Kinh tế địa phương

Cơ hội để TP HCM “vẽ lại” bản đồ phát triển công nghiệp

Đình Đại 18/07/2025 08:46

Đó là khẳng định của TS Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 tại Tọa đàm “Động lực phát triển công nghiệp TP HCM từ tiềm năng đến hành động”.

5 nhóm giải pháp trọng tâm

Phát biểu tại Tọa đàm, Giám đốc Sở Công thương TP HCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho rằng, với vai trò là trung tâm kinh tế, công nghiệp và đổi mới sáng tạo hàng đầu của cả nước, TP HCM không chỉ là động lực hạt nhân cho ngành công nghiệp quốc gia mà còn là trung tâm logistics và hội nhập chuỗi giá trị toàn cầu của khu vực Đông Nam bộ.

ongvu.jpg
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công thương TP HCM phát biểu tại Tọa đàm.

Theo ông, Thành phố cần thiết phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng công nghiệp, từ cách tiếp cũ chuyển sang mô hình tích hợp chuỗi giá trị, phân vai trung tâm - vệ tinh, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ để hình thành cực sản xuất thông minh, xanh và sáng tạo.

Giám đốc Sở Công thương TP HCM Bùi Tá Hoàng Vũ cũng thẳng thắn nhìn nhận, công nghiệp TP HCM mặc dù đóng góp 30% GRDP và giữ vai trò đầu tàu nhưng vẫn đối mặt nhiều điểm nghẽn như: Chi phí logistics chiếm tới 16-20% giá thành sản phẩm, cao hơn mức trung bình khu vực. Quỹ đất công nghiệp sạch hạn chế, chi phí thuê đất cao.

Bên cạnh đó, công nghệ sản xuất của nhiều doanh nghiệp còn lạc hậu, tự động hóa thấp. Tác động từ chính sách thương mại quốc tế, như việc Mỹ áp thuế với hàng xuất khẩu từ Việt Nam, đòi hỏi doanh nghiệp nâng cao chất lượng và đổi mới.

Trước yêu cầu tái cấu trúc phát triển, Sở Công Thương TP HCM đã xác định 5 nhóm giải pháp trọng tâm để định hướng quy hoạch công nghiệp trong không gian phát triển mới.

Một là, phát triển hạ tầng công nghiệp - logistics - năng lượng đồng bộ. Cần ưu tiên xây dựng các khu công nghiệp chuyên ngành, công viên công nghệ, cụm logistics tích hợp quy mô lớn, sử dụng năng lượng xanh.

Hai là đổi mới công nghệ - chuyển đổi số - tự động hóa, đẩy mạnh sản phẩm công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, gắn với đô thị thông minh, chuyển đổi xanh và số hóa toàn diện.

Ba là thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp hỗ trợ. Ban hành cơ chế ưu đãi đầu tư cho vật liệu mới, linh kiện chiến lược, thúc đẩy nội địa hóa sản xuất.

Bốn là phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật cao nhằm kết nối doanh nghiệp với các trung tâm đào tạo, hình thành mạng lưới kỹ năng công nghiệp và logistics thông minh.

Năm là công nghiệp xanh và kinh tế tuần hoàn. Khuyến khích đổi mới công nghệ xử lý chất thải, tái chế, giảm phát thải carbon, tiến tới mục tiêu phát thải ròng bằng "0".

Công nghiệp mới phải gia tăng giá trị

toadam.jpg
Các đại biểu và chuyên gia chia sẻ tại Tọa đàm.

Phát biểu tại Tọa đàm, TS Trần Du Lịch - Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 cho rằng, TP HCM muốn đạt tốc độ tăng trưởng công nghiệp hai con số trong 5 năm tới thì không thể đi theo mô hình cũ. Theo ông, Thành phố cần phải làm bài toán ngược, hình dung Việt Nam năm 2030, 2045 sẽ là gì, từ đó xác định con đường hiện tại cần đi.

TS Trần Du Lịch cũng báo rằng, nếu TP HCM tiếp tục phụ thuộc vào lao động giá rẻ và mô hình truyền thống, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình là rất rõ ràng. Công nghiệp mới phải gia tăng giá trị, dựa trên chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao.

Ông cũng cho rằng, Thành phố cần tái phân bổ không gian, xây vành đai công nghiệp - dịch vụ - cảng biển. Ông cho rằng không gian mở rộng sau sáp nhập là cơ hội để TP HCM "vẽ lại bản đồ" phát triển công nghiệp.

“Với hơn 8.000ha đất công nghiệp hiện hữu và 1.000ha khu công nghệ cao, TP HCM cần phân bổ hợp lý thay vì dồn vào khu vực trung tâm. Do đó cần hình thành vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ kéo dài từ Bình Dương (cũ) xuống cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải. Đồng thời, nên phát triển khu thương mại tự do tại Cái Mép, giúp doanh nghiệp trong vùng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu hiệu quả hơn”, TS Trần Du Lịch đề xuất.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hồng Hải - Kiến trúc sư trưởng Tổng công ty Becamex IDC đã giới thiệu về quy hoạch hệ sinh thái khoa học công nghệ. Theo đó, quy hoạch khu vực phía Bắc TP HCM (khu vực tỉnh Bình Dương cũ) được tỉnh Bình Dương làm rất kỹ, chuyển sang mô hình phát triển theo chiều sâu, chủ động tìm các giải pháp để vượt qua "bẫy thu nhập trung bình".

Theo ông Hải, từ hơn 25 năm trước, tỉnh Bình Dương (cũ) đã hợp tác với các đôi tác Singapore để phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư. Khu vực phía Bắc TP.HCM (Bình Dương cũ) được quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông công cộng rộng khắp, các giải pháp năng lượng thông minh, xử lý rác bảo vệ môi trường, hình thành các TOD (phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng)...

“Ngay từ nhiều năm trước, Bình Dương đã có tầm nhìn, quy hoạch không chỉ riêng cho Bình Dương mà luôn gắn với TP HCM, vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Với quy hoạch đã được thông qua, TP HCM mới sẽ tạo nền tảng vững chắc cho phát triển, biến các ý tưởng, quy hoạch thành hiện thực, vượt qua được bẫy thu nhập trung bình...", ông Hải nhấn mạnh.

Đình Đại