Nghiên cứu - Trao đổi

Lách khổ, né thuế: Cú chuyển luồng bất ngờ của thép Trung Quốc

Nguyễn Giang 18/07/2025 04:15

Thép cuộn cán nóng khổ rộng bất ngờ tăng nhập gấp 26 lần sau khi hàng khổ hẹp bị áp thuế. Các chuyên gia nhận định, những con số đang vạch trần lỗ hổng chính sách…

HRC khổ rộng “lách cửa” vào thị trường Việt

Số liệu thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 215.000 tấn thép cuộn cán nóng (HRC) khổ rộng – loại có chiều rộng từ 1.880 mm trở lên, tăng đột biến gấp 26 lần so với cùng kỳ năm trước (chỉ 8.000 tấn). Riêng lượng nhập từ Trung Quốc đã đạt 650.000 tấn, cao gấp 15 lần so với cùng kỳ 2024.

lach-kho-ne-thue-cu-chuyen-luong-bat-ngo-cua-thep-trung-quoc-2.jpeg
Thép cuộn cán nóng khổ rộng bất ngờ tăng nhập gấp 26 lần sau khi hàng khổ hẹp bị áp thuế. Ảnh minh hoạ

Đáng chú ý, diễn biến bất thường này xảy ra ngay sau khi Bộ Công Thương ban hành quyết định áp thuế chống bán phá giá tạm thời từ 23,58% đến 27,8% đối với thép HRC nhập khẩu có chiều rộng không quá 1.880 mm từ Trung Quốc. Vậy, vì sao trong khi hàng khổ hẹp bị siết chặt, thép khổ rộng lại ồ ạt đổ vào thị trường Việt Nam?

Chia sẻ với báo chí, TS Hoàng Ngọc Thuận (Đại học Ngoại thương) nhìn nhận, lượng thép HRC khổ rộng từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam tăng mạnh trùng với thời điểm sản phẩm khổ hẹp hơn bị áp thuế có thể là dấu hiệu đầu tiên của hành vi lẩn tránh thuế chống bán phá giá. Theo TS. Hoàng Ngọc Thuận, các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có quyền yêu cầu cơ quan quản lý mở cuộc điều tra nếu có nghi ngờ chính đáng.

Nhiều ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, động thái “chuyển khổ” này không phải điều mới lạ trong thương mại quốc tế, nhưng với tốc độ tăng vọt gấp hàng chục lần chỉ trong vài tháng, đây rõ ràng không còn là sự điều chỉnh ngẫu nhiên về kỹ thuật sử dụng.

Sản xuất nội bị ép, ngân sách mất hàng nghìn tỷ đồng

Theo tính toán, nếu áp mức thuế chống bán phá giá như với HRC khổ hẹp, lượng thép khổ rộng 215.000 tấn nhập về trong nửa đầu năm có thể đã đóng góp thêm khoảng 90 triệu USD – tương đương hơn 2.300 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.

Thay vào đó, khoản thuế khổng lồ này đã “rơi rụng” chỉ vì một sự khác biệt kỹ thuật vài chục milimet về chiều rộng. Hệ quả là sản phẩm thép HRC nội địa do các nhà máy lớn như Hòa Phát hay Formosa sản xuất đang bị đẩy vào thế cạnh tranh gay gắt, thậm chí thua ngay trên sân nhà.

lach-kho-ne-thue-cu-chuyen-luong-bat-ngo-cua-thep-trung-quoc-1.png
Doanh nghiệp nội phải gồng mình sản xuất với chi phí cao, trong khi hàng nhập chỉ cần “né khổ” là có thể tràn vào với giá rẻ, làm méo mó thị trường và triệt tiêu động lực đầu tư. Ảnh minh hoạ

Theo Ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), ngay từ thời điểm Bộ áp thuế tạm thời với thép HRC chiều rộng không quá 1.880 mm, thị trường đã ghi nhận xu hướng dịch chuyển mạnh sang nhập khẩu thép khổ 1.900–2.000 mm. “Sản phẩm này nằm ngoài phạm vi áp thuế, nhưng mục đích sử dụng, giá cả và đối tượng nhập khẩu không hề thay đổi”, ông Trung nói.

Cũng trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh câu chuyện này, luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty Luật L&A Legal Experts cho rằng, chính sách thuế hiện hành đang bị “vô hiệu hóa” bởi biến thể kỹ thuật, dù mục tiêu cuối cùng của thuế chống bán phá giá là bảo vệ sản xuất trong nước và chống lại sự phá giá từ bên ngoài.

Bởi, thép khổ rộng có thể được xẻ nhỏ để dùng thay thép khổ hẹp. Cũng chính vì vậy, nếu không mở rộng phạm vi điều tra và cập nhật kịp thời danh mục chịu thuế, thì các dòng hàng này sẽ tiếp tục “hợp pháp hóa” hành vi né thuế.

Nhìn từ góc độ cạnh tranh, luật sư Lê Thị Nhung thẳng thắn cho rằng, điều này tạo ra một sân chơi lệch lạc. Doanh nghiệp nội phải gồng mình sản xuất với chi phí cao, trong khi hàng nhập chỉ cần “né khổ” là có thể tràn vào với giá rẻ, làm méo mó thị trường và triệt tiêu động lực đầu tư.

“Khi chỉ vài milimet về chiều rộng có thể làm “bốc hơi” hàng nghìn tỷ đồng thuế nhập khẩu và khiến các nhà máy trong nước mất thị phần, thì đó không chỉ là chuyện của kỹ thuật, mà là hồi chuông cảnh báo cho chính sách. Cần nhanh chóng bịt lỗ hổng và xây dựng hàng rào thương mại đủ linh hoạt để phản ứng kịp với thực tiễn thị trường” luật sư Nhung kiến nghị.

Được biết, từ cuối tháng 4, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) đã gửi văn bản đến Cục Hải quan đề nghị tăng cường giám sát và kiểm tra kỹ lưỡng hoạt động nhập khẩu nhóm hàng thép HRC có khổ lớn hơn 1.880 mm.

Theo Cục Phòng vệ thương mại, ngày 21/2/2025, Bộ Công thương ban hành Quyết định 460 áp dụng thuế CBPG tạm thời đối với một số sản phẩm thép cán nóng có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc. Sau đó, cơ quan này đã nhận được phản ánh từ Hiệp hội Thép Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất trong nước về việc có sự gia tăng đáng kể lượng nhập khẩu thép cán nóng khổ rộng từ trên 1.880 - 2.000 mm (nằm ngoài phạm vi áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời).

Cục Phòng vệ thương mại đề nghị Cục Hải quan xem xét có biện pháp tăng cường giám sát các lô hàng nhập khẩu sản phẩm thép cán nóng được kê khai có khổ rộng lớn hơn 1.880 mm để hạn chế khả năng gian lận của thương nhân thông qua việc khai sai kích thước sản phẩm nhằm lẩn tránh thuế chống bán phá giá.

Nguyễn Giang