Tương lai logistics Việt Nam: Thách thức và cơ hội từ APEC
Với tầm nhìn chiến lược và những bước tiến mạnh mẽ trong phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ logistics, Việt Nam đang chuẩn bị cho một giai đoạn phát triển đầy tiềm năng.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, đã chia sẻ với Doanh Nhân về những tiềm năng và thách thức của ngành, cũng như các sáng kiến phát triển logistics và tiềm năng thu hút đầu tư từ các quốc gia APEC.
- Ông đánh giá thế nào về năng lực logistics của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập APEC và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu?
Việt Nam sở hữu một vị trí địa chính trị đặc biệt, nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới. Đây là nơi luồng hàng tập trung giao lưu mạnh mẽ, cùng với sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu và thương mại điện tử tại Việt Nam luôn ở mức hai con số, và ngành logistics đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2023, Việt Nam đứng thứ 43 trong chỉ số hiệu quả logistics (LPI), thuộc Top 5 ASEAN, bên cạnh các quốc gia như Singapore, Malaysia và Thái Lan. Tốc độ tăng trưởng logistics của Việt Nam đạt bình quân hàng năm từ 14-16%, giúp tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2024 đạt 786,29 tỷ USD… Tuy nhiên, ngành logistics Việt Nam vẫn còn tồn tại không ít hạn chế. Chi phí logistics của Việt Nam vẫn còn ở mức cao, chủ yếu do hạ tầng phân tán và thiếu liên kết. Chuyển đổi số trong logistics vẫn đang ở giai đoạn đầu, và việc kết nối giữa các doanh nghiệp logistics và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu còn yếu. Việc phát triển mạng lưới doanh nghiệp logistics lớn và có năng lực dẫn dắt thị trường cũng còn thiếu.

- Vậy những lĩnh vực nào trong logistics của Việt Nam đang có tiềm năng lớn để thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp APEC?
Phát triển hạ tầng logistics, đặc biệt là hệ thống trung tâm logistics và cảng biển, hiện đang là lĩnh vực có tiềm năng thu hút đầu tư lớn nhất. Chính phủ đã chú trọng phát triển những khu vực trọng điểm như Hải Phòng, Tây Ninh và TP. Hồ Chí Minh (bao gồm cả Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu trước đây).
Ngoài ra, các phân khúc như kho lạnh, kho thông minh, logistics hàng không và logistics xanh cũng đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt khi thương mại điện tử và xuất khẩu nông sản, thủy sản đang gia tăng. Điều này tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp APEC đầu tư vào lĩnh vực này.
- Chính sách của Chính phủ để nâng cao năng lực kết nối logistics liên vùng, liên quốc gia, đặc biệt tại các đầu mối trọng điểm như Hải Phòng, Lạng Sơn và Thành phố Hồ Chí Minh ra sao, thưa ông?
Chính phủ đang triển khai đồng bộ nhiều chính sách và giải pháp nhằm nâng cao năng lực kết nối logistics liên vùng và liên quốc gia. Mục tiêu là đưa Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Chính phủ sắp phê duyệt Chiến lược phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2025 - 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược này hướng đến phát triển các trung tâm logistics tại các đầu mối chiến lược như Hải Phòng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, và các khu vực khác gắn với hành lang kinh tế, cảng biển, cảng hàng không và cửa khẩu quốc tế.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng đang khuyến khích mạnh mẽ hình thức đầu tư công - tư (PPP) để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia vào các dự án hạ tầng logistics.
- Theo ông, những địa phương nào đang nổi lên như các trung tâm logistics mới bên cạnh các “cực tăng trưởng” truyền thống?
Ngoài các trung tâm truyền thống như TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng, và Đồng Nai, một số địa phương mới đang nổi lên như điểm sáng về logistics và xuất khẩu nhờ vào vị trí chiến lược và tốc độ phát triển hạ tầng nhanh chóng.
Quảng Ninh ở phía Bắc là một ví dụ điển hình. Với hệ thống cảng biển, cao tốc và cửa khẩu Móng Cái, Quảng Ninh đang trở thành đầu mối trung chuyển quan trọng giữa Việt Nam và Trung Quốc. Các tỉnh như Thanh Hóa, Huế, và Đà Nẵng cũng đang phát triển mạnh nhờ vào các khu công nghiệp và cảng biển hiện đại.
Bên cạnh đó, Tây Ninh, An Giang, và Cần Thơ ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang phát triển thành các trung tâm logistics nông sản - thủy sản, phục vụ xuất khẩu trực tiếp qua cảng biển và cửa khẩu với Campuchia.
- Bộ Công Thương kỳ vọng gì trong việc thu hút đầu tư từ cộng đồng doanh nghiệp APEC vào lĩnh vực logistics và công nghiệp hỗ trợ?
Với thị trường tiềm năng và vị trí chiến lược, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các doanh nghiệp APEC. Bộ Công Thương kỳ vọng thu hút các nhà đầu tư từ APEC với công nghệ tiên tiến để phát triển các trung tâm logistics vùng, cảng cạn, kho lạnh, và các dịch vụ vận tải đa phương thức.
- Ông muốn gửi gắm thông điệp gì tới các nhà đầu tư quốc tế tại Kỳ họp ABAC III - APEC 2025?
Việt Nam luôn sẵn sàng là cầu nối tin cậy giữa các nền kinh tế APEC. Chúng tôi cam kết cùng doanh nghiệp APEC xây dựng một chuỗi giá trị mạnh mẽ và bền vững. APEC 2025 là thời điểm để kết nối, hợp tác và phát triển lâu dài, và Việt Nam cam kết đóng góp tích cực vào hành trình đó.
- Trân trọng cảm ơn ông!