Vận hành thí điểm thị trường carbon vào cuối năm nay
Hành lang pháp lý và hạ tầng kỹ thuật cần thiết sẽ được hoàn thiện để thị trường carbon có thể vận hành thử nghiệm vào cuối năm nay.
Ông Nguyễn Tuấn Quang - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Nông nghiệp và môi trường) đã thông tin tại diễn đàn Netzero Việt Nam 2025: thị trường carbon trong kỷ nguyên mới.
Theo kế hoạch, Việt Nam sẽ triển khai vận hành thử nghiệm thị trường carbon đến năm 2028 và vận hành chính thức, kết nối với thị trường carbon thế giới vào năm 2029.

Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Nghị định về sàn giao dịch carbon, tập trung quản lý và giao dịch các tín chỉ carbon trong nước theo tiêu chuẩn trong nước, đồng thời tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế. Tất cả tín chỉ này sẽ phải được đăng ký trên hệ thống thống nhất, bảo đảm quản lý tập trung và minh bạch.
Một bước quan trọng khác, theo ông Nguyễn Tuấn Quang là Nghị định về trao đổi quốc tế kết quả giảm phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon cũng đang Bộ Nông nghiệp và Môi trường xây dựng. Theo phân tích của Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, thực hiện giao dịch tín chỉ quốc tế có kèm điều chỉnh tương ứng thì lượng phát thải giảm của Việt Nam sẽ không còn được tính vào mục tiêu quốc gia mà sẽ chuyển sang phần đóng góp của nước mua. Do vậy, không có cơ chế quản lý chặt chẽ, chúng ta sẽ bị “mất phần” trong cam kết đã tuyên bố, ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng đạt được Netzero.
Thông tin thêm về thị trường carbon và giao dịch tín chỉ, ông Nguyễn Tuấn Quang lưu ý hai vấn đề.
Thứ nhất, mỗi loại tín chỉ carbon phải được tạo ra theo tiêu chuẩn và phương pháp tính toán cụ thể, đảm bảo minh bạch và tuân thủ đúng quy định.
Thứ hai, việc giao dịch các tín chỉ carbon bắt buộc phải có sự quản lý thống nhất của Nhà nước. Nếu không điều tiết tốt, 2 hệ lụy có thể xảy ra. Đó là, cam kết quốc gia về giảm phát thải sẽ không đạt được nếu tín chỉ bị bán ra nước ngoài không kiểm soát trong khi thị trường trong nước sẽ bị thiếu hụt nguồn cung tín chỉ cho các ngành đang cần thực hiện nghĩa vụ phát thải.
Đơn cử, từ năm 2026, các hãng hàng không của Việt Nam phải thực hiện nghĩa vụ cắt giảm phát thải. Theo tính toán, lượng tín chỉ carbon mà các hãng hàng không cần có thể lên tới khoảng 2,3 triệu tín chỉ. Nếu không dành một phần tín chỉ carbon để bù trừ cho các doanh nghiệp trong nước, các hãng hàng không sẽ buộc phải mua tín chỉ từ nước ngoài với giá cao hơn.

Ngoài hàng không, trong thời gian tới, vận tải biển cũng phải tuân thủ nghĩa vụ cắt giảm phát thải hay thực hiện cơ chế CBAM, các mặt hàng như sắt thép, xi măng khi xuất khẩu vào châu Âu từ năm 2026 sẽ bị áp hàng rào kỹ thuật liên quan tới phát thải carbon. Thực tế cho thấy, cần có sự điều tiết và quản lý chặt chẽ trong việc giao dịch tín chỉ carbon cho mục tiêu Netzero.
Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng tạo tín chỉ carbon từ ngành nông lâm nghiệp, nhất là hệ thống rừng ngập mặt. Bên cạnh đó, theo ông Lê Quang Linh - chuyên gia dự án giảm phát thải, tài chính xanh công ty CP khoa học và môi trường Giant Barb, có 4 lĩnh vực tiềm năng khác vừa giảm phát thải vừa tạo tín chỉ carbon. Đó là làm than sinh học (biochar) từ phế phẩm nông nghiệp như rơm, trấu, bã mía, vỏ cà phê, vỏ dừa…; thu hồi khí sinh học (biogas) từ chất thải chăn nuôi; thu hồi khí từ bãi rác để phát điện và đốt rác phát điện.
Trong các lĩnh vực trên, chương trình biogas cho ngành chăn nuôi Việt Nam đã được triển khai, phát hành khoảng 928.000 tín chỉ carbon/ năm với doanh thu chiếm khoảng 50% ngân sách chương trình. Các trang trại cá nhân cũng tiết kiệm chi phí đáng kể nhờ tự chủ nguồn điện từ biogas.
Trong khi đó, đốt rác phát điện - công nghệ phổ biến ở các nước phát triển, có khả năng giảm thể tích và khối lượng rác thải từ 90 - 95%, qua đó giảm khí metan phát sinh. Các nhà máy đốt rác vừa xử lý chất thải rắn vừa tạo ra năng lượng giúp lưới điện quốc gia giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Theo tính toán, Việt Nam có thể tạo ra 200MW điện từ 4.000 tấn rác thải/ngày.