Gỡ khó cho hộ kinh doanh: Cần một hành lang pháp lý “vừa vặn” cho từng nhóm hộ
Hộ kinh doanh đang bước vào thời kỳ chuyển đổi thuế quan trọng. Nhưng để hành trình ấy suôn sẻ, họ cần hơn một quy định, đó là sự đồng hành đúng cách…
Chưa khi nào hộ kinh doanh nhỏ lại đối diện cùng lúc nhiều thay đổi như hiện nay. Từ việc chấm dứt thuế khoán, áp hóa đơn điện tử theo doanh thu, đến yêu cầu mở tài khoản riêng, siết nghĩa vụ qua sàn thương mại điện tử… tất cả đều hướng đến một mục tiêu chung: chống thất thu, minh bạch hóa nguồn thu từ khu vực phi chính thức.
Nhưng câu hỏi không nằm ở chỗ “có cần làm không?”, mà ở chỗ “làm thế nào, với ai, vào thời điểm nào?”.

Theo ngành thuế, Việt Nam hiện có hơn 5,2 triệu hộ kinh doanh. Trong đó, khoảng 3,6 triệu hộ đã được quản lý thuế đến cuối năm 2024. Tính đến ngày 20/6/2025, khoảng 45.247 hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng trở lên đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử – một con số còn khiêm tốn so với mục tiêu quản lý toàn diện.
Theo các chuyên gia, việc yêu cầu kê khai thuế, lập hóa đơn điện tử, phân luồng dòng tiền qua tài khoản riêng là hoàn toàn hợp lý trong dài hạn. Nhưng trong ngắn hạn lại đang chạm tới ranh giới chịu đựng của rất nhiều hộ nhỏ. Bởi, không phải ai cũng có đủ kỹ năng số, hiểu biết pháp lý và chi phí vận hành để thích ứng tức thì với cơ chế quản lý kiểu doanh nghiệp.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty Luật L&A Legal Experts cho rằng, việc chuyển đổi từ thuế khoán sang kê khai không chỉ là thay đổi kỹ thuật, mà là một bước chuyển thể chế, đòi hỏi tư duy chính sách thấu đáo. “Không thể dùng cùng một khuôn quản lý để áp lên cả hộ kinh doanh doanh thu chục tỷ lẫn người bán bún riêu đầu ngõ. Nếu không thiết kế chính sách mềm, hàng loạt hộ nhỏ sẽ chọn cách ngừng hoạt động hoặc chuyển sang phi chính thức”, bà Nhung thẳng thắn.
Bên cạnh đó, luật sư Nhung cảnh báo thêm về khoảng trống pháp lý trong quản lý dữ liệu số. Chưa có quy định rõ về chuẩn chia sẻ dữ liệu giữa các bên: thuế – ngân hàng – sàn TMĐT – cá nhân kinh doanh.
“Chính sách hiện nay đang đi trước hạ tầng và hành lang pháp lý. Nếu không có bước đệm phù hợp, chính nó sẽ tạo ra sự bất bình đẳng và phản ứng tiêu cực từ những người đang muốn tuân thủ”, luật sư Lê Thị Nhung nói.
Góp ý thêm góc nhìn từ thực tiễn, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đại La cho rằng, chuyển đổi chỉ bền vững nếu được phân loại theo nhóm đối tượng. Luật sư Biên nhấn mạnh, với những hộ nhỏ, nên áp dụng chính sách nương nhẹ: miễn xử phạt vi phạm lần đầu, hỗ trợ chi phí chuyển đổi, hướng dẫn kê khai…
“Không nên nhìn hộ kinh doanh như một khối đồng nhất. Phải phân nhóm theo quy mô, lĩnh vực và mức độ sẵn sàng kỹ thuật, từ đó mới xây được chính sách “vừa vặn” thay vì áp đặt đại trà”, luật sư Nguyễn Đức Biên nhấn mạnh.