyển đổi xanh trong ngành logistics nội địa.

cap trong cuong

Với tư duy đột phá và hành động cụ thể – từ đầu tư đội tàu thân thiện môi trường đến tham gia thị trường tín chỉ carbon – doanh nghiệp này không chỉ đi đầu trong vận tải container thủy nội địa miền Bắc mà còn tiên phong kiến tạo hệ sinh thái logistics bền vững. Trong cuộc trao đổi, ông Cáp Trọng Cường – Tổng Giám đốc Macstar – chia sẻ những chiến lược then chốt, kỳ vọng hợp tác APEC và tầm nhìn đưa vận tải xanh Việt Nam sánh vai cùng khu vực.

- Macstar Group được biết đến là doanh nghiệp tiên phong trong vận tải container thủy nội địa miền Bắc. Ông có thể chia sẻ tầm nhìn chiến lược của Macstar trong phát triển chuỗi cung ứng xanh và giảm phát thải dài hạn?

Logistic xanh là xu thế toàn cầu, là điều kiện bắt buộc để hội nhập và không thể đảo ngược. Với mục tiêu phát triển bền vững là kim chỉ nam, MACSTAR đã và đang chuyển dịch định hướng kinh doanh, hướng tới xây dựng chuỗi cung ứng xanh, giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Chúng tôi đã và đang triển khai các tuyến vận tải ven biển, kết hợp với vận tải thủy nội địa – hình thức vận tải có mức phát thải rất thấp để bổ sung cho loại hình vận tải bộ - có mức phát thải rất cao nhằm đa dạng hóa loại hình vận tải, cung cấp ra thị trường sản phẩm vận tải chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của các khách hàng đến từ các thị trường cao cấp như Châu Âu, Mỹ, Nhật…

Hiện nay, Macstar đã triển khai các tuyến vận tải ven biển và nội địa kết nối Hải Phòng với Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa bằng đội tàu container chuyên dụng. Giải pháp này giúp giải tỏa áp lực giao thông đường bộ, tiết kiệm nhiên liệu và giảm chi phí logistics.
Qua kết quả thực tế vận hành, các tuyến vận tải ven biển & thủy nội địa này đã giúp giảm từ 70% - 83% phát thải CO₂ so với vận tải đường bộ truyền thống. Đội tàu được đóng mới với máy móc thế hệ mới đã giúp giảm chi phí nhiên liệu, qua đó giảm phát thải. Đồng thời, chúng tôi cũng đang từng bước chuyển sang sử dụng năng lượng sạch như LNG, điện và hydrogen, tích hợp hệ thống số hóa giám sát tiêu hao nhiên liệu và phát thải theo thời gian thực.

Macstar Ninh Bình 2
Macstar đã triển khai các tuyến vận tải ven biển và nội địa kết nối Hải Phòng với Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa bằng đội tàu container chuyên dụng.

- Ông đánh giá như thế nào về vai trò của công nghệ và số hóa trong nâng cao hiệu quả vận hành và giảm phát thải CO2 tại Macstar?

Chúng tôi đầu tư đội tàu hiện đại như tàu Macstar Ninh Bình, Macstar Nghi Sơn 180 TEUs –cấp SI/ SB, với thiết kế mới, tối ưu hóa thân tàu để giảm lực cản nước, tăng thể tích xếp hàng và tiết kiệm nhiên liệu. Hệ thống xử lý khí thải hiện đại và các cảm biến theo dõi phát thải CO₂ cũng được tích hợp, bảo đảm vận hành thân thiện môi trường.

Bên cạnh đó, Macstar triển khai hệ thống quy trình vận hành thông minh, phần mềm quản lý phương tiện và số hóa toàn bộ quy trình khai báo cảng, bốc dỡ hàng hóa. Nhờ vậy, năng suất xếp dỡ tăng 40–50%, thời gian tàu chờ giảm đáng kể, và lộ trình vận chuyển được tối ưu hóa để giảm phát thải trên mỗi tấn-km vận chuyển.

- Macstar đang triển khai chiến lược gì để tham gia thị trường tín chỉ carbon và bù đắp lượng phát thải còn lại?

Chúng tôi đang kết hợp với Viện Lâm Nghiệp Việt Nam (đơn vị tư vấn) thí điểm dự án trồng và cải tạo 500 ha rừng tại tỉnh Bắc Kạn (tỉnh Thái Nguyên mới) để tạo tín chỉ carbon, đồng thời liên kết với các vùng nông - lâm nghiệp giàu tiềm năng. Đây là bước đi chuẩn bị cho việc giao dịch tín chỉ carbon, góp phần hiện thực hóa mục tiêu Net-Zero.

Tuy nhiên, để doanh nghiệp vận tải có thể tham gia hiệu quả vào thị trường này, rất cần sự hỗ trợ về hành lang pháp lý rõ ràng, tài chính xanh và đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn về công nghệ môi trường. Chúng tôi kỳ vọng vào các chính sách minh bạch để khơi thông tiềm lực từ thị trường tín chỉ carbon trong nước và quốc tế.

- Macstar có hợp tác quốc tế nào trong vận tải xanh và kỳ vọng gì từ Kỳ họp ABAC III - APEC 2025?

Chúng tôi tích cực hợp tác với các đối tác quốc tế, tham gia diễn đàn trong khối APEC để học hỏi công nghệ xanh, kinh nghiệm vận hành tiêu chuẩn cao và mở rộng hợp tác đầu tư vào hạ tầng logistics bền vững.

Kỳ họp ABAC III – APEC 2025 là cơ hội quan trọng để cộng đồng doanh nghiệp thúc đẩy hợp tác thực chất, cùng xây dựng các chuẩn vận tải xanh và phát triển thị trường tín chỉ carbon. Qua đó, hình thành những liên minh chiến lược trong khu vực để hiện thực hóa mục tiêu trung hòa carbon và nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu cho các doanh nghiệp Việt Nam.

- Macstar chú trọng gì đến phát triển nguồn nhân lực và ông có thông điệp nào gửi đến cộng đồng doanh nghiệp APEC?

Nguồn nhân lực chất lượng cao được xác định là then chốt trong sự phát triển của doanh nghiệp trong kỷ nguyên số. Vì vậy, chúng tôi thường xuyên đưa nhân viên tham gia các khóa đào tạo chuyên môn, chuyên sâu, cùng với các chuyến đi học tập trong & ngoài nước. Thường xuyên tổ chức đào tạo, đào tạo lại các quy trình vận hành, số hóa quy trình và quản lý phát thải. Đồng thời, Macstar tham gia các chương trình tuyên truyền cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Với vị trí địa lý thuận lợi, hạ tầng đang được hoàn thiện và chính sách hỗ trợ ngày càng rõ ràng, Việt Nam đang mở ra cơ hội rất lớn cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực logistics xanh. Macstar sẵn sàng hợp tác cùng cộng đồng doanh nghiệp APEC để phát triển chuỗi cung ứng “xanh,” gắn với tín chỉ carbon, hướng tới mục tiêu Net-Zero và nâng cao vị thế Việt Nam trên bản đồ logistics quốc tế.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Duyên thực hiện